Menu Close

Mai Cua

Ðôi khi cuối tuần, tôi lên Worcester, ghé Nhà Hàng Phở Dakao của H., người bạn cũ thời Sài Gòn xưa. Tiệm có nhiều món ăn, nhậu hợp gu, mang lại hương vị những ngày rong chơi Phú Nhuận, Tân Ðịnh, Ðakao, Thủ Thiêm, Chợ Lớn… Tụi tôi dùng bữa trưa cho đến tối, 8 giờ, show Jazz live cho mỗi đêm thứ 7, vài người Sài Gòn ngày nào, ngồi nhâm nhi những bài pop 70. Nghe lửa già ấm áp kỷ niệm…

  1. đang làm gỏi khô bò đu đủ, cô gái bước vô:

– Dạ! chào mấy chú…cua tới! 5 bao cua, 3 con tôm hùm, chỗ quen, tặng thêm con cá 7 sọc…, cả thảy 50 đồng!

Cô gái mắt đen, mặt vuông, tóc cắt kiểu con trai, da trắng hồng, tươi cười.

– “Mai cua”! Bữa nay bán nhiều không? Cám ơn con cá nghen! Cho hoài!

  1. hỏi, bước tới lấy cua, trả tiền.

– Có gì đâu, cá tươi mà! Chú nướng lên nhậu luôn! Bye!

Cô gái thoáng ra cửa.

Vợ H:

– Con nhỏ dễ thương, vui vẻ, thật thà, chồng Mỹ già, gặp nhau ở SG, mang qua đây… xưa phụ bếp được mấy tháng, chồng mất việc, dọn đi xa … nghỉ luôn!

mai-cua
Hồ Đắc Vũ

Mai ở với mẹ trong căn chái lợp bao ny lông gá vô bên hông nhà sàn của người quen ở Rạch Ụ Cây, khu cầu Chà Và, gần khúc kênh đôi, Phạm Thế Hiển, quận 8.

Cũng như mẹ, Mai sống lê la ở mấy bến ghe chuyên chở trái cây, lúa gạo từ 5, 6 tuổi.

– Nhỏ! Ðem dưa lên!

Ghe kêu. Mai chạy xuống ghe, vác dưa lên.

– Ê! Kéo gạo coi!

Mai kéo bao gạo, bỏ lên cái cút kít 4 bánh tự làm từ thùng gỗ nước ngọt, chuyển ra xe lam.

Ðôi khi chủ ghe bầu, vui vẻ kêu Mai xuống quét sàn. Tối đó mẹ con vui vẻ bên nồi cơm trắng, khô cá khoai nướng, tàu hủ chiên chấm xì dầu. Những ngày ít ghe, Mai lội ra Chợ Cầu Ông Lãnh, đếm 2 chục cua luộc của người quen, không cần tiền thế chân, bỏ vô rổ, thêm muối tiêu, chục chanh, chục nĩa nhôm, chục dĩa nhựa đem xuống dọc bờ sông Bạch Ðằng, bán cho khách vãng lai hóng mát, hoặc du khách quanh khu Ðồng Khởi.

Năm đó Mai đã 18 tuổi, đen, xấu, ốm như khúc mía lau còi.

Chiều, mưa lớn, cả khu Bạch Ðằng ế ẩm, ông khách Mỹ du lịch bình dân ngồi xé khô mực  đưa tay:

– Hi! eh!

Mai từ bên kia chạy qua, trời mưa đường trơn, đôi dép nhựa sút ra, cô trợt chân, té nhào, 20 con cua ế trên chiếc rổ văng tứ tán, cô gượng đứng thất thần nhìn vốn liếng của mình bị những chiếc xe hơi cán nát. Mai dựa lưng tường khách sạn lạnh ngắt, thất vọng nghĩ tới số tiền vốn để hoàn trả cho 20 con cua!

– Hello!

– Hê! Hello!

Tay ai vỗ lên vai, Mai quay qua.

– You ok?

Ông khách du lịch gọi cua đưa Mai vào hàng hiên khách sạn,

-Ok! Ok!

Ông ta móc túi cho Mai 50 đô.

– Ok! Thanks!

Tay run run cầm món tiền quá lớn trong đời mình, Mai không kịp cám ơn ông khách, cô ngồi bệt xuống đất ôm mặt khóc… mưa ướt dầm tóc tai cô gái bất hạnh.

Công an phường cho Mai biết có người đàn ông Mỹ tên Thomas tìm.

– Nhưng em không quen ông Mỹ nào hết!

