Tháng Giêng, khi không khí miền Trung còn chút bàng bạc của sương mù tháng Chạp cũ, tôi men ra khỏi vùng đất bình yên của mình để đến với đất Bắc, nơi có hằng hà sa số lễ và hội được tổ chức sau Tết. Ðã từng tự hỏi, tại sao miền Trung hết 3 ngày Tết coi như hết Tết, ai nán lắm thì kéo thêm 7 ngày Xuân, nhưng trên đất Bắc, lễ và hội được tổ chức sau ba ngày Tết cho đến cuối tháng 3, tôi nhận được câu trả lời thực tế của một người bạn: Vì toàn bộ đất nước này đều dồn hết về nuôi ngoài đó, có gì mà bất ngờ.

– Ơ câu nói của bác hay phết nhỉ? Một tài xế taxi ở Nam Ðịnh.
– Cảm ơn bác nhưng đó không phải câu của tôi đâu, mà gần đến đền thờ Ðức Thánh Trần chưa hả bác?
– Bác vội gì, còn khoảng 5 km nữa thôi, mà bác là người miền trong à?
– Dạ, tôi người miền trong, bác người Nam Ðịnh hay vùng khác chuyển đến?
– Em người Nam Ðịnh, hồi nhỏ em sống gần đền thờ Ðức Thánh Trần luôn.
– À ra vậy, nghe đâu người ta đi lễ sớm lắm hả bác.
– Vâng, chính hội là hôm rằm Tháng Giêng nhưng thực tế là từ đêm giao thừa người ta kéo nhau đi nườm nượp rồi. Mà em cũng chẳng hiểu, cách đây mấy năm thôi, đấy chỉ là hội làng thôi, hồi nhỏ tụi em chạy quanh đền chơi, thích lắm. Cơ mà vài năm trở lại đây, người ta tung tin nhiều quá, thành ra từ hôm Tháng Giêng đến giờ, khách đông lắm.

– Ồ, vậy có khó tìm chỗ nghỉ không bác ơi?
– Ðể lát em chở mọi người vào trong trung tâm luôn, trong đó chắc còn phòng chứ ngoài này cháy phòng rồi. Giá đắt lắm, cái nhà nghỉ thường ngày cho thuê vài chục ngàn theo giờ, khoảng 200 ngàn mỗi ngày giờ hét lên cả triệu bạc, vậy mà vẫn cháy phòng.
– Vậy nhiều nơi đổ về đây lắm à?
– Ðúng rồi bác, ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng người ta đổ về, mà ăn thua gì, trong miền Nam họ ra đây. Hôm trước em chở một ngày mấy chục cuốc khách trong miền Nam ra đi lễ. Vùng khác họ đến thôi, chứ dân ở đây, người ta ít đi lắm, họ lại ngược qua vay lộc bên đền Bà Chúa Kho bên Bắc Ninh ấy.
Thông tin anh tài xế này vừa cho hay cũng giải thích cho tôi hiểu tại sao trên chuyến xe từ Bắc Ninh qua Nam Ðịnh của chúng tôi, có nhiều người mang lộc từ đền Bà Chúa Kho về thế.
Cám ơn anh tài xế này và không quên xin số điện thoại để lát nữa nhờ chở tìm khách sạn, chúng tôi cũng chen chân vào đền thờ Ðức Thánh Trần.

Quả là người ta nói đúng, đi hội trên đất Bắc lúc nào cũng đông nườm nượp. Từ ngoài cổng, đã gặp vô số người bưng mâm lễ để vào dâng Ðức Thánh. Khách đi lễ chỉ cần nạp lễ tùy vào lòng thành (mà ở đây, người ta định nghĩa lòng thành tùy vào số tiền anh bỏ ra, anh bỏ ra càng nhiều thì ấn của Ðức Thánh càng thiêng), sau đó sẽ nhận một tờ giấy in sẵn (trong hàng triệu tờ in sẵn) mà người ta gọi là ấn. Rồi mang vào trong đền, khấn, rồi nhờ chủ lễ xin keo sấp ngửa xem Ðức Thánh đã chứng cho chửa.
Vào lễ này có cái hay là người chen chân đều là người nơi khác đến bởi họ tin vào ấn của Ðức Thánh Trần, sẽ cho một năm làm ăn phát tài, phát lộc, thăng đường quan chức, không hiếm vợ của các ông lớn hằng năm đều đến đây để xin ấn cho chồng mình. Nhưng ngược lại, không khó gặp những đám đông ngồi xúm lại với nhau kể về Ðức Thánh Trần. Tôi may mắn được gặp cô Nụ, một trong những người dân Nam Ðịnh hằng năm đều đi lễ đền Trần. Cô Nụ cho hay:

– Cô chỉ đi lễ thôi cháu, chứ không xin ấn gì đâu, đó chẳng qua là một tờ giấy, người ta làm thêm cái triện dấu rồi in vào đó thôi chứ ấn gì. Cô và những người bạn ở đây đến để thắp hương tưởng nhớ công đức của Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo.
– Vậy cô có đi lễ chỗ nào nữa không cô?
– Không đâu cháu, ở đây người ta đi kiểu đó cũng nhiều lắm. Cơ mà tự lừa nhau cả mà thôi. Này nhé, như người trong Nam thì ra đây xin ấn, xin lộc, đi vay của Bà Chúa Kho ngoài này, còn người ngoài này thì lại bỏ cả chục, cả trăm triệu bạc ra để bay vào Bình Dương, Tây Ninh, Sài Gòn để xin lộc, vay lộc trong đó. Mà nguyên nhân là gì, người trong đó bảo là ngoài này thiêng, nộp quanh năm cho ngoài này rồi, giờ phải đi xin, đi vay lại ít, ngoài này thì bảo trong đó thiêng, nhiều của lắm tiền, phải tiếp tục vay… Chẳng qua là phùa nhau cả thôi, có mà mấy ông dịch vụ với mấy ông tổ chức lễ phát lộc thì có, nhở!

