Lòng tốt không phải là đã tuyệt chủng trên cõi đời thực dụng và vô cảm này. Nó vẫn còn đó tuy hơi hiếm. Như trong câu chuyện sau đây – điều đáng quý hơn nữa là nó lại đến từ một gã bề ngoài trông bặm trợn. Đây mời các bạn theo dõi.
NS
Cơn bão Bertha khiến tôi lâm vào tình cảnh tồi tệ. Trần nhà của phòng trưng bày tranh bị dột, nền thì ngập nước, các giá tranh bị vấy bẩn, không có máy lạnh và cũng không có điện, cả trăm họa sĩ gọi đến hỏi xem tranh của họ có bị hư hại không. Tệ hơn hết là tôi còn phải lái xe đi Jacksonville trong cơn mưa tầm tã và cái nóng điên người, vì máy lạnh trong xe tôi không còn hoạt động nữa.
Quả thật tôi chẳng vui tí nào.
Và khi tôi lái xe dọc theo Xa Lộ 24 của North Carolina để đi Jacksonville thì chiếc truck xưa nay vốn trung thành với tôi đang cố gắng nói với tôi một điều gì đó – một điều gì đó rất quan trọng – rằng tôi đã quên mua xăng! Ðây là lần thứ nhất trong đời tôi quên đổ xăng vào xe. Xưa nay tôi vẫn hay cười chê mấy anh chàng bạn tôi và gia đình họ về những việc như thế này, như thể muốn nói vào mặt họ: Làm sao mà người ta có thể đần độn đến thế nhỉ? Ðã có cái bảng đồng hồ trên xe chỉ cho biết lúc nào cạn xăng, bạn chỉ có việc đọc nó mà thôi.

Quả là tôi đúng. Có một cái bảng đồng hồ trên xe và nó cho tôi biết hết xăng.
Tôi thật chẳng thể nào vui được.
Tôi cho xe tấp vào lề đường, không ngớt lời rủa sả tình trạng trí óc của tôi, rủa sả trận bão Bertha và thề sẽ ngồi đó cho tới khi chiếc xe chết tiệt này rỉ mục và rã ra từng mảnh.
Giữa lúc ấy, tôi nghe tiếng một chiếc mô tô ngừng lại bên cạnh xe tôi – một chiếc Harley Davidson to lớn, gằm gừ, gào rú. Tôi mở cửa và chạm mặt với một gã bặm trợn thuộc mẫu người của thập niên 1960. Tấm bửng xe và chiếc nón bảo hộ của gã vẽ đầy hình rắn và thân hình thì xăm trổ khắp nơi. Gã mặc thứ quần áo truyền thống của dân chơi Harley Davidson. Áo bố, quần bò và giày bốt của những tên cưỡi xe đường dài. Và những sợi dây xích đeo cùng khắp. Tóc của gã dài cho tới nỗi gã phải buộc cuộn lại để khỏi quấn vào bánh xe. Chiếc xe Harley trang bị thêm nhiều thứ dị hợm, đủ màu trông ghê người, với cái bình xăng vẽ hình cái đầu lâu có đôi mắt xanh lè.
“Có gì trục trặc hả?” Gã hỏi. Tấm bửng chắn và cái nón bảo hộ che khuất khuôn mặt gã.
“Xe tôi hết xăng.” Tôi trả lời gã.
“Sẽ trở lại ngay.” Và gã phóng xe đi. Chừng mươi phút sau, gã trở lại với một can xăng trên tay.
Khi tôi đề nghị trả lại tiền thì gã nói. “Chờ tới cây xăng đã.”
Tôi nổ máy xe và lái qua hai, ba dặm đường tới trạm xăng trong khi gã cưỡi mô tô theo sau, dầm mình dưới cơn mưa xối xả. Một lần nữa, tôi đề nghị trả lại tiền. Trả cho thằng cha trong cây xăng. Sao, mọi thứ ổn chứ? Tôi đáp vâng. Gã nói: “Chào”. Và phóng xe theo Xa Lộ 24 về hướng Jacksonville, tóc xả bung trong gió, chiếc Harley rú gầm, tóe nước sang hai bên đường.
Sau khi đổ hết 24 đô la tiền xăng, tôi vào bên trong và đưa cho người thâu ngân viên 30 đô. Ông ta nói: “Chỉ có 4 đô la thôi. Ông kia đã trả hai mươi đô la và bảo tôi nói lại với anh là “Người Anh Em, hãy chuyển cho người kế tiếp.”
Tôi dặn lòng là phải luôn luôn ghi nhớ lòng tốt của gã bặm trợn trên chiếc Harley kia, và từ nay không bao giờ được xét đoán người qua bề ngoài. Tôi đã giữ đúng lời hứa đó. Và tôi tự hỏi không biết gã giang hồ kia là ai.
Còn về số tiền 20 đô la thì tôi đã chuyển tới người kế tiếp.
NS (theo Robert R. Thomas)