Như thường lệ, mỗi năm vào lễ Thanksgiving, Lữ Ðoàn 94 (San Jose) trực thuộc United States Volunteers Joint Services Command lấy hẹn đến thăm các cựu quân nhân Hoa Kỳ, nhất là những vị từng chiến đấu tại chiến trường Việt Nam hiện đương cư ngụ tại các Nursing homes ở San Jose bắc California.
Ðặc biệt năm nay kế hoạch viếng thăm sớm hơn dự trù và có sự kết hợp với phái đoàn Công Giáo sở tại do các vị Linh mục Việt Mỹ hướng dẫn để tổ chức liên hoan, ban phép lành và hàn huyên tâm sự với quý ông bà cao niên, bệnh tật đang an dưỡng tại đây.
Ban Giám đốc đã hướng dẫn chúng tôi đến từng phòng có các cựu quân nhân bị thương tật nay đã già yếu, vết thương hoành hành đau nhức quanh năm nhất là bước qua mùa đông giá rét.
Gặp lại chúng tôi trong bộ quân phục Class A ai ai cũng niềm nở tay bắt mặt mừng, có nhiều vị nói được vài câu tiếng Việt làm chúng tôi không kềm được sự cảm xúc bồi hồi.
Qua sự sắp xếp chương trình, chúng tôi đến Hall, nơi dùng cơm trưa của tất cả những vị còn khoẻ, kể cả những vị ngồi trong xe lăn… Một cụ bà vừa tròn 100 tuổi được vinh danh chúc mừng. Bà có khuôn mặt thật phúc hậu, đôi mắt hiền hoà, ngồi trong xe, phía sau là một ngươì đàn bà đứng tuổi tên Ly với gương mặt sáng sủa xinh đẹp, vóc dáng thanh tao, nhất là giống bà cụ như hai giọt nước. Với một giọng Anh văn lưu loát cô ríu rít cám ơn và bắt tay từng người sắp hàng đến chúc tụng cụ bà. Cảm động nhất là cô đã quỳ xuống thay mẹ để nhận lãnh phép lành của Thiên Chúa từ vị Linh mục ban phép.
Tôi đi về phía Cha L. đang lom khom tâm sự với một cụ ông người Việt Nam ngồi trong xe lăn ở góc cuối phòng đang được cô y tá cũng là người Việt Nam giúp đỡ. Cụ ông trông còn khoẻ mạnh nhưng hai chân rất yếu bởi 2 viên AK bắn xuyên qua bể xương đùi trong trận chiến cuối cùng tại Hóc Môn vào tháng 4 năm 1975 khi xáp chiến với Việt Cộng. Cụ ông ôn tồn kể, cụ có 2 người con trai và 4 cô con gái, hơn 10 cháu chắt nội ngoại, “chúng nó giàu có cả”. Mặc dầu quan khách vây quanh nghe cụ kể về chuyện gia đình nhưng đôi mắt của cụ luôn luôn nhìn ra cửa như mỏi mòn trông đợi.
Cô y tá trả lời với Cha là ông cụ có con cháu đầy đàn nhưng thỉnh thoảng mới có mấy cô lên thăm vào các dịp lễ lớn, còn hai vị con trai thì mỗi năm chỉ đến một vài lần cho có mặt rồi vội vã ra về. Cha hỏi bao giờ thì cụ trở về nhà. Ông cụ vội vàng trả lời “chúng nó bảo khi nào đi vững nó sẽ rước về”. Cả đoàn người lắc đầu chán nản. Tự nhiên lòng tôi se lại, nghĩ đến thân phận của chính mình cũng gần “thất thập cổ lai hy”.
Ðể xua đuổi những gì cụ ông vừa kể và cũng để quên ánh mắt sâu thẳm u buồn của cụ, tôi quay lại để nghe những kinh nghiệm mà cô Ly chậm rãi chia sẻ nỗi vui buồn khó khăn trông nom mẹ trong khi cô cũng là người lớn tuổi, mảnh mai yếu đuối trong hoàn cảnh chỉ có hai mẹ con”hủ hỉ” với nhau. Bà cụ thì quá già nên lãng tai lãng trí, đi đứng chậm chạp, ăn uống phải luôn luôn canh chừng. Cụ còn có chứng bệnh nan y là tiểu đường nên ăn uống, thuốc men phải cẩn trọng từng giờ, nhất là ban đêm có khi cụ thức giấc đi loanh quanh lục lạo đủ thứ làm cô luôn luôn mất ngủ. Hơn ba năm nay cô ngủ tại sofa để canh chừng, sợ cụ té ngã. Cách nay hơn hai tháng, người cụ yếu hẳn nên phải đem vào bệnh viện. Cụ vẫn chưa phục hồi nên phải chuyển qua đây để tĩnh dưỡng, và chính hôm nay cũng là ngày mà cô ký giấy tờ đem bà cụ trở về nhà để tiếp tục một công việc quá nặng nề đối với những ai đã và đang phụng dưỡng các đấng sinh thành.
Cha Brown ôn tồn hỏi về việc làm của cô, “Thưa Cha! con đi làm suốt hơn 25 năm nay nhưng từ lúc mẹ con già yếu không ai chăm sóc nên nay con chỉ đi làm part time, những giờ phút vắng nhà con mượn người bạn thân đến trông nom cho mẹ.”
Cô Ly tâm sự, “Con phục vụ chỉ mỗi một mẹ già là người thân yêu nhất mà nhiều khi tinh thần sa sút tệ hại, lâm vào tình trạng depression (phiền muộn) vì bị căng thẳng mà không biết tâm sự với ai, chỉ biết khóc với chính mình. Cô hiếm khi có được ngày vui để làm một việc mà mình ưa thích. Vì săn sóc cho mẹ, mà không còn ham muốn ăn ngon, mặc đẹp, cơ hội gặp gỡ bạn bè hầu như cũng không có…”
Cô cũng nói rất mang ơn việc làm của quý vị đây và hầu hết trong các nursing home. Họ thật cao quý vì nếu không có tấm lòng vị tha, bác ái, kiên nhẫn, thông cảm với nỗi khổ đau của người bệnh thì không thể nào làm được công việc này.
Tôi chăm chú nghe những lời tâm sự của cô mà lòng bùi ngùi.
Trong ngày lễ Mother’s day năm nay, nhớ lại những gì cô kể, tôi xin cúi đầu vinh danh một người con có hiếu như cô.
PTB