Menu Close

Nhà văn Vũ Huy Quang

Trước năm 1975 là một đại uý trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhà văn Vũ Huy Quang bắt đầu sự nghiệp sáng tác và biên dịch văn học tại Mỹ. Ông cộng tác với nhiều tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại, đã xuất bản các tác phẩm: Nơi Trại Trừng Giới, Chín Truyện Ngắn, Mười Truyện Tân Liêu Trai… và dịch Ðường Lên Trời, Nhục Bồ Ðoàn… Ông Vũ Huy Quang sinh ngày 9 tháng 7 năm 1942 tại Hải-Phòng, mất ngày 14 tháng Giêng năm 2017 tại Pacifica, California.

Nhà văn Vũ Huy Quang
Nhà văn Vũ Huy Quang

Vũ Huy Quang khởi đầu sự nghiệp văn chương hơi muộn. Tuy vậy, ông đã gây được tiếng tăm và được nhiều bạn bè yêu mến. Nhà văn Phan Tấn Hải của Việt Báo đã viết như sau về cuộc đời và cá  tính Vũ Huy Quang:

“Cuộc đời của anh nhiều sóng gió, trong đời thường, đời văn và cả về tình cảm. Anh là người nói khéo, nói dịu dàng, nói đúng giọng Bắc Kỳ 1954, biết cách nói tinh nghịch làm người đối thoại bật cười, nhưng đời thường lúc nào cũng bất trắc. Sau khi gia đình anh tan vỡ và hai con của anh đi theo mẹ, anh về ở với mẹ anh ở Garden Grove, và nhiều năm sau cũng theo mẹ về Bắc California. Viết văn hay, nói khéo, nên có nhiều hình bóng giai nhân trong đời anh. Tuy nhiên, đôi khi anh nổi giận, và những lúc đó, anh thường nói lớn tiếng, có khi gay gắt, dễ làm nhiều người mất lòng. Một lần, anh từ Bắc Cali về thăm Quận Cam, anh tới nhà tôi ngủ, kể cho vợ chồng tôi nghe rằng anh tốt bụng, muốn chỉ dẫn cho nam diễn viên Ðơn Dương cách vào cao đẳng cộng đồng học để rồi sẽ thành công trong giới điện ảnh Mỹ, nhưng rồi anh nổi giận sao đó, lớn tiếng… Nổi nóng là không nên, tôi chỉ nói thế với anh.

Anh là người mê học, mê đọc. Anh học những gì anh thích, và anh tìm đọc những cuốn sách thuộc loại cấm kỵ. Khi còn ở Quận Cam, anh kể về tiệm sách Mỹ ở Laguna Beach có tên là Bookstore 540, nơi cũng là một tiệm cà phê. Tôi không nhớ chính xác tên tiệm này, vì đóng cửa lâu rồi. Anh giải thích về con số 540, rằng đó là nhan đề một cuốn sách khoa học viễn tưởng, nói về một thời sẽ tới, khi nhiệt độ nóng tới 540 độ (độ F, hình như, cũng có thể là 504 độ, hay 405 độ?), các trang giấy tự động bốc cháy, lúc đó nhân loại sẽ không còn sách nữa; tôi lại chưa đọc cuốn sách đó, vì mình quan tâm loại khác.

Anh bảo là tôi phải chở anh lên tiệm này cho biết, đó là nơi anh gặp các cuốn sách cấm. Thường thường, sách cấm ở Mỹ là khái niệm chỉ thấy ở các thư viện công cộng và trường học, nơi sách cần thích nghi cho công chúng mọi trình độ, hoặc riêng cho giới học trò. Nước Mỹ là tự do, sách cấm thường có nghĩa là sách bị cộng đồng kỳ thị, hoặc sách không bán được – nghĩa là, không mấy nhà xuất bản muốn in, và nếu in cũng không mấy tiệm sách muốn bày ra, vì sẽ chẳng mấy ai mua. Tiệm sách/cà phê này nhìn ra biển, cà phê dĩ nhiên đắt nhưng chẳng ngon gì.”

