Menu Close

Trinidad & Tobago – Xứ sở rừng mưa – Kỳ 3

Đi tìm loài chim biết múa – Khuya trong căn phòng nhỏ giữa rừng. Cái bóng đèn tròn trên trần nhà tự dưng bật sáng. Tôi giật mình tỉnh giấc, chút hoang mang và rồi tắt đèn ngủ tiếp. Chập sau, cái bóng đèn tròn lại bật sáng lần nữa. Tôi lừ đừ thức dậy, lầm bầm nhớ mình vừa OFF cái công tắc điện.

alt

Những tay cao thủ đang tác nghiệp trong khu rừng nhiệt đới:  Authur Morris, Andy Nguyễn và Sandesh.

Tôi xỏ dép, lẹp xẹp mở cửa phòng bước ra ngoài. Dáo dác nhìn quanh. Đêm rừng im ắng không bóng người. Không gian đen rang rảng hợp âm của lũ côn trùng, cóc nhái.

Tôi trở vô phòng, tắt đèn ru giấc.

Hơn nửa giờ sau… Và, lần này cái bóng đèn lại lần nữa thách thức sáng. Như có ai đó đã bật cái nút ON lên.

Tôi nằm căng mắt nhìn lên cái bóng đèn tròn trên trần. Nổi khùng. Và rồi tim loạn nhịp, chợt ngẫm: “Má ơi, chẳng lẽ trong phòng này có ma rừng!” Tôi lay gọi Andy đang thống thiết ngáy rền.

Hai cái đầu bù xù thập thò ra ngoài cửa phòng. Andy cẩn thận cầm theo cái tripod làm “vũ khí tự vệ”. Đêm rừng mênh mông. Tôi dỏng tai lắng tìm âm thanh của tiếng chân người. Có ma nào đâu, chắc nghe đọc audio truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn rồi bị ám ảnh. Andy làu bàu rồi nhắc chừng rằng 3 giờ sáng phải có mặt ở điểm hẹn, ráng ngủ. Tôi nghe tức và quả quyết rằng đã có ai đó đã bật đèn phòng mình đến 3 lần trong đêm.

Ấm ức, tôi thức luôn chờ đến giờ lên đường. Lởn quởn trong tâm trí một dấu hỏi to tướng!

3 giờ 15. Xe đến trễ 15 phút vì tài xế D-naturalist bị dị ứng, sưng cổ họng. Sớm, vẻ mặt nhà sinh vật học trông ủ rủ như thành phố buồn. 

Phái đoàn chia làm 2 xe. Hai chiếc mini bus và chiếc xe security chạy hàng ba làm rờ mọt. Tôi nhìn quanh, mấy vẻ mặt ngái ngủ đang gật gờ trên ghế xe. Bần thần với cơn nhức đầu, tôi mở cửa sổ hít thở không khí sớm mai.
Đoàn xe đuổi lao trên con đường đèo trong màn tối lờ mờ. Dân Trini lái xe “ẩu” có bằng cấp, Dave bảo vậy.

Hai chiếc xe đang chạy ngược chiều, bất chợt ngừng giữa dốc đèo. Hai tay tài xế ló đầu ra cửa xe trao đổi ngôn ngữ – một thói quen chào hỏi giữa đàng của dân đảo quốc Trini. Tôi hỏi D-naturalist sắc thái ngôn ngữ anh dùng nghe như một thổ ngữ biến thể với chút âm sắc Châu Phi. Dave cười và nói rằng tôi đã nhận xét rất đúng. Dave gốc Ấn, anh giải thích rằng một số người Trinidad gốc Ấn sử dụng tiếng Hindi hay còn gọi là tiếng Bhojpuri. Dựa trên ngôn ngữ chính là tiếng Anh và “biến thể” thành tiếng Anh lai Trinidad (Trinidadian Creole English).

