Menu Close

Hoa Xuân

Nghề trồng hoa đào ở Nhật Tân có từ lâu. Kỹ thuật hãm đào, tạo dáng đào của Nhật Tân ít đâu sánh kịp. Một thành viên Câu lạc bộ Sinh vật cảnh Sài Gòn thực lòng khen ngợi ‘đào Nhật Tân nhìn biết ngay. Bất kỳ là đào ta, đào bích hay đào thế, đều trổ hoa đúng Tết, tán xòe tròn, dáng đăng đối’. Chẳng vậy mà dăm năm trở lại đây, từ hai mươi tháng Chạp đổ đi, tại công viên Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình, dân chơi hoa Sài Gòn đều mong ngóng đào Bắc Nhật Tân.

Hoa Đào

Nói chuyện về đất Nhật Tân, nhiều người làng cho biết, thời trước Nhật Tân có cả bãi lẫn đồng. Nay đào chuyển hết ra ngoài bãi sông Hồng, dành đất đồng cho xây dựng. Xã Nhật Tân thành phường. Bốn thôn ‘biên chế’ lại, thành năm cụm dân cư. Những người tâm huyết với cây đào ngày một ít, theo mức độ đô thị hóa ngày càng ác liệt. Nói vậy, nhưng đã thành lệ, cứ tầm Hăm Ba ông Táo về giời, người Hà Nội lại tìm về đào nguyên Nhật Tân say sưa đến mức thành kính ngắm những cành đào khẳng khiu hé nụ giữa lúc trời mờ sương, mưa lâm thâm, rét cắt da. Một cụ già nói chắc nịch, với người Bắc, Tết không có cành đào trong nhà, không ra Tết. Mà đã đào cứ phải là đào Nhật Tân.

Hoa Tết Miền Nam

Tết năm nay, ngoài lượng hoa xứ lạnh Đà Lạt và hoa nhập từ Thái Lan, Đài Loan, hoa kiểng miền Tây vẫn được người Sài Gòn ưa chuộng. Trong số đó, nổi tiếng nhất là Cái Mơn – Bến Tre và Tân Qui Đông – Sa Đéc

Xứ kiểng Cái Mơn

Từ Sài Gòn đi Bến Tre, tới huyện Chợ Lách, qua xã Vĩnh Thành, ấp Vĩnh Phú là đến ‘ngay chóc’ tâm điểm xứ hoa kiểng Cái Mơn. Một viên chức địa phương nói ‘Ấp Vĩnh Phú chỉ là một trong 12 ấp của xã Vĩnh Thành. Ấp nào cũng ăn nên làm ra, không có người tha hương cầu thực nhưng giầu nhất xã không ấp nào qua mặt ấp Vĩnh Phú’.

Ấp Vĩnh Phú chỉ có 170 ha. Đất chật người đông, làm nông không đủ đất. Làm kẹo dừa, đồ lưu niệm từ xơ dừa, gáo dừa thu nhập không cao, việc làm không ổn định. Mới xoay qua nghề cây cảnh. Từ chỗ vừa học vừa làm tới nay cả ấp ai cũng giầu nhờ làm kiểng thú, mai và hạnh (quất, tắc). Riêng mai có ba loại: mai mini (ghép uốn thành chậu cao vài tấc, hợp với phòng khách nhỏ), mai trung (cao trung bình, bày thành cặp trước thềm), mai lão (gốc to, thế đẹp, bày độc chiếc trong đại sảnh biệt thự hay khách sạn). Kiểng, ngoài kiểng cổ, bon sai, đặc biệt có kiểng 12 con giáp rất độc đáo. Nổi danh ‘Nghệ nhân Kiểng thú’ phải kể đến ông Năm Công. Năm nay năm Nhâm Thìn, ngay từ tháng Mười, ông Năm đã nhận nhiều đơn hàng Đà Lạt, Sài Gòn yêu cầu tạo dáng kiểng rồng. Để có một sản phẩm kiểng rồng trong tư thế đầu vươn cao, há miệng, thân uốn lượn dài mười thước, ông Năm cho biết trước tiên phải dùng kẽm uốn thành hình rồng hoàn chỉnh. Sau đó dùng cây nguyên liệu là cây sanh, ghép khít khao hết chiều dài lồng uốn. Nuôi cây, tỉa lá, sửa dáng, thêm vài chi tiết (râu, mắt, răng, chân), lắp bóng đèn mầu… là xong. Nói thì nhanh và dễ vậy nhưng chỉ nội chuyện chuyên chở ‘ông’ rồng siêu dài đi ba trăm cây số lên Đà Lạt tham gia festival hay giao cho khách Sài Gòn cũng phải tính toán chi ly. Ông Nguyễn Văn Định, đại diện Ban quản lý ấp Vĩnh Phú, hãnh diện khoe cổng chào đầu làng nghề mới khánh thành, đường trong làng từ 2.5m bề ngang đang nới rộng thành 4m để xe tải vào ăn hàng. Toàn làng nghề, năm ngoái, năm kia, năm nào cũng trúng kiểng thú, mai vàng và tắc, bông chưng Tết các loại. Riêng mai vàng đem về lợi nhuận 4 tỷ đồng. Người ‘trúng’ mai như anh Nguyễn Văn Tứ, trồng 700 gốc mai vàng, trừ chi phí, lời 100 triệu đồng. Anh Nguyễn văn Tuấn, cất ngôi nhà sơ sơ tỷ rưỡi nhờ lợi nhuận thu từ 2000 gốc mai, 200 gốc tắc. Tuy vậy, tại làng nghề Vĩnh Phú không phải tất cả đều trồng hoa nuôi kiểng mà có sự phân khúc rõ ràng. Hàng chục nhà làm nghề đúc chậu kiểng. Hàng chục nhà làm nghề đan sọt tre (bội). Rồi nhà chuyên bứng cây thuê, dưỡng cây, ghép mắt, vận chuyển cây (bằng ghe, bằng xe tải)… Cứ như vậy, hình thành một vùng chuyên hoa kiểng. Hơn 50 năm qua, con người, hoa trái, đặc biệt trái sầu riêng xứ Cái Mơn (bàn về cây ăn trái Cái Mơn, xin hẹn dịp khác) đã đi vào ca dao Nam Bộ với hai câu ý nhị ‘Sầu riêng ai khéo đặt tên. Ai sầu không biết riêng em không sầu’.

