Menu Close

Đọc Hồi Ký Vượt Tù Vượt Biển Của Nhà Văn Huỳnh Công Ánh

Ðược tác giả gửi tặng cuốn “Hồi Ký Vượt Tù Vượt Biển”, tôi không khỏi xúc động. Nỗi xúc động vì mới nghe tác giả chia sẻ đang viết về cuốn hồi ký này không lâu, nay đã được cầm nó trên tay, còn thơm mùi giấy mới. Thật ra, trước đó tôi đã đọc được bản thảo trên máy vi tính. Nhưng lần này khi sách đã in xong. Cầm trên tay cuốn sách in đẹp, rõ ràng. Khẽ khàng lật từng trang. Ðọc lại. Chậm rãi. Chữ và ý dần thấm sâu trong tôi hơn. Bằng giọng văn theo lối kể chuyện, được tác giả kể ra một cách mạch lạc. Giọng kể đầy cảm xúc. Cứ như thế, tuôn ra, lai láng. Tác giả kể lại một giai đoạn đen tối của lịch sử Việt Nam mà ông là chứng nhân, bị cuốn hút trong cơn lốc thời cuộc.

Với giọng văn chân thành, không trau chuốt để làm bóng bẩy thêm cho câu chuyện, tác giả đã dần đưa chúng ta vào những biến loạn của thời cuộc từ những giây phút “đổi đời”. Những dối trá lừa bịp của chủ nghĩa cộng sản. Những đắng cay tủi nhục. Những trại cải tạo như những “trại súc vật” với các hình phạt dã man. Những đói rách tả tơi. Những khủng bố tinh thần. Những bản án tử hình v.v… Tất cả, được tác giả vạch ra trần trụi. Ðọc mà nghe lạnh từ chân tóc.

huynh-cong-anh1
Từ phải qua: Tác giả, Nguyễn Đình Chiến (giữa) và “sếp” của tác giả, chị Nguyễn Kiều Hạnh.

Tuy nhiên, trong cái xã hội đen tối đó, tác giả còn cho chúng ta thấy được tình người. Chính vì những tình cảm rất “con người” đó, là những điểm sáng lấp lánh trong bức tranh đầy màu xám ảm đạm của câu chuyện. Tình người mọc lên từ Bắc chí Nam, không phân biệt bạn hay thù, là những điểm nhấn trong câu chuyện, khiến tác giả như được vực lên, bước tới. Cho dù nguy nan, cho dù đời tưởng như là tuyệt vọng. Tình người đó là những ân nhân đã khiến tác giả phải cưu mang suốt đời. Như “Y sĩ” Trung Kiên, mê âm nhạc dù chẳng biết một chút nhạc lý. Người “y sĩ” miền Bắc được học y ở Trung Quốc, nhưng chẳng biết đọc một chữ của các loại thuốc Tây, đã âm thầm giúp đỡ tác giả trong cơn khốn khó, tù đày. Trần Thị Hoa, người con gái Nghệ Tĩnh đã yêu đơn phương  anh tù “ngụy quân” miền Nam và người đã góp công giúp tác giả vượt ngục. Anh Nguyễn Ðình Chiến, người từng là bộ đội miền Bắc, sau thành người tù hình sự, đã giúp tác giả vượt Bắc vào Nam và sau này cùng vượt biên với tác giả. (Ðọc tới đây, tôi nghĩ không phải người dân miền Bắc nào cũng thích cộng sản cả, dù biết bao nhiêu năm bị nhồi sọ). Rồi đến anh trung sĩ lính nhảy dù VNCH tên Cho. (Tác giả đã không biết họ của anh. Nhưng cần gì đến tên họ nhỉ? Vì trong tâm anh, thi ơn không cần báo đáp). Anh rất nghèo, nhưng tấm lòng của anh không nghèo. Không bao giờ nghèo cả, ít nhất là đối với tác giả câu chuyện. Anh Cho đã cứu mạng tác giả ở Rạch Giá, rồi lại đích thân đưa tác giả luồn lách qua các trạm kiểm soát lên đến Sài Gòn, gặp lại gia đình sau chuyến vượt biên thất bại lần thứ nhất. Gia đình anh Cho rất nghèo, nhà rách mái làm bằng lá dừa, chỉ vài ba giòng chữ, tác giả đã tả lên hết cái nghèo của vợ chồng anh Cho: “Mang tiếng là nhà, nơi ở của vợ chồng Cho, thực ra chỉ có hai cái mái làm bằng lá dừa, với cái lu nước, bếp là ba cục gạch thẻ đâu lại, cái chõng tre tồi tàn, có mấy cái áo quần cũ treo trên vách. Ngoài ra không có gì hết, vợ chồng Cho nghèo, sống đơn sơ vậy thôi” .Thế mà anh Cho, với “gia tài” của hai vợ chồng “không đáng giá một chỉ vàng” như tác giả đã nói, lại từ chối nhận hai lượng vàng của tác giả gửi tặng thời bấy giờ. Trong giai đoạn nhiễu nhương của đất nước. Một tấm lòng còn hơn cả vàng ròng như thế này khiến người đọc cảm thấy phấn chấn, tin tưởng vào cuộc sống hơn. Vì trên đời này không thiếu gì những người vô danh, lương thiện.

