Tết Âm Lịch hay Tết Nguyên Đán là khởi điểm của mùa xuân, cây cỏ sinh trưởng khi đất trời ấm áp sau những ngày đông lạnh giá. Hoa xuân đất Việt thi nhau khoe sắc khoe hương, nhưng được trưng bày nhiều nhất vẫn là hoa mai và hoa đào. Người miền Nam ăn Tết mừng xuân bằng những cành hoa mai trong khi ở miền Bắc người ta chưng hoa đào và gọt thủy tiên. Quê nhà nằm trong vùng nhiệt đới, thời tiết nóng nực; miền Nam gần đường xích đạo nên nóng hơn miền Bắc, thổ nhưỡng khác biệt nên hoa cỏ mỗi miền mỗi vẻ.
Hoa mai, tên khoa học Ochna integerrima thuộc họ Ochnaceae, trồng trên đất Việt là loài cây thân mộc (gỗ) (so với các loại mai khác cùng họ nhưng thân thảo (cỏ), mọc từng bụi [shrub]). Hoa mai có màu vàng rực rỡ do đó có tên hoàng mai hay mai vàng, hoa năm cánh (đơn) hoặc mai kép từ 5 đến 9 cánh. Lá hình bầu dục có màu xanh biếc.
Mai nở hoa báo tin xuân về, từa tựa như hoa mai vàng ở quê hương miền Nam Việt Nam: “Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa…”
Trên đất khách, cây mai còn có tên “Mickey Mouse” vì sau khi nở hoa, thân cây trổ những mầm lá có hình dạng từa tựa tai chuột, Mickey Mouse tên của chú chuột nổi tiếng của Disney. Hoa thường nở từ tháng Mười Hai qua đến hết tháng Giêng.
Trong rừng núi, cây mai thường mọc gần nguồn nước và những thung lũng ẩm thấp, thân có thể cao đến 10 thước trong khi mai vườn thấp hơn, trồng trong chậu được nuôi dưỡng, chăm sóc và “ép” nở vào mùa Tết để đem bán

Ochna integerrima là loài cây tăng trưởng chậm, từ 2-3 năm mới nở hoa nếu trồng từ hạt giống và chỉ nhiều năm sau, cây mới trổ đầy hoa. Khi trồng cấy bằng cách ghép cành, mai nở hoa trong năm đầu tiên. Hoa mai ưa đất ẩm, tăng trưởng mạnh mẽ trong đất trộn cát. Cây lớn nhanh dưới ánh sáng nhất là khi được sưởi nắng ấm.
Nhà vườn trồng mai để bán trong dịp Tết nên có nhiều cách thúc ép cây nở hoa vào dịp Nguyên Đán. Lá cây được tỉa sạch trong khoảng 4-6 tuần lễ trước Tết. Không phải nuôi lá, nhựa cây dồn về nuôi nụ, và hoa nở. Lá chỉ mọc sau khi cây đơm hoa.
Ta cũng có thể tỉa và uốn cây & cành mai như một loại “bonsai”, thân nâu sẫm chỉ cao khoảng 10 phân tây với những nụ hoa vàng óng ả, món quà Tết khá phổ thông.
Bạch mai hay mai trắng là một loại cây lai tạo, Hybrid Ochna Integerrima, không cho hạt giống nên khá quý hiếm, chỉ có thể trồng bằng cách ghép cành.
Mai hay “mei”
(“mơ”, “mận”)?
Văn học cổ có khá nhiều bài viết đề cập đến hoa “mai”; nổi tiếng nhất có lẽ là bài kệ của Thiền Sư Mãn Giác (1052 – 1096) thời Lý. Người đời sau diễn giải với nhiều ý tưởng khác nhau nhưng tựu trung vẫn là một bài thơ Thiền nặng triết lý sống, nói về sự chuyển dịch của đất trời. Trong bài viết này, chỉ xin nhắc đến hai câu cuối nói về mùa xuân và hoa mai:
…Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ ‘nhất chi mai’
Theo bản dịch của cụ Ngô Tất Tố:
…Đừng bảo xuân tàn hoa rụng
Đêm qua sân trước một cành mai
“Nhất Chi Mai” nên hiểu như “một cành mai” hay “Nhất Chi Mai” là tên loài cây Peregrina, hay “Lady Pilgrim” (tên khoa học là Jatropha integerrima thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae) theo người đời nay?
Hoa Nhất Chi Mai
Nhất Chi Mai (còn có tên “hồng mai”, “mai đỏ”) xuất phát từ Ấn Độ, lá xanh quanh năm, mọc thành bụi hay có thể uốn nắn thành cây, hoa màu đỏ, nhụy vàng và có 5 cánh.
Không biết từ đời Lý, cây cỏ Ấn Độ đã được mang sang Việt Nam ta hay chưa? Nếu Nhất Chi Mai đã hiện diện thì cành hoa của thiền sư hẳn là loài hồng mai? Nếu Nhất Chi Mai chỉ có mặt về sau này, thì cành mai trong bài thơ chỉ có thể là một cành “mei” khác xa với hoa mai vàng miền Nam ta vì thổ nhưỡng miền Bắc không trồng được mai?

