Trong mấy năm gần đây, chúng ta được nghe nói tới nhiều về cái gọi là “hiện tượng ấm nóng toàn cầu” (global warming).
Theo các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu, đây là hậu quả của một loạt những biến đổi thời tiết của trái đất, và mức độ biến đổi đó có khác nhau ở nơi này nơi kia. Trong khi trái đất xoay tròn thì hơi nóng cũng bị cuốn xoáy theo đó, kéo theo hơi ẩm trên mặt biển, rồi nhiệt độ tăng lên ở chỗ này, giảm xuống ở chỗ kia. Nó làm thay đổi cái nhịp độ điều hoà của khí hậu mà tất cả những sinh vật và thực vật sống trên trái đất lệ thuộc vào đó.
Cũng theo các nhà khoa học trên, hiện tượng ấm nóng toàn cầu đang làm cho những dòng sông băng trên các đỉnh núi cao tan chảy từ từ, mực nước biển dâng cao hơn, nhiều khu rừng trên thế giới đang chết dần mòn, và các loài dã thú đang phải tìm cách thích ứng để có thể tiếp tục tồn tại.
Hiện tượng nhiệt độ của trái đất tăng là do bởi một tiến trình khoa học được gọi là “hiệu ứng nhà kính” (greenhouse effect) khi mà một số khí thải trong bầu khí quyển của trái đất giữ lại hơi nóng. Những khí thải này cho phép ánh sáng lọt vào nhưng lại giữ hơi nóng không cho thoát ra ngoài không gian, tựa như những tấm kính trong suốt của một căn nhà kính mà ta vẫn thấy người ta dùng để trồng hoa và rau quả trong mùa đông ở những xứ lạnh.
Dựa trên lý thuyết khoa học, ánh sáng mặt trời chiếu vào bề mặt trái đất và phản xạ ngược trở lại bầu khí quyển thành hơi nóng. Trong bầu khí quyển, những khí “nhà kính” này giữ lại một phần hơi nóng, và những phần còn lại thoát ra ngoài không gian. Càng có nhiều khí nhà kính trong bầu khí quyển thì lại càng có thêm hơi nóng bị giữ lại. Mà đây cũng không phải là khám phá mới mẻ gì.

Kể từ năm 1824, các nhà khoa học đã bắt đầu hiểu biết ít nhiều về cái gọi là hiệu ứng nhà kính khi nhà nghiên cứu khoa học Joseph Fourier đưa ra nhận định dựa trên cách tính khoa học rằng trái đất của chúng ta sẽ lạnh hơn nhiều nếu như không có bầu khí quyển che chở. Và hiệu ứng nhà kính chính là máy điều hoà thời tiết của trái đất để tất cả mọi sinh vật có thể sống được. Không có nó, nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất sẽ mát hơn khoảng 60 độ Fahrenheit, nghĩa là vào những ngày nóng nhất của mùa hè thì nhiệt độ cũng chỉ lên tới 50 độ, bằng với thời tiết trung bình vào mùa thu ở Bắc Mỹ.
Năm 1895, nhà hoá học gốc Thụy Ðiển, Svante Arrhenius, khám phá ra rằng chính con người cũng có khả năng tác động và làm tăng hiệu ứng nhà kính bằng cách chế tạo, sử dụng và thải khí carbon dioxide (CO2), một loại khí nhà kính. Với khám phá này, Arrhenius khởi động những cuộc nghiên cứu về khí hậu kéo dài suốt hơn 100 năm qua, giúp chúng ta hiểu biết thêm về những hiện tượng có liên quan đến khí hậu thời tiết xảy ra quanh nơi chúng ta ở.
Ngoài danh từ “ấm nóng toàn cầu”, các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu còn thường dùng một danh từ khác là “biến đổi khí hậu”. Theo các nhà khoa học này giải thích, và như đã nói sơ qua ở phần trên, khi nhiệt độ trung bình của trái đất tăng và hơi nóng di chuyển quanh quả địa cầu, nó có thể làm cho một số khu vực mát hơn, một số nơi khác ấm hơn, và thay đổi lượng mưa và tuyết rơi. Kết quả là khí hậu biến đổi cũng khác nhau ở từng khu vực trên trái đất.
Nhìn lại chiều dài của trái đất, mức độ khí thải nhà kính có lúc cao lúc thấp, nhưng theo các nhà khoa học, nó tương đối bình quân trong khoảng vài ngàn năm qua. Tuy nhiên gần đây, nhiều nhà khoa học cho rằng qua việc đốt các nhiên liệu hoá thạch (than, xăng, dầu, khí đốt) và việc thải những loại khí nhà kính (carbon dioxide, nhiều nhất là từ than và xăng dầu, methane từ phân súc vật v.v…), con người đã tác động phần lớn làm tăng hiệu ứng nhà kính và làm cho trái đất nóng hơn.
Và đây là một trong những nguyên nhân chính gây tranh cãi giữa hai phía chống và bênh vực những kết quả nghiên cứu về hiện tượng ấm nóng toàn cầu.
Ngoài lý do trên, người ta còn tranh cãi về tính chính xác của các hệ thống máy điện toán khác nhau mà nhiều tổ chức nghiên cứu về khí hậu sử dụng để tiên đoán tình trạng ấm nóng toàn cầu trong 100 năm tới cũng như phương pháp để tính nhiệt độ trung bình trên trái đất hiện nay.

Mới đây, các nhà nghiên cứu khí hậu đã công bố, dựa trên những dữ liệu thu thập được, rằng năm 2016 vừa qua là năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu đo lường về nhiệt độ được bảo lưu từ năm 1880 đến nay.
