
Nói đến chuyện bơ phờ thì có vô số chuyện. Từ chuyện học hành bơ phờ cho đến tốt nghiệp rồi cũng bơ phờ. Bơ phờ chạy được chức quan rồi đến chuyện bơ phờ để giữ được ghế. Bơ phờ sản xuất, cây giống rồi bơ phờ tiêu thụ.
Có vẻ như mọi thứ bơ phờ đều dính đến Trung Quốc, từ văn hóa trong cách cư xử ít nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố Khổng – Nho trong bản thân mỗi người, đến chuyện xâm lấn lãnh thổ, bắn chết ngư dân mà giới chức và truyền thông trong nước phải gọi là ‘nước lạ, tàu lạ’, có vẻ để khỏi phạm tên húy. Hay đến chuyện nông dân trồng dưa, nuôi heo, nhổ cây con, nuôi đỉa cũng chỉ để bán cho Trung Quốc. Duy chỉ có một thứ bơ phờ mà nhiều người nói rằng vốn dĩ đã bơ phờ dù có Trung Quốc hay không, đó là chuyện cây bơ và trái phờ.
Nhắc đến trái bơ, hẳn rất nhiều bà mẹ nghĩ ngay đến một loại trái cây với nhiều lợi ích tuyệt vời, từ việc chăm sóc sắc đẹp cho đến dinh dưỡng dành cho đứa con thân yêu. Trong trái có kẽm, mangan và selen; vitamin A, C và E…, giúp ngăn ngừa lão hóa. Bên cạnh đó, với lượng protein cao, giàu chất xơ và hàm lượng muối rất thấp, bơ tốt cho sức khỏe của mọi lứa tuổi. Tuy thế, cũng ít ai để ý rằng 1 cây bơ sản xuất gần 118kg ôxy mỗi năm và cứ 1 héc ta vườn bơ trong 1 năm có thể giúp loại thải được 6.4 tấn CO2.

Ấy vậy mà hơn 10 năm trước đã có người nhắc tôi về khoản này – cô bạn tên Trang ở cùng ký túc xá của tôi. Hồi đó, mới chập chững vào trường, đứa nào cũng lo đăng ký thẻ thư viện, tham gia hội đồng hương, rủ nhau lập nhóm tự học rồi thì thi nhau đến các trung tâm tin học và tiếng Anh quanh trường. Còn tôi, chẳng hiểu gió đưa kiểu gì, cứ ngồi ngẫm nghĩ về cái cây bằng lăng tím bên cửa sổ khu A trường học. Kể cũng lạ, những bông bằng lăng trổ muộn có chút gì đó đẹp lạ lùng, lẩn sau những trái bằng lăng khô khem, những chiếc lá to bản mà tôi chẳng thích tẹo nào, vậy mà cái bông hoa ấy cứ mỏng manh, tím biếc… Rõ ràng là muốn người ta làm thơ mà. Thế là tôi trích ngay một cuốn vở để dành làm thơ, tập tọ đủ kiểu, nào là lục bát, thơ bảy chữ, năm chữ, rồi đôi khi còn gióng cho được cái thể thất ngôn bát cú Ðường luật thuở vẫn được học trong trường.
Cũng cơ duyên đó mà tôi quen nhỏ, một cô gái Ðắk Lắk da trắng mịn, mái tóc xõa ngang vai, hỏi ra là con gái của một gia đình miền Trung lên Tây Nguyên làm kinh tế mới hồi 1979. Nhỏ bằng tuổi tôi, mê thơ tôi như điếu đổ sau một lần vô tình đọc được. Chúng tôi, một cô bạn da trắng, một cô bạn da ngăm đen chơi với nhau qua những vần thơ tập tọ ngày ấy. Thế rồi cũng đến lúc nó buộc tôi ‘chăm sóc sắc đẹp’.

– Này nhé, khoai tây luộc lên, hoặc hấp chín, nghiền mịn, trộn với sữa tươi không đường, đắp một lớp mỏng lên mặt, để khoảng 30 phút, hoặc siêng thì để qua đêm cũng được, bảo đảm mi làm 1 tuần là có làn da mịn như tao liền.
– Thôi mi ơi, tao bày mi nhé, đi nắng, ra ngoài bãi biển Mỹ Khê mà phơi nắng khoảng 3 ngày là có làn da bánh mật như nó liền. Cô bạn tên Vân chen vào.
– Thôi mấy đứa bây đừng bàn nữa, nhỏ Trang mai về quê nhớ hái cho tao mấy trái bơ là được, trời nắng kiểu này tao chỉ thích bơ nghiền đường thêm đá thôi.
– À, ra là thích bơ, vậy cuối tuần ra tao mang cho mi cả chục ký luôn, đang mùa bơ mà.
– Thôi khoảng ký thôi, cả phòng mình 5 ký là cùng, mi xách chi nổi.
– Nhỏ này, đừng cãi tao, chưa bày mi tuyệt chiêu làm đẹp từ bơ. Ðơn giản, dễ thương, mặt bơ búng ra sữa, này, tao nhờ ăn nhiều bơ, chịu khó nghiền bơ đắp mặt nạ nè. Mi cứ chờ đó. Tao mang luôn cho mi cây con để về trồng trong vườn nhà mi ở quê, vừa tạo oxy vừa giảm bớt lượng khí carbonic. À, rồi mi còn cảm nhận được cái ngon của trái phờ nữa!
– Uhm hum, mi nói nghe có lý đó. Mà trái phờ là trái chi?

