
Tràng An cách Thanh Long (Hà Nội) 96km về hướng Nam, cách thành phố Ninh Bình 7 km, và cách cố đô Hoa Lư 3 km. Ngoài địa thế thuận lợi về quân sự, cả thế tiến công cũng như thế phòng thủ, Tràng An còn là một vùng non xanh nước biếc, đẹp ngơ ngẩn hồn người. Chúng tôi xuống thuyền ở điểm khởi đầu là Bến Thuyền Tràng An, sông Sào Khê. Đây là một chuyến hành trình bằng đường thủy, xuyên qua các hang động mà không quay ngược lại được. Quần thể này biến hóa khôn lường, nó như một trận đồ. Những dãy núi, hồ đầm và những hang động nối kết nhau tạo thành một trận thế liên hoàn. Thế cho nên các bậc tiền nhân mới chọn Hoa Lư làm kinh đô. Thành Nam Tràng An, quân ta đã đánh thắng được bao nhiêu trận giặc phương Bắc. Trận chiến đánh quân Tống từ triều đại Tiền Lê, đến việc đánh thắng quân Nguyên Mông vẻ vang của triều đại nhà Trần.
Hang động đầu tiên là Hang Địa Linh dài 260m, còn gọi là hang châu báu. Vì những thạch nhũ trong hang này lóng lánh kỳ diệu như một kho cất giấu châu báu. Ra khỏi hang, chúng ta thấy mây trời hòa quyện vào nhau, lãng đãng khói sương trên mặt hồ. Trên núi, những chú dê thấp thoáng ẩn hiện. Dưới mặt hồ thỉnh thoảng những con chim lạ sà cánh xuống khua động mặt nước, những con cá, chú rùa ẩn hiện đớp bóng. Có 31 hồ và đầm nước được nối thông bởi 48 hang động. Những hang có chiều dài ngắn, độ rộng hẹp khác nhau. Mỗi hang mang một vẻ đẹp thật đặc trưng. Những phiến đá có những hình dạng óng ánh kỳ ảo, biến hóa khôn lường. Những thạch nhũ lấp lánh trong hang, những trần hang đá và thạch nhũ sà xuống thấp, cái ngắn cái dài. Đôi khi chúng tôi phải cúi đầu thật thấp để khỏi phải bị những cột thạch nhũ thòng xuống đụng trúng. Những giọt nước nhỏ từ thạch nhũ. Mái chèo khua nước vỗ mạn thuyền. Không khí trong hang mát lạnh. Vẻ đẹp làm tôi không dám chớp mắt, sợ sẽ mất đi một khoảnh khắc tận hưởng tuyệt vời. Tới hang Nấu Rượu, lòng hang phình ra, được trưng bày những bình rượu đã được cất sẵn. Nghe nói, hang này có mạch nước ngầm sâu khoảng 15m, nước ngọt, trong và mát. Người xưa dùng nước này nấu rượu tiến vua, nên gọi là hang Nấu Rượu.

(nguồn ảnh www.asca2016.org)
Tràng An còn là một quần thể rộng lớn với non nước hữu tình, hồ nối đầm với nhiều hang động uốn lượn. Mỗi đầm, hồ là một bức tranh thủy mặc với những dáng núi, thế núi đứng khác nhau soi mình trên mặt nước. Chèo thuyền qua các hang động, ta không thể nào không để hồn bay theo vẻ đẹp mà Thượng đế đã dành cho trần gian, ở một nơi trái tim người mở rộng với thiên nhiên, êm ái đập theo nhịp sống an bình, tươi đẹp hơn những xô bồ phố thị, nơi mà buồng phổi hít căng đầy không khí trong lành của đất trời hội ngộ, của núi và mây giao thoa cùng mặt nước. Vẻ đẹp Tràng An với những ngọn núi với làn mây trắng ẩn hiện ánh dương. Trời nước giao hòa, thành xưa khói núi quyện vào nhau, say đắm hồn người như trong thơ ca của Nguyễn Du
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”
Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, chúng tôi chỉ điểm xuyết một vài địa điểm lịch sử khi đi hành hương ở Trường An. Những địa điểm dấy lên trong lòng chúng tôi nỗi tôn kính các bậc tiền nhân một thời dựng nước và giữ nước.