– Không quen sao ông í tìm?

Cô thoáng nhớ chuyện 50 đô, đứng dậy, thay áo, ra phường.

Ông Mỹ ân nhân hôm trước đang đứng trước mặt, ông ta chào Mai:

– Hi! Oh mine!

Công an:

– Không quen sao biết tên?

– Hai là Hi, tiếng Mỹ là chào. Mine là của tôi… không phải Mai.

Ông Mỹ, nói tiếng Việt:

– Tôi là Thomas, cô khỏe không?

Mai cười:

– Dạ khỏe! Thank you!

Công An:

– Không quen sao lói tiếng Mỹ?

– Cha ơi! Ai cũng biết thank you là cám ơn, goodbye là…

Ông Mỹ đưa cho cô mảnh giấy:

– Ðây là số phone và tên, địa chỉ của tôi, còn của cô?

Mai ẹo mình:

– Nguyễn Thị Mai, 155/13/7 quẹo trái. Phạm Thế  Hiển, quận 8… không có phone.

Ông Mỹ móc túi, đưa cái phone:

– Tặng cô. Sẽ liên lạc. Bye!

– Bye!

Mai chào, ông Mỹ lên taxi.

Qua liên lạc, Mai biết Ba của Thomas chết tại chiến tranh Việt Nam, Thomas là trung úy, bị thương và giải ngũ tại mặt trận Iraq, ông ta muốn cưới Mai làm vợ.

Mọi chuyện diễn biến nhanh, trong vòng 6 tháng, má Mai qua đời vì bệnh, năm sau Mai bỏ chái nhà sàn, bỏ bà con hàng xóm rạch Ụ Cây, qua Mỹ theo chồng.

Mai đáp xuống phi trường Logan, Boston.

Từ căn nhà nhỏ, một phòng ngủ, vùng biển Lynn, 20 miles, Tây Bắc Boston, Mai bắt đầu cuộc sống của mình tại Mỹ.

Sáng 6 giờ Thomas lái chiếc tàu, 20 lồng đánh tôm cua, ra vùng biển Lynn, thả bẫy, Mai phụ chồng cột những cái phao tròn màu cam vô lồng, đánh dấu phao, hai vợ chồng nghỉ tay ăn sáng trên biển, đến trưa chạy về nhà ( nhà ngay bến),  1 giờ chiều, Mai đi làm cho một tiệm giặt gần đó, 6 giờ về, ăn qua loa, lên tàu với Thomas, đi kéo bẫy. Vào mùa, bán ra cả 2-3 trăm một chuyến, ngoài mùa tệ lắm $100-150, mùa đông nghỉ, Thomas dành thì giờ bảo trì tàu, hốt tuyết thuê cho dân chung quanh khu.

Tôi tình cờ gặp Mai và Thomas ở chợ Tàu, có bán đồ ăn nấu sẵn, tôi mời.

– Dạ, Chú khỏe?

– Khỏe.

Thomas:

– Tôi vui vì đã có người vợ VN giỏi.

– Tôi mừng cho ông.

Mai:

– Chú biết hông. Ổng không nấu ăn, toàn mua ở ngoài. Từ khi cháu qua đây, ăn tối ở nhà.

– Ai nấu?

– Cháu.

Mai cười:

– Nói thiệt chú. Nhỏ tới lớn, cháu chưa giờ nấu. Nhà nghèo quá…. đâu có gì mà nấu, qua đây, nấu đại, coi you tube… nấu theo.

Tôi ngạc nhiên:

– Youtube?! Giỏi!

Thomas hỏi tôi:

– Cái này là chân vịt?

– Yes!

– Sao ăn giòn, ngon quá mà không có xương?

– Ðây là món Tàu.Người ta đã rút hết xương.

Thomas quay qua Mai:

– Em nhớ nấu món này.

Mai quay qua tôi:

– Cái gì ngon là ổng muốn em nấu. Món này chịu thua.

Tôi thì thầm:

– Có bán đông lạnh, mua về ướp, xào, xong!

Cô cười:

Tôi ngồi nhìn hai vợ chồng vui vẻ ăn uống.

Cuộc sống tất bật, tôi đi Canada, Pháp, Shanghai và chuyển nhiều nơi vì việc làm, Mai rồi cũng quên đi.

Cho đến hôm chợ Tết Việt Nam, tôi đến chơi gian hàng đồ ăn của Phở Dakao.

Chợ Tết Việt Nam tưng bừng, bông hoa, đèn đóm khắp nơi, mọi người chào hỏi, ăn uống, cười cợt, tôi đi một vòng.