www.treknature.com/gallery/photo177858.htm
Một bài thơ khác, trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa theo bản dịch của cụ Tử Vi Lang, kể chuyện nhân sĩ Hoàng Thừa Nghiện, nhạc phụ Gia Cát Khổng Minh, “…đội mũ ấm trùm đầu, mình mặc áo hồ cừu, cưỡi lừa… đạp tuyết mà đi…”, vừa đi vừa ngâm thơ:
“… Kỵ lư quá tiểu kiều
Độc thán ‘mai’ hoa sấu…”,
hay:
“… Cưỡi lừa qua cầu nhỏ.
Thương tiếc khóm ‘mai’ gầy”
Tuyết mù trời trong tiết đông giá như thế mà thấy khóm hoa “mai”, dù gầy ốm xơ xác, thì khóm hoa kia chỉ có thể là “mei”, loài cây sinh sống trong vùng ôn đới có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, không phải là giống mai vàng miền Nam đất Việt?
Có tài liệu cho rằng hoa mai thuộc giống Prunus mume nhưng giống cây này khác Ochna integerrima khá xa về mặt di tính.
Hoa đào hay Prunus mume thuộc giống Prunus, tên dân gian là cây “mận Tàu” (Chinese plum theo Anh ngữ) hoặc “mơ Nhật” (Japanese apricot). Người Hoa gọi hoa đào là “mei”; người Nhật gọi ume. Hoa đào có tên là hoa “mận” hay “plum blossom”. Cây đào Việt bà con rất gần với cây mơ (apricot) và cây mận (plum), dù có tên Anh ngữ là “mận” nhưng thực ra đào giống “mơ” nhiều hơn. Người Hoa, người Nhật và Đại Hàn dùng mơ nhiều trong thực phẩm, trái được ép lấy nước để cất rượu hoặc đem muối, muối ướt kiểu Nhật Bản ăn chung với cơm hoặc muối khô làm quà vặt như xí muội (?) và người Việt ta chế biến “ô mai mơ” từ trái mơ trộn chung với cam thảo?

Prunus mume xuất phát từ miền nam Hoa Lục gần sông Dương Tử, và được đem sang Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam.
Tại vùng Đông Á, hàng năm hoa đào nở từ tháng Giêng đến tháng Ba. Thân cây có thể cao từ 4 đến 10 thước. Hoa đào lớn cỡ 2 phân tây và có mùi hương rất đậm. Hoa có màu trắng, hồng đậm, hồng nhạt và cả màu đỏ, hoa đào thường hiện diện trong tranh Tàu như lời ca ngợi mùa xuân. Cây đậu trái vào mùa hè sau khi hoa tàn. Cây được trồng để ngắm hoa và lấy trái.
Thế giới có trên dưới 300 giống Prunus mume, loài chính mume và các loài lai tạo trồng làm kiểng. Cây đào được đặt tên theo hình dạng thân cây mọc thẳng, uốn khúc hoặc tỏa nhánh và loại hoa.
Những cành đào mùa xuân đất Việt là anh em thúc bá với đào Nhật Bản và “mei” Tàu, cùng gốc cùng chi Prunus.
Đào Đà Lạt, tên khoa học Prunus cerasoides, được gọi là “Mai anh đào Đà Lạt”, vừa “mai” vừa “đào”, thân cây trông giống cây [đào] mận (chi Prunus) nhưng hoa đơn năm cánh lại giống hoa “mei” (mận thuộc loài Cerasus).

Giống cây này sinh trưởng tại vùng cao nguyên Đông Nam Á, từ dãy Himalaya Trung-Bắc Ấn Độ, tới Tây Nam Trung Hoa, Miến Điện và Thái Lan. Cây lớn mạnh trong vùng khí hậu ôn đới ở độ cao từ 1,200 – 2,400 mét. Prunus cerasoides có thể cao đến 30 thước, hoa nở vào mùa thu và mùa đông. Bông hoa lưỡng tính và có màu trắng hay hồng nhạt. Trái màu vàng hình bầu dục, đổi màu đỏ khi chín.
Hoa mai anh đào Đà Lạt trông rất giống anh đào Nhật Bản, thường được chưng từng bó thay vì chưng một cành như hoa mai miền Nam. Một người bạn lớn lên từ miền Nam có lần bĩu môi biểu rằng “hoa đào gom một bó trông như bó chổi, không đẹp như cành mai vàng đơn chiếc của mình”! Lòng yêu hoa lá cũng… kỳ thị địa phương chăng?

