Vũ trụ – không gian mênh mông ở trên cao – thường được cõi người gọi bằng những nick name rất lạ. Chẳng hạn như “Tinh Vân Ðầu Ngựa – Horsehead Nebula” vì cho rằng vũ trụ có hình dạng tương tự như thế. Hoặc thơ mộng hơn, vũ trụ được gọi là “Thiên Hà Tiên Nữ – Andromeda.” Vậy Dải Ngân Hà (hay Thiên Hà cũng vậy), vì sao lại có tên gọi thơm như mùi sữa là “Milky Way.”
Các nhà thiên văn học tin rằng, Ngân Hà mang hình xoắn ốc, có một hàng ngôi sao băng qua chính giữa. Muốn bay đến Ngân Hà với tốc độ ánh sáng, phải mất khoảng 100,000 năm – con số của muôn ngàn trùng lai kiếp. Ngân Hà thuộc nhóm Ðịa Phương; thành viên lớn nhất là Thiên Hà Tiên Nữ có tên khoa học là M31; Ngân Hà lớn thứ hai; xếp thứ ba là Thiên Hà Triangulum M33. Nhóm này có chừng ba mươi thành viên.

Ðể hình dung kích thước khổng lồ của Galaxy, các chuyên gia về thiên văn nói rằng, chúng ta nên vui mừng vì Trái Ðất không nằm gần tâm điểm Ngân Hà, một lỗ đen khủng khiếp của giòng sông bạc lấp lánh này. NASA cho biết, lỗ đen nằm theo hướng chòm sao Nhân Mã -Sagittarius, trong khi Ðịa Cầu ở cách đó khoảng 165 triệu tỷ dặm.
Tên gọi “Milky Way” của Ngân Hà bắt nguồn từ diện mạo trông như giòng sữa, khi vắt ngang bầu trời đêm. Tìm thấy Dải Ngân Hà giữa trung tâm đô thị có muôn vạn ngàn ánh đèn lấp lánh, là một điều khó. Nhưng chỉ cần đi về đồng quê, thì sông Ngân thật sự lấp lánh chiếm ngự cả bầu trời. Người La Mã xưa gọi giòng sông Ngân là “Via Lactes,” hiểu theo nghĩa đen là “Con Ðường Sữa.”
Từ ngữ Hy Lạp “Galaxy” chỉ Ngân Hà cũng bắt nguồn từ “milk,” có nghĩa là “sữa.” Chẳng biết đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, bởi vì từ thời tiền sử cho đến bây giờ, không còn bất cứ dấu tích di chỉ nào, cho biết về nguồn gốc tên gọi “Milk Way” hay từ ngữ Hy Lạp“Galaxy” của Dải Ngân Hà.
Phải mất hàng ngàn năm, người ta mới hiểu được bản chất đích thực của Dải Ngân Hà. Thời Aristotle, Ngân Hà được tin là “nơi các thiên cầu tiếp xúc với các địa cầu.” [“where the celestial spheres came into contact with the terrestrial spheres.”] Không có kính thiên văn, chỉ có thể nói như vậy. Nhưng quan điểm này đã thay đổi, khi nhân loại bước vào đầu thế kỷ thứ mười bảy. Trong tác phẩm “Sidereus Nuncius” xuất bản năm 1610, nhà thiên văn lừng danh Galileo Galilei cho biết: Theo sự quan sát của ông, Ngân Hà không phải là một đường thẳng đồng đều, mà có những gói nhất định chứa dày đặc hằng hà sa số ngôi sao.
Năm 1750, Thomas Wainwright lầm tưởng các ngôi sao này là một phần của Thái Dương Hệ. Trong khi đó cuối thế kỷ thứ mười tám, William và John Herschel cho rằng, các ngôi sao ở phía bên này Dải Ngân Hà, dày đặc và nhiều hơn ở phía bên kia. Mãi đến thế kỷ hai mươi, các nhà thiên văn mới biết, Ngân Hà thật ra chỉ là một trong số rất nhiều thiên hà trên bầu trời. Kết luận này được họ đưa ra, sau nhiều lần nghiên cứu. Năm 1912, khi liên tục quan sát các“tinh vân xoắn ốc” ở xa, nhà thiên văn Vesto Slipher nhận thấy: Tốc độ của các thiên hà ở xa này, nhanh hơn vận tốc của Dải Ngân Hà của chúng ta. Năm 1917, Herber Curtis phát giác một “nova” nghĩa là “ngôi sao vừa chợt sáng” trong Thiên Hà Tiên Nữ – Andromeda, mờ nhạt hơn Dải Ngân Hà. Thập niên 1920, Edwin Hubble lừng danh khi chứng minh, Ngân Hà thật sự ngàn trùng xa cách Trái Ðất.
