Menu Close

Để “bình” một tấm hình (Kỳ 18)

Những tấm ảnh đẹp mà không có người chiêm ngưỡng cũng uổng. Ngược lại, những tấm hình hơi “kém cỏi” mà không được lời phê bình thì cũng khó có cơ hội để tiến bộ. Hôm nay, Góc Nhiếp Ảnh sẽ bàn về kỹ thuật (hoặc nghệ thuật) bình ảnh.

Đây cũng là một cách hay để học hỏi thêm về nhiếp ảnh. Bài viết này được soạn với mục đích nhắm vào những bạn thật sự đam mê nhiếp ảnh và muốn học cách tiếp nhận việc bình ảnh hoặc tự viết lời bình ảnh cho những người khác. Bạn không cần phải làm theo bài viết này, không phải sự bắt buộc. Nếu có điều nào tôi không viết vào trong bài, không có nghĩa là tôi đã quên hoặc nghĩ là không quan trọng. Tôi đã phải quyết định dựa vào những điều nào tôi nghĩ sẽ giúp quý độc giả nhiều nhất. Hai trang này chỉ là điểm bắt đầu, và là một số điểm để hướng dẫn tôi/bạn phê bình ảnh. Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng sửa đổi (thêm/bớt) list này để hợp với sở thích của bạn.

Ảnh hưởng của Internet

Rất tiếc, sự phát minh của Internet đã biến tất cả mọi người có máy ảnh trở thành “quân sư quạt mo”, làm cho việc “tìm thầy” rất là khó khăn.

Thế giới Internet là một thế giới ảo, và có cấu tạo tựa như thế giới giang hồ… tạp nhạp đủ mọi tầng lớp, vàng thau lẫn lộn. Làm trong nghề computer mười mấy năm dài đằng đẵng, tôi cũng đã từng phải “lăn lộn” trên “giang hồ” đó. Phải nói, ít có diễn đàn nhiếp ảnh (photography forum) nào mà tôi chưa từng bước chân đến, kể cả diễn đàn quốc tế và của riêng người Việt. Trong những diễn đàn này, trung bình có ít hơn một phần tư người biết cách bình ảnh để giúp đỡ người chụp tiến bộ. Điều này làm bản thân tôi rất áy náy, vì làm sao tôi có thể giúp số người quá đông như vậy được?! Một điều đáng mừng là tôi cũng đã có nhiều người thật sự muốn học và đã “làm bạn” với tôi qua những mạng xã hội. Hy vọng bạn đọc cũng sẽ hưởng ứng theo những chỉ dẫn căn bản trong bài này và giới thiệu rộng hơn bên ngoài phạm vi của tờ báo.

1. Sự Phơi Sáng (Exposure)

Nhìn tổng quát tấm ảnh, trong ảnh không nên có những chỗ quá sáng (trắng) hoặc quá tối (đen) đến nỗi mất chi tiết. Thí dụ: không phân biệt được chi tiết của mây trắng, hoặc sợi tóc.

alt

Ánh sáng trong ảnh nói lên một sự giản dị và cổ kính. Màu sắc (màu đất) biểu hiện sự bình dân. Chiều sâu tột độ cho cảm giác có không gian lớn. Photo Tony Matthews

2. Bố Cục (Composition)

Tìm sự cân đối trong tấm ảnh. Tìm một đối tượng mạnh, đập vào mắt; và thích những hình có chỗ bắt đầu, khoảng giữa, và chỗ cuối… Thí dụ: hình có chiều sâu. Nên có một chỗ để tia mắt bắt đầu (vào hình) và chấm dứt (ra hình). Không nên có những yếu tố bị cắt nửa chừng ra khỏi khung hình (đứt đầu, đứt chân…). Để ý tới các đường ngang và đường dọc thẳng góc (đường chân trời, cạnh building).

alt


Tấm hình rất tầm thường của một nắp cống trên đường phố. “Chiều sâu” của ảnh là do phản chiếu trong vũng nước tạo ra. Bố cục quá hay. Photo Zorzimo Croquezz