Làng hoa Sa Đéc

Hoa cảnh tại xã Tân Quy Đông Sa Đéc

Đến Thị xã Sa Đéc, đi thêm 3 cây số nữa, là đến làng hoa xã Tân Qui Đông. Với địa thế trên bến dưới thuyền (nhiều nhà dẫn nước sông vào tận mương liếp trong vườn để tưới hoa) rộng khoảng 250ha, quy tụ 1500 hộ, chỉ làm một nghề từ trăm năm nay là nghề trồng hoa. Không chuyên đào như Nhật Tân, chuyên mai kiểng bon sai như Cái Mơn, thế mạnh của làng hoa Sa Đéc là hoa hồng. Với hơn 50 giống hồng, trong đó có giống hồng cam đã thuần dưỡng tới mức tối ưu: hoa sai, mầu đẹp, hương thơm, sinh trưởng mạnh, không đòi hỏi chăm sóc, chịu được tất cả mọi loại khí hậu, bán chỉ 20.000 một chậu. Ngoài hoa hồng, làng hoa Tân Qui Đông còn trồng cúc mâm xôi, ớt kiểng, sứ Thái Lan, vạn thọ, mào gà… nghĩa là tất cả những loài hoa bình dân quen thuộc, dễ mua dễ bán. Địa bàn hoa Tết của hoa Sa Đéc khá rộng, gần là Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Long An, Sài Gòn. Xa là Đồng Nai, Bình Dương, sang cả Campuchia. Người làng hoa Tân Qui Đông không giầu bằng người Cái Mơn, số nghệ nhân nổi tiếng ở Tân Qui Đông như ông Tư Tôn – chủ vườn hoa hồng Tư Tôn – cũng ít. Nhưng bù lại, khách du lịch tới đây, ngoài thú dạo chơi, chụp ảnh bên các nhà giàn (hoa Tân Qui Đông hầu hết để trên giàn tre vừa dễ tưới, vừa tránh nước ngập) còn có dịp vào thăm ngôi nhà cổ giữ được nhiều nét xây dựng, chạm trổ, chưng bầy nội thất của những năm đầu thế kỷ XX, là ngôi nhà của ông Huỳnh Thủy Lê, người tình của nữ sĩ Maguerite Duras thời trẻ, được tái hiện trong tiểu thuyết The Lover (đạo diễn Jean Jacque Annaud dựng thành phim L’Armant năm 1992). ‘Tết Nhâm Thìn này, thứ gì cũng mắc mỏ. Một chậu cúc đẹp tại vườn, không dưới bốn chục ngàn. Chở lên Sài Gòn, đăng ký mua lô trong công viên Lê văn Tám, trừ hết chi phí điện thắp sáng, nước tưới, vệ sinh, bảo vệ, trong mười ngày, bán sợ … Câu nói bỏ lửng của cô gái làng hoa Tân Quy Đông lộ rõ vẻ âu lo.

Uốn kiểng hình rồng

Với bốn làng hoa trong Nam ngoài Bắc, mỗi làng chuyên trị một loài hoa kiểng chính – Tây Tựu là cúc và ly thơm, Nhật Tân là đào. Cái Mơn là mai, kiểng thú. Tân Quy Đông là hồng. Góp hoa kiểng bốn làng có thể tạo thành bức tranh xuân lộng lẫy.

Để ngắm toàn vẹn bức tranh hoa ấy, không cần đi hết bốn làng xa xôi, chỉ cần Giao Thừa, đến xông đất công viên Tao Đàn và đường hoa Nguyễn Huệ Sài Gòn – nơi tập trung mọi kỳ hoa dị thảo của các làng hoa kỳ cựu trong nước- là được.

Hoa Ly làng Tây Tựu

XH