Nói đến đây, cô Nụ cười rồi trở lại câu chuyện với những người bạn già.
Tôi tiếp tục chen chân vào đền Trần để quan sát cảnh người ta xin ấn. Kể cũng lạ, mới hôm qua ở bên đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, từng đoàn người cũng rồng rắn, chen nhau vay lộc, vậy mà ở đây hôm nay, lượng người đến đây không kém nếu như không nói là gấp cả chục lần. Hỏi ra mới hay là tuần trước, vào hôm khai hội chính có ông chủ tịch nước Trần Ðại Quang đến dự lễ. Thế là tin một đồn mười, người ta kháo nhau nhờ đi lễ đền Trần mà ông Trần Ðại Quang lên Chủ tịch nước. Nghe đâu hôm đó đông đặc an ninh, không ai được phép chụp ảnh quay phim gì. Nghe vậy xong, tôi cũng hú cả hồn. Dù sao thì cánh đàn bà con gái, nhỡ mình đi vào đúng hôm đó, không bị người ta dùng chân đè người thì cũng bị an ninh hốt bỏ vì mang máy ảnh vào đền.
Nhưng đó cũng chỉ là hú hồn, còn hồn thật, có lẽ đang lang thang ngay đây bên cạnh cảnh người chen chúc. Theo thông tin của báo nhà nước, năm nay lễ hội đền Trần không có việc giẫm đạp lên nhau tranh giành ấn. Ðiều này có được là nhờ kinh nghiệm của những năm trước, và nhất là kinh nghiệm của việc thanh niên đánh/chém nhau bên lễ hội Thánh Gióng loạn xạ để cướp lộc tre. Mà nghe đâu, trước đó nhiều ông lớn lên tiếng việc cướp là có văn hóa và tất cả là theo kịch bản. Chắc nay kịch bản lỗi thời.

Ðang miên man suy nghĩ trong khi dòng người chen chân, tôi “may mắn” được một người trong ban lễ của đền Trần gọi lại.
– Thế cháu đi lễ hay đi chụp hình đây.
– Dạ vừa đi lễ vừa đi chụp hình, dễ gì ra đến đây đâu mà chú.
– Ờ nhỉ, thế chưa đi làm lại à.
– Dạ chưa, phải xin ấn rồi mới đi làm lại chứ ạ.
– Ừ mà cái cô này, có biết ấn là gì không mà bỏ cả công cả việc về đây xin ấn.
– Dạ là ấn của Ðức Thánh Trần ạ.
– Ơ thì cô này biết một mà không biết mười. Ấn ở đây, các cụ bảo là ngày xưa vua phát cho các quan sau mười ngày Tết để đi làm trở lại. Nghĩa là các quan được nghỉ mười ngày rồi nhận được ấn là hết Tết, đi làm lại mà giúp dân giúp nước. Có như các cô cậu đâu, giờ mà đi xin ấn thì bao giờ mới đi làm.
– Dạ thế con tưởng là xin ấn là xin tài lộc thăng quan tiến chức chứ ạ.
– Ớ thì tục truyền thì là vua ban ấn cho quan đi làm chứ thực hư thế nào thì chịu nhá, cái này cô hỏi mấy bác bên văn hóa ấy.

Xà quần một lúc cũng may là bác này tha cho để còn kịp chen chân mà ra ngoài chứ chỗ đông người, hương khói thế này, theo lời anh tài xế taxi là coi chừng hỏa hoạn và đề phòng dân ‘hai ngón’. Nghe đâu ai đi lễ ở đây mà kinh nghiệm thì chỉ mang theo đúng tiền cúng lễ và tiền đi taxi bởi lễ hội kiểu này là nơi tập trung của những đại ca hai ngón, tức dân móc túi, đây cũng là lý do mà nhiều người Nam Ðịnh chọn dịp khác để thắp hương tưởng nhớ công ơn Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo.
“Bác có tiền, có sức thì bác đi vay của Thần, của Thánh, em đây không có gì thì dùng hai ngón mà vay của bác vậy. Ðằng nào cũng là vay, nhở…!”
Câu nói của một đại ca hai ngón trong lễ hội đền Trần trước khi rời khỏi lễ cứ ám ảnh tôi trong suốt cuộc hành trình ở Nam Ðịnh. Phải chăng trên đất nước này người ta chỉ biết vay và mượn? Ðến bao giờ dân tộc này mới lại xuất hiện một Ðức Trần Quốc Tuấn với: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng.”
UC