Thơ ấu dậy đi mừng dụi mắt
Cùng ta chạy nhảy tiếp ngày vui
(Vườn Hạ-Tô Thùy Yên)
Vừa rồi, khi viết về những cánh diều trên đồng làng Lại Thế, Phú Vang ngày xưa, Nguyễn bỗng thấy trong lòng dâng lên bao cảm xúc. Chợt như được sống lại những ngày thơ ấu của đời mình nơi có bóng mát của những cây bàng và cạnh hồ sen những chiều mùa hạ.
Ðã thế, gần đây lại được đọc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những cảm xúc nói trên càng thêm bồi hồi lai láng.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Với Nguyễn, cái tựa đề đầy hình tượng và rất đặc sắc này đã mở ra trước mắt cả một chân trời với bao ảnh bóng lung linh. Ở đó có những cây sao, cây dầu, cây bông sứ, những ngọn bạc hà reo trên cao. Ở đó có trái me, trái xoài, trái ổi. Ở đó có tiếng gà gáy ban trưa, con bò nó kêu bò bò, con chó nhỏ gâu gâu… Ở đó có Cu, có Tí, có Thỏ, có Mơ, có thằng Sao, có chị Thoa… Và những ngày đầy ắp tiếng cười, những đêm nằm ăn khoai lang nướng đọc Truyền Bá, Sách Hồng, Người Nhạn Trắng… Những Chủ Nhật lội qua Cồn Hến bẻ bắp hay lang thang trong những khu vườn tìm bắt tổ chim.
Các bạn ạ, đọc Nguyễn Nhật Ánh trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, Tim Nguyễn còn được chơi trò chơi đặt tên cho thế giới, làm chồng làm vợ với con Tí sún, đọc thư tình của chú Nhiên gởi cô Linh… và ăn mì gói.

Vậy thì, tuổi thơ như các bạn thấy trên là sướng hay khổ? Riêng Nguyễn, và có lẽ cả cô bé ngày xưa và cậu bé chăn trâu trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư nữa – ai bảo chăn trâu là khổ / chăn trâu sướng lắm chứ – chúng tôi thấy cái thời nhỏ dại ấy là sung sướng. Nếu không, làm sao cắt nghĩa được tại sao cái ông Nguyễn Nhật Ánh lại cắc cớ xin cho bằng được “một vé đi tuổi thơ”, và những lúc sầu khổ, người ta hay tìm về lại ấu thời, nơi được xem như địa đàng của đời người. Ðó là một thứ nostalgia đẹp nhất của nhân loại. Ấy vậy mà một nhà văn viết tạp ghi nổi nhất ở hải ngoại hiện nay, đã có lúc (cũng đã khá lâu rồi) phụ họa với mấy cha nội trong cơ quan giáo dục gì gì đó ở Anh, cho rằng tuổi thơ đầy những điều khốn khổ, cần phải dạy cho nó biết sung sướng, hạnh phúc. Nguyễn đã để thất lạc tờ VietTide ngày đó, nên không nhớ hết những dẫn chứng trong bài viết, nhưng đại loại những nỗi khổ của tuổi thơ gồm những chuyện tào lao, như thích đi chơi đi xem ciné mà phải đi học, ở trường bị mấy thằng lớn rắn mắt ăn hiếp, lôi tên cha mình ra làm trò cười, hàng ngày phải trả bài làm bài, học dốt bị ăn hột vịt lộn về nhà bố đánh đòn…

