Menu Close

Nỗi cô đơn của Hương

Sài Gòn lâm râm miết không biết chừng nào mới ngắt cầu dao cái mùa mưa kéo dài hai năm. Tôi vừa ngồi ban công ăn cháo vừa nghe hàng xóm dạy con. Bà mẹ cứ liên tục nói “con nhà người ta” này, “con nhà người ta kia”… Ôi thôi biết bao tấm gương sáng ngời. Lại tắt ngúm trước câu trả lời của đứa con: “Sao má không nhắc con Hương đang đi tù bên Mã đó, cũng con nhà người ta đấy thôi?”

noi-co-don-cua-huong7
Cảnh sát dẫn giải Đoàn Thị Hương (trái) sau phiên công bố cáo trạng tại Malaysia. Đoàn Thị Hương đã được cho mặc thêm áo chống đạn – Ảnh: AFP

Tôi cũng khá bất ngờ với câu trả lời đó. Không ngờ sự phát triển của Internet giúp ích nhiều đến vậy. Ðến sâu trong những cuộc tranh luận gia đình. Nếu sự việc xảy ra bốn năm trước, chắc cả hai mẹ con kia sẽ không biết Ðoàn Thị Hương là ai. Và chưa chắc người con dám trả lời mẹ mình như vậy. Trẻ con Việt Nam luôn thiếu tiếng nói với “thế lực” lớn hơn. Ðến khi lớn lên, cũng vậy! Nhưng không chỉ tiếng nói, trẻ em lẫn người lớn ở Việt Nam thiếu rất nhiều… Ở đất nước tôi đang sống, những gì được phép đến tận tay, day tận mắt người dân bằng cách được chính quyền thông qua là hợp pháp đều chứa chưa đến một nửa sự thật! Mà ai cũng biết, một nửa sự thật chưa bao giờ là sự thật! Ví dụ như sự thật ở trên của bà mẹ là “con nhà người ta” luôn tốt, chỉ muốn nhắc đến những đứa “con nhà người ta” “the best of the best”! Hay chuyện Formosa ảnh hưởng đến hơn 10 triệu dân suốt 5 tỉnh thành miền Trung. Hình ảnh nước có màu đỏ như ở Kỳ Anh, chân đèo Hải Vân, biển ở Ðà Nẵng đang xuất hiện mấy ngày gần đây, đã trên 3 nguyên nhân được thông cáo trên báo cách mạng (sau khi dân tình oán thán), nhưng chỉ có một sự thật người dân nên nhìn nhận là chính quyền đã chính thức công nhận nước biển ô nhiễm, đã có màu đỏ, còn chuyện mỗi ngày một nguyên nhân thì nên… đọc cho vui!

noi-co-don-cua-huong6
Nguyễn Thị Ngọc Lan (23 tuổi) ăn cắp số lượng lớn gồm 113 các loại mỹ phẩm và thuốc các loại như son môi ở Nhật – Ảnh: bản tin truyền hình Nhật

Tuần qua, dư luận sôi nổi bàn luận, cãi nhau, đổ dồn mọi chú ý, bày tỏ thương xót trước sự vô tâm của người Việt với cô gái tên Ðoàn Thị Hương, nghi phạm trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Thậm chí thi nhau so sánh với trường hợp một cư dân người Úc gốc Việt khi anh bị kết án ở Singapore. Trong khi ở Nhật cũng bắt giữ một phụ nữ Việt Nam vì ăn cắp một số lượng lớn hàng hóa mỹ phẩm để bán lại; và ở Pháp, hai nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị tạm giữ tại Pháp để thẩm vấn do bị cáo buộc liên quan đến một vụ buôn bán dược phẩm về Việt Nam. Và hàng trăm vụ án khác của người Việt ở nước ngoài rất ít được chú ý. Ðó là sự bất công của dư luận,  nó luôn hiện hữu và tồn tại song song với nhiều sự bất công khác. Rồi bị người ta cho như hiển nhiên.

Một người bạn facebook của tôi biên: Nếu Ðoàn Thị Hương là con của lãnh đạo cấp huyện trở lên thì chắc chắn đã có giấy chứng nhận tâm thần gửi tới Malaysia rồi. Tiện tay tôi cũng trả lời: Nếu Ðoàn Thị Hương là con của lãnh đạo cấp huyện trở lên thì chắc chắn không ai thèm góp tiền hay thương xót cho em ấy cả mà có thể cả xã hội đồng lòng chửi! Rất nhiều người tán thành và vui vì sự phát hiện đó. Hầu như không ai bất ngờ với tờ giấy chứng minh tâm thần kia nữa. Tôi đang ở một đất nước mà người ta ai cũng thích chạy theo thời cuộc, cái gì hết bất ngờ sẽ không còn được hoan nghênh trên mặt báo lẫn trong lòng phẫn nộ. Và nó trở thành bình thường, có một giá trị thật ngồi chễm chệ trong lòng mỗi người.

noi-co-don-cua-huong3
Mẹ của cô dâu bị sát hại ở Hàn ngày đi nhận xác con. ảnh: ZingNews