alt

D-naturalist, nhà sinh vật học bản xứ bên chiếc mini bus

Vài giờ sau. Cơn mưa sớm giăng mờ cánh rừng. Đoàn người cồng kềnh chân máy, dụng cụ, ba-lô đội mưa lần theo con đường rừng. Authur Morris, tay cao thủ trong ngành nhiếp ảnh wildlife xuất hiện trong trang phục đi rừng, giày ủng cao, mũ sụp kín gáy cùng dàn ống kính, tripod. Tôi nhìn dòng chữ trên T-shirt ông mặc: “I’ll try to be nicer if you try to be smarter”, ngẫm cười thú vị. Bởi nơi ông luôn toát ra cái vẻ ngông nghênh đậm cá tính. Và sự biểu bày những suy tưởng lạ đời; ngạo ngữ đến bất kể cảm giác của người đối diện.

D-naturalist dẫn đầu. Đoàn người xuyên rừng trong ánh sáng mù mờ. Tôi đi cạnh Mark gấu. Tôi thích sự giản đơn ở phong cách xuề xòa của Mark. Ông chuyên ngành nghiên cứu điểu cầm học. Ông chia sẻ rằng trong trái tim ông, đam mê như một dòng sống cuộn chảy triền miên. Và đam mê đòi hỏi Mark phải đánh đổi và lựa chọn. Ông đã rời bỏ căn nhà nơi bãi biển Key West Florida tuyệt đẹp. Mười năm, Mark gấu nói thạo tiếng Hindi, ăn thức ăn bản xứ và ghiền uống rum như một Trini thực thụ. Mark uống rum sành điệu. Ông bảo các đảo quốc nói tiếng Anh, trong đó có Trinidad và Tobago nổi tiếng với các loại rượu rum đậm màu và đầy hương vị. Bởi những đặc tính lưu giữ được hàm lượng đường Molesses; vì rum là loại rượu được chưng cất từ nước cốt lên men của mía đường. Ông cho rằng phân loại rượu rum rất phức tạp và không dựa trên một tiêu chuẩn nào. Vì rum được định nghĩa theo nhiều quy định, luật lệ khác nhau từ những quốc gia sản xuất ra nó. Sự khác biệt là nồng độ tuổi, tuổi ủ rượu và các tên gọi của rượu. Mark gấu liệt kê một loạt tên rượu. Tôi nghe lùng bùng.

Dứt lời, Mark lấy từ trong ba-lô một bịch giấy, nheo mắt cười: “rum cake homemade tôi tự làm đấy, không say đâu”. Miếng rum cake chạm lưỡi, tôi chợt nghe khứu giác lưu luyến hương vị rum dịu ngọt.

Những bước chân đến gần với chuỗi thanh âm lạ thường. Đoàn người đang bước vào lãnh địa của loài Chim Râu Trắng (White-bearded Manakin). Tiểu đội xé lẻ tìm nơi ẩn nấp. Tôi chọn “trụ đồn” gần tiêu điểm sát gốc cổ thụ, hái mấy nhánh lá rừng “ngụy trang” trên “nòng súng”. Và rồi nằm rạp giữa những lớp đất đá rừng bắt đầu quan sát.

alt

Chim Râu Trắng (White-bearded Manakin) nổi tiếng với vũ điệu kỳ lạ

D-naturalist kể vào mùa tình, những chàng trống từ trên cành cao xuống gần rậm cây thấp để làm sàn diễn múa nhảy. Anh chỉ một khoảng đất bé tẻo, và giải thích rằng những chàng chim trống đã “dọn dẹp” những cành lá vương vãi để làm “sàn diễn”.

Trên một nhánh cây khô là sà mặt đất, một chàng “vũ công” đang biểu diễn những cái búng nhảy lạ mắt. Âm thanh của những tiếng bật cánh nghe như tiếng va chạm của hai trái banh bida bằng kim loại, hay tiếng popcorn nổ lách tách. Andy gọi tên loài chim này là “porcorn bird”. Loài chim ngộ nghĩnh này nổi tiếng về vũ điệu kỳ lạ. Dave bảo xứ Trinidad có những “sân diễn” lớn của những vùng rừng quy tụ đến hơn 70 “vũ công” chạy sô mỗi ngày.