Bên cạnh những nhân vật “bình thường” trên, tác giả còn nhắc đến những nhân vật tên tuổi khác mà ông đã gặp gỡ và tiếp xúc. Những nhân vật này tuy chỉ thấp thoáng trong câu chuyện, trên bước đường lưu vong, nhưng cũng rất lý thú. Chúng ta sẽ bắt gặp những nụ cười rất đời thường điểm xuyết qua các tên tuổi mà chúng ta đã biết. Như nhạc sĩ Phạm Duy, ông Nguyễn Cao Kỳ, Mai Thảo, Kiều Chinh, Phạm Công Thiện, Nguyễn Tất Nhiên, Du Tử Lê, Hà Thúc Sinh, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, ca nhạc sĩ Việt Dzũng, ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh, nhạc sĩ Phan Ni Tấn, ca sĩ Du ca Diễm Chi, ca sĩ Thanh Tuyền, ca nhạc sĩ Hoàng Tường v.v… Những người nay đã mất và những người còn sống lồng trong khung cảnh đơn sơ của những ngày tháng đầu định cư trên đất Mỹ, tạo cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn.

Lật từng trang sách, như những khúc phim chiếu thật chậm trong trí óc người đọc. Tôi cũng là người đã từng vượt biển, đã từng bị bắt đi tù, đã từng hai lần chạy giặc, đã từng chứng kiến cảnh miền Nam sụp đổ như thế nào. Cho nên, nói là câu chuyện cũ, nhưng đó là một phần làm nên lịch sử, dù lịch sử đã quá tan hoang. Tôi lớn lên với nhiều biến loạn. Tuy không chính thức dự phần vào cuộc chiến. Nhưng tôi đã từng thấy xe tăng tràn về thành phố, đã từng nghe thấy đạn pháo trong sân vườn. Và, những bước chân chập chững của tác giả khi đến Mỹ, cũng là những bước chân chập chững của tôi và của biết bao nhiêu người Việt tị nạn khác. Cũng cố gắng, cũng bươn chải theo đời sống mới, lạ lẫm. Bây giờ, bao nhiêu năm nhìn lại. Câu chuyện đối với tôi vẫn còn rất mới, không hề cũ, như tác giả đã có lần tâm sự như thế. Ðọc “Hồi Ký Vượt Tù Vượt Biển”, như đọc lại chính mình. Một phần nào đó. Rất giống. Như máu đỏ, da vàng. Như thủ túc, anh em. Vì chúng ta là người Việt Nam. Số phận của tác giả là số phận chung của nhiều người Việt Nam cùng thế hệ. Những đoạn đường tác giả đi qua, có nhiều lúc lên thác xuống ghềnh. Nhiều lúc đắng cay nghiệt ngã. Tạo cho cuốn hồi ký có một tiếng vang. Rung lên trong thần kinh hệ. Dẫn ta đến tận cùng nỗi nhớ lẫn hãi hùng về một thời máu lửa trên quê hương. Về những đoàn xe bít bùng ra Bắc. Về những con thuyền mỏng manh vượt biển.Ðọc xong cuốn hồi ký, tôi uớc gì cuốn sách này nằm trong mắt của một nhà sản xuất phim ở Hollywood. Và đem câu chuyện này biến thành phim ảnh có tầm vóc quốc tế, để lưu giữ đời sau. Ðánh dấu một giai đoạn lịch sử nước nhà trong thời kỳ đen tối nhất. Ðể thế giới nhìn vào Việt Nam với đôi mắt của những người trong cuộc. Những người bị xem như là “những kẻ bại vong”, đã có những trái tim rất nhân bản, rất “người”.

huynh-cong-anh2
Tác giả Huỳnh Công Ánh (ngồi, bên trái) cùng phu nhân (bìa trái, đứng) và thân hữu

Chỉ cầm cuốn sách lên, tôi đã cảm nhận được cả tấm lòng tác giả đã đặt vào đứa con đẻ muộn này. Sở dĩ tôi nói “đứa con đẻ muộn” vì đề tài (theo tác giả) đã cũ, đã không còn xa lạ gì với người đọc. Tuy nhiên, nó đã được tác giả “thai nghén” từ rất lâu trước đó (thập niên 1980). Nay đứa con mới chính thức ra đời. Thế cho nên đứa con này rất cứng cáp và bề thế.

