Menu Close

Tiến trình Brexit

Thời gian chín tháng qua, kể từ khi người dân của Vương quốc Anh bỏ phiếu chọn Brexit để tách ra khỏi khối Liên Âu (EU), mỗi khi được giới truyền thông hỏi thăm về kế hoạch cho tiến trình Brexit tiến tới đâu rồi thì các giới chức có thẩm quyền của EU đều đưa ra câu trả lời chung chung là “không có đàm phán nếu chưa được thông báo” (no negotiation without notification). Hôm 29 Tháng 3, Thủ tướng Anh Theresa May gửi lá thư tới văn phòng của chủ tịch Hội đồng Âu châu, Donald Tusk, chính thức thông báo về ý định rút lui.

tien-trinh-brexit3

Trong lá thư, Thủ tướng May cho biết Vương quốc Anh sẽ rời khỏi liên hiệp dựa trên Ðiều 50 của Hiệp ước Lisbon trong hiến pháp của EU. Sự kiện này đánh dấu bước đầu tiên trong tiến trình đàm phán giữa Anh và EU về mối quan hệ tương lai giữa hai bên sẽ như thế nào sau khi Anh tách ra. Cũng trong lá thư trên, bà May đưa ra kế hoạch là tất cả các cuộc đàm phán sẽ diễn ra cùng lúc trong thời gian hai năm. Ðể đáp lại, ít ngày sau đó, Chủ tịch Tusk gửi tới 27 quốc gia thành viên EU một bản nháp Brexit theo kế hoạch của EU, qua đó, tiến trình được chia thành ba giai đoạn: thứ nhất, Vương quốc Anh phải tách hẳn ra khỏi khối EU trước đã; kế đến, sẽ là đàm phán về quan hệ tương lai giữa hai bên, bao gồm thương mại, an ninh v.v…; và sau cùng là thời gian chuyển tiếp.

Trong bản nháp về tiến trình Brexit của EU đưa ra đòi hỏi Anh phải chấp nhận gánh vác tất cả mọi phí tổn cho cuộc “ly dị” này, trong đó có các chi phí về pháp lý cũng như bắt buộc Anh phải đóng góp vào quỹ hưu bổng cho các nhân viên và viên chức từng làm việc cho EU. Tổng số phí tổn cho tiến trình Brexit được dự trù là vào khoảng 60 tỉ Euro (64 tỉ Mỹ kim). Ðây được xem là bước đầu mà hai bên sẽ thảo luận trước khi các cuộc đàm phán chính thức diễn ra. Một điều chắc chắn là các giới chức có thẩm quyền của EU sẽ cố tìm đủ cách để làm khó dễ Vương quốc Anh trong tiến trình đàm phán, coi như là lời cảnh cáo đối với những quốc gia thành viên nào đang nuôi ý định đi theo bước chân của Anh để rời khỏi khối này.

tien-trinh-brexit2
Quốc hội Âu châu họp bàn Brexit – nguồn NDTV.com

Cho dù tiến trình Brexit diễn ra dưới hình thức nào, một điều rõ ràng mà ai cũng biết là các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ vô cùng gay go. Nếu như các cuộc đàm phán không mang lại bất kỳ một thỏa thuận chung nào trong thời hạn nhất định thì điều đơn giản là Vương quốc Anh sẽ tự động bị đá ra khỏi tất cả những thỏa thuận đã ký với EU trước đây – trong đó, đáng chú ý nhất, là những thỏa thuận về tự do mậu dịch và di chuyển bên trong liên hiệp.

Với hậu quả trên, có thể xem như là trường hợp tồi tệ nhất, sẽ là một thảm hoạ cho cả đôi bên. Hiện có khoảng 3.5 triệu công dân EU đang sống và làm việc trên toàn lãnh thổ của Vương quốc Anh, trong trường hợp này, có rất nhiều người trong số đó có thể sẽ không được phép ở lại Anh dưới sự bảo vệ của pháp lý. Kinh tế của Anh sẽ gặp nguy hiểm: Khoảng 44 phần trăm hàng xuất cảng của Anh là tới EU, do đó những rào cản thương mại Anh-EU có thể gây ra một cuộc suy trầm mới cho nền kinh tế xứ này.

Biết thế nên nhiều người tin rằng, trong thời gian hai năm tới, những cuộc đàm phán mặc dù diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và gay cấn, cả hai bên sẽ cố tránh không để một hậu quả như nói ở trên xảy ra. Mục tiêu sẽ là đạt được một thỏa hiệp mà hai phía có thể chấp nhận được trên những vấn đề chính đã từng gây ra những xung khắc giữa đôi bên, ví dụ vấn đề di dân, và sẽ cho phép có được một “bãi đáp an toàn” mà trong đó Vương quốc Anh được tiếp tục giữ lại một số quyền lợi trong thị trường kinh tế của EU.

