Menu Close

Ai chí mà phủ hông?

Tôi có nhiều em nhỏ, để giảm bớt gánh nặng chăm sóc con nít, từ bốn tuổi tôi đã ở chung với bà ngoại chớ không ở nhà cha mẹ. Nhà ngoại là một căn nhà nhỏ vách gỗ, mái ngói vảy cá, bộ khung gỗ cũ kỹ. Nền nhà bằng đất nện, chỉ có mảnh sân nhỏ trước nhà láng xi măng, có một tấm đan bê tông nhỏ bắc qua cái đường mương xả nước thải. Trước nhà là con đường nhỏ trải đá dăm, bên kia đường là bờ sông Bạc Liêu quanh năm nâu bóng, cuồn cuộn phù sa.

chi-ma-phu
nguồn Tour du lịch Hội An

Buổi trưa, con đường nhỏ thật vắng. Người dân quê ở đây có thói quen nếu không phải làm việc gì thì tất cả mọi người đều đi ngủ trưa đến khoảng hai giờ chiều mới thức dậy. Chỉ có tôi là không ngủ, một mình lục đục lụi đụi hết ra sau vườn tìm kiếm coi có cái gì lạ lạ đem vô chơi được hay không, đến ra ngạch cửa bằng cây mòn láng bóng ngồi bệt xuống ngóng ra đường nhìn người thiên hạ đi qua đi lại.

Nhà ngoại tôi có một ưu điểm là quay mặt ra hướng Ðông Nam, lại đối diện sông nên buổi chiều trước nhà không có nắng và gió từ sông mang hơi nước thổi lên lồng lộng, rất mát. Tầm ba giờ chiều, nắng đã dịu đi, tôi ngồi trên tấm đan trước sân nhà coi mấy đứa con nít trong xóm chơi nhảy dây, đánh hưng, u mọi, trốn tìm. Tôi ốm nhom ốm nhách, ngoại không cho tôi tham gia chơi, sợ dính đất cát dơ bẩn, sợ té u đầu sứt trán, sợ “mày ra đó bị chúng đánh” mà không có sức đánh lại. Nếu ngoại tôi còn sống, hẳn ngoại không thể hình dung được cháu của bà bây giờ nó hung dữ và hăng máu đánh lộn bà cố luôn.

Như một chiếc đồng hồ báo thức, cứ đến tầm giờ đó, bác chệt già (Tiều, Triều Châu) gánh cái gánh bằng gỗ đi ngang, một tay bác chệt xách theo cái xô đựng nước nhỏ. Vừa đi, bác chệt vừa rao kéo dài giọng lơ lớ: “Ai chí mà phủ hông?”. Một đầu gánh có cái nồi lớn bằng nhôm trắng sáng bóng, nắp bọc vải tám trắng tinh để giữ hơi nóng, còn được ủ nóng trong cái thúng bự chảng đựng trấu. Một đầu cũng có cái thúng nhưng trong thúng có cái thau nhôm, trong thau có mấy chục cái chén sành nhỏ bằng một nửa chén ăn cơm, muỗng ăn canh nhỏ bằng nhôm cũng bằng một nửa muỗng canh thường. Một cái khăn trắng lau chén bằng vải mùng phủ lên mớ chén muỗng. Trên cùng là cái mâm nhôm trắng đậy lên cái thau để chống bụi.

Nếu có ai kêu lớn: “Chí mà phủ”, bác chệt già lập tức lên tiếng: “Có ngay. Lứ ăn mấy chén?”. Tùy theo người trong nhà mà người mua có thể trả lời một, hai, ba hay bốn chén gì đó.

Bác chệt lập tức để gánh xuống sát lề đường (nếu nhà đó không có sân), hoặc gánh đi hẳn vô đặt gánh xuống sân nhà. Bác lấy ra mấy cái chén từ trong thúng, mở nắp nồi ra, mùi thơm ngào ngạt, ấm nóng từ nồi tỏa ra làm phập phồng lỗ mũi mọi người xung quanh. Bác dùng một cái dá nhôm múc chất lỏng sền sệt màu đen pha xám, bóng lưỡng, thơm phức từ trong nồi ra cho vô chừng hai phần ba chén, thêm cái muỗng nhỏ rồi đưa chén cho người mua. Ngồi một chỗ bán hàng, bác chệt vẫn không ngừng cất giọng rao lớn, những nhà gần đó lại túa ra vây quanh gánh Chí mà phủ của bác chệt. Bác chệt thường xin nước sạch của người mua rửa chén tại chỗ luôn. Chờ họ ăn xong, thu tiền, rửa chén, lau khô, úp vô thau nhôm rồi đậy đệm cẩn thận xong, bác chệt lại tiếp tục gánh hàng chè lên vai đi rao tiếp.

Tôi hỏi ngoại tôi bác chệt bán Chí mà phủ là bán cái gì mà đen thui vậy? Ngoại tôi nói Chí mà phủ tức là chè mè đen, tại ổng kêu theo kiểu chệt đó mà, để ngoại nấu cho mà ăn, mua làm chi tốn tiền.

