Menu Close

Chờ đợi là hạnh phúc

Một bữa trưa nóng nực, ông bạn có tuổi viết lên trang cá nhân lời bài hát “Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ /Trong căn nhà nhỏ Mẹ cũng ngồi chờ/Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu/Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù/Chờ đã bao năm, chờ đã bao năm, chờ đã bao năm …”

cho-doi-la-hanh-phuc7
Hai hãng xe ôm, taxi công nghệ lớn nhất ở thị trường Việt Nam Uber và Grab

Trong bộ sưu tập nhạc trẻ đương thời có bài “đợi chờ là hạnh phúc”, nhưng dĩ nhiên không phải ai cũng sẵn lòng hạnh phúc như vậy! Ngồi ngẫm nghĩ, tôi thấy chắc hầu như 100% con người trên 18 tuổi đã từng biết, nếm trải qua cái khổ sở của sự chờ đợi mang lại. Tình thiệt tôi cũng không chắc là mình đoán đúng ông bạn già của mình chờ chuyện gì mà nhắc lại bài hát đó. Nhưng tôi biết đàn ông có kinh nghiệm chờ nhiều nhất. Những cái mà một người đàn ông chờ thường cụ thể và tỉ mỉ hơn bất kỳ người phụ nữ nào. Vì hễ có gì rắc rối là đàn ông đa số lại đổ thừa cho… phụ nữ, mà trên thế gian này, còn có cái gì cụ thể và tỉ mỉ hơn một vị… đàn bà! Ði dọc google thấy đàn ông than phiền nào là chờ bạn gái trang điểm, chờ vợ mua sắm Black Friday, chờ con gái thử váy mới… Còn phụ nữ đơn giản hơn nhiều, hầu hết chỉ chờ một người đàn ông hoàn hảo, và bạn biết đấy, đa số trong số đó là các quý cô tài giỏi, xinh đẹp, già và ế!

cho-doi-la-hanh-phuc6
Một đại hội thường niên của Grab khoảng gần mười ngàn người

Thiệt ra hôm nay tôi chỉ muốn nhắc lại một sự chờ đợi mà chắc lâu rồi hiếm ai ở thành phố lớn như Sài Gòn gặp phải, đó là chờ taxi truyền thống. Giờ có rất nhiều dịch vụ sẵn sàng phục vụ con người một cách nhanh nhất, rẻ nhất, nên món quà mang tên chờ đợi khá là xa xỉ phẩm. Chuyện là hôm rồi, cùng hai người bạn vào trung tâm thương mại ăn tối. Khi trở ra thì trời mưa, điện thoại tôi hết pin, điện thoại hai người còn lại thì không có sử dụng dịch vụ mạng. Nhờ đội bảo vệ của trung tâm thương mại thì họ báo là taxi không đáp ứng kịp vì lượng khách quá đông. Ðợi quá lâu, cô bạn đi cùng rủ nhau xung phong ra đường chặn taxi mới có cơ hội về nhà trước nửa đêm. Cả đội ba người đành phải đội mưa ra sát lề đường, sau hơn 20 phút vẫy tay kịch liệt đã có xe về, kèm theo câu thở dài của người bạn: “Ði đẻ chờ kiểu này chắc chết!” Anh tài xế cười hì hì nói: “Cô chưa đợi xe cứu thương với xe cứu hỏa nên mới nói vậy thôi!” Câu chuyện tiếp theo của bốn con người trong cái “hộp” bốn bánh dĩ nhiên không hề liên can đến sự bực dọc vì chờ đợi ban đầu nữa. Mà trở nên bốc hỏa với hàng loạt vụ… cháy ở Việt Nam.

