Menu Close

Ảo giác!

Năm bốn mươi tuổi, tôi trải qua một giai đoạn khá khó khăn để đi tiếp hay nói khác hơn là làm lại cuộc đời. Ðầu tiên là lời ngỏ ý thật nhẹ nhàng của vợ mà trước đó mối quan hệ của chúng tôi vẫn đang rất mặn nồng (hay chỉ mình tôi nghĩ nó mặn nồng), cô ấy bảo chúng tôi cần phải ly hôn, sau đó cô đưa ra một kế hoạch khá chi tiết chỉ là… giả bộ thôi, cô và con gái sẽ ra nước ngoài, cuộc sống của chúng tôi phải được định cư một nơi khác; điều kiện cần là thời gian, điều kiện đủ là tôi sẽ giúp đỡ cô ấy những thủ tục pháp lý cũng như kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi kế hoạch của cô ấy hoàn tất, gia đình sẽ đoàn viên. Nếu là tôi bạn sẽ như thế nào? Choáng váng? Hụt hẫng? Nghĩ mình bị dối gạt? Hỗn loạn? Hoảng sợ?… Tôi có cả!

Sau đó, mọi thứ nhanh một cách tôi không ngờ và không đủ thời gian để tôi sống hết mình vì con gái bởi chúng tôi chỉ có ba tháng cùng hít thở chung một bầu không khí nặng như chì. Tôi vẫn còn nhớ rõ tâm lý hoang mang, chơi vơi của mình lúc đó. Tôi có chết đi sống lại hay cố giữ một cái đầu thật lạnh cùng mối căm thù tưởng như đến tận xương tủy vì bị lừa dối; tất cả nằm trong sự tính toán của vợ, chúng tôi đầu ấp tay gối nhưng đồng sàng dị mộng từ rất lâu rồi mà tôi không hề hay biết. Tại sao bắt tôi phải hy sinh (theo lời cô ấy) vì  con cái? Cô ấy có nghĩ cho tôi hay chỉ nghĩ cho riêng mình? Hình như tôi chẳng có cơ hội để trả lời những câu hỏi tại sao liên tiếp hiện ra trong đầu. Tôi chỉ biết một điều, thế là chấm hết!

ao-giac
Thắm Nguyễn

Bán nhà xong, tôi về lại ngôi nhà cũ của cha mẹ thời điểm đó chỉ có mình mẹ tôi. Tôi cất lại nhà và dành cho mình một gian nhỏ riêng biệt với mẹ vì mẹ tôi xa gần bóng gió là cuộc hôn nhân của chị tôi có nguy cơ tan vỡ. Tôi chỉ biết vậy còn lý do họ chia tay thì tôi không quan tâm. Ngay chính tôi còn ngơ ngác khi cuộc hôn nhân của tôi kết thúc nữa kia mà!

Thật tình, cho đến giờ, tôi không nhớ mình đã vượt qua những cú sốc liên tiếp ấy như thế nào khi chứng kiến một ngày chị và cháu tôi khăn gói về nhà. Mẹ tôi đã thật tuyệt vời khi nói rằng vậy là cuối cùng các con đã tụ lại đông đủ như xưa và mẹ lãi thêm một thằng cháu ngoại. Không có gì phải buồn phiền, lo lắng hay than thân trách phận. Vấn đề là chúng ta phải sống và quy luật cuộc sống là cần có cái nhìn tích cực, nghịch cảnh luôn mang đến cho con người nhiều bài học quý báu. Tôi có thể hiểu được khi nói ra những điều ấy cõi lòng mẹ tôi đã thật tan nát!

Thế rồi, như một phép nhiệm mầu mà sau này suy nghĩ thấu đáo hơn tôi nhận ra đó là điều kỳ diệu mà thượng đế ban tặng cho nhân loại, vượt qua được giai đoạn suy sụp nhất tôi thấy mình rất lạc quan. Triết lý của tôi khi ấy là cuộc đời thì quá ngắn, không nên có những ý nghĩ tiêu cực và không cần thiết phải làm việc nhiều, con người cần dành thời gian để đi chơi, tận hưởng cuộc sống.

