Menu Close

Trinidad & Tobago – Xứ sở rừng mưa – Kỳ 5

Rừng đước xứ người – Đêm giữa rừng, tôi luôn bị cảm giác bất an đánh thức. Dẫu sự xuất hiện bất thường giữa khuya của người hàng xóm đãng trí, đã không còn là một bí ẩn. Và rồi những đêm, tôi trở mình giữa xối xả thanh âm của tiếng nước đổ, tiếng rít xoáy của gió. Mưa rừng về giữa đêm, vực dậy miền cảm thức. Tôi mở tung cửa sổ, mặc cho những hạt mưa tạt vào khung cửa lưới. Âm thanh của mưa lấn át tiếng vo ve của bầy muỗi trong căn phòng. Tôi nghe tiếng mình lầm bầm đập muỗi. Cố ru giấc ngủ.

alt

Cái alarm tít tít 2:30. Sớm, tôi gắng lôi mình ra khỏi giấc ngủ chập chờn.

3 giờ sáng bên mé rừng. Tôi đứng chờ xe, cảm giác rã miệng vì ngáp.

Đoàn xe nối đuôi sát rạt, lao vun vút trên con đường đèo. Gió sớm mát lạnh, tôi gật gờ ngủ.

Đến bến sông, trời vẫn tối đen. Chiếc xuồng máy nhổ neo trong màn tối lờ mờ. Tiếng máy khuya động con lạch sớm. Tia đèn pha rẽ dạt sương mỏng. Tôi dật dờ, loáng thoáng tiếng Dave giải thích về hệ sinh thái của khu rừng đước. Vùng môi sinh đặc trưng của đa hệ thực vật phân dạng khác biệt. Khu rừng ngập mặn nhiệt đới um tùm những cội rễ đước vươn trổ trên mặt nước. Dave bảo loài Mangrove (đước) đóng vai trò quan trọng trong đời sống của hệ sinh vật rừng đầm lầy này.

Tán rừng ngập mặn, xen kẽ vài loại cây lớn. D-naturalist chiếu đèn pin trên tán cây. Một con trăn, bóng lưỡng, khoanh vòng  trên một nhánh lớn. Dave giải thích loài trăn và rắn nước phát triển mạnh ở vùng đầm lầy này. Sandesh, “the man behind the camera” tiếp lời Dave bằng mẩu chuyện ly kỳ về loài động vật máu lạnh. Sandesh kể rằng anh được dịp nhìn thấy một loài rắn Hổ Vua (King Cobra). Đó là lần cộng tác với tay “phù thủy múa rắn” nổi tiếng xứ sở Ấn Độ tên Rom Whitaker. Và để thực hiện phóng sự hoang dã cho đài National Geographic, phim chỉ 1 giờ đồng hồ, nhưng  họ đã phải trải qua 6 tháng “cắm trại” dầm dề ở vùng rừng Agumbe. Sandesh nói rằng dẫu cả thập niên tung hoành trong thế giới hoang dã, đây mới thật là một kinh nghiệm đáng giá trong đời. Anh hào hứng kể thêm: “Trong thời gian ngắn ấy, lần đầu tiên trong thế giới wildlife, chúng tôi thâu được hình một cặp rắn Hổ Vua giao phối. Và sau đó là một trận hỗn chiến giữa hai con rắn trống khổng lồ đánh nhau đến chết và rồi ăn thịt luôn đồng loại của mình. Đây là đoạn phim tài liệu đầu tiên được thực hiện về loài rắn độc nhất thế giới”.

alt

“Phù thủy múa rắn” nổi tiếng xứ sở Ấn Độ -Rom Whitaker và  con rắn Hổ Vua (King Cobra). Ảnh do nhà quay phim Sandesh cung cấp.