cho-doi-la-hanh-phuc5
Chờ khách

Sau khi trở về, lâu lâu ngồi nghĩ tôi cứ bật cười với sự duyên dáng đổ thừa rồi dẫn dắt câu chuyện để làm hài lòng những vị khách đang khó chịu của anh tài xế. Bây giờ đi các hãng taxi truyền thống rất ít khi gặp một bác tài có tâm như vậy! Khi nhắc đến taxi truyền thống, hầu như không ít người nghĩ đến hai chữ “ăn gian”. Khác với những dịch vụ taxi mới, bạn sẽ biết được khoản tiền mình sẽ trả khi đến điểm hẹn. Khi bắt taxi truyền thống, chỉ cần mở cửa thôi bạn đã mất 10k đến 14k tiền  phí tổn mở cửa. Sau đó là số phận bạn sẽ được giao cho bác tài nếu bạn không giỏi đường hoặc cãi không giỏi với hàng ngàn lý do của bác tài để chạy con đường xa hơn, ăn mắc hơn. Ví dụ như “Ðường đó có công an làm khó làm dễ!” “Ðường này kẹt xe, vòng ra đường kia xa chút mà nhanh!” “Ðường kia đang sửa!”… Thế là bạn phải mất tiền một cách “có ý thức” rất ngọt! Ðó là chưa tính đến các kỹ xảo như giả bộ bóp kèn, nhấn các nút điều khiển, điều chỉnh điều hòa, chỉnh âm thanh, tắt mở đài… trên bộ điều khiển khoang lái. Nhiều người cho đó là hành động bình thường và không phản ứng. Nhưng không ai biết rằng, chính những động tác lạ đó và mỗi lần nhấn nút, bấm còi, tài xế đã lấy thêm tiền của người đi xe một cách công khai vì mỗi hành động như trên đều có thể làm giá tiền nhảy. Bên cạnh việc bị “móc túi” thì taxi truyền thống còn rất nhiều những ồn ào liên can như mắng khách hàng vì đi chuyến xe ngắn, gạ khách du lịch đến các khách sạn để lấy % phí hay hành hung khách khi bực dọc. Dĩ nhiên trong cộng đồng, trong nghề nghiệp nào cũng xảy ra chuyện không mong muốn với các con người thiếu kiến thức. Sở dĩ chuyện này xảy ra thường xuyên hơn với taxi truyền thống mà ít gặp ở các loại taxi “thế hệ mới” là vì khi đi taxi truyền thống khách hàng bắt xe, lên ngồi, rất ít thời giờ để ngó biển số xe. Tên và số hiệu lẫn hình của tài xế rất ít khi chính xác vì thường một xe có hai, ba tài đăng ký và thay phiên nhau chạy. Còn khi bạn bắt taxi “thế hệ mới” thì trên bảng thông tin của tài xế lúc bạn book đã có đầy đủ hình ảnh, họ tên tài, bảng số xe lẫn loại và màu xe mà bạn sắp bước lên, tạo nên cảm giác an toàn, tự tin cho khách hàng. Tuy cũng không biết “khi xảy ra chuyện” thì sự việc có được giải quyết tốt hay cũng như nhau!

cho-doi-la-hanh-phuc3
Xe sang cũng chạy xem ôm

Bên cạnh taxi thế hệ mới thì bà con Sài Gòn rất hân hoan chào đón xe ôm thế hệ mới. Hay còn gọi là xe ôm công nghệ, mấy chú xe ôm truyền thống thì gọi bằng xe ôm “in tẹt nét”. Gọi là xe ôm công nghệ vì họ sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để đặt xe do tiện lợi, giá rẻ nên thu hút được nhiều khách hàng. “Lực lượng” chạy xe ôm công nghệ đa dạng hơn so với xe ôm truyền thống. Vì theo quan niệm xưa giờ, những người chạy xe ôm thường là những người học thức kém hoặc thất nghiệp hoặc lớn tuổi kiếm thêm. Chạy xe ôm truyền thống chỉ cần biết đường, chịu được nắng mưa, có xe gắn máy còn chạy được và có chỗ đứng (để tránh xung đột vấn đề “địa bàn”) thì có thể hành nghề, giá cao thấp thường họ tính theo mặt khách hàng, theo định mức đôi khi rất mông lung và xa vời. Còn những người chạy xe ôm công nghệ phải có xe máy chính chủ chạy tốt, phải biết chữ để sử dụng điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android 4.1 trở lên, phải có nhân thân  rõ ràng để công ty xác minh (để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của đối tác tài xế đối với công ty và ngược lại, cũng như với hành khách. Tuy nhiên, cũng vì yêu cầu này mà nhiều người không muốn gia nhập các công ty quản lý taxi, xe ôm công nghệ). Phải có 400k để mua đồng phục, đóng lệ phí tham gia (để học cách sử dụng ứng dụng chạy xe của cty và cách chăm sóc khách hàng). Do có những yêu cầu cao nên phần nào thành phần trong xã hội và cung cách phục vụ của các tài xế xe ôm công nghệ cũng hơn hẳn xe ôm truyền thống. Vì “hành nghề” này đa số là sinh viên, nhân viên văn phòng, công chức hoặc người thất nghiệp nhưng biết chữ, có điều kiện. Từ đó chúng ta khi đi đường phố Sài Gòn, nếu để ý sẽ nhìn thấy hình ảnh cánh tài xế xe ôm truyền thống bồn chồn ngồi ngóng khách. Trong khi đó, xe ôm công nghệ liên tục lướt qua, thường lúc nào cũng có khách. Cuộc cạnh tranh êm dịu trong mắt người dưng nhưng quả tình không nhẹ, ngày càng khốc liệt, không chỉ là lo toan miếng cơm manh áo, mà đã có những trận “thư hùng” đau lòng. Không ít người chạy xe ôm công nghệ cho biết: trước đây thường không dám mặc đồng phục vì sợ bị xe ôm truyền thống đánh. Nay công ty yêu cầu, mặc thì vẫn mặc nhưng vẫn lo ngay ngáy vì nguy cơ bị đánh càng cao. Nhất là ở những nơi “nhạy cảm” như bến xe, sân bay, nơi tập trung nhiều xe ôm truyền thống. Nơi mà ai cũng phải hát câu “chờ”, ngóng đợi khách hàng! Tính ra, xe ôm công nghệ khó sống hơn taxi công nghệ rất nhiều.

