Vừa qua nhà thơ- họa sĩ- nhiếp ảnh gia tài hoa Vương Ngọc Minh tức Lưu Huy Lạc có đưa lên fb một bức hình chụp nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Kiều Chinh đứng cạnh họa sĩ- nhà văn bậc đàn anh trong nền hội họa hiện đại Sài Gòn trước 1975 khiến tôi bị hút vào vẻ đẹp rất nghệ thuật của 2 khuôn mặt đầy tương phản cả về cá tính lẫn trạng thái tinh thần hiếm khi xảy ra. Vì ấn tượng khá sâu ấy, tôi muốn thể hiện cảm xúc của riêng mình bằng hội họa về 2 nhân vật trong hình vốn từ lâu tôi rất quý trọng.
Riêng chị Kiều Chinh, không phải vì chị đẹp và nổi tiếng mà tôi xin vẽ vì tôi không có thói quen vẽ người nổi tiếng và những hoa khôi, diva, trừ người đó từng là bạn một thời. Tôi được quen biết chị Kiều Chinh từ trước 1975 ở Sài Gòn nhưng không thân thiết cho mãi đến khi gặp lại chị ở Cali kể từ năm 1996 thì sự thân ái ngày càng đáng nhớ. Vì thế, tôi có ý định vẽ Kiều Chinh từ dạo đó. Như tôi đã nói trong một comment trên fb của VNM là ý định ấy cứ bị trôi tuột cho đến nay.
Nhưng bức hình của VNM đã chấm dứt điều này cho tôi kể từ tháng 2 này, tôi tin là như vậy.
Ngoài ra cũng vì điều này, một điều mãi mãi tôi không bao giờ quên về chị mà hôm nay tôi mới kể với các bạn.
26-2-2017
Và chị Kiều Chinh cũng chưa biết chuyện tôi kể hôm nay. Tôi cũng mong chị thứ lỗi cho về một sự lợi dụng uy tín của một tài tử điện ảnh số 1 VN, thần tượng của người Việt tỵ nạn tại California để giải cứu cho cuộc triển lãm lần đầu tại Bolsa của tôi năm 1997.
Tại sao lại như vậy?
Các bạn biết không, tôi đã bị một số anh em quen biết cũ làm ở tờ nhật báo lớn phát hành ở quận Cam không welcome tôi đến đây trừ duy nhất một người, nhà báo Lê Ðình Ðiểu.
Khi ngồi trên máy bay qua Mỹ, lòng tôi nôn nao được gặp họ và tin là một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc sẽ xảy ra khi tôi tìm đến thăm họ, những người từng một thời cùng làm chung công việc ở Cục Thông Tin Quốc Nội do anh Lê Ðình Ðiểu làm sếp hoặc quen nhau trong khuôn viên Ðại Học Văn Khoa SG trước 1975. Thế nhưng, tôi hoàn toàn sai lầm. Mọi sự đã khác, mọi sự đã thay đổi. Tôi là một con người đã khác dưới mắt họ và trong ý nghĩ của họ sau 22 năm không gặp.Ngược lại, tôi là thằng mù, không nhận ra họ cũng không phải họ của “những ngày xưa thân ái”. Cuộc đổi dời này thật thảm hại. Với họ, một người như tôi, ở lại trong nước hơn 20 năm từ sau 30-4-75, tại sao giờ này được qua Mỹ bằng máy bay một cách dễ dàng và ngon lành như vậy? Sao Việt Cộng lại cho đi? Nghèo đói thì tiền đâu ra để mua vé máy bay và ăn ở tại Mỹ?

Tiếng Anh đâu giỏi mà đi giảng dạy cho Ðại học San Francisco? Với 22 năm sống với chủ nghĩa xã hội chắc tôi phải bị nhuộm đỏ, tệ hơn là đã làm việc cho cộng sản? Ðiều này đã nằm trong câu nói đầy ngụ ý của một nhà báo có vị trí quan trọng của báo nói trên khi dặn tôi trong lúc tôi muốn có bức hình với các bạn cũ đang làm cho báo này: “Cái hình này, toa đừng đem về cho báo Tuổi Trẻ!”
Tôi cảm nhận tình thế không ổn rồi, nếu biết thế này thì tôi đã không tìm thăm họ. Và sau đó, cũng một anh bạn trong báo kể trên nói với tôi là việc họ bỏ ý định xin tôi hình một bức tranh để làm bìa cho tạp chí Thế Kỷ vì sếp của báo cho tin là Bolsa đang đánh tôi. Nặng nề và cụ thể hơn hết là tôi bị báo SG Nhỏ đi một bài chụp mũ tôi là tay sai của Việt cộng do Hà Nội gửi qua để chia rẽ hàng ngũ văn nghệ sĩ hải ngoại. Thế là trong tôi mọi sự chờ đợi tốt đẹp cho chuyến đi đã sụp đổ.