Thế nhưng, mọi thứ không dễ dàng như tôi nghĩ. Mẹ, chị và cháu bấy giờ đều nương dựa vào tôi vậy nên cái quy ước mà tôi dành riêng cho mình đã bị phá vỡ bởi tôi trở thành lao động chính trong gia đình lúc nào không hay!

Cuộc đời luôn có những hướng mở về phía ánh sáng, vừa lúc tôi đang loay hoay xoay sở cách nào thì có lời mời tôi làm giám đốc phụ trách về chất lượng một công ty sản xuất bàn ghế ngoài trời. Tuy mức lương khá hậu hĩnh có thể  duy trì cuộc sống gia đình một cách nhẹ nhàng và công việc không quá sức với tôi, nhưng nó lại như một tấm lưới chụp xuống suy nghĩ của tôi không có lối thoát để mở cánh cửa của sự tự do. Ðó là giờ giấc quá nghiêm ngặt. Trong tôi luôn giằng co giữa được bay nhảy và bị trói chân không ngoài quy luật có này thì mất kia.

Hàng ngày, đúng 7 giờ sáng tôi phải có mặt tại một phân xưởng để tham dự cuộc họp đầu giờ. Sau đó tôi đi qua các phân xưởng khác, lần lượt giáp vòng, giải quyết các công việc vừa đến giờ cơm trưa.

Buổi chiều cũng thế, không có gì căng thẳng hay áp lực. Chỉ có điều là tôi phải luôn trong tư thế sẵn sàng được/bị sếp triệu tập cuộc họp bất cứ lúc nào và rời xưởng vào lúc 5 giờ chiều hay có thể hơn. Những công việc luôn rất chán mà không phải vì tôi không yêu nghề, hay phải chứng kiến cảnh công nhân đầu tắt mặt tối với những đơn hàng, hay tiếng quát tháo của một tay quản đốc phân xưởng, hay mùi xỉ hàn, hay tiếng kim loại va đập vào nhau mà chỉ bởi giờ giấc quá gò bó. Tôi luôn cảm giác bị “nhốt” từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều thành gây ra áp lực mà suy cho cùng chính tôi tự áp lực mình bởi chẳng ai cấm đoán tôi đi ra ngoài hay xin nghỉ một vài ngày. Còn bởi, tôi không muốn phiền phức thủ tục qua cổng hay phải báo cáo với người nào đó là tôi đi đâu, nó càng khiến cái tự do mà tôi mơ ước vốn đã ít càng bị bó hẹp hay trói chặt thêm.

Hơn nữa, với mức lương hậu hĩnh như vậy, tôi luôn ý thức nếu không làm việc tốt, xuất sắc thì ít ra phải tuân thủ giờ giấc kỷ luật lao động, đó cũng là một cách tôi chia sẻ với những đồng nghiệp không được như mình. Những suy nghĩ mâu thuẫn cứ thế đan xen, nhiều lúc tôi thấy mình bế tắc và luôn cảm giác cô đơn giữa tập thể mấy trăm người mặc dù họ rất quý trọng tôi. Mỗi khi tôi đi qua đều nhận được nụ cười thân thiện, lời hỏi thăm.

Hàng ngày có hai lần 15 phút nghỉ giải lao trong thời gian làm việc sáng và chiều. Lúc giải lao tôi thường lặng lẽ ra ngồi một góc riêng trong khuôn viên một ngôi nhà có sân vườn sát cạnh dãy nhà văn phòng. Trong sân vườn có hai cây xoài gốc thật lớn, hai cây mận, hai cây mai tứ quý khi lác đác khi nở rộ hoa vàng… Ngôi nhà xây theo kiểu cũ, ba gian, phía trước có hàng hiên chính giữa và lan can hai bên. Tôi nghe công nhân nói rằng, nhà bỏ hoang, lâu lắm rồi không ai mở cửa dọn dẹp, quét tước bên trong.

