Menu Close

Kinh tế Trung Cộng – Uy tín thấp rủi ro cao

Bàn về kinh tế Trung cộng, không khó thấy uy tín của nó thấp: nơi phẩm chất hàng hoá kém, nơi tổ chức nền kinh tế quốc gia kém cỏi, sinh ra sự thiếu minh bạch trong guồng máy điều hành, rồi đưa đến giá trị của chính các công ty Trung cộng bị xuống cấp trên thị trường chứng khoán. Như chúng tôi đã đề cập trong bài về hàng hoá “Made in China”, hầu như bất cứ món hàng gì, nếu có thị trường tiêu thụ, dù chánh đáng hay không, người Tàu sẵn lòng làm nhái làm giả, bán lời thủ lợi.

alt

Vì tính chất có phần… khôn vặt này, thêm vào thực tế cơ sở làm việc thiếu vệ sinh, nhân công tay nghề thấp, các nhà đầu tư ngoại quốc buổi đầu đặt chân đến Hoa Lục thường chỉ tín nhiệm giao nhân công Tàu những việc đơn giản, kỹ thuật thấp như: làm đồ chơi, may giày dép, quần áo…

Trên quy mô cả nền kinh tế quốc gia Trung cộng, ta có thể xem lại vài con số. Dù mệnh danh #2 thế giới, thực tế nền kinh tế Trung cộng hiện chỉ bằng cỡ 1/3 kinh tế Hoa Kỳ. Thu nhập đầu người Hoa là $4,500/năm so với con số trung bình $47,000/người ở Mỹ. Đến năm 2015, ước đoán tỉ lệ nợ nần so với tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Trung cộng là 89%, tệ hơn Hoa Kỳ ở mức 79%.

alt


Đồng Nhân Dân tệ của Trung cộng lâu nay vẫn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Bắc Kinh cố tình hạ giá đồng bạc, tạo thế cạnh tranh trong xuất cảng. Ở Mỹ, ƯCV tổng thống bên đảng Cộng Hoà, ông Mitt Romney đã cảnh cáo, nếu được cử tri bầu vào Toà Bạch Ốc, sẽ trừng phạt chánh sách… ảo thuật phi pháp này Trung cộng. ảnh AP

Về tổng doanh số nội địa, hiện tại Âu Châu dẫn đầu với $17,500 tỉ, Hoa Kỳ $14,800 tỉ, trong khi Trung cộng chỉ được $5,400 tỉ. Trong danh sách 2000 công ty lớn nhất địa cầu “Global 2000”, Trung cộng chỉ có 136 tên tuổi góp mặt, chứng tỏ uy tín còn khá khiêm tốn. Người Mỹ góp đến 524 công ty, trong khi người Nhật cũng có gần gấp đôi con số của Trung cộng, với 258 đại công ty. Bên Âu Châu, Anh Quốc đứng đầu với 93 tên tuổi. Một quốc gia nhỏ hơn Trung cộng nhiều là Nam Hàn cũng góp mặt với 68 hãng lớn.

alt

Năm 2008, kỹ nghệ chế biến sữa ở Trung cộng mất uy tín nặng nề sau vụ đổ bể các sản phẩm sữa bị nhiễm chất “melamine”, đến nay vẫn chưa hồi phục. ảnh Xinhua

Một nơi mà uy tín Trung cộng khá thấp nữa là thị trường địa ốc. Đủ cách… mánh mung khiến con số thống kê của họ không khả tín. Những tư bản đỏ vung tiền mua các căn nhà mới xây, đẩy giá lên cao ngất ngưỡng, không ai biết được giá cả thật thị trường. Những rắc rối này nhiều phần manh nha từ “cơ chế”, từ các “nghị quyết” ất ơ của đảng cộng sản Tàu. Kỹ nghệ địa ốc không dựa trên quy luật cung cầu, mà đặt trên những lời đồn đoán, tin hành lang (đảng cộng sản chủ trương giải toả nơi này, phát triển nơi kia…) khiến giá trị thị trường không ổn định, tạo ra nhiều “thành phố ma” quanh năm vắng bóng người.

alt

Kỹ nghệ địa ốc chông chênh một phần vì nạn rao giá ảo, làm ăn thiếu lương thiện, chỉ nhằm trục lợi. ảnh Xinhua

Các khoản cho vay nhà băng phân lời thấp cũng không phản chiếu nhu cầu thị trường, mà là cách để các quan lại đỏ chia chác, tham nhũng, khiến tình thế thêm bi đát. Một thí dụ là nhiều công ty quốc doanh mượn tiền… chùa, ào ạt mua hằng trăm hằng ngàn xe hơi, chỉ để đem… cất vào nhà kho. Tuy nhiên, trên bề mặt lại tạo được thành tích phát triển sung túc, con số mua bán xe tăng 20% mỗi tháng chẳng hạn.