ảnh https://hoacaycanhsapa.wordpress.com
Một loại đào khác sinh trưởng ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng nhất là hoa đào vun trồng tại làng Nhật Tân, gọi tắt “Đào Nhật Tân”. Hoa đào miền Bắc tên khoa học là Prunus persica, giống cây có nguồn gốc từ Trung Hoa, được đem đến vùng Địa Trung Hải từ Iran (tên cũ là Persia) nên được đặt tên Prunus persica.
(Prunus persica trên đất khách là giống đào (“peach” theo Anh ngữ) trồng để ăn trái, có mặt tại Hy Lạp từ 300 năm trước Tây Lịch, và được người Pháp mang sang châu Mỹ từ thế kỷ XVI.)
Đào Nhật Tân nổi tiếng nhất là Đào Thất Thốn; thân cây thấp, gốc và cành đều nổi những u, mấu xù xì, khiến cành cây trông già dặn, phong trần sương gió. Thân với ụ gốc khô cằn trổ hoa, hình tượng của sức sống mãnh liệt. Mỗi thốn cây xù xì, cành cây có độ dài bằng đốt ngón tay (thốn), có thể trổ tới 7 bông hoa, nên có tên “Thất Thốn”. Thất Thốn có nhiều màu, đỏ, hồng và hồng nhạt, loại năm cánh đơn và năm cánh kép. Cành hoa đỏ từ rễ lên tới búp, mầm nhọn và cứng cáp như lưỡi kiếm.

Hoa đào trong thơ Vũ Đình Liên “mỗi năm hoa đào nở” hẳn là giống hoa đào Nhật Tân?
Hiện diện trong văn chương thi phú rầm rộ như thế nhưng đào và mai chỉ được nhắc đến như một loài hoa để nhìn ngắm thưởng thức vẻ đẹp trong dịp xuân về chứ không mấy ai nói đến chuyện ăn trái trừ mấy cuốn sách chỉ dẫn cách làm bánh mứt [đào, mận], ô mai [mơ]. Hoặc giả cây hoa đào hoa mai đất Việt không có trái?
Đào và mai, như các loài cây cỏ khác, theo mùa mà thay đổi như con người, cũng một chu kỳ sinh – diệt. Hạt giống trải qua giai đoạn nghỉ ngơi trước khi nảy mầm và thai nghén để trở thành cây con. Rễ giúp cây bám lấy đất và cũng là mạch máu lưu chuyển dưỡng chất nuôi cây khôn lớn. Cành giúp lá bám vào thân cây; lá thu nhận ánh sáng mặt trời và chuyển hóa ánh sáng thành năng lượng, một chu trình có tên “photosynthesis”. Khi cây đủ lớn, chu trình sinh sản bắt đầu bằng việc đơm hoa, hoa thụ tinh nhờ ong bướm, gió mang về phấn hoa từ nhụy đực mà kết trái. Trái đơm hột để giữ giống và một chu kỳ mới bắt đầu. Chu trình sinh hóa của cây có thể kéo dài vài tuần lễ đến nhiều năm.
Hoa đào, hoa mai lấy màu sắc từ đâu? Màu hoa đến từ sắc thể, và những sắc thể này thay đổi theo mức acid cũng như khoáng chất trong đất đai. Hoa không chứa sắc thể thường có màu trắng. Hoa chứa sắc thể anthocyanins (trong nhóm hoa chất flavonoids) cho màu đỏ, hồng, xanh lam hoặc tím. Sắc thể carotenoids, trong cà chua, cà rốt, cho màu vàng, đỏ và cam trong khi màu xanh lục của lá cây đến từ chlorophyll. Nói giản dị là màu hoa đến từ di tính chứa các sắc thể khác nhau. Các sắc thể được pha trộn bởi ong bướm hay gió của đất trời, hoa có màu rực rỡ thu hút ong bướm, côn trùng mạnh mẽ hơn so với các loài hoa màu nhạt. Màu hoa cũng có thể do con người chế biến bằng cách gán ghép thân cành hay cấy di tính.
Với khoa học lai tạo ngày nay, con người không những thay đổi được màu hoa mà còn có thể “chế biến” cây cành, giảm chiều cao, đổi lượng lá, uốn nắn… theo ý muốn. Với những gốc đào Thất Thốn mang bảng giá ngàn Mỹ kim, hay khi các cành bạch mai quý hiếm được yêu chuộng, săn tìm nhiều hơn hẳn sẽ có người nhọc công tìm cách gầy giống cho những cành mai, cành đào này?
Hoa mai, hay hoa mơ hoa mận từ Gái Xuân*, hoa đào đều là những loài cây cỏ báo tin xuân về. Và xuân về nên ta chúc mừng nhau một năm mới bình an như ý.
* Gái Xuân, thơ Nguyễn Bính: “…Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở…”