Menu Close

Chuyến công du thất bại

Tuần vừa qua hẳn là một tuần bận rộn trong lịch trình làm việc của Tổng thống Donald Trump. Ông đã phải tiếp lãnh đạo của ba quốc gia có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Hai cuộc họp đầu giữa Trump và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi hôm Thứ Hai 3/4 và Vua Abdullah II của Jordan hôm Thứ Tư 5/4 đều diễn ra tại Toà Bạch Ốc. Riêng cuộc họp thứ ba với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày Thứ Năm 6/4 và Thứ Sáu 7/4 – là cuộc họp quan trọng và được chú ý nhiều nhất – thì diễn ra tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida của ông Trump. 

chuyen-cong-du-that-bai
TT Trump và Tập Cận Bình (ảnh www.talkingpointsmemo.com)

Có người thắc mắc vì sao hai cuộc họp trên diễn ra ở Washington mà cuộc họp thứ ba thì lại ở mãi tận Florida, trong khi họ Tập được xem là nhân vật lãnh đạo quan trọng hơn trong mối quan hệ với Washington? Thật ra thì vấn đề này cũng dễ hiểu vì hai cuộc họp trên xảy ra trong hai ngày làm việc trong tuần nên được đón tiếp tại Toà Bạch Ốc – nơi không chỉ là tư gia mà còn là văn phòng làm việc chính thức của Tổng thống – là chuyện đương nhiên. Riêng cuộc họp thứ ba rơi vào hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu được coi như cuối tuần và Mar-a-Lago là nơi ông Trump thường lui tới nghỉ ngơi vào những dịp cuối tuần kể từ khi nhậm chức.

Trên nguyên tắc về ngoại giao, không có điều lệ nào bắt buộc hai nhà lãnh đạo phải gặp nhau ở một nơi nhất định nào cả, kể cả phủ tổng thống. Ngoài đời thường, khi người ta muốn gặp gỡ để bàn chuyện công việc thì người ta cũng có thể hẹn nhau ở một tiệm cà phê, một quán ăn, hay thậm chí một quán bar, chứ không nhất thiết phải ở văn phòng. Mà khu nghỉ mát Mar-a-Lago có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn để hai nhà lãnh đạo nói chuyện trong bầu không khí thân mật thay vì ở Washington thường là nghiêm trang và quá nhiều nghi lễ. Hơn nữa, đây không phải là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Trump và một vài lãnh đạo thế giới tại Mar-a-Lago. Nhớ vào đầu Tháng 2 vừa qua, một cuộc họp thượng đỉnh khác cũng diễn ra tại đây với Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe và còn được bắt đầu bằng một màn đánh golf ngoại giao khá cởi mở.

chuyen-cong-du-that-bai3
Cuộc họp thượng đỉnh Trump-Tập – nguồn The New York Times

Cuộc họp thượng đỉnh này cũng được so sánh tương tự như cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa cựu Tổng thống Barack Obama và ông Tập tại khu nghỉ mát Sunnylands ở miền nam California năm 2013, mặc dù ngắn hơn và bớt rình rang hơn.

Cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo đã được truyền thông Hoa Kỳ nói tới từ mấy tuần trước đó cùng với những chủ đề chính mà người ta nghĩ rằng hai bên sẽ bàn tới như vấn đề Bắc Hàn, thương mại song phương giữa hai nước và có thể kể luôn tình hình ở Biển Ðông.

Chuyến công du này của Tập Cận Bình cũng đã được phía Trung Quốc chuẩn bị rất kỹ để tô điểm cho hình ảnh của một Chủ tịch Tập Cận Bình ra với thế giới cũng như người dân Trung Quốc ở nội địa như một nhà lãnh đạo toàn cầu với vai trò ngang hàng với Tổng thống Trump của Hoa Kỳ. Trong phái đoàn ngoại giao của Bắc Kinh còn có sự hiện diện của bốn ủy viên bộ chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc – một sự kiện khá hiếm hoi tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Mỹ. Ðiều này cho thấy Bắc Kinh đặt nặng tầm quan trọng của chuyến viếng thăm này.

Tuy nhiên, cuộc họp được đánh giá từ trước là rất quan trọng này đã bị lu mờ trước sự kiện Hoa Kỳ tấn công Syria bằng việc cho phóng đi 59 hỏa tiễn Tomahawk từ các khu trục hạm đậu ngoài khơi Ðịa Trung Hải nhắm vào mục tiêu là một phi trường quân sự của Syria, bị cáo buộc là nơi cất cánh của những máy bay quân sự trong vụ đánh bom vũ khí hoá học tại thành phố Idlib nằm ở phía tây bắc Syria chỉ mấy ngày trước đó làm ít nhất 86 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.

chuyen-cong-du-that-bai2
Hỏa tiễn Tomahawk phóng đi từ khu trục hạm – nguồn longroom.com

Cuộc tấn công Syria đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của Bắc Kinh và đặt họ Tập vào một tình thế khó xử vì Trung Quốc vẫn thường đứng về phía Nga để bênh vực cho Bashar al Assad, Tổng thống Syria, và nó còn cho Trump có tiếng nói mạnh hơn trong việc áp lực Trung Quốc phải quyết tâm hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn. Chính phủ Trump đã từng cảnh cáo rằng Hoa Kỳ có thể sẽ tấn công Bắc Hàn trước nếu như Bắc Kinh không chịu làm gì cả. Chắc hẳn phía Trung Quốc đã coi lời cảnh cáo này không chỉ là những lời nói suông sau vụ tấn công Syria vừa qua.