tien-trinh-brexit1
Sơ đồ tiến trình Brexit – nguồn Pulse.com

Tuy nhiên, điểm khởi đầu cho tiến trình Brexit giữa EU và Vương quốc Anh hiện nay vẫn còn nhiều cách biệt và quan điểm giữa hai bên vẫn còn bất đồng trên những vấn đề căn bản nhất. Và vì tất cả 27 quốc gia thành viên còn lại của EU và Quốc hội Âu châu cần phải cùng đồng thuận về kết quả sau cùng, và đó là một trong rất nhiều thử thách có thể dẫn tới việc phủ quyết. Ngoài ra còn hàng tá những sự kiện bên lề rất khó đoán trước – từ sự kiện ứng cử viên Marine Le Pen thuộc nhóm cực hữu có thể thắng cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp cho tới việc ông Donald Trump ở Mỹ cứ lâu lâu lại lên tiếng nhắc nhở là Hoa Kỳ sẵn sàng dành cho Vương quốc Anh một thỏa thuận thương mại tốt hơn EU – có khả năng sẽ làm đảo lộn tất cả tiến trình đàm phán từ đây cho đến cuối năm 2018.

Nói tóm lại, trái bom nổ chậm vừa được nhấn nút và không ai dám chắc trái bom này có sẽ phát nổ hay không.

Trong khoảng một tháng tới, các giới chức Anh và EU có trách nhiệm sẽ phải ngồi xuống để cùng đưa ra một thỏa thuận chung trên nguyên tắc các cuộc đàm phán cho tiến trình Brexit sẽ diễn ra theo cách thức nào.

Ngay vào lúc này, một số quan sát viên cho rằng sẽ không có một thỏa thuận nào quan trọng và mang nhiều ý nghĩa sẽ đạt được cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp vào cuối Tháng 4 và đầu Tháng 5 tới đây, và cuộc bầu cử quốc hội tại Ðức vào Tháng 9, để biết chắc kết quả ra sao thì lúc đó những cuộc đàm phán mới thật sự diễn ra. Lý do là vì cả hai nước Pháp và Ðức được xem là hai quốc gia thành viên quan trọng nhất của EU cho tới lúc này. Không nắm rõ ai sẽ là lãnh đạo của hai quốc gia này trong những năm tới thì sẽ không thể biết được điều kiện nào EU có thể đồng ý với Anh trong tiến trình đàm phán, và ngay chính số phận của EU trong tương lai cũng tùy thuộc vào kết quả của các cuộc bầu cử này.

Sau hai cuộc bầu cử trên, tiến trình đàm phán mới thật sự bắt đầu. EU và Vương quốc Anh sẽ cần phải đạt được những thỏa thuận trên các điều khoản từng bước để Anh tách ra khỏi EU. Một số vấn đề thiết yếu chắc chắn sẽ được bàn đến gồm có:

– Vương quốc Anh có được EU dành cho một thỏa thuận tự do mậu dịch dưới bất kỳ hình thức nào, hay sẽ chỉ được đối xử như bất kỳ quốc gia nào khác và phải chịu những điều kiện quan thuế dựa trên các điều luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

– Các dịch vụ tài chánh của Anh, đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của cả đôi bên, có được phép tiếp tục hoạt động không giới hạn như trước kia?

– Công dân EU có tiếp tục được tự do di cư đến Vương quốc Anh, và ngược lại, công dân Anh đến các quốc gia thành viên của EU hay không?

– Công dân EU hiện đang sống tại Vương quốc Anh có tiếp tục được ở lại và làm việc, và ngược lại, là công dân Anh trên lãnh thổ EU?

– Vương quốc Anh có tiếp tục chấp nhận sự kiểm soát theo luật của EU, và tiếp tục chấp hành theo phán quyết của Toà án Tư pháp Âu châu trong các tranh chấp thương mại với các quốc gia thành viên EU?

tien-trinh-brexit
Thủ tướng Theresa May và Chủ tịch Donald Tusk – nguồn Vox

Một khi các vấn đề trên được cả hai bên đồng ý, Anh và EU sẽ tiến hành bước kế tiếp cho kế hoạch chuyển tiếp.

Vấn đề chuyển tiếp cũng rất quan trọng là vì giữa Anh và EU có một sự liên hệ rất sâu xa. Một ví dụ, các sản phẩm của Anh hiện được chế tạo theo đúng các điều lệ kiểm soát của EU. Nếu như Anh không còn bị ràng buộc bởi các điều lệ này nữa, các công ty ở Anh sẽ cần một thời gian để điều chỉnh lại và các sản phẩm cần phải tái thiết kế cho phù hợp với thị trường bên ngoài EU.

Trên lý thuyết, thời hạn hai năm cho tiến trình đàm phán ghi trong Ðiều 50 là để khuyến khích các cuộc đàm phán diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên nếu các cuộc đàm phán không đưa đến kết quả thì lại là điều không có lợi cho bất cứ bên nào.

Nếu thời hạn hai năm đi qua mà vẫn chưa đạt được thỏa thuận, EU và Anh có thể sẽ phải tạm thời gia hạn tất cả những thỏa thuận đang có giữa EU và Anh, mặc dù trên danh nghĩa Vương quốc Anh không còn là thành viên của EU. Và điều này có nghĩa là cả hai bên có thể mới chỉ bắt đầu cho một tiến trình đàm phán mất nhiều thời gian và kéo dài. Tiến trình đàm phán thương mại giữa Canada và EU đã phải mất tới bảy năm mới hoàn tất.

VH