Phiếm đàm của Hoàng Nam Hy
Có thể, những kể lể dưới đây là một màn kịch câm. Nhưng tâm sự thì chẳng câm chút nào.
Một hôm có một đoàn trụ điện Paris – khách du lịch xi măng cốt thép da trắng – sang thăm viếng Sàigòn. Bọn không mắt không tay không tim phổi, đứng chỉ một chân, rất khâm phục những vẻ đẹp kiến trúc kỳ vĩ, mà tiền nhân của họ, trong tư cách đế quốc thực dân cai trị xứ “An Nam” từng xây dựng hơn trăm năm trước. Nhà thờ Ðức Bà, Tòa Ðô chính, Bưu điện, Dinh Gia Long, khách sạn Majestic…
Ðặc biệt, bọn Trụ điện Da trắng ngẩn ngơ, đầy xúc động khi nhìn vẻ đẹp đầy kiêu hãnh, nhưng tẻ lạnh, lẻ loi của chiếc cầu có tên Cầu Mống, một cây cầu sắt trên nửa thế kỷ nay không còn ai qua lại, nối từ bên này quận Nhứt sang bên kia quận Tư. Giờ đây, cầu hãy còn những nhịp cong, những đỉnh trụ hoa văn, một màu xanh lơ. Nó như một hoa hậu về già. Nhìn trong nắng vàng thị thành, thuở trẻ trung kia chỉ còn ẩn hiện trong sâu nỗi nhớ, một nhớ nhung long lanh.
Tính về số lượng thì bọn trụ điện cũng thuộc thành phần đa số, chỗ thị thành. Ði đâu chốn Sàigòn bọn Trụ điện da trắng cũng thấy/nhìn/gặp mặt anh em Da vàng. Cùng chức năng, nghề nghiệp, giàu tâm sự khi đứng ngay lề đường, phố chợ, bệnh viện, trường học, ngã ba ngã tư, nên một cuộc trò chuyện cho thỏa tâm tình tất phải xảy ra.
Sau đây là cuộc đối thoại giữa Du-kháck-trụ-điện Paris với lực lượng gọi là…Cột đèn Sàigòn.

Cột đèn Sàigòn [CĐS]: Chào cậu Paris trai trẻ, sạch sẽ, láng cón. Sao gặp chúng tớ cậu cứ kính cẩn “Chào ông. Kính chào cụ ông” là nghĩa thế nào? Cùng đồng nghiệp cột đèn phục vụ ánh sáng cho nhơn dân mà lỵ.
Trụ điện Paris [TĐP]: Nhìn hình dáng các cụ mốc meo từ cần cổ tới gót chân, hẳn quý cụ ông đã chào đời từ thuở ông cao, ông cố các cháu bên trời Tây, là Bonard, Doumer chi đây.
CĐS: Vậy bây chừ Bonard với Doumer, gặp thời nhà nước Mở Cửa, mấy trự ấy mần ăn ra sao. Tư doanh? Hợp doanh?
TĐP: [Nhận ra CÐS hơi tối dạ nhưng TÐP vẫn lễ phép trả lời] Dạ thưa, quý vị ấy ngang thời các vua Ðồng Khánh, Khải Ðịnh triều đại nhà Nguyễn bên An Nam. Nay đã xí ngầu lác từ khuya.
CĐS: À ra vậy. Tớ ít nghiên cứu lịch sử. Mà này, bên các cậu tuổi thọ một cây trụ điện là bao năm?
TĐP: Dạ, người ta thấy mình ba, bốn mươi tuổi, sắp tiêu dên thì thay mới. Cây sau đẹp, gọn gàng hơn cây thế hệ trước. Tuy nhiên có nhiều cây trăm năm tuổi vẫn còn được giữ lại, được kính cẩn bảo tồn, để mần truyền thống cho du khách nhớ lại di tích thành phố cổ rất đáng yêu, thuở xưa.
CĐS: Vậy thì sung sướng quá! Ở đây, ngoài nhiệm vụ đứng đầu đường xó chợ mang ánh sáng tới cho mọi người, chúng tớ còn làm nhiều việc trong tư cách một… lực sĩ không chuyên.
TĐP: Dạ việc gì ạ?
CĐS: Xem này, ngay phần dưới thân mình tróc lở lòi xi măng cốt sắt của tớ cậu có thấy tòn ten bao la áo quần cũ, lốp xe của ông thợ vá xe góc đường kia không?
TĐP: [Ngỡ ngàng nhìn quang cảnh Sàigòn có vô số trụ điện cũ kỹ mà xứ Âu châu cho là của hiếm, nay vẫn còn trơ trơ cùng tuế nguyệt, du khách trụ điện Paris rất ái ngại nhưng dằn lòng chia sẻ]:
– Trông cũng lạ, có bản sắc đó chứ! Các cụ có vẻ – nói theo ngôn ngữ hiện đại xã hội chủ nghĩa – là các cụ tàn nhưng không phế. Ðứng giữa Sàigòn, trông rất cổ lỗ nhưng các cụ hòa mà không tan.