Tuy nhiên, phương pháp để tính nhiệt độ trung bình của trái đất của từng nhóm nghiên cứu cũng vẫn chưa thống nhất. Ví dụ, Viện Nghiên cứu Không gian Goddard (GISS) của cơ quan NASA, dựa trên các dữ liệu thu thập tại nhiều khu vực trên trái đất, kể cả bắc cực, đã đưa ra con số là nhiệt độ trung bình năm 2016 cao hơn 0.12 độ Celcius so với năm 2015, năm 2015 cao hơn 0.13 độ so với 2014, và 2014 cao hơn 0.09 độ so với 2013.
Trong khi đó Cơ quan Khí quyển và Hải dương Quốc gia (NOAA) chỉ dựa trên các dữ liệu do chính họ thu thập và nắm vững ở những khu vực trên trái đất thì sự khác biệt giữa hai năm 2016 và 2015 chỉ có 0.04 độ Celcius.
Nếu đem những con số trên gia giảm với tỉ lệ sai biệt là 0.1 độ đã được các nhà khoa học đồng ý trên nguyên tắc thì sự khác biệt về nhiệt độ trung bình của các năm kể trên không bao nhiêu, và có thể nói rằng nó tăng, giảm hoặc không thay đổi cũng đều đúng. Ðó là chưa kể các nhà khoa học không tính đến những hiện tượng thiên nhiên như hiệu ứng el Nino và hoạt động của núi lửa tác động bao nhiêu đến sự biến đổi khí hậu của trái đất. Do vậy, những kết quả trên tạo thêm sự nghi ngờ từ phía những người chưa hẳn bị thuyết phục bởi những kết quả khoa học như vừa được kể.
Khoảng trước thời gian có những cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu tại Paris cuối năm 2015, kết quả một cuộc nghiên cứu quan trọng của NOAA thường được biết đến dưới tên gọi “nghiên cứu Karl” của tác giả Tom Karl cho thấy trái đất ấm lên nhanh hơn dự đoán. Ðiểm này rất quan trọng vì nó nói ngược lại với những khám phá trước đó bởi các nhà khoa học của Liên Hiệp Quốc cho thấy hiện tượng ấm nóng toàn cầu đã chậm lại trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2013.
Tập tài liệu “nghiên cứu Karl” được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Barack Obama và nhiều chính phủ phương Tây khác, nhờ vậy mà hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris mới đạt được kết quả là 195 quốc gia trên thế giới đã cùng ký vào thoả thuận chung đồng ý cắt giảm việc thải khí nhà kính.
Nhưng mới đây, John Bates, một nhà khoa học có uy tín của NOAA vừa mới nghỉ hưu, đã lên tiếng cáo buộc là nghiên cứu của Tom Karl đã không theo đúng phương pháp, các dữ liệu sử dụng không chân thực và chúng được lựa chọn dựa trên quan điểm của Karl về biến đổi khí hậu. Vậy thì, hiện tượng ấm nóng toàn cầu thực ra có chậm lại như các nhà khoa học của Liên Hiệp Quốc cho biết, thậm chí kể cả khi lượng khí thải carbon trên thế giới vẫn tăng đều, và nếu vậy, điều này cho thấy nhận định về hoạt động của con người đã làm cho trái đất ấm hơn lên là không hoàn toàn đúng.
Những cuộc vận động về biến đổi khí hậu (hay ấm nóng toàn cầu) đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh từ cựu Phó Tổng thống Al Gore, và nhất là từ cựu Tổng thống Obama trong thời gian cầm quyền đã đưa ra những sắc lệnh kiểm soát chặt chẽ hơn về lượng khí thải nhà kính cũng như thúc đẩy và tài trợ mạnh cho những nghiên cứu về năng lượng sạch. Nhờ vậy mà những công ty sản xuất các thiết bị về năng lượng sạch như quạt gió và bảng quang năng (solar panel) được hưởng lợi. Nhưng ngược lại thì những công ty sản xuất điện, nhiên liệu hoá thạch, kỹ nghệ than mỏ, và thậm chí các công ty sản xuất xe hơi chạy xăng lại bị thiệt thòi.
Hôm Thứ Sáu vừa qua, ông Scott Pruitt, cựu bộ trưởng tư pháp của Oklahoma, tiểu bang mạnh về kỹ nghệ sản xuất xăng dầu và khí đốt, được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). Ðiều này cho thấy trong những năm tới, dưới quyền điều hành của chính phủ Donald Trump, việc kiểm soát khí thải và môi trường sẽ được nới lỏng, và nhiều người tiên đoán là Tổng thống Trump sẽ cho ban hành một số sắc lệnh hành pháp nhằm huỷ bỏ những sắc lệnh liên quan đến môi trường do ông Obama ban hành trước đây.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có sự giới hạn trong việc kiểm soát môi trường và khí thải do sự ràng buộc dựa trên Ðạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act) buộc các ngành kỹ nghệ và các tiểu bang phải tuân hành một số quy định có trong đạo luật này.
Hiện tượng ấm nóng toàn cầu sẽ còn là vấn đề tranh cãi trong nhiều thập niên tới và phần nào nó đã bị chính trị hoá theo quan điểm của từng cá nhân lãnh đạo và quyền lợi của họ.
Cho dù quan điểm của chúng ta về hiện tượng ấm nóng toàn cầu là bênh hay chống thì việc bảo vệ môi trường vẫn là trách nhiệm chung. Không xả rác, không đổ chất phế thải độc hại bừa bãi là việc ai cũng có thể làm được. Giữ cho bầu không khí trong lành, môi trường sống sạch sẽ sẽ mang lại lợi ích sức khoẻ cho chính chúng ta.
VH