Khi dùng kính thiên văn vũ trụ Hubble, người ta có thể nhìn thấy hàng vạn tỷ thiên hà, chứ không chỉ có Ngân Hà. Mặc dù các nhà khoa học đã chụp được một số hình ảnh của những thiên hà ở cách Trái Ðất hàng tỷ năm ánh sáng, nhưng cũng thật khó ước tính, có bao nhiêu thiên hà “ở cõi ngoài” vũ trụ mênh mông.
Ngân Hà, theo truyền thuyết Á Ðông, có liên quan đến chuyện tình bi thương của Ngưu Lang và Chức Nữ. Ngưu Lang là người chăn trâu trên thượng giới, mê nàng tiên Chức Nữ, để trâu nghênh ngang đi vào điện Ngọc Hư. Còn Chức Nữ, mê tiếng tiêu sầu rụng của Ngưu Lang, xao nhãng việc đưa thoi dệt vải. Ngọc Hoàng tức giận, bắt hai người ở cách xa nhau. Về sau Ngài cảm thương, mỗi năm cho gặp một lần vào ngày 7 tháng 7 Âm Lịch. Khi chia tay, cả hai khóc sướt mướt. Nước mắt rơi xuống thành Mưa Ngâu.
Truyền thuyết còn ghi rằng: Thuở ấy Sông Ngân trên trời không có cây cầu. Ngọc Hoàng đưa những người thợ dưới trần gian lên xây dựng. Họ cãi nhau về kiểu dáng, đến kỳ hạn vẫn chưa thể hoàn tất. Ngọc Hoàng tức giận, bắt những người thợ hóa thành quạ đen, lấy đầu xếp lại làm cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ đến gặp nhau. Nhưng khi làm cầu, nhớ lại chuyện xưa dù hóa thân là quạ đen, những người thợ xây cầu vẫn cãi nhau chí chóe. Chàng Ngưu nàng Chức nhìn xuống chân, thấy một đám đen chen chúc trông thật sợ hãi, đã ra lệnh cho đàn quạ mỗi năm khi lên trời bắc ngang sông Ngân, phải nhổ sạch lông trên đầu. Từ đó, đến Tháng Bảy Âm Lịch, tự nhiên cánh của những con quạ xơ xác, đầu rụng hết lông. Có lẽ do điển tích này, vùng Bình Ðịnh thuộc Miền Trung Việt Nam, có cụm từ “quạ làm xâu,” nói về những con quạ đi đâu không biết, một thời gian sau trở về với cái đầu trọc lóc trông rất ngộ nghĩnh. Tuy nhiên, cũng có một truyền thuyết khác, chép rằng: Những con quạ cảm thương Ngưu Lang Chức Nữ, phải sống ở hai đầu sông Ngân. Chúng tự nguyện bay lên trời làm cầu, để họ có thể gặp nhau trong đêm thất tịch.
Trên thực tế, Ngưu Lang chính là sao Altair, còn Chức Nữ là sao Vega, hai ngôi sao ở rất xa nhau. Cầu Ô Thước được bắc ngang trên sao Deneb, thuộc chòm sao Cygnus.
Vẫn biết rằng dưới lăng kính thiên văn, Ngân Hà chỉ là một trong số những thiên hà trên vũ trụ. Nhưng cho dẫu ở giữa thời đại thông tin công nghệ hiện nay, sông Ngân trở lệ dài thêm giòng nhòa vẫn là dấu chỉ của những chuyện tình buồn, khi “ Gió xa xôi vẫn về. Mưa giăng mù lê thê. Ðến bao năm nữa trời …Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu,” như giòng nhạc bất hủ của Ðặng Thế Phong.
HV – 2:34pm Thứ Bảy ngày 25 tháng 2 năm 2017
Sources:
http://www.universetoday.com/84662/why-is-our-galaxy-called-the-milky-way/
Why Is Our Galaxy Called The Milky Way?
https://phys.org/news/2010-03-milky.html
Origins of the Milky Way
http://mentalfloss.com/article/53589/why-do-we-call-our-galaxy-milky-way
Why Do We Call Our Galaxy the Milky Way?