Nhà văn Nguyễn Ngọc Giao thì có nhận định như sau:

“Những năm gần đây, Vũ Huy Quang ít sáng tác. Thi thoảng, anh viết những bài chính luận đầy nhiệt huyết trên lập trường trốt-kít. Vốn dị ứng với phương tiện truyền thông hiện đại, “Thăng Long Văn Sĩ” ít giao dịch với bạn bè ở xa, giới hạn tiếp xúc trong vòng bạn bè tại chỗ, bên ly rượu. Những người có may mắn được gặp Vũ Huy Quang không bao giờ quên óc trào phúng, tự riễu mình, tính khí độc đáo (thậm chí lập dị), nhiệt tâm và sự độc lập suy nghĩ của anh. Càng mến văn phong Vũ Huy Quang, lại biết anh chịu đọc và tinh thông văn học Anh ngữ, Pháp ngữ, bạn bè càng tiếc rằng tác phẩm đã hoàn thành quá ít và khiêm tốn so với vốn sống và tiềm năng sáng tác của nhà văn. Có lẽ vì, đối với anh, tình bạn cao hơn văn học. Và mãi mãi còn lại trong hồi ức của người ở lại, là tình bạn của Vũ Huy Quang.”

Sau đây để hiểu được tình cảm quý mến của bạn bè đối với Vũ Huy Quang, xin giới thiệu bài Tưởng Niệm của nhà thơ Thường Quán đăng trên Da Màu.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Tưởng niệm Vũ Huy Quang

Ðó là một căn nhà tiền chế thời 50 nằm sau những siêu thị và siêu xa lộ

anh dắt tôi về tay cầm một con cá mè

người mẹ đón anh hỏi, Con về rồi đó à!

anh nói, Con có bạn phương xa nên hôm nay con tính nấu ăn đây

Mẹ nói, Ngồi với bạn con đi

Anh nhấc chiếc phone màu đen quay ba bốn nơi

“anh Nhật Tiến, Khế Iêm, Nguyễn Hoàng Nam rồi sẽ cùng tới”

giữa đó anh khoe tôi trại sáng tác

một garage không xe, ngập sách

theo trật tự nào giờ tôi không nhớ

sách anh dịch, viết, anh không khoe

chỉ miệng cười quái nghịch tặng khách

(nhiều năm sau sách của anh tôi phải mua ở một tiệm sách sót)

Tiệc bày ngoài hiên

Mẹ làm món gì nào, anh hỏi

Ôi thế thì như đang ngồi Liêu Dương

anh nói thế hay giờ tôi tưởng tượng

nhưng bữa rượu Hưng là có thực

như mắt anh cười, có đuôi, tinh luyện ròng rã

thứ ngày giờ bắt mạch, xem sao trời, đuôi sao chổi

quét hướng nào

để khởi thảo sáng ngày quang, chiều tối màu già

Chiếc xe hung hung nâu một ngựa rề rà của anh dưới tán cây

tâm ngẩm chờ một ý anh đề xuất:

Làm cái gì cũng phải đi tới nơi, tới tận nơi

Thấy, nghiền ngẫm, không phải chiêm bái

Văn sách chứ nào phải là kinh.

Ai nói anh không phục ai dưới mái nhà rầm gọi là cộng đồng

và anh là đệ Tứ

tôi nghĩ anh đệ Ngũ

thời mọi thứ đều sáng trưng

trên những hành lang, ngõ ngách thành phố.

Anh nhìn toàn bộ khách và nói anh vừa nẩy ra ý

hôm nào quán, nam, iêm, khiêm

bốn nhà thơ ra thượng cờ mới

giữa Bolsa

cờ thơ (không màu)

có được không?

Anh hỏi bốn mà hiện diện chỉ có ba

làm sao có đồng thuận

Chúng tôi quanh mâm thảo lư tất cả đồng cười

Ðó là bữa tiệc đột xuất vui nhất của chuyến thăm OC ’95

sau này có dịp nhớ lại

vẫn nhớ chung một gói

cá mè siêu thị ta, gói trong giấy báo chợ

rượu Hưng trong chai không nhãn không niêm

tình chạy băng đường lộn xộn

giữa bao biểu ngữ chào hàng

dìu dập tựa vào trang nhì của Nguyễn tiết Thanh Minh

& khi ra lấy xe ở car park

tôi có dừng lại một chốc

để ngó anh, không biết Tân Liêu Trai có thực

và khu nhà mô-bin nào diệu hữu Ðường Lên Trời

và nhớ có tự ghi nhận

anh là đại biểu tối ưu của kinh ruột Bôn Sa

nằm ngoài những hiên chùa

(sẽ xây)

Hôm nay cạnh sách anh in Xuân Thu 1989, Ðường Lên Trời

xin bái biệt anh, hẹn sau mây, chút tình khuấy mây nước phố phường trí tưởng tâm tưởng

kính mến

Thường Quán – mồng Tám, Giêng Đinh Dậu