Những thủ thuật, gian dối này lâu nay không còn lạ đối với giới đầu tư Tây Phương. Ít ai chịu mua cổ phiếu các hãng lớn của Tàu, vì chỉ cần một “nghị quyết” ỡm ờ nào đó, hãng đó có thể biến mất hoặc lỗ lã nặng. Cũng chẳng ai buồn mua chứng khoán hãng vừa và nhỏ, vì giấy tờ kế toán nhập nhằng, giả nhiều hơn thật. Thế là hết anh đi đường anh, dân mua bán chứng khoán nhà nghề cứ nghe tên hãng Trung cộng là chạy dài.

alt


Hai chiếc xe lửa siêu tốc đâm nhau ngày 23-7-2011 phía đông nam Thượng Hải (Shanghai) khiến hằng chục người thiệt mạng và hằng trăm thương tích. Hệ thống giao thông công cộng chuộng số lượng, trong khi phẩm chất kém, và dàn nhân viên điều hành thiếu năng lực, khiến rủi ro cao, thường xuyên xảy ra tai nạn, gây thiệt hại lớn lao về người và của.

Không chỉ uy tín thấp, nền kinh tế Trung cộng còn mang tính rủi ro cao.  Tự khởi thuỷ, nó đặt nặng xuất cảng, không nỗ lực xây dựng một thị trường nội địa khoẻ mạnh. Sau gần 3 thập kỷ, đà tăng trưởng nay bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi ô nhiễm môi trường lại lên cao. Và rủi ro cao nhất nằm ngay hệ thống chánh trị độc tôn đảng cộng sản Tàu, gây ra nhiều mầm mống bất ổn xã hội ngấm ngầm.

Khi soi rọi các bằng chứng, không khó nhận ra có đến 60% lượng hàng hoá xuất cảng từ Trung cộng là của các công ty ngoại quốc. Riêng về hàng hoá kỹ thuật cao, con số này lên đến 85%.

Trung cộng ngày nay là nước bị ô nhiễm cao nhất thế giới, chiếm đến 16 trong 20 thành phố môi trường bị huỷ hoại nặng nhất. Vẫn còn 500 triệu người Hoa thiếu nước uống và sinh hoạt đủ tiêu chuẩn sạch. Ước lượng, ô nhiễm không khí và nguồn nước giết hại khoảng 750,000 người mỗi năm. Thiệt hại tài chánh vì ô nhiễm môi trường có thể lên đến 8% tổng sản lượng quốc gia.

alt


Ô nhiễm vì khai thác than đá. Sự phát triển quá nhanh của Trung cộng sinh ra nhu cầu lớn về năng lượng, đưa đến những nỗ lực khai thác quặng mỏ cẩu thả, không cân nhắc rủi ro cho môi trường.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung cộng đang chậm lại. Giới quan sát kinh tế cho rằng, để Trung cộng tiếp tục tăng trưởng cao, họ phải chuyển chiến lược sang các sản phẩm công nghệ cao. Điều này đòi hỏi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát, cho dân chúng tự do phát triển trí tuệ.

Trung cộng trên thực tế là một quốc gia với các vấn đề sâu xa về nền móng chánh trị. Đảng cộng sản hết bài trị quốc nạn tham nhũng. Dường như giới lãnh tụ chóp bu đảng cộng sản hiện đang… câu giờ, để tẩu tán tài sản, hồ sơ, hoặc để… bàn giao nước Tàu ngổn ngang rối bời cho thế hệ lãnh tụ kế tiếp. Trong khi đó, hơn 1.1 tỉ người Hoa, trong dân số 1.3 tỉ chôn chân thúc thủ với mức sống không hơn công dân Nigeria. Nạn chênh lệch giàu nghèo mỗi lúc thêm gay gắt, mầm mống bất mãn chỉ càng thêm sâu đậm. Người ta ghi nhận mỗi năm có hằng ngàn vụ biểu tình phản kháng đủ loại đủ cỡ. Đà này ngày càng tăng chứ không giảm. Nếu đảng cộng sản không dựa thời cơ đổi máu hoàn toàn, có lẽ chẳng chóng thì chày, cách này hay cách khác, thời đại cũng sẽ thay đổi nó.

alt


Thành phố Qingdao, miền đông bắc Trung cộng, có lẽ nổi tiếng nhất với hiệu bia “Tsingtao”. Nghèo nàn và lạc hậu, Qingdao được liệt vào hàng những đô thị mang tính rủi ro cao nhất thế giới vì môi trường ô nhiễm, dịch bịnh, thiếu thốn cơ sở y tế, giáo dục, thông tin…
TD