CĐS: Ôi cái thứ ngôn ngữ đầy bản sắc lừa mị đó nói mà chi. Các bạn xem này, tối đến, ông thợ sửa xe cột dây thừng lên thân mình tớ, máng võng ngủ say, sau một chầu nhậu lề đường cùng nhiều phu phen. Dưới ánh sáng mờ tỏ “chị em” nõn nà, son phấn mặt mày, dựa vào lưng tớ đợi khách…
TĐP: Thưa, khách gì ạ?
CĐS: À, khách “tham quan sâu sát” trong thân thể người phụ nữ đó mà.
Cậu mở rộng con mắt mà nhìn phố thị quanh đây. Lưng chừng mỗi trụ điện chúng tớ là treo móc đầy, bao la bảng hiệu quảng cáo đủ loại: trĩ, mạch lươn, thuốc ngừa thai, Làm theo Lời Bác, học ngoại ngữ, tin học…Ngay đỉnh đầu trọc tóc của chúng tớ bị treo móc hằng trăm thứ dây nhợ, dây của nhà đèn, dây của bưu điện, cả dây câu điện trộm.
TĐP: Cụ cột Sàigòn ôi, sao cụ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quá dzậy?
CĐS: Mỗi lần mưa to gió lớn, cả bọn bảng hiệu, dây nhợ, mọi thứ tạp lục treo móc đóng dán lung tung này, theo sức gió, lay chuyển răng rắc trên thân tớ. Rồi cây gãy cành, trốc gốc, ngã đổ. Lại nẹt điện, điện giựt chết queo đứa vô tình rờ chạm vào tớ. Chao ôi cây trụ điện đất Sề-Goòng này từng là đứa sát nhơn.
TĐP: Sao các cụ không mần đơn xin thôi giữ chức cột đèn?

CĐS: Trong xứ sở chúng tớ Đảng phân công thì mần trọn đời, không có chuyện từ chức. Đui què mẻ sứt, tơ-lờ-mờ cũng cứ có ghế ngồi. Từ chức là phản động.
TĐP: Thì cứ gởi đại một lá đơn xem nào?
CĐS: Không có luật định tuổi trách nhiệm của loài cây không cành lá, không rễ, không tưới nước, chẳng cần bón phân là… cây trụ đèn như chúng tớ..
TĐP: Thậm là bất nhơn cụ hươi!
CĐS: Chúng trồng tớ xuống đây rồi bỏ thí mạng cùi mấy mươi năm. Cho nên có khi một đứa trong chúng tớ ngã đùng, phang bể đầu bọn trẻ nhỏ mẫu giáo, cha mẹ chúng cũng chẳng biết kiện… củ khoai nào.
TĐP: [ra chiều ái ngại, giọng nói của than phiền]:
– Dường như ở xứ các cụ người ta không tôn trọng đức kiên nhẫn dãi nắng dầm mưa, xem thường thế hệ từng nhiều hy sinh cho phố thị. Hơn nửa thế kỷ quý cụ mần việc đều đặn mà không lãnh lương, không gia đình vợ con, thậm chí không bận áo quần giữa đường phố. Chẳng tốn kinh phí cho lương bổng, tiền sắm đồng phục, giày mũ cho một lực lượng …triền miên ở truồng. Vậy mà…
CĐS: Đừng nói nữa. Đó là do khó khăn chung!
TĐP: [ngơ ngác] Khó khăn chung là cái chi hả cụ?
CĐS: [bực mình nói thầm, Là cái mụ nội mày! Nhưng vẫn lịch sự trả lời]:
– Là mọi người cùng nhau tạo ra khó khăn rồi cùng nhau cố mà… chịu đựng khó khăn. Trẻ em thiếu ăn thiếu trường học, người già không tiền trợ cấp, thiếu lương thực thuốc men, nếu có than van thì có ngay một câu an ủi trướt hướt, “Ráng chịu đựng, khó khăn chung mà”.
TĐP: Xin lỗi cụ ông, sung sướng và trẻ trung quá như chúng cháu bên trời Tây lắm khi không thấu rõ “Nỗi đau” đáng ngậm ngùi, không những từ mỗi con người, mà lan cả ra tới những thân phận “xi măng cốt sắt”. Gặp gỡ các cụ, chúng cháu quả là sáng con mắt. Hèn chi, có biết bao là than thở : “Cây trụ đèn mà biết đi chúng cũng đã vượt biên rồi”
HNH
Sàigòn 5-1991