Menu Close

Chuyện hậu Nguyễn Hữu Tấn & Lê Mỹ Hạnh

H1

Chính quyền nên biết xấu hổ khi có loại người du côn vô học hành xử lưu manh vi phạm luật pháp để ra vẻ bảo vệ chính quyền!

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Trong tác phẩm Ðèn Cù, tập II, Trần Ðĩnh nhắc đi nhắc lại đôi ba lần đến mối âu lo ra mặt (và ra miệng) của Nguyễn Văn Linh:  “Có ngày thức dậy thì thấy Sài Gòn đã cắm đầy cờ thằng nào khác mất rồi.”

Có lẽ cũng vì nỗi lo sợ này nên ông TBT bèn dẫn đầu phái đoàn VN đi dự Hội Nghị Thành Ðô, rồi hớn hở mang về Mười Sáu Chữ Vàng (“ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu hảo, hợp tác toàn diện”) và soạn lại hiến pháp để…  biến thù thành bạn!

Tuy có “sự hợp tác toàn diện” của “láng giềng hữu hảo” nhưng Việt Nam – tiếc thay – đã không hề tìm được chút “ổn định lâu dài” nào để “hướng tới tương lai” cả. Thù trong, giặc ngoài. Tương lai, cũng như hiện tại, của Ðảng CSVN đều rất bấp bênh. Nỗi lo sợ và ám ảnh của ông Nguyễn Văn Linh (“có ngày thức dậy thì thấy Sài Gòn đã cắm đầy cờ thằng nào khác mất rồi”) thì vẫn còn nguyên vẹn:

Ngày 2 tháng 5 năm 2017, một công dân Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tấn đã bị lực lượng an ninh tỉnh Vĩnh Long đến lục nhà bắt giữ vì tình nghi có lưu giữ cờ Vàng. Qua ngày sau, cơ quan công quyền đã chở xác nạn nhân về trao trả lại cho gia đình cùng lời giải thích là đương sự “đã dùng dao cắt liên tiếp vào cổ để tự sát” tại đồn công an.

Cũng trong 2 tháng 5 năm 2017, một công dân Việt Nam khác, bà Lê Mỹ Hạnh đã bị “đánh dã man” tại nhà vì thuộc thành phần “phản động” và là “thành viên cờ vàng ba sọc đỏ.”

Trước sự kiện này, dư luận có nhiều phản ảnh hơi (bị) bất thường:

– Ngô Nhật Ðăng:  “Tôi xin ủng hộ một số tiền cho bất kỳ ai ra tay trừng trị tên Hùng người đã hành hung phụ nữ và đang thách thức xã hội, vì tôi không thấy bóng dáng công lý trong vụ này…

– Song Tran: “Nếu pháp luật không nghiêm chúng tôi sẵn sàng ủng hộ tiền bằng mọi giá thuê mướn sát thủ để tiêu diệt những kẻ hung tàn này.”

– Phạm Văn Thành cũng cho hay rằng ông nhận được rất nhiều lời gợi ý của mọi giới người, trong cũng như ngoài nước, sẵn sàng đóng góp tài chính (và “sức lực”) vào việc “lấy đầu” kẻ đã hành hung bà Lê Mỹ Hạnh.

May mắn là cùng lúc cũng có những đề nghị ôn hoà và … “hợp pháp” hơn:

– Trương Huy San:

“Chị Lê Mỹ Hạnh đã chính thức trình báo công an. Báo chí nhà nước không thể bỏ qua sự kiện này. Ðừng đợi tới ngày bọn côn đồ xông vào nhà các bạn. Công an nên ngay lập tức khởi tố vụ án và các bị can về hành vi “xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Ðiều 158 Bộ luật hình sự.

– Lê Công Ðịnh:

“Chiều nay Ðơn tố giác tội phạm kèm theo các chứng cứ đã được gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng theo luật định.

Tổng số người tham gia ký tên và ủng hộ Ðơn tố giác tính đến 14h30 hôm nay là 2804, cả trong và ngoài nước, in ra trên giấy A4 khoảng hơn 100 trang.

Rất mong các cơ quan tiến hành tố tụng theo luật định lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện một công việc cần thiết nhằm ngăn chặn sự leo thang của tội ác và, quan trọng hơn, để chứng minh rằng xã hội Việt Nam là một xã hội có luật pháp.

Chúng ta hãy chờ xem nhà chức trách sẽ hành xử ra sao.

Trân trọng,”

Chưa biết “nhà chức trách sẽ hành xử ra sao” nhưng cách nhận định vấn đề của họ thì đã rõ:

– Ðại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham Mưu, Công An TP.HCM, cho biết nguyên nhân ban đầu của vụ việc là mâu thuẫn cá nhân.

– Trung tướng Lê Ðông Phong, Giám Ðốc Công An TP HCM, cho biết: “Ðây chỉ là một vụ tố giác tội phạm. Qua lời khai của bảo vệ chung cư ở quận 2, TP HCM, thời điểm lúc đó có một người phụ nữ trong nhóm chạy ra hô “nó giật chồng em.”

Tôi không coi thường cấp bực cũng như chức vụ (khiêm tốn) của ông Nguyễn Sỹ Quang. Tôi cũng đã nghe quen tai nên không phiền hà gì lắm về những lời lẽ (“đầu đường xó chợ”) của ông  Lê Ðông Phong. Tuy thế, vì vấn đề không chỉ giới hạn ở một địa phương nên những giòng chữ còn lại (của trang sổ tay hôm nay) xin được dành cho ông Thượng tướng Tô Lâm, Tiến sỹ Luật khoa, đương kim Bộ Trưởng Bộ Công An Việt Nam.