Ngồi tựa lưng vào một gốc xoài, tầm mắt tôi thường hướng về khung cửa sổ kính mà tôi đoán là phòng ngủ, có tấm rèm kéo rẽ cột sang hai bên. Nếu đến áp sát mặt vào cửa kính tôi sẽ thấy được bên trong nhưng tôi không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ làm việc ấy. Tuy căn nhà không có người ở nhưng đó là một hành động rất khiếm nhã, không nên!

Tôi hay hình dung bên trong căn phòng ngủ có những gì. Thỉnh thoảng tôi tưởng tượng vui vui rằng, có một phụ nữ đứng bên trong cửa kính và nhìn ra bên ngoài. Tôi nghĩ đó là một người đẹp, có mái tóc dài, gương mặt tươi, mắt sáng với cái nhìn tinh anh, linh hoạt vui vẻ. Tôi đoán cô là chủ nhân ngôi nhà. Một bà chủ vui vẻ, hiếu khách. Tôi quay nhìn hàng hiên phía trước và vẽ ra những buổi tối cô và một nhóm bạn đứng, ngồi ở lan can, uống rượu, chuyện trò. Những ly rượu sóng sánh long lanh như đôi mắt của chủ nhân, tiếng chạm cốc nghe vui tươi, giòn giã hòa với tiếng cười của những đêm gặp gỡ bạn bè thành chuỗi những giai điệu đẹp, thú vị. Tôi lại hình dung sau đó họ sẽ kéo nhau vào nhà và ngồi lại bên cửa sổ nhìn ra ngoài có hai cây mai tứ quý với lũ hoa vàng đã ngủ yên trong bóng tối nhưng cũng có vài bông cố nán lại đọ sắc cùng ánh đèn từ trong nhà hắt ra. Tôi nghe như có tiếng đàn ghi ta khi bập bùng, lúc rời rạc, khi trải dài miên man… Rồi tiếng hát cất lên, trong trẻo, hồn nhiên, vô tư, có đôi chút nũng nịu!

Những cây xoài và mận rộ mùa lúc lỉu trĩu quả. Tôi nghe đám công nhân bảo là xoài cho trái rất ngon, còn mận thì có một cây trái bị chát ăn không được. Vào mùa, qua một đêm hoa mận rụng thành thảm trắng xóa quanh gốc, và mùi thơm của nó ngọt dịu, thoảng phất nhẹ nhàng, rất dễ chịu. Giữa hai cây mận có tấm lưới ô ly màu đen tôi không hiểu ai giăng lên đó để làm gì. Mỗi khi nhìn tấm lưới ấy tôi thấy mình cô đơn khủng khiếp, cảm giác đời mình như có một cái gì giăng bủa, chụp xuống mà tôi không định hình được nó là gì, nhất là nhìn vào mảng màu trời xanh con tí, chật hẹp chỗ tấm lưới chùng xuống, chừa lại.

Một thời gian sau, cái không gian chút xíu riêng tư của tôi lúc nghỉ giải lao bị lấy mất khi nhà ăn nằm gần khu vực sản xuất dời sang ngôi nhà bỏ hoang, để mở rộng một phân xưởng.

Mỗi ngày, vào lúc giải lao như một thói quen vô thức bước chân tôi lại tìm đến cái nơi đã không còn yên tĩnh nữa. Nhìn hai gốc mai bị bứng đi, tự nhiên tôi đâm hụt hẫng. Tôi tiếc quãng thời gian tôi được cô đơn và tự do suy nghĩ, tôi tiếc không gian chỉ có mình tôi với tiếng lá hát lao xao trên hai cây xoài và lũ đốm nắng đùng đưa thả xuống đất từ tàn cây mận.

Những cây xoài và mận được giữ lại. Mùi hoa mận vẫn thoảng nhẹ nhàng nhưng trong tôi có điều gì rạn vỡ, thất vọng khi cảm giác chốn riêng tư nhất cũng bị người khác dòm ngó và rắp tâm chiếm lấy.