Ðiều xã hội quan tâm, tranh luận là gì? Là tại sao chính phủ Việt Nam quan tâm công dân của mình quá trễ, sau khi cư dân mạng quan tâm. (Thật ra tôi đánh giá cao sự việc này của chính phủ, vì hình như họ dần biết “sợ” tiếng lòng của nhân dân thông qua… facebook. Ðoàn Thị Hương hình như là tội phạm đầu tiên được chính phủ xem xét cử luật sư ra nước ngoài bào chữa). Là có nên góp tiền để giúp gia đình Hương hay không? Là sau này họ, những công dân Việt Nam có bị thêm vạn phần cản trở khi muốn đi du lịch các nước phát triển hay không? Họ thi nhau share bức hình của Hương tràn ngập News Feed, ai không muốn xem cũng phải xem, không muốn nghĩ cũng phải nghĩ, không muốn quan tâm cũng phải quan tâm. Nhưng tôi thấy một câu chuyện khác sau bức hình đó. Một câu chuyện dài và cũ, rất cũ. Một phần chìm ở dưới tảng băng chìm. Một nửa sự thật!

Thứ nhất, theo giả định và lời khai ban đầu, Ðoàn Thị Hương cứ tưởng mình đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế khi vung tay lao về phía nạn nhân, cô tin nó cũng như chuyện bản thân từng tham gia vào chương trình tìm kiếm tài năng ca hát trên truyền hình Việt. Cô tin mình sẽ nổi tiếng như những “hiện tượng” nổi lên hàng ngày trên mặt báo cách mạng. Ánh hào quang sẽ soi rọi…  Không riêng Ðoàn Thị Hương, ở VN hiện nay có rất nhiều, đa số các cô gái chàng trai trẻ tin vào “lý tưởng” đó. Lợi dụng sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook, Instagram…, các bạn trẻ không chỉ tung video, hình ảnh phản cảm, thậm chí nude lên mạng xã hội mà còn hùa theo phong trào đủ bao nhiêu lượt like thì sẽ tự thiêu, đốt trường, cởi đồ…

noi-co-don-cua-huong5
Nguyễn Khắc Thủy – đảng viên đcs việt Nam – nguyên Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, người xâm hại tình dục đứa trẻ 5 tuổi, con chị Trương Nam Thi.

Bạn có thể lên mạng gõ “hiện tượng mạng”, “phát sốt với hình nude”, “cô gái live tream khỏa thân câu like”, “Việt Nam nói là làm”, “Cày view cho thần tượng”, “Các game show ở Việt Nam”, sẽ thấy có hàng ngàn bạn trẻ, hàng triệu thanh thiếu niên sẵn lòng làm trò hề mua vui vài phút trên mạng để đổi “view”, lấy “like”, để trở thành một hiện tượng nào đó. Sau đó sẵn sàng đánh đổi nhân cách của bản thân, từ bỏ gia đình để làm công cụ của truyền thông. Nguy hiểm hơn là nó hình thành nên suy nghĩ ở giới trẻ rằng nổi tiếng trên mạng vô cùng dễ dàng. Chỉ cần làm những điều phản cảm, khác người là có thể bước chân vào môi trường nghệ thuật, kiếm hợp đồng quảng cáo…

noi-co-don-cua-huong4
Cha cô Đoàn Thị Hương. ảnh: báo thanh niên

Ðó là nhận thức của đa số giới trẻ hiện nay. Chuyện kinh khủng hơn là, các bạn luôn có những sự khuyến khích vô hình. Bằng chứng là các trang cá nhân như vậy sau một đêm thôi sẽ có hàng chục đến hàng trăm nghìn người theo dõi. Những nhân vật càng tai tiếng thì càng được nhiều bạn trẻ lẫn người lớn “theo dõi”. “Theo dõi” không hẳn là thương yêu mà để dành theo dõi cho dễ bị phán xét. Theo đó, càng nhiều người ném đá, chửi rủa thì những người đó càng đạt được mục đích là lôi kéo sự chú ý, lượng “theo dõi” càng đông. Càng nhiều người biết. Sau tất cả, dầu cuộc đời các bạn có ra sao thì cuối cùng các bạn cũng đã đạt được mục đích được biết đến. Tuy biết rằng nổi tiếng có nhiều kiểu, có người nổi tiếng nhờ phát minh ra tiện ích cho nhân loại, có người nổi tiếng vì học dốt, đánh nhau giỏi, có kẻ nổi tiếng vì những trò ngu xuẩn. Vấn đề là ngay cả người lớn cũng chấp nhận và coi sự nổi tiếng đó là bình thường, là một sự “phát triển” của xã hội. Do vậy, không ít người Việt Nam tin, xót thương, coi chuyện cô gái Ðoàn Thị Hương có thể bị lừa, giết người với 100$ là hoàn toàn có thật. Họ lấy sự nghèo, muốn đổi đời che lấp đi một vấn đề kinh khủng hơn. Khi bạn đam mê danh ảo, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ trở thành công cụ cho truyền thông “ma cà rồng” ở Việt Nam. Và có thể, có rất nhiều người trong số nói thương xót Hương, không hề nghĩ đến đó là một tệ nạn, có thể xảy đến với con em mình! Không đơn giản là “con đừng nghe lời người lạ, đừng nhận tiền người lạ” mà còn là “con sẽ chết chìm trong mớ ‘lý tưởng’ đó!”. Còn Hương, dẫu có bị lừa hay không thì giờ cô cũng đã nổi tiếng khắp thế giới. Dẫu có bị tử hình hay không thì cuộc đời cô cũng coi như không còn ánh sáng. Vì sau tất cả, ở xã hội này, con người ta còn phải ngụp lặn trong miệng đời để bơi qua bể khổ.

