Nhà văn Trang Châu là tác giả bút ký “Y sĩ tiền tuyến”, tác phẩm từng được trao giải Văn Chương Tổng Thống 1969; được nhiều người biết tới trong sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam (1954-1975). Và được tái bản tới 8 lần.

Trang Châu tên thật Lê Văn Châu, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1938 tại Huế. Ông là con trai thứ của cựu Trung tướng Việt Nam Cộng Hòa Lê Văn Nghiêm (thất lộc tại Sài Gòn ngày 27 tháng 01 năm 1988) và bà Trần Thị Thuận, (qua đời lúc Trang Châu lên 9 tuổi). Thuở nhỏ theo học tại các trường Pellerin, Thiên Hựu (Huế), Yersin (Ðà Lạt). Tốt nghiệp Y khoa năm 1966. Là bác sĩ quân y, phục vụ trong binh chủng nhảy dù, kể từ 1966 đến 1971. Ðã lập gia đình cùng bà Hoàng Kim Uyên (ái nữ của nhà thơ Hoàng Trọng Thược, Á hậu Việt Nam năm 1966) và có hai con trai. Trước 1975, Trang Châu cộng tác với các tạp chí: Tiền Phong, Khởi Hành, Văn Học… Tỵ nạn tại Montréal Canada từ năm 1977, hiện hành nghề tại phòng mạch tư. Tiếp tục sáng tác, nhưng ít gởi bài đăng báo.Tháng 6 năm 1987, được bầu làm Chủ tịch Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Canada, trung tâm Quebéc.
Trang Châu làm thơ trước khi viết văn. Về bút ký “Y sĩ tiền tuyến”, tác giả nói, tác phẩm đó của ông trải qua nhiều giai đoạn trước khi hoàn thành. Lý do:
“… Thật tình tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ viết văn cả. Vào năm thứ 6 Y khoa, tôi ghi tên học Nhảy Dù. Học lấy bằng xong, anh em trong tòa soạn Tình Thương bảo viết lại diễn tiến của khóa dù vì nghe tôi kể lại thấy hấp dẫn. Và bài “Khóa 68 Nhảy Dù” trong cuốn YSTT là đoản văn đầu tiên tôi viết.
“Về Nhảy Dù một thời gian, tôi viết về cuộc hành quân đầu tiên tôi tham dự với tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đăng ở Tình Thương với nhan đề Thử Lửa. Lúc bấy giờ sư đoàn dù cho ra tờ Mũ Ðỏ, cho đăng lại bài này. Sau đó tôi rời tiểu đoàn 6 Nhảy Dù về làm Y sĩ trưởng tiểu đoàn 3 Nhảy Dù. Tiểu đoàn đóng quân ở ven đô, tôi tình cờ nghe đài Phát thanh Quân đội loan tin cuộc thi bút ký chiến đấu, do tờ Tiền Phong (báo của quân lực VNCH) tổ chức và vì rảnh rỗi không biết làm gì ngoài việc khám bệnh cho binh sĩ, tôi viết bài gởi dự thi. Ðó là bài Ðường Ra Bến Hải. Bài được chấm giải nhất. Chánh chủ khảo tuyển chọn, sau này tôi mới biết là anh Nguyễn Ðạt Thịnh. Sau đó tôi rời tiểu đoàn 3 Nhảy dù về làm việc tại bệnh viện Ðỗ Vinh ở căn cứ Hoàng Hoa Thám. Tôi viết thêm bài Hành Quân Di Dân và Một Cuộc Săn Du Kích đăng ở Văn Học và Tiền Phong. Giải Văn Học Nghệ Thuật của Ðệ nhị Cộng Hòa ra đời năm 1969, bây giờ tôi mới có ý định viết thành một cuốn sách để gởi đi dự thi. Tôi bỏ ra 5 tháng để viết phần còn lại và 1 tháng tự đánh máy. Cuốn sách được lấy tên Y Sĩ Tiền Tuyến…” (Nguồn đd)