– Ủa ! Chào chú! Thăm chợ Tết hả?

Mai chào, Thomas tay cầm hộp gỏi cuốn, miệng nhai.

– Chú ơi, năm nào chợ Tết, cháu cũng ráng tới.

– Hai vợ chồng khỏe không?

– Khỏe chú!

Cô Mai đẹp nhiều so với lúc mới qua, tướng tá tròn trịa, hơi mập một chút nhưng khỏe và sống động hơn xưa.

– Ðây là nơi món ăn Việt Nam ngon nhất, tiếc chỉ có một lần trong năm!

Tôi cười:

– Vì chỉ có một ngày năm mới.

Thomas chỉ mấy bao giấy lớn:

– Năm nào tôi cũng mua về cho Má tôi.

Mai mua 3 ly cà phê đá kiểu SG, đậm đà.

– Mời chú.

– Năm nào cháu cũng đưa Thomas tới đây cho ông thỏa mãn cái thèm đồ ăn Việt. À! Chú biết hông cháu hết đi làm hãng rồi, nhờ trời thương, biển đãi… lúc này Thomas đánh được nhiều cua tôm lắm, ổng mua chiếc tàu cũ, lớn hơn, sửa sang lại nên hai vợ chồng làm nhiều, cháu theo ổng, phụ lái, thả lồng, kéo lồng, đóng bao cua, bán cho những tiệm Nails của người Việt lòng vòng khu Bắc Boston. Khá hơn xưa.

– Chúc mừng hai vợ chồng.

Biển Boston trù phú tôm cua cá và sự siêng năng đã mang cuộc sống đầy đủ cho Mai và người chồng luống tuổi Thomas, bù lại những ngày cơ cực ở rạch Ụ Cây.

Cuối năm đó. Chiều, Thomas chạy vô bến, neo chiếc tàu, bỏ những bao cua vô thùng xe cút kít, đẩy lên bờ, cho vô chiếc xe tải, như mọi ngày tốt, bữa nay được 30 bao cua đá, 30 bao cua xanh.Thomas, Mai leo xe đi giao hàng.

Phone reng liên tục.

– Dạ! 10 phút em tới liền… Dạ! 10 bao!

– Dạ! Bữa nay có ghẹ xanh. Dạ được! 5 bao! Tới ngay…

Hai vợ chồng kiếm 300 đô nhẹ nhàng.

Mùa thu năm đó trời trở lạnh sớm, sương mù dày đặc kéo về vùng biển, sau một ngày vất vả hai vợ chồng về bến, cái bến tàu nhỏ quen thuộc bao nhiêu năm, có cầu gỗ sơn màu đỏ chạy dọc bãi lại trở thành nơi tai nạn giáng xuống vai Thomas.

Tàu cập sát cầu gỗ, Mai nhảy lên cột dây neo, Thomas kéo xe cút kít đẩy thùng đầy cua đã vô bao lên bờ, ông đang bước những bước ngắn trên miếng ván dài chừng 10 feet nối từ tàu tới bờ đá, tự nhiên tàu chòng chành, miếng gỗ hụt be tàu văng ra, Thomas và chiếc cút kít đầy cua rớt xuống biển, Mai la cầu cứu, mọi người chạy tới.

Sau 2 tuần, Thomas xuất viện với chân phải, tay trái được khớp kim khí, tuy chưa già lắm nhưng ông yếu hẳn đi.

Mai bắt dầu quán xuyến hết mọi chuyện, dưới chỉ dẫn của Thomas.

– Tàu chạy theo GPS hải hành, nhưng khi ra và vô bến em phải tự lái.

– Em biết!

Thomas ngồi xuống ghế, xoay tay lái.

– Em nhìn thấy cái đèn đỏ chớp tắt ở mũi tàu không?

– Thấy, anh!

– Ðó là điểm chuẩn của tàu, tất cả hướng, đều căn cứ vào điểm chuẩn.

Mai cầm tay lái.

Thomas nói:

– Ðổi hướng, 3 giờ chính Ðông.

Mai lặp lại:

– 3 giờ chính Ðông.

Cô xoay nhanh tay lái, chiếc tàu quay qua phải, tiến tới vùng đánh cua trước mặt.

Thomas vẫn lên tàu làm việc, nhưng phần chính vẫn là Mai. C-hẳng bao lâu, Mai lấy bằng lái tàu nhỏ, gần bờ, hai vợ chồng mướn thêm 2 người Mễ phụ việc, công việc khả quan hơn xưa rất nhiều.

