Giới thiệu Thời Tập
Chủ trương: Viên Linh
Thực hiện: Lê Tài Điển . Minh họa: Chóe
Biên tập: Cao Huy Khanh, Dương Nghiễm Mậu, Đặng Phùng Quân, Đỗ Khánh Hoan, Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Nhật Duật, Thạch Trung Giả, Trần Phong Giao, Hoàng Trúc Ly, Trùng Dương, Tuệ Sỹ.
Số 1 phát hành vào ngày 14-12-1973
Số 23 (Số cuối cùng) ngày 15-4-1975
Tổng cộng 23 số
Tổng số ấn bản phát hành mỗi kỳ: 5000 ấn bản
Hành trình tạp chí Thời Tập
Thời Tập số đầu tiên ra mắt vào tháng 12-1973 mang chủ đề Nhìn Lại Một Năm Văn Học gồm bài vở của Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Túy Hồng, Sơn Nam, Nguyễn Ðức Sơn, Cao Huy Khanh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Sỹ Tế, Bình Nguyên Lộc, Cung Trầm Tưởng, Vũ Thành An, Mặc Ðỗ, và số cuối cùng phát hành trước ngày miền Nam bị mất được nửa tháng (ngày 15-4-1975) chủ đề Văn chương trước tình thế mới gồm bài vở của Lê Tràng Kiều, Thích Ðức Nhuận, Mặc Ðỗ, Tuệ Mai, Bình Nguyên Lộc, Viên Linh, Thạch Trung Giả, Huy Tưởng, Nguyễn Ðạt, Lệ Hằng, Phạm Thiên Thư, Xuân Vũ, Ngụy Ngữ, Trần Hoài Thư, Võ Phiến, Nguyễn Nguyên Phương, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Mộng Giác, Trúc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Trần Quang Thiều.

Ðây là một số báo lịch sử.
Lịch sử bởi vì nó được phát hành sau khi Tây nguyên bị mất. Và chỉ nửa tháng sau là 30/4/1975. Lịch sử bởi vì nó là một pháo đài văn học cuối cùng trong 20 năm văn học miền Nam.
Ðọc số này ta thấy rõ những ý nghĩ của các nhà văn nhà thơ quen thuộc trước tình thế mới. Từ cực kỳ lo lắng hốt hoảng như Võ Phiến đến bình thản chọn một thái độ như Dương Nghiễm Mậu. Hay tự rủa sả mình vì từ lâu đứng ngoài thực tế, viết theo thị hiếu của độc giả và tiền bạc như Lệ Hằng… Hay bổn phận của nhà văn là ghi nhận lịch sử như Nguyễn Mộng Giác…
Có thể nói hầu hết những người viết bài trên Thời Tập đều từng viết trên Khởi Hành – tuần báo do Viên Linh làm thư ký tòa soạn trước đó. Số lượng phát hành ghi ở trang bìa sau là 5000 số cho mỗi kỳ. Số lượng người gởi bài quá đông, chứng tỏ Thời Tập là một tạp chí văn học nhận được nhiều sự đón nhận. Tuy nhiên nội dung bài vở không “nặng ký”, “dữ dội” bằng Khởi Hành.
Thời Tập cũng đặc biệt chú trọng về lãnh vực: Ý kiến, phỏng vấn và phê bình. Trong tổng số 23 kỳ báo có đến 14 kỳ có bài liên quan đến Ý kiến, phỏng vấn và phê bình. Về bộ môn này, Thời Tập mở thêm hai mục mới và lạ. Ðó là Tay Ðôi và Người Khách Chót. Cả hai mục này đều do Viên Linh phụ trách. Mặt khác có mục “Tiếp xúc với người đọc về kinh nghiệm sáng tác” do chính các nhà văn / thơ mà độc giả đặt những câu hỏi trả lời ngay trên Thời Tập…
Ngoài ra, chúng ta còn đọc thường xuyên mục Quanh Bàn Viết do nhà văn Dương Nghiễm Mậu phụ trách, và mục Giải đáp thắc mắc do Thư Trung phụ trách.
Lý do tại sao Thời Tập lại sống vững
Thời Tập ra đời vào cuối năm 1973 là một chuyện lạ. Lạ bởi vì ít ai tin có một tờ báo văn học ra đời trong lúc chiến tranh leo thang, vật giá mắc mỏ, ngay cả tờ Khởi Hành vẫn còn bị đình bản dù nó là tờ báo bán rất chạy.
Nhìn vào số lượng phát hành mỗi kỳ là 5000, và những trang nhận bài vở tràn ngập người gởi bài, ta mới nhận ra sự đón nhận rất tích cực này.
Yếu tố ấy, theo nhà thơ Viên Linh, trong một lá thư gởi một người trẻ là:
Từ đó, tôi nghĩ được điều này: trước khi làm một việc gì hãy đi hỏi ý những người trẻ tuổi như anh.”
Ông xác nhận về sự có mặt của đội ngũ trẻ:
“(Họ…) có mặt từ vài năm trước trên các diễn đàn văn học, cho tới ngày hôm nay, một số những người bút trẻ tuổi của chúng ta đã xác định được sự có mặt ấy, tuy không rầm rộ, nhưng rõ ràng là đều đặn và thường xuyên, là còn đều đặn và thường xuyên hơn nữa, như nắng phải lên lúc hừng đông, mưa sẽ đổ đúng mùa dù cho hừng đông kia và mùa mưa này chưa biết hứa hẹn gì cho một thời của Văn chương miền Nam mưa hay nắng.”

Lá thư tòa soạn này được viết vào cuối năm 1974. Nhà thơ Viên Linh vẫn chưa biết tương lai văn chương miền Nam mưa hay nắng, hứa hẹn gì cho lớp trẻ mà ông đề cập. Ông làm sao biết chỉ 4 tháng sau là cả miền Nam bị mất, không phải mưa hay nắng như ông nghĩ, trái lại là một trận đại hồng thủy quét sạch, cuốn sạch cả một nền văn học miền Nam không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ.
Ðể rồi đa số những người viết trẻ – lúc ngòi viết của họ trong thời kỳ sung mãn nhất – thì họ đành phải vất bút, tẩu tán chữ nghĩa sách vở bản thảo của mình.
Chỉ có một số ít là lộ nguyên hình như Ngụy Ngữ – người khách chót của Thời Tập là cán bộ CS. Còn lại, hầu hết vào tù, mang thân trâu ngựa hay may mắn chạy được ra nước ngoài.
THT – trích Thư Quán Bản Thảo