Menu Close

EU tròn 60 tuổi

Tuần qua với khá nhiều sự kiện thời sự nóng bỏng được chú ý và theo dõi kỹ, trong đó nổi bật nhất có hai sự kiện: tại Hoa Kỳ, dự luật y tế của đảng Cộng hoà nhằm hủy bỏ và thay thế đạo luật Obamacare đã gặp thất bại từ trước khi được đưa ra bỏ phiếu tại hạ viện vì không lấy được sự ủng hộ từ nhóm Cộng hoà bảo thủ Freedom Caucus; tại Âu châu, vụ khủng bố tại London xảy ra ngay bên ngoài toà nhà quốc hội của Anh Quốc làm cho bốn người thiệt mạng, trong đó có hung thủ và một cảnh sát viên, và khoảng 50 người bị thương.

eu-tron-60-tuoi

Tuy nhiên, một sự kiện khác, mặc dù không được chú ý nhiều, nhưng lại mang tầm ảnh hưởng khá quan trọng không chỉ hiện tại mà luôn cả tương lai đối với phần lớn khu vực Âu châu. Ðó là sự kiện 27 nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên khối Liên Âu (EU) cùng tề tựu về thủ đô nước Ý để kỷ niệm 60 năm sự hình thành tổ chức Liên hiệp Âu châu và cùng ký vào Bản tuyên cáo Rome hôm Thứ Bảy vừa qua, và đưa ra lời tuyên bố chung “Âu châu là tương lai chung của chúng ta,” và nhấn mạnh đến sự cam kết đối với “một liên hiệp duy nhất với những giá trị kiên cố và những định chế chung, một cộng đồng mưu cầu hoà bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và được cai trị bằng luật pháp.”

Buổi lễ diễn ra tại sảnh đường Sala Degli Orazi e Curiazi trong khu bảo tàng Capitoline nổi tiếng của thành Rome. Sảnh đường được trang trí lộng lẫy bởi những bức bích họa miêu tả cảnh vật của một thế giới cổ xưa, và cũng tại nơi này đúng 60 năm trước, Hiệp ước thành Rome (Treaty of Rome) đã được ký kết vào ngày 25 Tháng 3 năm 1957 bởi sáu quốc gia, đặt nền tảng cho lộ trình hình thành liên hiệp như chúng ta thấy ngày nay.

eu-tron-60-tuoi3
Các nhà lãnh đạo trong khối EU nhóm họp tại Rome 25/3 – nguồn The New York Times

Sáu quốc gia Tây Âu đầu tiên ký vào hiệp ước là Pháp, Tây Ðức, Ý, Bỉ, Hoà Lan và Lục Xâm Bảo. Hiệp ước 1957 lập ra những định chế để tạo thành tổ chức có tên gọi là Cộng đồng Kinh tế Âu châu. Các định chế đó gồm có Uỷ ban Âu châu, Hội đồng Bộ trưởng, Quốc hội Âu châu và Toà án Tư pháp Âu châu. Cộng đồng kinh tế này sau đó được đổi tên thành Liên Âu (EU).

Hiệp ước thiết lập ra những mô thức hợp tác quốc tế vượt ra khỏi giới hạn của những quan hệ và trao đổi có tính cách liên chính phủ đối với sự hiểu biết thông thường của phần đông các nhà ngoại giao quốc tế vào lúc đó. Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội Âu châu nắm giữ các vai trò quyết định cho chính phủ và quốc hội của nước họ. (Các thành viên của Quốc hội Âu châu được chính thức bầu chọn theo lối phổ thông đầu phiếu từ năm 1979). Tuy nhiên, Uỷ ban Âu châu lại được trao cho những quyền hạn độc lập, trong đó uỷ ban này được toàn quyền đưa ra những luật lệ và trách nhiệm trong việc giám sát các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết của khối. Riêng với Toà án Tư pháp Âu châu, dưới sự uỷ quyền của các quốc gia thành viên, trở thành một thứ toà án tối cao của Âu châu, và các hệ thống luật pháp quốc gia của các thành viên do đó cũng dần biến đổi cho phù hợp với các cam kết được ghi trong hiệp ước. Kể từ 1957, những hiệp ước diễn ra sau này ngày càng gia tăng thêm quyền lực cho những định chế kể trên, dựa trên căn bản những cam kết ban đầu của hiệp ước là cùng nhau làm việc để tiến tới “một liên hiệp sát cánh hơn bao giờ hết giữa các dân tộc Âu châu.”