Sau chuyến về thăm nhà, Mai vui mừng gặp lại bà con hàng xóm, ai cũng mừng cho con Mai đen, xấu, ốm như mía lau ngày xưa. Gia đình nào bây giờ cũng khá, nên kéo hai vợ chồng mỗi nhà một bữa tiệc nhỏ. Mai lên đường về Mỹ mà nước mắt đầm đìa từ cầu Chà Và cho tới phi trường.

Hai vợ chồng mua ngôi nhà mới, đẹp, 3 phòng ngủ, ở Lynn, không xa bến tàu lắm.

“Mai & Thomas, hải sản tươi sống, chuyên Tôm Cua.” Cô mở tiệm hải sản ngay tầng dưới nhà mình, mỗi ngày giao nhiều mối cho nhà hàng quanh vùng và Boston.

Hai vợ chồng phát tài, trở thành một trong những tiệm bán tôm cua có tiếng ở Lynn.

Mùa hè năm 2014, người bạn đãi tiệc sinh nhật, nhờ tôi lấy đồ biển, và tôi gặp cô Mai.

– Trời ơi! Chào chú! Ði đâu lạc tới đây lận?

– Không lạc! Bạn chú nhờ tới đây lấy hàng, anh Huy.

– À có ngay! 50 cua, 20 tôm, 20 pounds nghêu! Cả thảy $300!… Lâu ngày gặp tặng chú 20 con sò huyết tươi, còn sống nhăn… món này chỉ có nướng  ăn với rau răm là ngon. Thấy Mai vui, tôi có thì giờ, nên hỏi:

– Sao?

– Dạ! Thomas bệnh nên bây giờ cháu coi mọi chuyện… Dạ! trời thương, khá hơn xưa. Khỏe hơn xưa.

– Giỏi!

Mai nhìn tôi:

– Bù lại những ngày thiếu thốn hồi bên VN chú!

Tôi chọc:

– Thì bây giờ cũng bán cua vậy!

– Khác quá đi chú ơi! Xưa bán vài chục con cua hấp bữa đực bữa cái kiếm không đủ sống, mưa nắng lội bộ mòn chân!

– Bây giờ?

– Giờ cháu bán cả trăm ký cua mỗi ngày, một bước lên xe, nửa bước xuống xe, có tiền của để dành, cuộc sống êm ả nhiều.

– Hay! Giỏi cô Mai!

Tôi khen.

Mai nhìn xuống.

– Nhưng đôi khi…buồn!

Cảm nhận được chữ “buồn” của Mai, tôi lặng yên, lấy túi đồ biển.

– Bye Mai! Gặp sau.

Khoảng 2 năm sau, trong buổi tiệc nhậu, bạn bè bàn tán về “Mai Cua”.

Hiệp:

– Ông chồng Mỹ bị hội chứng phổi, do nhiễm trùng khí độc trong chiến tranh Iraq, chừng 8 tháng sau qua đời.

Tâm:

– À vậy là tui biết cô “Mai Cua” này… Lần nào lên Casino Foxwood cũng gặp, yên lặng ngồi một mình bàn roulette, uống toàn Louis… ăn thua lớn lắm!

Khương:

– Ừa, đúng là cổ. Chủ hai tiệm bán đồ biển lớn ở Lynn nhưng sập rồi!

Mọi người nhìn Khương.

– Cổ hưởng bảo hiểm lớn của chồng, ông Thomas, mở thêm một tiệm nữa nhưng mấy tháng sau có lẽ vì buồn do cái chết của chồng, ‘Mai Cua” lậm vô Casino.

Mọi người.

– À… à… à!

Hầu như Mai tới Foxwood mỗi ngày.

Mai chơi trong phòng VIP, mỗi ván roulette có thể từ 1,000 cho tới 5,000.

– Dạ mời bà!

Người hầu rượu mang cho Mai ly Hardy, loại cô nhắc đắt tiền bây giờ, cô cười nhẹ, đẩy cái chip 50 cho tiền tip.

Roulette quay, Mai đặt 1,000 vô số 17 và rải đôi 16-17, 17-18, 14-17, 17-20, 500 mỗi 2 số.

Tiếng hột lanh canh, Mai nhắm mắt… cô nghe cái háo hức bồn chồn trong lòng…

– 20!

Người dealer kêu lớn, những tiếng xuýt xoa…Mai trúng 9,000.

– Hôm nay ngày hên của cô, xin chúc mừng.