Thôi hãy ở nhà vẽ, không có mấy ai ở đây để mà gặp. 3 tháng lủi thủi vẽ trong garage nhà con gái, cháu Vương Hương, được một số tranh đủ để làm một triển lãm. Ðây là kết quả do phản ứng của một tình trạng tinh thần bị tổn thương và bị rơi xuống thất vọng nặng nề vì tình đời, tình người về phía mà đáng lẽ ra nó phải khác xa với người cộng sản VN. Vẽ lúc này đối với tôi không chỉ là một giải pháp vực dậy tinh thần cho mình mà còn là cách chống trả lại sự ngộ nhận nhân cách do võ đoán và ích kỷ của con người vốn không muốn người khác được may mắn như mình. Và nghệ thuật của tôi phải làm thế nào, phải đạt tới một phẩm chất đủ để làm những kẻ chống tôi phải thay đổi thái độ vì giá trị sáng tạo của nó sẽ là tiếng nói giải oan vô lượng nhất.
Vào lúc vừa hoàn thành 10 bức sơn dầu sau 3 tháng, tôi nhận được cú phone của bác sĩ – nhà văn Ngô Thế Vinh rủ đi cà phê sáng, thật bất ngờ. Anh Vinh mang xe đến đón tôi vào một sáng Chủ Nhật mùa đông năm 1996, trên xe có cả nhà báo Hoàng Khởi Phong, một biên tập của báo NV. Vinh và Phong đưa tôi ra bãi biển Seal Beach. 3 chúng tôi đi trên một bãi biển không có dấu chân người. Biển và trời xám xịt, lạnh buốt, chỉ có bọn hải âu đang kiếm mồi một cách độc quyền. Ði một đoạn thì Vinh buột miệng hỏi tôi qua Mỹ cảm thấy thế nào, gặp gỡ những ai? Câu hỏi này đã chạm vào vết thương lòng của tôi và làm nó bật khóc. Tôi đã khóc thành tiếng như một đứa trẻ, khóc nức. Vinh và Phong im lặng bước đi cùng tiếng khóc của tôi làm mờ đi tiếng sóng đang rì rào liếm cái buốt giá của bờ bãi mùa đông Cali.
Ðó là một kỷ niệm đẹp, một kỷ niệm làm tôi không còn nghĩ mình quá đơn độc ở đây. Cám ơn Vinh, bạn đã cho tôi một liều thuốc hết sức hiệu quả và nhờ đó mà “con tim của tôi đã vui trở lại.”
Sau chuyến đi giải ức ấy, tôi mạnh mẽ hơn trong việc tiến hành cuộc triển lãm. Nơi triển lãm sẽ là tại phòng triển lãm của VNCR do Lê Ðình Ðiểu bảo trợ. Tôi thiết kế và cho in 500 catalogue tại nhà in Mekong bằng tiền mua trước của các bạn gần xa, đa phần họ là bạn tù cải tạo và những người ái mộ tranh tôi thời SG chưa thất thủ. Cuộc triển lãm lấy tên là “Âm Vang của Ðất”. Nhưng trở ngại lớn nhất cho cuộc triển lãm mà tôi biết được là sẽ có biểu tình chống tôi trong ngày khai mạc như đã từng xảy ra cho hoạ sĩ Lâm Triết trước đó khiến Lâm Triết phải bỏ cuộc.