Theo các nhà phân tích thì Bắc Kinh từ lâu vẫn tin tưởng là Hoa Kỳ sẽ không dám liều mạng tấn công Bắc Hàn, được cho là mục tiêu nguy hiểm hơn Syria vì Bắc Hàn có thể có vũ khí nguyên tử và có khả năng bắn tới Nhật Bản và Nam Hàn, hai đồng minh quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo của Trung Quốc đến nay có lẽ vẫn còn đang cố tìm hiểu về con người của Donald Trump, và với một quyết định chớp nhoáng của Trump để tấn công Syria có thể buộc phía Trung Quốc phải xem xét lại giả thiết trên.

Nhưng cùng lúc, chắc hẳn Trung Quốc cũng sẽ không thể bỏ rơi Bắc Hàn như một đồng minh và là món hàng chiến lược vì Bắc Kinh không muốn thấy một bán đảo Triều Tiên thống nhất với lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trấn giữ ngay sát nách họ.

Một điều rõ ràng là vụ tấn công Syria chắc chắn đã được Tổng thống Trump quyết định từ trước khi máy bay của Tập đáp xuống Florida và kế hoạch tấn công được cho là đã có sẵn từ năm 2013 sau một vụ tấn công sử dụng hơi độc khác của chính quyền al Assad đã làm khoảng 1,500 thường dân thiệt mạng, nhưng đã bị Barack Obama ra lệnh bỏ mặc dù hành động của al Assad đã vượt qua “làn ranh đỏ” mà ông Obama đã cảnh cáo trước đó và quyết định tìm một giải pháp ngoại giao an toàn hơn.

chuyen-cong-du-that-bai1
Tomahawk phá hủy phi trường quân sự al-Shayrat của Syria – nguồn dailymail.co.uk

Trong vụ Syria, chính phủ Trump có thể chờ phái đoàn của Tập đi về rồi mới tấn công cũng được nhưng đã chọn đúng vào ngày đầu tiên khi Tập vừa mới đến Mỹ. Phải chăng vụ tấn công Syria cũng nằm trong một phần kế hoạch của cuộc họp thượng đỉnh của phía Mỹ?

Trong buổi tối đầu tiên gặp gỡ giữa Tập và Trump đã được truyền hình nhà nước Trung Quốc nhận định là thân mật và cởi mở, cho phát đi những hình ảnh hào nhoáng của hai nhà lãnh đạo trong buổi trò chuyện không chính thức trong căn phòng khách tráng lệ tại Mar-a-Lago.

Chương trình tin tức Trung Quốc cũng cho phát đi hình ảnh của hai nhà lãnh đạo ngồi cạnh nhau tại một bàn ăn lớn trong buổi yến tiệc, và cô cháu ngoại 5 tuổi của ông Trump là Arabella đã hát bằng tiếng Quan Thoại cho Tập và phu nhân Bành Lệ Viện nghe trước khi buổi tiệc bắt đầu.

Bản tin còn nói rõ là cô cháu ngoại này trình diễn bao gồm ba phần: hát một bài dân ca Trung Hoa có tựa đề “Mạt lài hoa” (hoa lài), và đọc một bài tập đọc trong Tam tự kinh và mấy câu thơ Ðường.

Trong khi đó cơ quan thông tấn Tân hoa xã đưa một bản tin cho biết ông Trump đã nhận lời mời của ông Tập để thăm viếng Trung Quốc trong “một ngày rất gần” – một dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn phô bày ra cho người dân trong nước chứng kiến được thành quả về mối quan hệ mà Chủ tịch Tập đã thiết lập được với chính phủ Hoa Kỳ và qua đó tạo thêm quyền lực để Tập chuẩn bị cho đại hội đảng diễn ra vào cuối năm nay.

Ngay sau buổi yến tiệc, khi Tập Cận Bình đã trở về một khách sạn gần đó để nghỉ ngơi, ông Trump đã bước lên bục và tuyên bố cuộc tấn công, cùng với những lời lẽ đầy cảm xúc khi mô tả về những hình ảnh trẻ em vô tội bị giết hại bởi vũ khí hoá học của chính quyền Syria.

Trong cuộc họp báo vào trưa hôm sau, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết ông Trump đã thông báo cho Tập biết về cuộc tấn công trong khi hai người đang ăn tối.

Sự kiện về vụ tấn công Syria của Hoa Kỳ đã làm phái đoàn Trung Quốc lúng túng không ít. Thế nên qua ngày Thứ Sáu, khi các buổi thảo luận quan trọng về những vấn đề chính giữa hai nước đã bị các cơ quan truyền thông nhà nước hầu như làm ngơ không nhắc đến. Không một bức hình nào của Tập tại buổi thảo luận được cho đăng tải. Những thảo luận về cuộc họp thượng đỉnh trên các trang mạng xã hội ở trong nước đã bị ngăn chặn và kiểm duyệt.

Một vài suy đoán cho rằng lý do mà các giới chức thẩm quyền của Trung Quốc có trách nhiệm giám sát các cơ quan truyền thông trong nước đã phải dè dặt hơn trong việc loan tin trong ngày thứ nhì của cuộc họp thượng đỉnh vì họ lo ngại Tập Cận Bình có thể bị bẽ mặt nếu như Trump nói mạnh với ông ta về vấn đề Bắc Hàn. Họ sợ Tập không tỏ ra cương quyết và cứng rắn về vấn đề trên như ông ta vẫn thường được bộ máy tuyên truyền của nhà nước tô vẽ từ bấy lâu nay và chắc chắn là không muốn người dân Trung Quốc nhìn thấy những hình ảnh yếu thế đó.

Do đó, chuyến công du đáng lẽ ra là rất quan trọng của Tập Cận Bình, có thể nói là thất bại – truyền thông nhà nước nói tới rất sơ sài và truyền thông quốc tế thì chỉ thích nói về một sự kiện nóng hổi hơn: cuộc tấn công Syria.

VH