Vài giờ với những chàng vũ công tí hon. Tôi nằm chịu đựng sự công kích của đám kiến và lũ muỗi rừng. Muỗi bâu đen cả vạt áo, châm chích xuyên qua lớp áo mũ, chui vào cả vớ. Giờ giải lao. Tôi vạch cây lá tìm loài cuốn chiếu rừng. Và cũng muốn thử qua loại “thuốc trị muỗi” công hiệu của loài khỉ Capuchin. D-naturalist cho biết loài cuốn chiếu rừng thường ẩn trên những tán cây cổ thụ. Nếu leo trèo giỏi như lũ khỉ thì may ra.

alt

Tác giả đang “phục kích” săn ảnh chim Râu Trắng

Chiều xuống. Xe rời cánh rừng già. Trên dốc đèo, tôi nhoài người ra cửa xe ghi nhận hình ảnh dân bản xứ bắt cua trên triền núi. Đoạn đèo hẹp, 2 xe trái chiều phải nhường nhau, nguy hiểm đến  dễ gây tai nạn lật xe, rớt xuống vực.

Một Trini xách bịch cua chào hàng. Tôi nhìn bầy cua rừng lổn ngổn trong cái bao. Sự cỗi cằn thể hiện trên từng vật vã đời riêng. Cái nghèo lang thang trong đời sống người dân xứ đảo. Dave cho biết tình trạng thất nghiệp và dư thừa nhân công vẫn là một trong những vấn đề dai dẳng nơi đây. Dân bản xứ yêu cầu chính phủ quốc hữu hóa các ngành công nghiệp sản xuất đường và dầu mỏ hiện đang thuộc quyền kiểm soát của các công ty nước ngoài. Dù rằng Trinidad và Tobago là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất vùng Caribbean, và đã sút kém hơn so với thời kỳ “bùng nổ dầu mỏ” trong khoảng giữa năm 1973 và 1983.

Ôi cái nghèo. Tôi chợt ngẫm về cái nghèo truyền kiếp của VN, gắn liền với khái niệm bất an, như một nguyên nhân giải thích số phận của một dân tộc.

alt

Tác giả trong rừng nhiệt đới

Đầu nhức như từng cơn địa chấn. Tôi hoa mắt. Lịch trình làm việc dày đặc, và mỗi ngày nhiều nhất chỉ 4 giờ đồng hồ để ngủ. Tôi chợt thèm một giấc ngủ sâu. Trên xe, câu chuyện loáng thoáng giữa Mark và D-naturalist về một nhà sinh vật học, đam mê nghiên cứu thái quá đến độ đãng trí. Mark kể về nhà sinh vật học với bộ dạng bất thường; và thói quen lạ thường là thích phiêu lưu vào rừng giữa đêm vắng. Câu chuyện về nhà sinh vật học khá “lập dị” cứ lẩn quẩn trong tôi suốt dọc đường về.

Khuya. Tôi bước lên cái nấc thang cuối, mò mẫm mở khóa phòng. Và, chợt dừng mắt, ngờ ngợ. Ở một góc rất khuất bên ngoài cánh cửa phòng ẩn giấu một cái công tắc điện. Tôi ngạc nhiên đưa tay bấm thử, và ngọn đèn trong phòng tôi bật sáng. Tôi chợt hiểu. Căn phòng tôi đang trọ là một căn hộ cũ được thiết kế đặc biệt dành cho nhà sinh vật học “kỳ quặc ” trên.

Và rồi, tôi bỗng giật thót người khi nghĩ đến người láng giềng bí ẩn cạnh phòng mình….

alt

Dân xứ đảo Trini bắt cua rừng trên triền núi

ĐMH
Website:www.hanhphoto.com