Người ta canh, đo khoét lỗ các miếng tôn ở vị trí những cây xoài và mận. Khi miếng tôn cuối cùng được lắp lên, bầu trời xanh đóng lại đồng nghĩa với chút tự do cuối cùng cho tầm nhìn của tôi đã chấm hết. Một nỗi buồn mênh mông xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi bỗng nhớ vô cùng màu nắng chiếu lung linh, tiếng lá hát trong gió vào buổi chiều và mùi hoa mận cùng lũ chim sẻ lích rích kéo bầy tụ về… Tất cả được thay bằng những tiếng động khác hơn, đột ngột, ngắn ngủi, dứt điểm như vài trái xoài hay mận rụng xuống mái tôn.

Rồi người ta mở cửa căn nhà để sửa chữa bên trong sau khi đập bỏ hàng hiên và lan can. Cái ngày bước chân tôi tò mò theo người mở khóa vào bên trong, tôi đã ngạc nhiên đến sững sờ khi tất cả những đồ đạc cũng như cách bài trí giống hệt suy nghĩ của tôi bấy lâu nay. Ðầu tiên, đập vào mắt là bộ salon bằng mây thật lớn đặt chính giữa phòng khách. Một tủ búp–phê kiểu xưa, tôi có cảm giác như mình đã thấy cái tủ này ở đâu nhiều lần rồi. Hai phòng ngủ hai bên. Và khi tôi bước chân vào cái phòng mà tôi thường nhìn từ gốc xoài qua cửa sổ kính có tấm rèm kéo rẽ cột sang hai bên thì tôi bỗng bàng hoàng nhận ra nó hệt trong đầu của tôi từ kiểu dáng chiếc giường, tủ đầu giường, tủ quần áo cho đến cái ghế bành bằng mây đặt cạnh cửa sổ. Lạ nữa, tôi còn có cảm giác mọi thứ ngăn nắp như có người mới vừa rời đi hôm qua, vẫn lưu hơi ấm chỗ ngồi!

Ðến khi những người thợ khuân vác dỡ từng thứ di chuyển ra ngoài họ phát hiện có một bức tranh lớn nằm phía sau tủ quần áo. Khi họ bày bức tranh ra thì tôi cảm thấy lạnh và gai ốc nổi khắp người. Ðó là bức chân dung người phụ nữ mà tôi thường tự vẽ ra, đẹp dịu dàng và phúc hậu. Ðặc biệt, đôi mắt biết cười. Tôi nhìn quanh căn phòng và mường tượng dáng đi, giọng nói của một người, dịu dàng, nhẹ nhàng như hơi thở. Ðó là ai? Tôi biết mình chưa bao giờ gặp người phụ nữ này trong đời thực mà chỉ là do trí tưởng tượng dệt nên nhưng tôi không hiểu tại sao mình lại vẽ một cách chính xác đến như vậy!

Ít nhất một tháng, trong đầu tôi cứ lẩn quẩn về những đồ vật bên trong căn nhà,  cách bài trí, sắp xếp… Cả cái giá nến đặt trên một cái kệ tam giác bằng sắt có hoa văn cầu kỳ ở phòng khách cũng rất quen thuộc với tôi mà tôi không hiểu được mình đã thấy nó khi nào, ở đâu?

Một năm rưỡi sau tôi nghỉ việc. Tôi không chịu được nỗi cô đơn, sự mất tự do và luôn cảm thấy xa lạ với cái môi trường lúc nào cũng ầm ĩ tiếng máy móc hoạt động, đôi khi kèm theo những lời quát tháo công nhân của tay quản đốc. Cùng thời điểm đó, tôi nhận email của vợ bảo là đừng chờ đợi cô ấy nữa, giả thành thật và thật thành giả. Người đàn ông bảo lãnh cô ấy đã thành chồng thật và tôi (về tình) là chồng thật đã thành giả (về lý) từ hai năm trước rồi!

Một thời gian dài, khá khó khăn  tôi mới thoát khỏi trạng thái sống trong ảo giác, thật – giả – ảo – thật lẫn lộn không có ranh giới để tìm cho mình một hướng suy nghĩ mạnh mẽ, sáng suốt, mở ra lối đi khác phù hợp.