Mẩu chuyện lôi cuốn của nhà quay phim Sandesh kéo tôi ra khỏi trạng thái dật dờ. Và dẫu chẳng nhập nhằng gì đến cái đề tài tôi đang viết về xứ sở Trinidad, thế nhưng, tôi vẫn hỏi xin anh hình ảnh tư liệu về King Cobra để chia sẻ cùng bạn đọc. Anh đã giữ đúng lời hứa gởi tặng tôi hình ảnh rất sống động, giá trị này. Tôi cảm nhận ở Sandesh – hấp lực của một mảng đời hoang dã đầy thử thách, nếm trải, hiểm nguy, gian nan, và  đầy đam mê.

Chiếc xuồng rẽ hướng ra nhánh sông lớn, rồi tắt máy dần tấp vào bờ. Một cồn đảo giữa sông ẩn hiện trong màn sương tù mù. Trời hửng sáng. Dần hiện rõ hàng trăm sắc lông hạc như màu máu đậu kín đất. Loài hạc Scarlet Ibis tuyệt đẹp chỉ tìm thấy ở Nam Mỹ.

alt

Loài hạc Scarlet Ibis trên cồn đảo giữa sông

Con xuồng dập dềnh trên sông nước. Tôi ngồi lọt thỏm trong khoang xuồng chật ém người. Đầu khoang là hàng ghế VIP dành riêng cho NAG bậc tiền bối Arthur Morris. Tôi giơ máy snap shot vài hình ảnh 2 tay “anh hùng xạ điêu” Arthur Morris và Andy Nguyễn trên khoang xuồng.

alt

Hai tay “anh hùng xạ điêu” Arthur Morris và Andy Nguyễn trên khoang xuồng.

Và, bất ngờ. Hàng trăm cánh chim bỗng túa bay hỗn loạn lên không. Một đám mây đỏ, đỏ cả không gian sớm; sắc đỏ huyền hoặc đến lạ kỳ. Hàng loạt ống kính hướng lên không, xả đạn giòn giã. Cảnh sắc tuyệt đẹp trong thoáng chớp, đàn hạc đỏ đã dời cồn đảo để kiếm ăn.

That’s it?! Chỉ thế thôi sao? Mấy vẻ mặt đầy ngơ ngẩn, hỏi. Dave cười, bảo rằng không thể tiến gần đến cồn đảo, vì loài cầm điểu hiếm quý được bảo vệ rất nghiêm ngặt ở khu rừng đầm lầy này. “Đây không phải setting cho những tay chụp thú hoang dã, và chỉ thích hợp cho những birder đi xem chim thôi!”. Arthur Morris thẳng tuột phát biểu.

alt

Những tay “thiện xạ” trên khoang xuồng trong rừng đầm lầy

Mưa, lại mưa. Chiếc xuồng len lỏi giữa những con lạch trong màn mưa mịt mù. Xuồng tấp vào một mé khu rừng ngập mặn. Mấy tay săn ảnh bận rộn ghi hình một loài chim đặc hữu Common Pootoo của xứ sở Nam Mỹ, khá lạ lẫm ở dáng bám thẳng đứng trên thân cây sần sùi. Tôi quan sát mấy cái tổ mối khổng lồ hình dạng tựa một con gấu đen. Dave bảo nó được gọi là black bear. Dàn ống kính háo hức chĩa trên một cái tổ chim Yellow Oriole lủng lẳng trên cây.

alt

Tổ chim rừng Yellow Oriole

Giờ lunch. Chiếc xuồng được cột chặt bên nhánh cây ngã. Ban tổ chức chu đáo mang theo cả “hậu cần” để lo phần ẩm thực cho đoàn. Ngoài món ớt đặc sản, tôi rất khoái nước lemon juice pha chế đậm đà. Dẫu vậy vẫn phải hạn chế, giữa sông nước chập chùng, kiếm đâu ra một cái restroom mơ ước.

Hơn nửa ngày vật vã trên sông nước. Đoạn đường trở ra, đoàn xe dừng ở một trạm xăng. Tôi bước vô tìm mua vài thứ lặt vặt. Trả tiền đô, nhân viên bán không nhận, xí xô chỉ trỏ. Tôi ngớ ngẩn một lúc rồi chợt hiểu, đồng tiền đô-la xanh có hơi bị te tua. John đứng cạnh bên nhắc tôi rằng khi đi du lịch ngoài nước Mỹ nên vào ngân hàng đổi tiền mới. Xứ sở lạ họ thường không nhận tiền đô rách hoặc có viết chữ trên mặt tiền. Tôi móc ví trả bằng tiền T&T, mua vài bịch kẹo và một bịch bánh dừa.