Hơn ai hết, ông Lâm biết rất rõ rằng đã có hằng trăm vụ “tự sát trong đồn công an” và hằng trăm vụ “côn đồ” ném gạch đá, mắm tôm, cứt đái, rác rưởi vào nhà những người bất đồng chính kiến (hay hoạt động xã hội dân sự) mà không hề có bất cứ một cuộc điều tra minh bạch nào của nhà nước Việt Nam. Những người lãnh đạo chính phủ hiện nay, rõ ràng, đang chủ trương sử dụng, bảo trợ, và bao che cho những hành vi bạo lực và phi pháp!

Bọn côn đồ, vì thế, mỗi lúc một tiến thêm xa. Cho đến ngày 25 tháng 4 năm 2014 thì chúng đi hơi xa quá. Hôm đó, bà Trần Thị Nga đã bị những kẻ bịt mặt dùng cây sắt đánh vỡ xương.

Mặc dù hung thủ đã bị nhận diện, và bà Nga cũng đã gửi đơn trình báo đến văn phòng công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) nhưng chung cuộc thì người vào tù chính là nạn nhân thay vì thủ phạm!

Sự kiện này lý giải được nỗi hoang mang của nhà báo Huy Ðức (“Tôi không làm sao tin được một hành động như thế lại có thể xảy ra trong một thành phố có chính quyền”) về sự lộng hành của Phan Hùng và đồng bọn – những kẻ đã ngang nhiên vào nhà bà Lê Mỹ Hạnh vừa đánh đập nạn nhân, vừa thản nhiên thu hình rồi cho phổ biến trên mạng, cùng những lời lẽ thách thức hỗn xược khiến nhiều người công phẫn.

Thách thức công luận là một cách hành xử rất thiếu khôn ngoan, nếu không muốn nói là ngu xuẩn, nhất là trong hoàn cảnh (“thập tử nhất sinh”) hiện nay của nhà nước CSVN. Về tuổi đời, học vấn, cũng như địa vị xã hội thì ông Tô Lâm đều vượt xa ông Phan Hùng. Hy vọng tầm nhìn của ông Thượng tướng cũng sẽ cao hơn (và xa hơn) của một tên côn đồ vô học.

Luật sư Lê Công Ðịnh bày tỏ sự quan ngại rằng: “Ngày mai sẽ đến lượt chúng ta là nạn nhân nếu hôm nay chúng ta im lặng trước sự bạo hành vô pháp như thế.” Tôi thì có mối quan ngại khác: “Ngày mai sẽ đến lượt các ông là nạn nhân nếu hôm nay các ông im lặng trước sự bạo hành vô pháp như thế.”

Mà cái “ngày mai” này (xem ra) cũng không còn xa lắm – theo lời cảnh báo của nhà văn Phạm Thành, từ Hà Nội:

“Các chú an ninh hãy biết rằng, 90 triệu người Việt Nam đã căm thù cộng sản cầm quyền đến ngút trời ngập đất; ngân khố nhà nước rỗng không, nợ nước ngoài ngập đầu, tới 410 tỷ đô la, bằng 210% GDP thì chế độ cộng sản cầm quyền sụp đổ, thời gian chỉ còn tính trên đầu ngón tay… Các chú an ninh, khôn hồn thì hãy tỉnh ngộ… muộn còn hơn không. ”

Cũng có thể vẫn còn “vài chú an ninh” chưa “tỉnh ngộ” nhưng ông Bộ Trưởng Công An thì chắc chắn là không đến nỗi. Cũng hơn ai hết, ông biết rõ rằng mối lo sợ của Nguyễn Văn Linh (“có ngày thức dậy thì thấy Sài Gòn đã cắm đầy cờ thằng nào khác mất rồi” ) không phải là hoàn toàn vô cớ.

Muốn hay không muốn, sớm hay muộn, đất nước rồi sẽ phải trải qua một giai đoạn giao thời với ít nhiều xáo trộn thôi. Tuy nhiên, dù ở tình thế nào, dưới lá cờ nào thì luật pháp vẫn phải được tuyệt đối tôn trọng.

Không riêng chỉ cá nhân tôi mà mọi người đang cổ súy (hay đấu tranh) cho một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ, chắc chắn, sẽ phản đối đến cùng – nếu mai hậu có kẻ nào ngang nhiên xâm phạm gia cư, bắt bớ, đánh đập tha nhân chỉ vì họ lưu giữ những lá cờ đỏ sao vàng của chế độ hiện hành. Tương tự, chúng tôi cũng sẽ cương quyết không để cho bất cứ ai bị sách nhiễu chỉ vì họ (hay thân nhân) đã từng là công an, cảnh sát, hay viên chức… của chính phủ hiện tại. Mọi người dân Việt Nam – bất kể tuổi tác, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến, hay quá khứ – đều bình đẳng trước pháp luật, và luật pháp không phải là công cụ dùng cho mục đích oán thù.

Cách hành xử của Thượng tướng Tô Lâm hôm nay, trước vụ án Nguyễn Hữu Tấn và Lê Mỹ Hạnh, sẽ có ảnh hưởng không ít đến sự an toàn của chính ông và thân nhân (cùng vô số thuộc cấp) trong tương lai rất gần. Như tất cả những người dân yêu chuộng hoà bình và công lý khác, tôi hy vọng ông Bộ Trưởng Công An cũng nhận thức được như thế để đất nước mai sau có thể tránh được những đổ vỡ, hay đổ máu, không cần thiết. Việt Nam đã tang thương, và tan hoang, đến tận cùng rồi!

Nguồn tranh biếm họa: phairzios.blogspot
Nguồn tranh biếm họa: phairzios.blogspot

TNT