Năm năm sau, trên một chuyến xe đêm đi từ A đến B tôi gặp lại tay trưởng phòng hành chính công ty cũ. Tôi mắc chứng khó ngủ mà cái ghế ngồi  hơi bị tức, ngả đầu ra sau thì được nhưng cái lưng hơi thẳng so với tư thế nửa nằm nửa ngồi để có thể thoải mái chợp mắt chút xíu. Tôi gần như thức suốt đêm trong khi người ngồi cạnh ngáy o o sau khi kể cho tôi nghe vài câu chuyện ở cái nơi chúng tôi đã từng một thời là đồng nghiệp.

Tay ấy nói rằng, hồi xưa người ta đồn nơi đó có… ma. Ðiều này tôi đã từng nghe nhưng chưa bao giờ tin. Ma chẳng qua là do con người tưởng tượng, thêu dệt và dựng nên, đôi khi hoang tưởng rồi tạo ra nhiều điều huyền thoại làm tăng thêm sự kỳ bí…Tuy nhiên, có một điều mà tay ấy nói khiến tôi gặp lại cái cảm giác lạnh cùng nổi gai ốc khắp người hệt như lúc tôi vừa thấy bức chân dung người phụ nữ trong phòng ngủ nơi căn nhà bỏ hoang đó.

“Người cuối cùng sống trong ngôi nhà đó là vợ của một người bạn làm ăn với ông chủ. Một phụ nữ dịu dàng, hiền lành, nhân hậu. Bà ấy không đẹp lắm nhưng sang trọng, nền nã, có tư cách. Ông chồng vài tháng trở về ở một tuần.Tôi hiếm khi gặp nên không rõ mặt ông ta, chỉ thoáng vóc tầm thước, đậm người. Mỗi khi có ông ấy, tiệc tùng bạn bè đông lắm. Họ ăn uống, đàn hát thâu đêm. Là tôi biết qua mấy ông bảo vệ. Lần cuối cùng ông ấy về, tôi nghe bảo là họ cãi nhau rất to và sáng hôm sau khi chúng tôi đến làm việc thì thấy xe cứu thương đậu phía trước và người ta cáng bà ấy ra. Sau đó bà ấy mất và ngôi nhà đóng cửa cho đến khi sửa chữa thành nhà ăn như ông biết đó”.

Hình như khi ấy đã hơn 12 giờ khuya, đêm đang đi dần về sáng. Xe chạy với tốc độ vừa phải. Tôi nhìn ra bên ngoài thấy trăng muộn tròn và nét. Tuy nhiên tôi không biết do qua lớp kính ánh trăng có màu vàng hay đêm đó trăng không sáng rỡ. Bên cạnh tôi, tay trưởng phòng hành chính ngủ ngon lành, có lúc hắn ngoẹo đầu tựa hẳn vào vai tôi đến mỏi luôn. Tôi nhắm mắt. Tôi nhớ lại thời gian mình lạc lõng và thật cô đơn giữa tiếng ồn, giữa nhiều người. Tôi nghe lá hát trên tán xoài, tôi ngửi thấy có mùi hoa mận nhẹ, thoảng, dịu ngọt. Tôi hái một chiếc lá non, vò nát và đưa lên mũi hít một hơi như sở thích ngày còn bé. Bỗng dưng tôi nghe như có tiếng nói nhẹ nhàng bên tai, giọng rất quen:

“Ngày ấy tôi rất buồn và cô đơn.Tôi hay đứng bên trong cửa sổ nhìn ra bên ngoài thấy anh cũng rất buồn và cô đơn; thỉnh thoảng anh lại nhìn về phía tôi nhưng tôi biết anh không thấy gì ngoài cái rèm cửa kéo rẽ cột sang hai bên và chính giữa nó là bóng tối tưởng chừng như vô tận. Có thể anh không bao giờ hiểu được, đôi khi con người ta chỉ vì một chữ tình mà đánh phí mất cả một đời người!”.

DTTT