Ở Mỹ, mùa hè đến, lắm lúc nhớ một cành hoa phượng đến rưng rưng. Nhưng tìm đâu ra phượng? Nghe nói ở Key West cực nam Florida có nhiều phượng lắm. Và H. ơi, phải chăng em cùng chồng đã một lần tới đó, và em đứng ngước nhìn phượng đỏ mà nước mắt rưng rưng. Nguyễn cũng từng mơ ước một lần tới Key West để nhìn lại màu hoa phượng nở dưới trời xưa nhưng chưa bao giờ thực hiện được.
Ôi phượng. Với những ai có đôi chút học hành chữ nghĩa, và có chút xíu máu lãng mạn trong người, thì phượng là quá đỗi thân thiết và gợi nhiều xúc cảm. Nó mở ra một vùng trời nostalgia. Nơi đó, tâm hồn ta chưa bị hoen ố, trí óc chưa phải bận bịu vì những mưu tính và thủ đoạn đua tranh giành giật. Chỉ có những trang sách và tình bạn và những mơ mộng buổi đầu đời. Cho nên người ta gọi phượng là hoa học trò và màu đỏ của hoa phượng là màu kỷ niệm của một thời trong trắng còn giữ trong tim.

Với Nguyễn này, phượng còn để lại một ấn tượng đặc biệt. Dạo đó, mùa hè 1995, phượng nở đỏ nhiều nơi trong thành phố Sài Gòn. Đó cũng là lúc mình sắp bỏ nước ra đi. Những ngày chuẩn bị lên đường, không kịp cảm thấy buồn vì tâm trí còn bận bịu nhiều việc và còn náo nức vì những chân trời trước mặt. Trong buổi tiệc chia tay với bạn bè trên căn chung cư nhìn ra sông Thanh Đa, có những bông hoa cẩm chướng màu đỏ thắm của bạn từ Đà Lạt mang đến, có rượu có thơ và đàn hát, lúc ấy dạ vẫn chưa đau, còn cười nói rộn rã. Tới lúc cùng vợ lên máy bay, nhìn xuống những con phố những mái nhà thấp thoáng màu hoa phượng đỏ, và ruộng đồng bờ xanh bãi biếc với những dòng sông uốn khúc quanh co…, lúc ấy nước mắt mới tuôn rơi. Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc. lúc ra đi / phượng đỏ một màu yêu dấu cũ / là lúc chia xa…
Sang Mỹ, ở những thành phố Nguyễn từng đi qua, mùa hè không có phượng. Thôi, hãy tạm bằng lòng với một loài hoa khác của xứ người. Những cây crepe myrtle nở đỏ suốt mùa hè, Nguyễn gọi nó là hoa hải đào. Tại sao lại hải đào? Như Nguyễn đã nhiều lần giải thích với bạn bè, ấy là do một liên tưởng gợi ý: Nguyễn nghĩ đến hoa hải đường ở quê nhà và hoa trúc đào (cũng thấy mọc rất nhiều ở Nam Cali và dọc bờ biển Destin, Florida). Hải đào là kết hợp của hải đường và trúc đào. Cả ba đều màu đỏ, hải đào sẫm hơn một chút.
Tháng 6. Cây hải đào bên cửa sổ phòng Nguyễn lại nở hoa. Khu phố Nguyễn ở chỉ khoảng hai trăm mét mà có tới mười cây hải đào. Nhưng không phải chỉ ở phố Nguyễn ở mới có hải đào đỏ. Ở khắp nơi trong thành phố Garland, Dallas, những ngày này hoa hải đào nở rộ dọc theo hai ven đường, vạch thành những luống hồng nồng ấm như cánh tay người tình vươn ra. Hải đào nở, ở đây và nhiều nơi trên đất Mỹ, chẳng hạn ở Irvine như tháng Bảy năm nào Nguyễn đến thăm – hải đào nở rộ ở nhiều nơi báo hiệu mùa hè đã trở về. Tuy vậy chỉ có ở miền đồng cỏ này, hải đào nở đỏ rực rỡ mang theo sấm chớp và mưa mà đài thường báo là severe thunderstorm. Nguyễn không quên, đã có lần gọi vùng đồng cỏ nơi đây là “xứ sấm sét” (từ này mượn của Võ Đình tiên sinh). Đúng như vậy, phải không em? Những ngày qua, ta đã thấy thunderstorm chạy những đường lóe sáng ngoằn ngoèo trên dọc một dải miền Nam từ Texas đến Mississippi, Alabama, Louisiana sang tận Atlanta nữa kìa. Trời u ám, chùng xuống và sấm chớp và mưa như lòng mình lên cơn thảng thốt nhớ. Nhớ ai… Hay chửa. Ai mà chẳng đáng nhớ, đôi khi chỉ là một nụ cười ở cuối chân trời. A certain smile / A certain face…
Và hải đào nở, sấm chớp, mưa thưa, lòng Nguyễn cũng chợt bồi hồi thương tưởng. Đặng Văn Đệ – nhà nghệ sĩ của cuộc sống, Lê Uyên Phương với tiếng đàn thùng và những ca khúc của một thời. Cả hai đều ra đi vào tháng 6 năm nào lúc những bông hải đào thả theo gió. Và Võ Đình, cũng ra đi vào mùa hoa hải đào ở Dallas cách đây ba năm. Và Nguyễn Mộng Giác mới ra đi cách đây một tuần thôi. Cũng vào độ hải đào nở hoa đỏ rực những con đường trong thành phố này. Bài “Chiều. hải đào đỏ” khúc requiem ngày nào viết cho Lê Uyên Phương chợt sống lại trong tim mình cùng với bài viết cho Nguyễn Mộng Giác cách đây vài hôm. Giác đi, có tôi và bông hải đào nói lời chia tay. Này em, em hãy đọc lại cả hai bài – bài cho Lê Uyên Phương và bài cho Nguyễn Mộng Giác – trong một chiều mưa và sấm chớp lóe sáng ở chân trời, như chiều hôm nay. Để thấy rằng cái chết có những âm vang, rực rỡ buồn, trong lòng cuộc sống hôm nay.