27-2-2017
500 cuốn “Âm Vang của Ðất” đã in xong và bắt đầu gửi qua đường bưu điện 300 cuốn cho các bạn ở các tiểu bang xa đặt mua. Ðây là một cuốn vựng tập (brochure) do tôi tự thiết kế và biên tập trên khổ lớn và in theo kỹ thuật offset trên giấy couche’ matt 250 do nhà in Mekong thực hiện với giá 4,000 đô. Vì nghĩ rằng số tranh này là một bước ngoặt quan trọng, nó lần đầu tiên giới thiệu với công chúng mỹ thuật người Việt ở Mỹ một kỹ thuật vẽ sơn dầu mới của tôi áp dụng cho tranh trừu tượng mà trước năm 1995 chưa có. Chính với kỹ thuật này mà vào năm 1998, một nhà phê bình người Mỹ ở thành phố Los Angeles – Norma Jean Squire – đã viết nhân cuộc triển lãm cá nhân của tôi tại Gallery LA Artcore năm 1998: “with only a few changes in motif, Trinh Cung’s work has now broken into a beautiful but challenging abstraction. This is not the abstraction of the expressionists: it is painting that is thought out studiously and control. Powerful, facted and nature – connected these pieces glow jewel-like in colors of amethyst, tourmaline, ruby and amber. They still embody that ambigious interplay between fore ground and bacground that sets up a perpetual motion. And ever-present in his work is the Asian spirit that addresses a meditative kind of beauty.” và nghĩ rằng biết bao giờ mình có cơ hội trở lại Hoa Kỳ lần nữa nên dù không có tiền in brochure cũng nên tìm cách in để đánh dấu một thời kỳ mới của mình. Thế là một giải pháp tuyệt vời đã xuất hiện, nhờ bạn bè xa gần ở Mỹ như tôi đã nói ở trên mua trước, giá một cuốn 25 đô. Thật bất ngờ, sự hưởng ứng rất nồng nhiệt, nhiều người nhận mua 4 tập, tôi có được hơn 2,000 đô để deposit cho nhà in. Khi cầm cuốn brochure Âm Vang của Ðất với khổ 24 x 28cm do Mekong Printing vừa mới đóng cắt xong, tôi hạnh phúc vô bờ vì không nghĩ là có ngày được in tranh tại Mỹ, ngay cả các bạn họa sĩ danh tiếng một thời của Sài Gòn như Ðinh Cường, Nguyên Khai, Hồ Thành Ðức…, đã định cư ở Mỹ hằng chục năm rồi mà vào thời điểm bấy giờ cũng chưa có ai tự in cho mình một cuốn brochure như thế.
Tuy nhiên, nỗi lo triển lãm sẽ bị biểu tình thì không biết cách nào tránh được. Câu chuyện Lâm Triết cứ ám ảnh tôi ngày một nặng vì thời gian khai mạc sắp gần kề.

Cuối cùng, không biết thứ ánh sáng nào chỉ đường cho tôi nghĩ đến người phụ nữ nổi tiếng đang rất được cộng đồng người Việt tỵ nạn ở đây quý trọng, nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh. Tôi xem lại hình chị đứng trên xe mui trần trong một cuộc diễn hành lớn của người Việt trên đại lộ Bolsa, rõ ràng chị là một biểu tượng ở đây, tại sao không mời (nhờ) Kiều Chinh cắt băng khai mạc triển lãm? Thử gọi đt cho chị ấy, may ra, nếu được thì người biểu tình “vuốt mặt cũng phải nể mũi”.
Và không do dự, đường cùng rồi, tôi gọi đt cho chị Kiều Chinh trong trạng thái hồi hộp, chuông reo và có giọng mềm mại cất lên ở đầu dây bên kia: “Chinh đây, ai gọi vậy?” Vừa mừng vừa lo, tôi trả lời: “Anh đây, Trịnh Cung, Kiều Chinh có khoẻ không?”
– “Ủa, Trịnh Cung lớn tuổi hơn mình à, sao xưng anh?” Thế là tôi hố nặng rồi, Kiều Chinh sinh năm 1937 còn tôi 1938 nhưng trên giấy tờ là 1939, tôi bèn chữa cháy: “Ồ không, tại vì Kiều Chinh trong đầu tôi lúc nào cũng trẻ và đẹp nên lỡ lời, sorry, rất là sorry!” Chị Kiều Chinh cười vui và hỏi tôi có việc gì mà gọi đt, tôi mừng quá và nói ngay sự mong muốn của mình. Chị nói để Chinh coi lại lịch làm việc với Hollywood có kẹt gì không. Tôi chờ một phút thì chị bảo: “Ok, Chinh nhận lời cắt băng khai mạc triển lãm cho Cung.”
Hồng phước cho tôi, ngày khai mạc đông vui, hầu như mọi tai to mặt lớn từ văn nghệ sĩ, chính trị gia và báo chí ở Bolsa đều đến dự. Những người ngày nào không muốn gặp tôi như đã đề cập ở trên thì hôm đó đã đến bắt tay tôi với lời nói thật bất ngờ: “Cám ơn toa đã làm bọn tôi sống lại những buổi khai mạc triển lãm ở Sài Gòn ngày trước.”
Thế đấy, cuộc triển lãm Âm Vang của Ðất sẽ không ra đời tốt đẹp, mẹ tròn con vuông, nếu không có sự mát tay của Kiều Chinh. Quả thật, chị đã giải cứu cho cuộc triển lãm này và mở đường cho những chuyến đi đến Mỹ của tôi sau đó thật tốt đẹp.
Kiều Chinh, một hình tượng, một tâm hồn tôi khắc ghi mãi mãi.
TC (Bolsa, 2 tháng 3-2017)