Ông Mỹ quản lý cúi chào Mai.

Ðúng như lời ông nói, Mai thắng đậm 15,000 trong vòng 2 tiếng.

– Dạ xin mời cô dùng bữa tối tại nhà hàng Vue 24, phòng VIP, cô có thể đến bất cứ lúc nào, hoặc bây giờ, có người hộ tống cô tới.

Mai lắc đầu, tip 2 cái chip 500, cô đứng lên đi ăn.

Nhưng một đêm của Mai ở Foxwood không phải ngắn như vậy. Ăn xong Mai làm một vòng những gian hàng, không có gì mới, vẫn như hai hôm trước.

Mai vô sòng Vip Baccarat.

Canh bạc lớn cho một đêm của Mai xảy ra tại đây, và cũng chấm dứt tại đây sau 3 giờ đen đỏ.

Mai thua sạch, kể cả 2 cái thẻ tín dụng loại bạch kim, chỉ còn vài trăm tiền mặt, cô vô Bar làm nửa chai Hardy, say, lên lầu ngủ.

Trong giấc ngủ chập chờn mùi rượu ông Thomas hiện về…

– Không sao! Cô đừng lo, tôi xin mua hết số cua đã mất! Mai lạnh run trong cơn mưa,  khu Bạch Ðằng mờ trước mặt… Cô khóc.

Và như vậy, 2 năm sau, Mai bán tiệm, khai vỡ nợ. Người bạn tử tế dân Tân Ðịnh, cho tá túc trong căn phòng nhỏ dưới tầng hầm ở Malden.

Vừa rồi có hội chợ gây quỹ cứu trợ bão lụt miền Trung, những nhà hàng tham gia bán đồ ăn Việt Nam giá rẻ, tôi tham dự với mấy người bạn, phần cũng thích món Việt, nhất là những món miền Trung cay ớt xanh. Hôm đó trời tuyết lất phất, tôi và bạn chọn bàn ngay cửa kính, không còn gì ngon bằng húp tô bún bò đặc thù xứ Quảng, bánh nậm, bánh quai vạc, bánh bèo chén, nem chua, chả cá… cay ớt xanh, nồng nước mắm… nhìn ra ngoài tuyết đang rơi.

– Ăn cua đi mấy chú!

Tôi giật mình quay lại.

– Mai!

“Mai Cua”ngày nào đang đứng trước mặt tôi, hai tay hai dĩa cua, tóc cắt ngắn, mắt sáng, ốm và hốc hác.

-Ủa Chú?!…Khỏe hông? Lâu quá không gặp!

– Khỏe!

– Dạ! Mấy chú, cua nướng, cua hấp!

– Chú lấy hết 2 dĩa!

Mai để 2 dĩa cua xuống bàn, tôi trả tiền.

– Ra sao rồi Mai?

Mai cúi mặt, vẻ ngần ngừ, cô ngước nhìn tôi, cặp mắt sáng long lanh nước mắt.

– Dạ! Thì bây giờ cháu mua cua ở tàu, mang về bỏ mối mỗi ngày cho mấy nhà hàng, và người mua lòng vòng như xưa.

Giọng Mai nhỏ lại:

– Ông chồng Mỹ chết rồi!

Tôi động lòng đứng dậy ôm vai Mai.

Một khoảng im lặng.

Tôi lúng búng:

– Rồi cũng qua thôi!

Mai nhìn những tô bún bò.

– Ông chồng Mỹ của cháu thích bún bò lắm!

– Mời Mai ăn bún bò luôn.

– Dạ không! Ăn bún bò nhớ chồng, nhớ nhà…

… Cháu nhớ gánh bún bò của bà Tám ngay chân cầu Chà Và, mỗi lần có tiền ăn xong mua thêm một tô bỏ trong lon gô cho má, bây giờ lại nhớ ông già Thomas dễ thương…ổng như vừa ăn, vừa khóc, vừa nói:

– Em Mai ơi! Món này cay quá! Tình cảm quá! ăn… khóc nhớ Việt Nam.

– Thôi chào chú, bán cua cho xong.

Tôi ngồi xuống ăn tô bún bò nóng óng ánh màu đỏ ớt bột, rau bắp chuối, ớt xanh…, tôi cay mắt.

Không nhớ về Sài Gòn, nghĩ về “Mai Cua”.

Hạnh phúc rồi lại tới với những hạt được gieo trồng.

Chậc! Không nhớ đã đọc câu này ở đâu.

HÐV – 2016