Menu Close

Ngô Viết Khiêm – Vài suy nghĩ về quê hương và Tuổi Trẻ Việt

Ngô Viết Khiêm, với văn bằng Thạc sĩ Toán và Thạc sĩ Kỹ sư Cơ Khí, đã tốt nghiệp Cao học ngành Kỹ sư Hàng Không và Vũ Trụ tại Đại học Stanford năm 2007. Anh đã từng làm việc tại Lockheed Martin, NASA, và đã thuyết trình tại nhiều đại hội chuyên đề quốc tế.  Anh đã đạt được nhiều thành tích, và nhận được nhiều giải thưởng như Hatcher Scholarship cho Toán học, NASA Achievement Award… Anh cũng có mặt trong danh sách Who’s Who in America (58th edition, 2004), Who’s Who in the World (22nd edition, 2005), và Who’s Who in Science and Engineering (8th edition, 2005) do Marquis Who’s Who xuất bản.  “CHAT Đi” rất hân hạnh được trò chuyện với anh tại khuôn viên đại học Stanford.


Trangđài Glassey-Trầnguyễn (TGT): Xin thân ái kính chào anh Ngô Viết Khiêm. Xin anh cho biết về hoàn cảnh sinh trưởng của anh ở Việt Nam và kinh nghiệm định cư của anh tại Hoa Kỳ.

Ngô Viết Khiêm (NVK):
Dạ, xin kính chào chị Trang Đài, rất hân hạnh được có buổi nói chuyện hôm nay với chị. Trước hết, tôi xin kính chào các độc giả trong và ngoài nước và xin cám ơn “CHAT Đi” đã cho tôi buổi nói chuyện này.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Cuối năm lớp 10, tôi cùng mẹ và em trai vượt biên. Vì đi sau ngày đóng cửa trại, tôi phải trải qua 2 năm tỵ nạn tại trại tỵ nạn Pulau Galang, Indonesia và 6 tháng ở Phi. Tôi cùng mẹ và em trai đến Hoa Kỳ cuối năm 1991.

TGT:
Thưa anh, anh đã tốt nghiệp cao học tại đại học Stanford năm 2007. Kỹ năng chuyên môn của anh là gì, thưa anh?

NVK:
Thưa chị, tôi đã học cả thảy ba ngành: toán, kỹ sư cơ khí, và kỹ sư hàng không và vũ trụ. Tôi có rất nhiều sở thích, cái gì cũng muốn biết và muốn học nên khó có thể nói chuyên môn của tôi là cái gì. Nói chung, về khoa học kỹ thuật, tôi thích nghiên cứu các đề tài thực tiễn mà có thể áp dụng hoặc giải thích bằng các model toán học và simulation.

alt

Ngô Viết Khiêm tại Đại học Stanford

TGT: Với những thành công trổi vượt ở tầm vóc quốc tế của anh, anh có những bí quyết gì để đạt đến đỉnh cao chuyên môn như vậy?

NVK:
Thưa chị, theo tôi bí quyết là niềm đam mê và không ngừng học hỏi.

TGT:
Là một người trẻ Việt Nam sống tại hải ngoại, anh có những thao thức nào về quê hương và dân tộc? Anh có những quan tâm đặc biệt nào về người trẻ trong nước?

NVK:
Tôi rất đau buồn khi thấy nước Việt Nam mình thua xa các nước trong khu vực. Theo một thống kê nọ, Việt Nam được đánh giá thua kém Singapore 197 năm về phương diện phát triển, đó là đã tính đến việc Việt Nam được gia nhập WTO. Thật vậy, nói một cách trung thực, dân trí người Việt Nam mình quá kém so với các dân tộc khác. Nguyên nhân chính là do chế độ độc tài đảng trị vốn là cái hàng rào cản trở sự phát triển của Việt Nam suốt 37 năm qua. Các quan chức chính quyền từ địa phương đến trung ương lạm dụng quyền lực và tham nhũng cực độ đến lòng dân chán ghét. Ngay cả ngành giáo dục ở nước ta đã bắt các thầy cô giáo nói dối để lấy thành tích. Học sinh ra trường theo gương thầy cô cũng nói dối. Thử hỏi, ngành giáo dục mà như thế thì những thế hệ trẻ Việt Nam sẽ đi về đâu? Nhân cách nhà giáo nói riêng và người Việt nói chung có còn không? Nghĩ tới những điều này, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ cho dân tộc Việt Nam mình. Tôi mong ước có khả năng thay đổi chế độ thối nát hiện nay.

TGT: Những động lực nào đã thôi thúc anh dấn thân cho lý tưởng dân chủ cho Việt Nam?

NVK:
  Thưa chị, động lực duy nhất là yêu nước.

TGT:
Thưa anh, là một người trẻ đã trải nghiệm hoàn cảnh sống ở quê nhà và ở Hoa Kỳ, anh có những dự tính nào để giúp đỡ thế hệ thanh niên trong nước?

NVK: Thưa chị, về những dự tính thì trước hết tôi có kế hoạch nâng cao trình độ dân trí của các thanh niên sinh viên trong nước qua việc làm của các hội từ thiện và các tổ chức phi chính phủ mà tôi là một thành viên. Khi có dân trí rồi thì nói “dân chủ” họ mới hiểu.  Khi hiểu rồi thì sẽ kêu gọi họ, các thanh niên sinh viên học sinh, cùng nhau đấu tranh (trong ôn hòa) cho việc dân chủ hóa Việt Nam, tức đòi hỏi các quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, và lập đảng, tự do bầu cử và bầu cử công bằng…  Song song, chúng ta cần giúp giới trẻ trong nước ý thức về trách nhiệm đối với Tổ Quốc, những cái nhục mà người Việt chúng ta đang mang, và những quốc nạn mà chế độ hiện nay gây nên, để từ đó giúp họ sống có lý tưởng, biết dấn thân và phục vụ hầu thay đổi bộ mặt của đất nước để bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, tôi còn nhiều dự tính khác nhưng có lẽ còn quá sớm để nói ở đây.

TGT:
Nếu có dịp chia sẻ với người trẻ Việt Nam về tâm tình dấn thân của anh, anh sẽ nhắn nhủ gì?

NVK:
Thưa chị, lời nhắn nhủ của tôi với giới trẻ Việt Nam là: 

Hãy sống có ý nghĩa, có lý tưởng
Hãy dấn thân và phục vụ
Hãy yêu người và yêu quê hương.

TGT: Cám ơn anh đã dành thời gian cho “CHAT Đi” hôm nay. Kính chúc anh gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp trong công việc lẫn lý tưởng dấn thân.

NVK: Xin chân thành cám ơn chị và quý độc giả Trẻ Magazine. Trân trọng kính chào chị.

alt


Ngô Viết Khiêm và em trai trong ngày ra trường
TGT