Cuốn sách in đẹp như một cuốn tự điển, hay nói khác hơn là như một cuốn sách của những người có “tầm vóc” của Mỹ xuất bản.

Sách dày 808 trang. Bìa cứng. Chia làm hai phần. Phần Việt ngữ gồm 370 trang. Phần tiếng Anh dày 438 trang. Với tựa đề “Escape to Freedom from Prison Break to Braving Perilous Seas”, được Lan Lebangasser và Anh-Thu Lu chuyển ngữ. Phần Anh ngữ được edit bởi nhà văn Richard Botkin. [Xin được mở ngoặc: Richard Botkin là tác giả của cuốn sách “Cưỡi Ngọn Sấm” (Ride The Thunder) viết về chiến tranh Việt Nam. Trong đó có những đoạn chống các nhân vật phản chiến như John Kerry (Bộ truởng ngoại giao thứ 68 của Hoa Kỳ, thời TT Obama), tài tử Jane Fonda v.v… Ðây là cuốn sách lấy lại danh dự cho người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã được quay thành phim và phát hành năm 2015].

“Hồi ký Vượt Tù Vượt Biển” gồm có 21 chương. Ngoài ra, còn có những bức hình của những việc thật, người thật được tác giả lưu giữ rất cẩn thận. Chương thứ 20 và 21 tôi cho là hai “phụ chương”, vì tác giả viết về thời thơ ấu đến lúc tốt nghiệp tú tài hai rồi bắt đầu dấn thân vào binh lửa. Hai chương này như đi ngược lại giòng thời gian mà chúng ta thường thấy trong những cuốn phim của Hollywood, được gọi là “flashback”  để kết thúc cuốn hồi ký như một cái kết lơ lửng, vẫn còn hứa hẹn đến hồi ký phần 2. Mà theo tâm sự của tác giả, đó là phần “Nghiệt Ngã Thăng Trầm Trên Ðất Mỹ”. Tôi đang chờ đợi phần hai. Phần nói lên những thăng trầm của tác giả trên bước đường lưu vong, mà tôi cũng từng có cơ duyên biết qua đôi phần.

Ở tuổi trên 70, tác giả vẫn còn có được trí nhớ minh mẫn, ghi chép lại từng chi tiết nhỏ của một chặng đường đầy sóng gió trong cuộc đời ông. Tôi thán phục ông ở điểm những nhân danh, địa danh đã trải qua trong suốt mấy thập niên, ông vẫn còn nhớ rõ và viết ra vanh vách. Ðọc “hồi Ký Vượt Tù Vượt Biển” của tác giả Huỳnh Công Ánh, tôi thấy yêu thương cuộc đời này hơn.Vì cuộc đời ai cũng có lúc lên thác xuống ghềnh. Cũng có lúc vấp ngã đớn đau. Nhưng cái chúng ta cần, là phải biết đứng lên và bước tới. Thăng trầm nghiệt ngã nào rồi cũng sẽ qua đi. Cuộc đời có bao lâu. Cứ như suy tư của tác giả “ơn đền, oán bỏ”, như thế mới tắm gội được hết mọi ưu phiền.

VP

Hồi Ký Vượt Tù, Vượt Biển ghi lại dấu ấn lịch sử nghiệt ngã bi thương nhất  của dân tộc Việt Nam. Thế hệ gánh chịu là quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà.

Hồi Ký Vượt Tù, Vượt Biển dàn trải nỗi lòng của một chứng nhân, với khát vọng và ước mong thế hệ trẻ, con cháu chúng ta hiểu được cái giá mà cha anh đã phải trả cho sự tự do.

Sách viết bằng song ngữ anh- việt (giá $35 + cước phí)

huynh-cong-anh

Huỳnh Công Ánh

Ðịa chỉ: 3800 Juno Dr Chalmette LA 70043

Số phone: 972-804-5985

Email: anhchuynh@yahoo.com