Tuần qua, một trong những sinh hoạt chính trị ở Mỹ được chú ý nhất là sự kiện Tổng thống Donald Trump đọc bài diễn văn đầu tiên của ông trước lưỡng viện Quốc hội vào tối hôm Thứ Ba 28/2. Đây là một sinh hoạt truyền thống đã có từ thời kỳ mới lập quốc khi George Washington trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và cũng là vị tổng thống đầu tiên đọc diễn văn trước Quốc hội.

Trong bản hiến pháp của nước Mỹ cũng nói rõ là các vị tổng thống “cần phải thông báo với Quốc hội về tình hình liên bang vào một thời điểm thích hợp.” Thông thường, bài diễn văn quan trọng này được đọc trong tháng đầu của năm và mỗi năm một lần để vị tổng thống đương nhiệm có cơ hội trình bày với quốc dân tình hình của đất nước cũng như đưa ra những mục tiêu trong nghị trình của bên hành pháp để cùng với Quốc hội làm việc trong những tháng hoặc những năm sắp tới.
Tuy nhiên, kể từ 1961, năm đầu chấp chính của cố Tổng thống John F. Kennedy, chưa có vị tổng thống nào đọc diễn văn Tình hình Liên bang (State of the Union) trong năm đầu nhậm chức. Thay vào đó, các vị tổng thống gần đây thường đọc một bài diễn văn trước Quốc hội, ngắn gọn hơn và ít chi tiết hơn về những chính sách đối nội và đối ngoại. Mặc dù vậy, bài diễn văn đầu tiên này được xem cũng quan trọng không kém bài diễn văn Tình hình Liên bang và do đó không chỉ nhiều người Mỹ mà nhiều lãnh tụ của các quốc gia khác trên thế giới cũng theo dõi rất kỹ.

Trong bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc hội năm 2009, cựu Tổng thống Barack Obama nói rằng ông tin tưởng là nước Mỹ sẽ vượt qua được cuộc suy trầm kinh tế tệ hại nhất trong vòng hơn 70 năm. Obama nói, “Chúng ta sẽ tái thiết, chúng ta sẽ phục hồi, và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn trước.”
Năm 2001, cựu Tổng thống George W. Bush, như một lời tiên tri, nói rằng nước Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho những sự việc bất ngờ. Hơn 6 tháng sau đó, nước Mỹ đã phải đối phó với cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất trong lịch sử, giết chết khoảng 3,000 người trong ngày định mệnh 11 Tháng 9, 2001.
Bài diễn văn đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đọc trước lưỡng viện Quốc hội kéo dài đúng 60 phút bao gồm 5,006 từ – là kết quả của sự hợp tác từ chiến lược gia Stephen K. Bannon; cố vấn về chính sách, Stephen Miller; và người viết diễn văn cho tổng thống, Vince Haley, cùng với một số ý kiến đóng góp từ cố vấn Toà Bạch Ốc, Kellyanne Conway. Phần cảm động nhất khi Tổng thống Trump nhắc đến William “Ryan” Owens, binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt Navy SEAL tử trận trong cuộc tảo thanh một căn cứ khủng bố tại Yemen, trước sự chứng kiến của bà quả phụ Carryn Owens đã được hầu hết mọi người có mặt trong khán phòng đứng lên vỗ tay vinh danh trong nhiều phút đồng hồ.
Có thể nói trong suốt 6 tuần lễ đầu kể từ khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, chính quyền của Donald Trump đã gặp rất nhiều khó khăn, có người còn ví như là những cuộc khủng hoảng nho nhỏ, do từ những lỗi lầm mà chính họ gây ra – từ vụ đưa ra sắc lệnh hành pháp cấm các công dân mang thông hành từ 7 quốc gia Hồi giáo là Iran, Iraq, Syria, Sudan, Libya, Yemen và Somalia đi vào nước Mỹ đã gặp sự chống đối từ khắp nơi, cho đến những tin tức liên tục rò rỉ từ bên trong nội bộ về những cuộc gặp gỡ trong thời gian tranh cử giữa các nhân vật quan trọng trong ban vận động tranh cử của ông với một số giới chức ngoại giao Nga tạo nên những vụ tai tiếng gây tranh luận khắp nơi. Vì vậy, bài diễn văn đầu tiên đọc trước Quốc hội của Tổng thống Trump được xem là bước thành công chính trị lớn nhất của ông, nếu không muốn nói là thành công đầu tiên, với số người theo dõi trên truyền hình vào khoảng 48 triệu, thấp hơn so với bài diễn văn đầu tiên của ông Obama là 52 triệu, nhưng vẫn là con số đáng kể. Hơn nữa, qua bài diễn văn này, Donald Trump nhận được sự khen ngợi từ phía truyền thông, kể cả The New York Times và Washington Post là hai tờ báo thường có những bài chỉ trích Trump mạnh nhất, mặc dù bài diễn văn được đánh giá là trung bình nhưng vì nội dung của nó cho thấy một Donald Trump có giọng hoà hoãn hơn và cho thấy có “tư cách tổng thống” hơn so với giọng điệu thường tỏ ra thách thức như trong thời kỳ tranh cử, hay thậm chí như trong bài diễn văn nhậm chức. Theo tờ The New York Times, chữ “we” (chúng ta) ông sử dụng nhiều hơn chữ “I” (tôi) gấp ba lần.