Ngoại tôi đi chợ, mua nửa ký lô mè đen về nấu cho cả nhà ăn. Ngoại dùng tay vò nhẹ, lấy cái rây mịn qua rây cho sạch cát rồi đổ qua cái mâm sẩy cho sạch những thứ linh tinh lớn hơn hột mè mà rây không hết được. Sau đó ngoại bắc chảo lên bếp, chờ cho chảo nóng rồi đổ mè vô chảo rang cho đến khi mè bốc mùi thơm thì tắt lửa, nhắc chảo xuống. Ngoại lần lượt múc từng muỗng ăn canh mè vừa rang còn nóng hổi cho vô cối đá (loại xay bột) xay cho mè nhuyễn ra. Xong ngoại đổ hết mè vừa xay xong vô cái thau, đổ vô thêm chừng một lít nước lạnh, quậy cho đều. Ngoại lấy cái nồi lớn cho vô khoảng 300 gram bột củ năng, 300 gram đường cát, cũng đổ chừng hơn một lít nước vô rồi quậy cho đều. Bắc nồi lên bếp nấu trên lửa vừa phải, lấy đôi đũa lớn khuấy đều tay cho đến khi thấy bột củ năng trở nên trong thì đổ mè đã xay nhuyễn vô nồi, lấy đũa khuấy cho đều trong vòng khoảng một hai phút. Lúc gần nhắc nồi xuống thì cho vô thêm một ống vani, một miếng gừng bằng hai ngón tay đã cạo vỏ đập dập, cũng khuấy cho đều một lần nữa rồi nhắc nồi xuống khỏi bếp. Gừng, vani sẽ làm cho món chè mè đen thơm hơn, có cảm giác ấm nồng khi thưởng thức. Ngoại nói phải nhắc hẳn nồi xuống khỏi bếp, đừng tắt lửa xong mà vẫn để nồi trên bếp. Hơi nóng còn lại trên bếp vẫn có thể làm khét chè, làm chè bị gắt dầu, sẽ mất mùi thơm và chè không ngon nữa.

Ngoại bày những cái chén ăn cơm ra trên bàn, lần lượt múc chè trong nồi cho vô đầy chừng nửa chén rồi kêu các dì tôi và tôi ngồi vô bàn ăn. Ai ăn tự động đi lấy cái muỗng bỏ vô chén chè của mình. Ngoại tôi kêu ngồi tại chỗ bàn ăn cho nóng, hổng có bụi nhưng tôi vẫn cứ “ngoan cố” bưng chén chè ra tấm đan trước sân nhà ngồi, vừa múc từng muỗng nhỏ chè cho vô miệng vừa coi đám con nít đang chơi đùa, nhảy nhót ngoài đường. Chè bốc mùi thơm phức điếc cả lỗ mũi, ăn vô miệng một muỗng, không cần nhai, chè tan ra trong miệng, hơi vừa ngòn ngọt, dai dai của bột năng, bùi bùi béo béo của mè, nồng nồng ấm áp vị gừng. Ăn hết chén chè, tôi cứ đòi thêm chén nữa nhưng ngoại tôi không cho, kêu phải ăn uống điều độ, để bụng chiều còn ăn cơm mới tốt.

chi-ma-phu1
Chí mà phủ – nguồn cheNgon.com

Bây giờ, nấu chè mè đen không cực như trước nữa, sàng sảy mè cho sạch rồi bỏ vô cối xay sinh tố, thêm nước sạch vô, cắm điện xay cái rào là mịn trân luôn, nhanh chóng tiện lợi vô cùng.

Chợ bên Mỹ này tôi thấy có bán mè đen đóng gói đủ loại nhập từ nhiều quốc gia khác, trồng ở Mỹ cũng có nữa, tha hồ lựa chọn. Cứ coi gói mè xuất xứ từ đâu, lựa loại nào hột mè nhìn thấy mập mạp, đen bóng, bự hột là mè ngon. Người miền Nam không biết bột sắn dây, chỉ biết bột củ năng. Người miền Bắc thì ngược lại, không biết bột củ năng, chỉ biết bột sắn dây. Hai loại bột này có đặc điểm chung là khi nấu chín đều trở thành trong vắt như thủy tinh, có tính dai dai. Tôi đã ăn thử cả hai loại bột, thấy bột củ năng miền Nam dai hơn bột sắn dây miền Bắc. Nấu chè mè đen thì bột củ năng hay bột sắn dây đều tốt cả, nghe “giang hồ đồn đại” hai loại bột này ăn vô đều có tính mát giống như nhau, giải nhiệt cho cơ thể. Tất cả món ăn của người Việt nếu vật liệu nấu có tính hàn thì đều có thêm vị nóng (như gừng chẳng hạn) để trung hòa.

Mùa lạnh, nấu nồi chè mè đen, múc từng chén nóng hổi ra chầm chậm thưởng thức từng ngụm nhỏ, cảm giác vị ngọt, vị béo, vị bùi, vị nóng ấm của gừng, mùi thơm nhẹ nhàng tinh khiết, thiệt không có cái thú nào bằng.

TPT