3. Hậu Cảnh (Background)

Tìm những hậu cảnh không làm “rối” tấm ảnh, hoặc làm chi phối tia nhìn tập trung vào đối tượng chính.

alt

Và một tấm hình rất “ăn ý” tôi. Phi thuyền được phóng lúc mặt trời gần mọc, để lại vệt khói chạy từ góc dưới bên phải (điểm vào) lên tới góc trên bên trái (điểm ra). Ngoài ra, hậu cảnh bầu trời và phản chiếu dưới mặt nước ửng lên như một bức tranh. Photo Reg Garner

4. Độ Nét (Focus)

Chủ đề chính, hoặc phần quan trọng của chủ đề, nên rõ nét. Thí dụ: trong ảnh người hoặc động vật, con mắt nên luôn luôn rõ nét.

5. Cốt Truyện (Story)

Khi nhìn vào tấm ảnh, tìm dụng ý của người chụp. Tấm ảnh này nói về cái gì? Xin nhắc lại câu châm ngôn nổi tiếng “A picture is worth a thousand words” (Một tấm hình đáng giá cả ngàn chữ).

6. Phẩm Chất Kỹ Thuật (General technical quality)

Tấm ảnh có bị mờ (vì run tay), xanh lét hoặc vàng ố (sai màu), nhiều hột, hoặc bị vọp méo? Màu sắc có bị “đẩy” quá lố hay không (có trung thực không?). Ảnh có bị bụi bặm nhiều không?

7. Tác Động (Impact)

Không đòi hỏi tấm ảnh nào cũng phải có phản ứng như “Wow!” hoặc “Ồ!”. Không cần phải có ảnh hưởng “dễ sợ” đến vậy. Nhưng ít nhất, ảnh phải có ý nghĩa, phải có chiều sâu. Nhìn càng lâu thì càng khám phá thêm những cái hay về nó.

alt

Một tấm hình với sáng kiến rất độc đáo. Thay vì chụp mặt trời lặn thì chụp phản chiếu của bầu trời trong gương kính, và phản chiếu của gương kính trên mui xe. Photo Lilian62

Cuối cùng, cảm giác của bạn về một tấm ảnh cũng quan trọng như vấn đề kỹ thuật của tấm ảnh đó. Trong nhiếp ảnh không có gì đúng hoặc sai, vì vậy nó mới là một nghệ thuật, tức là, tấm ảnh là một tác phẩm nói lên cảm xúc của người chụp trong lúc sáng tác tác phẩm đó. Khi bạn càng trở nên thành thạo trong ngành nhiếp ảnh, bạn sẽ có thể lựa chọn điểm nào nên theo và điểm nào nên bỏ qua. Đó là lý do tại sao mỗi người chụp sẽ có cái “nét” riêng, không ai giống ai hết.

Vài điều nên cẩn thận khi bình ảnh: Nếu khen ngợi để làm đối phương vui lòng là điều tốt nhưng cần biết dừng lại đúng chỗ. Có những người khi nhìn thấy ảnh của người quen thì khen quá đáng, mặc dù tấm ảnh không gì đặc biệt. Điều này đưa đến một sự tự tin quá nhầm lẫn. Người chụp này sẽ vô tình tưởng rằng mình giỏi rồi và sẽ mất cơ hội học hỏi thêm những cái hay.

Lời bình ảnh tốt là một lời bình ảnh vô tư, không thiên vị, khen/chê đúng mức và xứng đáng với tiêu chuẩn, và nhất là thành thật. Quan trọng nhất trong lời khen/chê là phải đi kèm với lý do tại sao. Nếu không có lý do thì người nhận bình ảnh sẽ không biết họ đã làm gì đúng/sai.

Hãy đánh giá những tấm ảnh của chính bạn và dùng những điểm nêu trên, xem thử có thể cải tiến điểm nào không. Đó cũng chính là lý do để có những lời bình ảnh.

A.N., Orlando, July 2012
Email: info@wildwingsphotography.com
Facebook: www.facebook.com/wildwingsphotography
Trang nhà: www.wildwingsphotography.com