Ðành rằng trong cõi đời này vẫn còn có những đứa trẻ bất hạnh. Như ở nước ta hiện nay, thiếu gì trẻ phải thôi học đi bán bánh rán, bánh tiêu, bán báo, bán vé số, đánh giày ở các vỉa hè, bến xe để kiếm tiền phụ với cha mẹ. Ngoài ra còn có những trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Mới đây, đọc bài văn có tựa đề “Mùa Hạ Bị Thất Lạc” của một nhà báo trong nước nói về những đứa trẻ bất hạnh phải lang thang đầu đường xó chợ kiếm sống mà lòng thấy xót thương vô hạn. Những trẻ vừa nói làm gì có tuổi thơ mà bảo là sướng với khổ. Cuộc đời chúng e chỉ toàn một màu xám. Thế nhưng ở đây ta đang bàn về những nỗi sướng, khổ của tuổi thơ nói chung. Nào xem ấu thời của bạn ra sao, có cực khổ thiếu thốn thèm khát gì không, đi học có bị bạn bè ức hiếp, thầy giáo quở phạt, về nhà có bị ăn đòn không? Cô bé Thảo Mi kể lúc nhỏ ham chơi, bị mẹ buộc chân vào cột nhà. Rồi nào tắm truồng dưới mưa, rủ em là Khanh đi ăn phở chịu ở đầu ngõ. Như thế có gọi là khổ không? Ðành rằng có đôi giọt nước mắt rưng rưng trên bờ mi hờn tủi đấy, nhưng cũng có những tiếng cười thích thú mà bây giờ nhớ lại còn cảm thấy tim đập nhanh hơn một nhịp. Nguyễn tôi biết có nhiều bạn hồi nhỏ được cưng chiều sung sướng lắm, đi học có xe đưa rước, thỉnh thoảng cha mẹ cho đi ciné hay ăn kem, về nhà có nhiều sách vở và đồ chơi. Nói đâu xa, hai con trai của mình cũng có một tuổi thơ sung sướng. Riêng Nguyễn này thú thật, ấu thời có những nỗi cơ cực. Có thời gian mình đi chăn bò trong rú rậm. Nhà ở Vỹ Dạ khá xa trường. Thời đó trẻ em đi học làm gì đã có xe đạp, cho nên hàng ngày chú nhóc là Cu tôi phải cuốc bộ từ nhà lên tới trường, băng qua Ðập Ðá và suốt con đường trước Tòa Khâm, mà đi chân không các bạn ạ, cùng với đám bạn đồng tuổi. Ði trong sương, trong nắng, dưới trời gió bấc mưa dầm. Mùa lụt, nước tràn Ðập Ðá, cũng phải lội qua. Lụt lớn thì đi đò, may mà chưa có chuyến đò nào bị chìm. Thời đó, chưa có áo mưa nylon, phải mặc áo tơi lá nặng trịch, mưa tạt chiều nào xoay chiều đó để che. Buổi trưa, ở lại trường, ăn cơm nắm muối mè mẹ bới trong mo cau mang theo. Mãi tới lúc lên đến Ðệ Tứ, cha mới cho chiếc xe đạp hiệu Saint Etienne đen thui, nặng trịch, có cái chuông cực lớn kêu kính koong. Ði học thời đó ai cũng như thế, vậy gọi là sướng hay khổ đây. Thời đó, mình cũng mê xem những trận đá banh và đua xe đạp trong sân vận động (gọi là stade) nhưng không có tiền mua vé vào cửa, phải bám áo mấy ông người lớn vào xem. Thế nhưng không phải lúc nào cũng được. Có hôm cùng mấy thằng anh em cô cậu chui hàng rào kẽm gai bị móc rách áo, rách lưng tươm máu. Ði xem chiếu phim cũng vậy. Một lần ở rạp Tân Tân, chui vào xem cọp, bị thằng gác cửa đá đít đuổi ra. Còn nhớ lần đầu tiên được ăn cây kem lạnh, trời sao sướng rên mé đìu hiu (nói theo nhà văn Duyên Anh). Rồi trèo cây hái me, hái mận, tắm sông… Còn bạn Lê Xuân Quỳnh (giờ đang ở đâu?) kể chuyện hồi đi học ở Quốc Học, buổi trưa chạy lên ga xe lửa, bám vào đuôi tàu đi ké một đoạn. Chừng đó thôi mà bây giờ còn nhớ và kể ra cho bạn bè nghe. Riêng Cu tôi, thú thực, ngày nay nhìn lại thấy ấu thời mình có cực đấy nhưng không thể gọi là khổ và cũng không thấy có gì đáng oán trách số phận. Trái lại, mình tự lấy làm bằng lòng với những cái mẹ cha đã cho, nghĩa là được đi học, được đọc sách, đôi khi đàn hát, để rồi từ đó bước chân vào con đường văn chương chữ nghĩa. Không như ông columnist báo VietTide (Ôi, Bùi Bảo Trúc nay không còn nữa!), Cu này mặc dù cũng mê ciné nhưng không đến nỗi thường xuyên bỏ bê việc học để bị la rầy, quở phạt, và cũng chưa từng lãnh cái hột vịt lộn để bị đánh đòn. Ngoài ra, bạn bè trong lớp không ai đem tên bố mẹ người khác ra bêu riếu. Ðánh lộn, chửi lộn là không có. Nói như thế không có nghĩa là mình hoàn toàn tốt. Cũng có lúc chọc phá bạn bè bị thầy cho ăn bạt tai hoặc bắt đứng nghiêm trước lớp. Và thỉnh thoảng cũng có cúp cua đi chơi ngoài bờ sông hay bát phố với thằng bạn bây giờ đang làm chủ nhà in ở Maryland. Lớn hơn một chút thì đi “nghễ” (ngắm) các cô hoặc tập tành cà phê thuốc lá. Nói chung là cũng khá lắm trò liếng khỉ nhưng không có điều gì nghiêm trọng để phải hối hận, buồn bã. Có thể nói đời học trò của Cu tôi vui nhiều hơn khổ. Và nếu có thể, cũng “xin đi lại từ đầu / chưa đi vội về sau”. Các bạn ơi, bé thơ của tôi ơi, có đồng ý như vậy không?

TN – Tháng 3. 2010