cho-doi-la-hanh-phuc4
Chương trình mua xe của khách, trả “mã tín dụng”

Do vậy, sau những đợt “giao tranh”. Ðã có không ít xe ôm truyền thống bỏ sang làm xe ôm công nghệ. Nhưng không phải ai muốn là có thể làm được với những điều kiện các công ty đề ra như xe chính chủ còn chạy tốt, điện thoại thông minh… Do vậy lại sanh ra không ít dự án của cộng đồng hỗ trợ những người muốn “quay đầu là bờ” này. Có một anh bạn mần nghề luật đã kêu gọi và được rất nhiều người hưởng ứng:

cho-doi-la-hanh-phuc2
Giao hàng “thế hệ mới”

“Các bạn có smartphone cũ (CÒN DÙNG ÐƯỢC), khi có nhu cầu đổi điện thoại mới, và NẾU CÓ Ý ÐỊNH làm từ thiện NHƯ tặng -cho điện thoại cũ, thì hãy giữ đó cho mình nhé. Hiện tại, mình đang thực hiện một vài hoạt động trợ giúp cho các bác xe ôm truyền thống tăng thêm thu nhập, bằng cách hướng dẫn thông tin cho họ tham gia vào grabbike hoặc Ubermoto, nhằm bảo đảm nguồn thu nhập ổn định hơn. Một số người thích nghi tốt, và có đủ tài chính để sắm smartphone phục vụ cho việc đón khách. Nhưng cũng có nhiều người, số tiền đầu tư 1, 2 triệu để sắm điện thoại là khá lớn đối với họ. Vì vậy, họ mong được sự hỗ trợ này. Khi xác định từng trường hợp cụ thể, mình sẽ post thông tin, để quý bạn có thể tặng điện thoại cũ, mình sẽ hỗ trợ thông tin, kỹ thuật cho mỗi bác tài được giúp. Và sẽ có hình ảnh post khi bác tài đó chính thức làm việc dưới màu áo của các hãng trên. Chân thành cảm ơn các bạn quan tâm, và hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ quý bạn. TUỆ HOAN.”

cho-doi-la-hanh-phuc1
Họp thường niên được thông báo tới mỗi thành viên

Hay công ty Grab, một hãng quản lý các taxi, xe ôm công nghệ khá lớn ở thị trường Ðông Nam Á cũng từng kêu gọi người dân bán xe cho Grab. Giá trị của xe sau khi thống nhất thỏa thuận sẽ được quy đổi thành mã tín dụng, cho phép người bán sử dụng mã này để di chuyển bằng GrabBike. Nhờ vậy, người bán xe vẫn có thể chủ động trong việc đi lại hàng ngày, tiết kiệm chi phí đầu tư và bảo trì xe. Những xe thu mua sẽ được Grab bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp và bán lại cho các đối tác GrabBike (hoặc) hỗ trợ bán xe trả góp không lãi suất dành cho các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, muốn có việc làm ổn định nhưng không có xe để gia nhập đội ngũ tài xế GrabBike. Tuy nhiên so với việc tặng một cái điện thoại cũ thì việc bán một chiếc xe đi để lấy “mã tín dụng” có vẻ khó khăn hơn nhiều. Người bán xe sẽ không còn chủ động trong việc đi lại và dĩ nhiên số tiền trong “mã tín dụng” rất mau chóng hết nếu bạn di chuyển cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào các loại phương tiện trả tiền. Việt Nam là một đất nước chưa đủ phát triển để con người sống thoải mái hoàn toàn với các phương tiện công cộng. Thế mới biết, các “ông lớn” ngay cả lúc từ thiện cũng muốn… “ăn gian”.

cho-doi-la-hanh-phuc
Ai không đi họp thường sẽ có nguy cơ mất việc

Còn tôi, là một người dân lương thiện chân chính. Cũng muốn giúp đỡ tất cả mọi người đến với một cuộc sống tốt hơn. Chỉ tiếc là, tôi không có gì ngoài… độc lập tự do.

DU