noi-co-don-cua-huong2
Điều xã hội quan tâm. ảnh: tuổi trẻ cười

Thứ hai, khi đọc tin về tiểu sử, gia đình Hương. Thật tình là tôi thấy rất đau lòng và… đồng cảm! Cũng có thể đó là suy đoán một chiều từ tôi. Vì tôi cũng chỉ đọc báo, tiếp cận một  nửa sự thật! Ðó là thái độ của gia đình trong những bài báo đầu tiên về Hương. Ba Hương được giới thiệu là một thương binh, mẹ Hương mất đã hai năm nên ông đã lấy và giờ đang sống cùng vợ kế. Có một chi tiết: Trong bài báo đầu tiên khi nhà báo gặp cha Hương “lúc cuộc nói chuyện đang dang dở thì cha Hương đứng dậy xin phép phải đi làm” và “cô con gái út ở đâu, làm gì, quan hệ với những ai trong 10 năm trời ông không hề hay biết, cũng không tìm hiểu”. Rồi… “Vì không có tiền nên không thể qua Malaysia tham dự phiên tòa mà Hương đang đứng trước án tử!” Nhìn bức hình phóng viên chụp người thân của Hương tại căn nhà của cha cô ở quê với câu chữ trong bài báo là “căn nhà cấp bốn tuềnh toàng” rất trái ngược. Tự nhiên thấy nhớ hình ảnh trong căn nhà rách nát như cái chòi ở miền Tây có một người mẹ của một cô dâu Việt bị chồng sát hại ở Hàn Quốc đã sẵn sàng chạy vạy vay mượn khắp nơi để có thể qua Hàn Quốc và đưa xác con về.

Một người mẹ không giàu, bỏ công ăn việc làm, bỏ qua bao lời đe dọa ở Vũng Tàu miệt mài đâm đơn kiện từ năm này qua năm khác, từ Việt Nam đến gửi thư đến Quỹ Nhi đồng LHQ đòi công bằng mong manh cho đứa con gái 5 tuổi bị ông lão 76 tuổi là Nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân Hàng Nhà Nước tại Vũng Tàu xâm hại tình dục.

noi-co-don-cua-huong1
Nỗi ám ảnh mang tên Việt Nam

Mọi so sánh có thể đều khập khiễng, nhưng nhìn vào những “tấm gương” đó tôi thấy Hương thật đáng thương. Cô không chỉ cô độc vào những hôm phải ngồi tù mà đã cô độc suốt một đoạn đường dài. Và một lần nữa, vấn đề của Hương cũng là vấn đề của rất nhiều đứa trẻ ở Việt Nam hiện nay, trong đó có tôi. Chúng tôi cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Chạy trốn ra xã hội lại dễ bị lôi kéo vào tệ nạn.

Trách nhiệm của gia đình là quan trọng nhưng sự thương yêu của con người với con người với nhau càng đáng trân trọng hơn. Chúng tôi đã không được sống trong một đất nước có chính sách tốt để tất cả mọi công dân được bảo vệ thì chúng tôi cũng không được dạy việc bảo vệ lẫn nhau trước cuộc sống. Và các bậc làm cha làm mẹ nên ngưng đẻ trước khi bảo đảm được tình thương và trách nhiệm của mình với những núm ruột bé bỏng đáng thương kia.

noi-co-don-cua-huong
Nỗi ám ảnh mang tên Việt Nam

Tôi cũng giống Hương ở chỗ, từ ngày ba má tôi mất lúc tôi 5 tuổi đến nay, cả hai bên nội ngoại đều không biết tôi làm gì, ở đâu, trình độ ra sao… Chúng tôi, có nghĩa là tôi và dòng họ tôi, Hương và ba cô ấy, hình như chỉ còn “dính” nhau bởi cái hộ khẩu. Một loại “giấy phép” chứng minh mỗi gia đình là một ngôi… tù! Chính nó cũng sanh ra bao nhiêu là gia đình đầy sự cô đơn. Có thời, người ta lấy nhau vì cái hộ khẩu…

Có ai để ý, trong mọi câu phỏng vấn ở nước ngoài lẫn trên báo Việt, Hương chưa hề nhắc đến hai chữ: Gia đình!

DU