Ngay sau bài diễn văn kết thúc, kết quả thăm dò dư luận của đài CNN cho biết khoảng 70 phần trăm người được hỏi nghĩ rằng những chính sách Trump đưa ra trong bài diễn văn sẽ đưa nước Mỹ đi đúng hướng; và gần hai phần ba nói rằng ông đưa ra đúng những ưu tiên người dân Mỹ muốn ông thực hiện. Tương tự như trên, kết quả thăm dò của đài CBS cho thấy hơn ba phần tư tán thành bài diễn văn, với 61 phần trăm gọi bài diễn văn là “rất tích cực”, và hai phần ba nói rằng Trump mô tả tình hình nước Mỹ “thực sự đúng như hiện tại”. Ðài CBS cũng chỉ ra là số người thuộc đảng Cộng hoà theo dõi nhiều hơn người thuộc đảng Dân chủ. Tuy vậy, cũng có khoảng 40 phần trăm phía Dân chủ tán thành bài diễn văn.
Thậm chí một ngày sau đó, chỉ số cổ phiếu tại thị trường chứng khoán New York đã vượt quá con số kỷ lục là hơn 21,000 điểm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tài chính cho rằng lý do không hẳn là vì bài diễn văn mà có lẽ nhờ thị trường nhận thấy có những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế nước Mỹ nhiều hơn, mặc dù những người này cũng nhìn nhận là chính sách của chính phủ Trump tạo được sự thân thiện và thuận lợi cho giới kinh doanh hơn chính sách của Obama, và có thể vì vậy mà không chỉ riêng chỉ số chứng khoán New York mà nhiều chỉ số ở những nơi khác nữa đã tăng ở mức độ kỷ lục kể từ khi Donald Trump lên làm tổng thống.
Trong khi đó, phản ứng của chính phủ của một số quốc gia trên thế giới tỏ ra dè dặt và phát biểu trong phạm vi chừng mực. Trong bài diễn văn, ông Trump nói rằng nước Mỹ đã phải đóng cửa 60,000 hãng xưởng kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ðể đáp lại, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng quan hệ mậu dịch giữa hai quốc gia mang lại lợi ích cho cả hai bên. Một điểm đặc biệt là bài diễn văn không một lần nhắc tới Iran, Bắc Hàn và Nga, là ba nước trong thời gian qua tạo nên những tin tức khá nóng có liên quan ít nhiều tới những chính sách của chính phủ Trump. Theo cơ quan thông tấn Associated Press, Dmitry Peskov, phát ngôn nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết đây là điều “tự nhiên” thôi vì Tổng thống Trump “đang bận bịu với chính sự nước Mỹ, trong khi Tổng thống Putin của chúng tôi cũng bận bịu với chính sự nước Nga.” Người tỏ ra bất bình nhất có lẽ là cựu Tổng thống Mexico, ông Vincente Fox. Khi nói tới vấn đề di dân, Trump cho biết ông muốn cả Cộng hoà cũng như Dân chủ nên cùng nhau làm việc để có một cuộc cải tổ sâu rộng về hệ thống di trú của nước Mỹ – một chỉ dấu cho thấy chính phủ Trump có thể sẽ bớt gay gắt hơn về chính sách di dân. Tuy nhiên, Trump cho biết là ông vẫn tiếp tục thực hiện chương trình trục xuất những di dân bất hợp pháp và xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Và điều này đã làm ông Fox bực mình và xẵng giọng nói rằng ông Trump nên xây một bức tường bao bọc quanh ông ta thì hơn.

Tuy nhận được nhiều sự tán thành, vẫn còn nhiều người tỏ ra nghi ngờ rằng không biết đây có phải thật sự là bước ngoặt xoay chuyển của Donald Trump từ phong cách giận dữ, nóng nảy sang lối tiếp cận điềm tĩnh và lịch sự hơn như những vị tiền nhiệm khi phải đối mặt với những vấn đề chính sự tốt cũng như xấu.
Trước đây người ta cũng đã từng tưởng lầm là Donald Trump sẽ đổi thái độ dịu dàng hơn trong khi tranh cử sau vụ chương trình truyền hình “Access Hollywood” tung ra đoạn thâu âm cho thấy ông Trump nói những lời thô tục về phụ nữ, nhưng chỉ ít lâu sau đó ông lại bắt đầu có giọng gây hấn.
Hoặc như trong đêm bầu cử, sau khi bất ngờ đạt chiến thắng vẻ vang, Trump đã xuất hiện trước những người ủng hộ kêu gọi: “Ðây là lúc nước Mỹ hãy khép lại vết thương chia rẽ và cùng sát cánh bên nhau.” Nhưng rồi mấy tháng sau đó ông lại thường có giọng điệu khắc nghiệt và u ám trong những cuộc phỏng vấn, trong những bài diễn văn (thường không theo đúng bài bản) và trên trang Twitter cá nhân.
Mặc dù đang nắm nhiều yếu tố chính trị thuận lợi, trong đó đảng Cộng hoà không chỉ nắm giữ Tòa Bạch Ốc, lưỡng viện Quốc hội, mà luôn cả hai phần ba chức thống đốc tại 50 tiểu bang, nhiều người, trong đó có cả những cố vấn cao cấp, khuyên ông nên giữ giọng ôn hoà và phong cách điềm tĩnh để tìm sự hợp tác từ phía đối lập thì một số chính sách của ông mới có cơ hội thông qua tại Quốc hội. Và chỉ cách tiếp cận này mới đem lại thành công cho ông trong những năm tháng tới.
VH