Nó không trả lời tôi trái phờ là trái chi. Những kỷ niệm thuở sinh viên đôi khi như khói lòng vòng trong xó xỉnh ký ức. Ðể rồi hôm nay gặp lại nhau nơi Ðắk Lắk đầy nắng gió và bụi đỏ. Tôi đi cùng chồng dắt theo hai con nhỏ còn nó ngồi đó với một đống bơ trước mắt và một cô con gái mắt đen tuyền, tóc dài óng ánh như mẹ thuở nào.
Hỏi ra mới hay sau khi học xong đại học, nó vào Sài Gòn tìm việc một thời gian nhưng không có kết quả nên trở lại về quê. Vùng kinh tế mới năm nào chào đón nhỏ với một loạt tiêu, điều, cà phê và những cây bơ sắp đến mùa thu hoạch. Khổ nỗi nó bảo là tao học kế toán, lại chẳng lanh lẹ chi nên chịu, chẳng biết làm sao. Thương ông bà già không có ai chăm sóc, nên tao ở nhà luôn. Vườn tiêu, vườn điều ngày càng đúng điệu tiêu điều. Ðất canh tác không còn như thời xưa ông bà già vào khai hoang theo diện kinh tế mới. Cuộc sống co cụm quanh quanh bản làng với những mái nhà thốc gió, ván che nhiều hơn là gạch xây.
– Mi thấy đó, ai cũng bảo đi kinh tế mới trước khổ sau giàu. Hồi đó ông bà già tao vào đây năm 79. Quê gốc hai ông bà cũng ở Quảng Nam. Thời đó nghèo quá, người ta cứ thẳng Nam tiến. Cho đến khi miền Nam ngột ngạt, lại được hỗ trợ gạo ăn 6 tháng nên hai ông bà theo đoàn thiên di lên đây. Ðến 9 năm sau mới sinh được tao. Thời tao đi học đại học là lúc tiêu, bơ được giá nhất. Nhưng giờ thì hết rồi, không biết bị đốc giống hay là đất đai sao hay là bị lời nguyền của người Ê Ðê nữa. Mà giờ thì thế này đây.

– Sao vậy mi, tao thấy bơ, tiêu cũng được giá mà. Ngoài tao bữa nay mua một ký bơ loại nhỏ nhỏ, không ngon lắm tới 40 ngàn đồng mỗi ký lô. Tiêu thì miễn bàn, lúc nào 1 lạng cũng 25 đến 30 ngàn đồng tùy người bán. Hạt điều thì vô siêu thị mà mua, mỗi ký hơn 300 ngàn. Cũng có lúc tao đặt hàng chuyển về, mỗi ký cũng hơn 250 ngàn nhưng không được ngon lắm. Mà răng nghe mi nói thảm rứa?
– Mi không biết đó thôi, hồi xưa cũng có lúc người ở đây hái tiêu non bán cho thương lái Trung Quốc, nhưng đó là một phần thôi. Chủ yếu là do người buôn họ đội giá hết. Chứ mi thấy này, tao ngồi đây cả ngày bán được có mấy chục ký bơ, mỗi ký có 5 ngàn đồng. Vậy mà ra ngoài đó lên tới 40 chục ngàn. Vào đây mua họ lại còn ép giá, mỗi ký nhiều khi họ chỉ trả mình có 3 ngàn đồng. Mà mi thấy đó, trái bơ đâu có thuốc thang gì, mà cũng chỉ có trái bơ là không sợ bị Trung Quốc giả dạng. Tao dám chắc mi cứ mua về mà dùng, dù bất cứ đâu, có thể gặp giống không ngon thôi nhưng chắc chắn là dân mình trồng.
– À, hồi xưa đi học, mi nói với tao còn loại trái phờ, tao hỏi mà mi chưa trả lời, tao tìm mãi không thấy?
– Trái phờ hả, mi nhìn tao đi, trái đó cả tao còn không biết nữa biết hỏi ai! Nhưng mà nó có thật, bởi dân kinh tế mới, ai cũng biết có trái bơ và trái phờ trong cuộc đời này mi ạ!
Nói đến đây, cô bạn im lặng, gửi hàng cho người hàng xóm rồi dẫn chúng tôi dạo một vòng vào khu làng mà người ta gọi là khu kinh tế mới hồi xưa. Những trái bơ lủng lẳng, những cây bơ mới lên mầm, chúng tôi lại nhắc nhau về những ngày tháng cũ hồi chỉ cần biết chơi và học. Giờ nghĩ lại, phải chăng từ hồi đó chúng tôi đã quá lạc hậu so với thời đại, để bây giờ đến đây, đi đâu trên khắp đất nước này, cũng nghe tiếng lầm than. Âu một phần trách nhiệm thuộc về thế hệ trẻ, cái thế hệ cứ ngỡ mình đã là người tử tế!
UC