Quầy tính tiền bít bùng. Nhân viên đứng trong kiếng thu, thối tiền qua một ngăn cửa nhỏ. Tôi thắc mắc hỏi D-naturalist, anh chỉ ậm ừ giải thích. Sợ cướp giật, vì cả những cửa hàng bán lẻ vài nơi đều rào kín bằng song sắt. Xứ đảo Trinidad không thoáng mở du lịch như Costa Rica, người dân thiếu vẻ thân thiện và du khách luôn dè dặt bởi sự an toàn. Hai lãng tử (tôi và Andy Nguyễn) có thể tự ngao du trên chiếc xế hộp khắp miền xứ sở Costa Rica, và vẫn rất an toàn trên xa lộ. Andy hỏi tôi có dám phiêu lưu ở xứ đảo Trinidad này không. Hey, bộ tính giỡn mặt với “nhà… cầm đồ” hả, dễ bị xực tái ở xứ sở rừng mưa như chơi. Andy cười, bảo đúng.

Lên xe, tôi ăn thử bịch bánh, chỉ toàn mùi dừa. Tôi mời Mark gấu, Mark tận tình xực hơn nửa bịch. Tôi ngậm thử mấy cây kẹo bản xứ, chất the làm cồn cào dạ dày. Tôi ngồi cạnh cửa sổ xe, tay và mắt đồng điệu bận rộn, cái máy ảnh thường trực bên mình.

Đoàn xe di chuyển trên sườn đồi. Ở đoạn đèo, Dave bảo tôi nếu sợ thì che mắt lại. Tôi nhìn xuống, bên dưới cheo leo vực thẳm. Đoạn đèo hẹp chỉ đủ lọt một cái xe, hiểm nguy khó lường. Dân Trini lái xe theo bản năng, tôi vẫn còn phục lăn.

Tiếng xe thắng gấp. Một chiếc ‘cam nhông’ mui trần chở chừng vài Trini, đổ bộ trên đoạn rừng. Đặc trưng của dân xứ đảo Trinidad là màu da hắc ín. Tôi dạn hỏi người thanh niên trẻ xin chụp mấy tấm chân dung. Trini này vẻ mặt hình sự, đòi xem hình, xong rồi chỉ gật đầu.

alt

Cửa sổ xe, vị trí tác nghiệp của ĐMH

Dave xuống xe, săm soi cái ống nhòm trên mấy cây cổ thụ, và rồi ơi ới la “Toucan”. Đoàn người lao khỏi xe như chạy giặc. Con chim Toucan mỏ dày lấp ló đậu trên ngọn cây xa tít, bắn mấy chục phát đại bác cũng chưa trúng mục tiêu. Trong đoàn có tay birder Scott, thuộc loại cuồng tín với tất cả loài cầm điểu. Trust me, kẻ tín đồ trung thành này có thể chụp chim ở mọi lúc, mọi nơi, mọi khoảng cách. Một lần, tay Scott chồm nửa người ra khỏi cửa xe; ham mê chụp chim đến độ, xe chạy qua một lùm cây thấp, và cái áo bị vướng mắc vào một nhánh cây. Scott la oai oái làm tài xế Dave phải dừng xe cấp tốc.

Về đến phòng đã quá nửa đêm.Vào restroom xả sạch bụi bặm dặm trường. Đang sảng khoái với dòng nước mát lạnh. Và, tôi chợt cảm giác như cặp mắt ai đó đang chòng chọc, nhìn.

Phản xạ tự nhiên, tôi ngước lên và giật mình cái đụi. Một con kỳ đà khổng lồ bám mình trên vách phòng tắm đang thè lưỡi nhìn tôi…

Tôi với vội cái khăn và bay vèo ra khỏi phòng tắm.

ĐMH
Website:www.hanhphoto.com