Về những tác phẩm văn xuôi được trao giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1969, Trang Châu / Lê Văn Châu cho biết:
“Năm đó có 3 tác phẩm trúng giải: cuốn Má Hồng của Ðỗ Tiến Ðức, Y Sĩ Tiền Tuyến của Trang Châu, Trại Ðầm Ðùn của Trần Văn Thái. Cuốn YSTT được nhà xuất bản Ðường Sáng in năm 1970. Ðợt đầu 5,000 cuốn do Nguyễn ÐìnhToàn và Nguyễn Ðạt Thịnh viết lời giới thiệu đàng sau. 3,000 cuốn sau, Mai Thảo viết lời giới thiệu ở trang sau. Tôi rất thích lời giới thiệu này, tôi còn nhớ anh Mai Thảo viết:
“… Hạnh phúc và may mắn của một nhà văn mới lên đường như trường hợp Trang Châu là đi thẳng, đi ngay vào những thực tế lớn. Những thực tế nhỏ không chứng minh gì hết. Thực tế lớn bây giờ là tuyến đầu, là mặt trận, Trang Châu đã có mặt ở đó (…)”
“YSTT là một tập ký, ghi nhận cảm nghĩ của một y sĩ theo chân một đơn vị Nhảy Dù hành quân. Tôi đã viết ra những điều mà nhiều người đã trải qua, nhưng không nói ra được, không tả ra được: Chiến tranh dưới cặp mắt một y sĩ. Tôi luôn luôn giữ ngòi bút trung trực. Viết về đơn vị mình, người viết thường dễ có khuynh hướng bốc thơm đơn vị mình. Tôi đã không làm điều đó và không áp lực nào có thể bắt tôi làm điều đó…” (Nđd)
Và, cũng thật ngay thẳng, khi Trang Châu / Lê Văn Châu cho biết, ông là một người viết lẻ loi. Trước năm 1975 ở quê nhà, cũng như bây giờ, ở hải ngoại, với hầu hết anh em văn nghệ, họ vẫn nhìn ông là một bác sĩ hơn là một nhà văn hay nhà thơ.
Tuy tự thấy mình lẻ loi, nhưng ông cũng cho biết ông có một vài người bạn văn sau khi được trao giải thưởng Văn chương toàn quốc 1969 là Nguyễn Ðình Toàn và Dương Hùng Cường… Trước 1975, ông cũng thường lui tới tòa soạn tạp chí Văn Học, hàn huyên với chủ nhiệm Phan Kim Thịnh. Tại đây, ông được gặp hai nhà văn lão thành là Tam Lang Vũ Ðình Chí và nhà văn Tam Ích…

Năm 2013, họ Lê cho xuất bản 2 tác phẩm – Trong đó có cuốn “Người Ăn Trưa Trong Xe” là tuyển tập truyện ngắn mới, và cuốn “Y Sĩ Tiền Tuyến” bút ký được tái bản tới lần thứ 8.
Từ rung cảm thi sĩ, nhà thơ Phan Tấn Hải đã ghi nhận về 2 tác phẩm này, như sau:
“Nét văn học trong ngòi bút Trang Châu đã biểu lộ cá tính riêng, rất độc đáo kiểu của ông từ thời còn là sĩ quan y sĩ chiến trường trong Cuộc Chiến Việt Nam từ thập niên 1960s, cho tới bây giờ nhiều thập niên sau tại quê người ở Montreal, Canada.
“Văn bút ký của Trang Châu có nét buồn riêng. Và đặc biệt ngay cả khi viết về cảnh thu dọn chiến trường, chữa trị thương binh… vẫn không mang nét bạo lực nào. Văn dịu dàng, buồn như khi đất nước chứng kiến hình ảnh những đứa con trai bắn vào nhau, tìm giết nhau…”
Tổng hợp từ Du Tử Lê, Luân Hoán, Phan Tấn Hải
NGUYỄN & BẠN HỮU