Với những người ủng hộ cho sự hình thành và vận hành của tổ chức EU thì Hiệp ước thành Rome đánh dấu đúng vào thời điểm khi mà các dân tộc Âu châu hiểu ra rằng để bảo tồn nền hoà bình và thịnh vượng trên lục địa này đòi hỏi cần phải hy sinh phần nào chủ quyền của quốc gia và chấp nhận sự ràng buộc bởi những định chế chung, và sự hội nhập kinh tế phải được đặt ở vị trí ưu tiên cao hơn quyền lợi chính trị. Về lâu về dài, người ta hy vọng là rồi đây hiệp ước 1957 cũng sẽ được xem như một bản tuyên ngôn độc lập của EU, mặc dù là giấc mơ một liên bang Âu châu thật sự vẫn cứ luôn bị cản trở bởi hết những khó khăn này tới những khó khăn khác. Trong khi những người chống đối thì cho rằng Hiệp ước thành Rome chính là một thứ “tội tổ tông” của EU. Rất nhiều những sự chỉ trích như trên đã được thấy xuất hiện công khai trong thời gian qua ở Anh, là quốc gia đã từng mất nhiều năm vận động để được gia nhập và gần đây đã bỏ phiếu để tách rời ra.

eu-tron-60-tuoi2
Ký kết Hiệp ước thành Rome 25/3/1957 – nguồn AFP

Trong thời gian vận động tiến dần tới cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 để Vương quốc Anh tách ra khỏi khối EU (Brexit), lời kêu gọi “giành lại quyền kiểm soát” đã nhận được sự hưởng ứng từ các cử tri của Anh Quốc nhiều hơn so với những đề tài tranh luận khác liên quan tới Brexit. Theo một cuộc thăm dò, vấn đề di dân không phải là động cơ chính để những cử tri này bỏ phiếu để rời khỏi EU. Nhưng trên hết, những cử tri này cảm thấy rằng “tương lai của Vương quốc Anh phải được quyết định ở Vương quốc Anh.”

Quan điểm này cũng ngày càng được sự ủng hộ tại nhiều quốc gia khác. Theo trung tâm nghiên cứu Pew, người dân ở Pháp, Ðức, Hy Lạp, Hung Gia Lợi, Ý, Hoà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thụy Ðiển cũng sẽ chọn để giành lại quyền cho chính phủ của nước họ hơn là trao thêm quyền cho Liên Âu.

Một cuộc thăm dò khác của Eurobarometer cho thấy có tới 45 phần trăm công dân của khối EU tỏ ra không thoả mãn với thể thức dân chủ theo kiểu EU – nghĩa là các quốc gia thành viên phải theo đúng quy luật đặt ra bởi các định chế của EU.

Mặc dù gặp sự chống đối, ở đây cũng cần phải nhắc tới những thành tựu mà EU đã đạt được. Ðây là khối mậu dịch lớn nhất trên thế giới và là nhà tài trợ mạnh nhất cho các chương trình cứu trợ nhân đạo và phát triển; EU cũng đã thâu nhận các quốc gia cựu cộng sản ở Ðông Âu và tạo ra một thị trường chung khổng lồ với hơn 500 triệu người tiêu thụ. EU cũng đã phá bỏ những rào cản để người dân được tự do đi lại và làm việc ở các quốc gia lân cận, tạo thành sự liên kết lâu dài xuyên qua các lằn ranh biên giới trước đây được bảo vệ một cách chặt chẽ.

eu-tron-60-tuoi1
Biểu tình trên đường phố Rome – nguồn Twitter

Thời gian gần đây, những cuộc khủng hoảng về đồng bạc euro và di dân đã góp phần đưa tới hậu quả là Vương quốc Anh quyết định tách ra khỏi khối EU làm nhiều người lo ngại làn sóng này có thể sẽ lan qua các quốc gia khác và đưa một số chính trị gia có tinh thần quốc gia cực đoan và bài bác EU lên nắm quyền.

Sự đe dọa này vừa được đẩy lui trong Tháng 3 năm nay tại Hoà Lan nơi đảng trung hữu của Thủ tướng Mark Rutte, mặc dù bị mất một số ghế nhưng vẫn thắng nhiều phiếu hơn đối thủ Geert Wilders, một chính trị gia cực đoan và là người chống cả Hồi giáo lẫn EU.

Tuy nhiên, những đám mây mù chưa hẳn tan hết mà vẫn còn lơ lửng trên bầu trời thành Rome tuần qua vì người ta còn đang hồi hộp chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào Tháng 4 này, với vòng hai là vào Tháng 5, và cuộc bầu cử quốc hội liên bang tại Ðức vào Tháng 9 tới đây.

Vương quốc Anh bắt đầu tiến trình Brexit để rời khỏi EU kể từ ngày 29 Tháng 3. Nếu mọi việc êm xuôi, tiến trình này sẽ kéo dài hai năm, là khung thời gian để các cuộc đàm phán diễn ra giữa các giới chức Anh và EU, và Vương quốc Anh sẽ chính thức rời khỏi khối EU vào Tháng 3, 2019. Các cuộc đàm phán bao trùm đủ mọi vấn đề, từ an ninh biên giới đến hợp tác thương mại trong tương lai, thậm chí cả những vấn đề nhỏ nhặt như di chuyển các cơ quan EU đặt bản doanh tại Anh tới đâu và Anh phải đóng góp bao nhiêu vào quỹ hưu trí dành cho những nhân viên dân sự của EU. Chi phí cho cuộc “ly dị” này được phỏng đoán sẽ tốn khoảng 60 tỉ Mỹ kim.

VH