(nguồn ảnh tin 247)
Phủ Khống
Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lũng nước mênh mông. Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn liền với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang 100 quan tài chôn theo các hướng khác nhau rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về một ngôi mộ thật trong 100 ngôi một đó. Một vị tướng trấn giữ thành Nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, dân chúng trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Tương truyền Đinh Công tiết chế bị giam lỏng ở đây (Phủ Khống, nơi khống chế ông vì ông đã chống lại Lê Hoàn, sau nghe tin cánh quân chống lại Lê Hoàn thất bại và bị giết, ông đã tuẫn tiết ở đây).
Cây cổ thị trên ngàn năm thăng trầm theo lịch sử, đã bị thời gian, mưa bão quật ngã, nhưng cái gốc rễ vẫn còn đó, vẫn còn bám sâu vào lòng đất, phô bày cái rắn chắc sần sùi, thể hiện sức sống mãnh liệt của cây đại cổ này. Được biết cây thị hiện tại có độ tuổi khoảng hơn 100 năm, là một nhánh của cây thị cũ. Điều lạ lùng là cây thị cho rất nhiều quả, một nửa là quả tròn, một nửa là quả vuông. Quả tròn và quả vuông xen kẽ nhau. Quả thị vuông thì không có hạt, quả thị tròn có hạt. Và thị chín rộ nhất là vào trung tuần tháng 8, nhân dịp giỗ vua Đinh. Hiện tượng này cho đến nay chưa một ai giải thích được.

Đền Trình
Chúng tôi đến thăm Đền Trình, nơi thờ 2 công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là 2 Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua. Theo truyền thuyết, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Tương truyền đây cũng chính là nơi Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long cổn cho Lê Hoàn. Cũng chính vì khi Thái hậu Dương Vân Nga trao long cổn nhường ngôi vua cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, hai ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại khu vực này, dân chúng đã xây dựng ngôi Phủ bên sườn núi để thờ hai ông.
Câu chuyện tình tay ba có một không hai trong lịch sử Việt Nam: Đinh Bộ Lĩnh – Dương Vân Nga – Lê Hoàn (Lê Đại Hành) đã làm cho những nhà ghi sử cũ lên án gay gắt vì không đúng với đạo lý của người Việt Nam. Thế cho nên, thân thế của bà Dương Vân Nga không được nhà viết sử ghi chép đầy đủ.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn phê phán nặng nề hơn:
“Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”.

(nguồn ảnh www.vietnamdhtravel.com)
Tuy nhiên, thời gian qua đi, cái nhìn về Thái hậu Dương Vân Nga ngày càng thay đổi. Theo chúng tôi, bà là một người phụ nữ Việt Nam, một hoàng hậu, một thái hậu sáng suốt trong giai đoạn một nước Việt nhiễu nhương, loạn trong triều đình; và bên ngoài thì giặc Chiêm phương Nam, giặc Tống phương Bắc ồ ạt kéo đến nhiễu nhương. Mối tình đẹp của một giai đoạn lịch sử, mang một sứ mệnh cao cả để bảo toàn giang sơn. Đây, cũng là một triết lý sống thăm thẳm mà sau này người đời mới thấu hiểu và tôn thờ bà.
Năm 968, sau khi dẹp xong “loạn 12 sứ quân”, thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh (lúc nhỏ thường cùng các bạn chăn trâu dùng cờ lau tập trận), lên ngôi vua, lấy tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình. Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) chọn Hoa Lư làm kinh đô đầu tiên của nước Việt.
Năm 978 vua Đinh lập người con nhỏ là Đinh Hạng Lang làm thái tử (thay vì lập con trưởng là Đinh Liễn), phong con thứ là Đinh Toàn làm Vệ Vương. Nhà Đinh lập quá nhiều hoàng hậu (tới 5 hoàng hậu), nên không nêu rõ được vai vế trong hoàng tộc, tạo sự mâu thuẫn và tranh giành quyền lực trong triều đình nhà Đinh.
Theo sử sách, năm Kỷ Mão 979, Đinh Đế cùng con trai Nam Việt Vương Đinh Liễn bị viên hoạn quan Đỗ Thích ám sát. Trước đó thái tử Đinh Hạng Lang đã bị Đinh Liễn giết. Đinh Toàn là con hoàng hậu Dương Vân Nga và là con trai duy nhất còn lại của Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi. Dương Hoàng hậu trở thành Dương Thái hậu.

Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi, Dương Thái Hậu chọn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (Lê Đại Hành) làm nhiếp chính, sau tự xưng là Phó Vương. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy quyền lực rơi vào tay Lê Hoàn, lại nghi Dương Thái hậu cùng Lê Hoàn tư thông nên cử binh đến đánh. Lê Hoàn dẹp tan loạn. Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết. Phò mã nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào Nam, kêu cứu cùng vua Chiêm với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão đánh chìm chết.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Tháng 7 năm 980, ở biên giới phía Bắc, lợi dụng tình hình Đại Cồ Việt rối ren, quân Tống theo hai đường thủy bộ kéo sang xâm lược. Dương Thái Hậu cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm Hoàng đế, xưng tôn hiệu Minh Càn Quảng Hiếu hoàng đế, lập nên nhà Tiền Lê. Lê Hoàn vừa lên ngôi đã phải chỉnh đốn lực lượng đánh giặc bảo vệ đất nước. Trước thái độ ngang ngược của quân Tống cậy sức mạnh để xâm lược, áp đảo nước ta, Lê Hoàn cho quân ra đánh giặc để bảo vệ giang sơn. Đến tháng 3 năm Tân Tỵ (981), cuộc chiến chống Tống do Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy cùng đại tướng quân Phạm Cự Lạng của triều nhà Đinh, đại thắng toàn diện (Phạm Cự Lạng được vua Lê Đại Hành tin dùng và phong chức đến Thái Úy). Vua Tống buộc phải xuống chiếu lui quân. Sau chiến thắng đó, Lê Hoàn dốc sức chăm lo xây dựng đất nước. Kinh Đô Nhà Lê vẫn đóng tại Hoa Lư. Năm 982, Lê Đế lập Dương Thái Hậu trở thành một trong năm hoàng hậu của ông (vua Lê Đại Hành cũng lập 5 hoàng hậu như vua Đinh Tiên Hoàng), tôn hiệu là Đại Thắng Minh hoàng hậu (chính sử không cho biết hai người có bao nhiêu con, nhưng theo những nhà nghiên cứu lịch sử thì họ có một công chúa tên là Lê Thị Phất Ngân. Về sau, công chúa Phất Ngân được gả cho Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn (người mở đầu triều đại nhà Lý).
Ở Đền thờ hai nhà Đinh/Lê trước cổng Ngọ Môn có khắc bốn chữ “Bắc Môn Tỏa Thược”, nghĩa là khóa chặt cửa phía Bắc để tránh gió bấc, nhưng ngầm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn: “Đề Phòng Giặc Phương Bắc”. Càng nghĩ, chúng ta càng thán phục tiền nhân. Họ suy nghĩ sâu xa, văn hóa thâm thúy, cảnh báo với con cháu thế hệ sau các điều hệ trọng của nòi giống Lạc Hồng, chỉ bằng bốn chữ. Vâng! Chỉ bằng bốn chữ mà nói lên hết được những mối nguy hại của cả một dân tộc.

(nguồn ảnh www.ohay.tv)
Qua việc gọi Hoàng hậu Dương Vân Nga là “Đại Thắng Minh hoàng hậu”, có thể thấy được vai trò của bà trong hoàng cung nhà Đinh. Các sử gia rất nặng lời với Lê Hoàn trong việc này, vì trái với đạo quân thần. Thái hậu Dương Vân Nga trở thành hoàng hậu nhà Tiền Lê. Bà là nhịp cầu nối giữa hai triều Đinh và Lê.
Dương Vân Nga là hoàng hậu của 2 vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc trong lịch sử Việt Nam – Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Tuy nhiên, bà không được chính sử ghi chép nhiều. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ cho biết bà họ Dương, không nói bà tên là gì, cũng không viết xuất thân của bà ra sao. Là người phụ nữ có quyết định ảnh hưởng đến cả vận mệnh dân tộc khi tôn Lê Hoàn lên làm vua thay nhà Đinh, Dương Vân Nga đã bị sử cũ phê phán gay gắt.
Cuối đời, hoàng hậu Dương Vân Nga tu hành tại động Am Tiên ở phía đông kinh thành Hoa Lư. Tại đây còn lưu giữ một bài thơ truyền khẩu khắc trên tường Chùa tóm tắt về cuộc đời bà:
“Hai vai gồng gánh hai Vua
Hai triều hoàng hậu, tu Chùa Am Tiên
Theo chồng đánh Tống bình Chiêm
Có công với nước, vô duyên với đời…”.
Thành Hoa Lư chỉ giữ vị trí kinh đô 42 năm, với triều Đinh 12 năm, triều tiền Lê 30 năm, triều Lý 5 tháng, nhưng những gì hai vị hoàng đế – Đinh Tiên Hoàng – Lê Đại Hành , hoàng hậu Dương Vân Nga và các tướng lĩnh làm được, đủ để cho ngàn năm sau con cháu chiêm bái kính phục.
Năm 1000, hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga qua đời, hưởng dương 48 tuổi (cùng năm với con trưởng của Lê Hoàn là Hoàng thái tử Lê Long Thâu).
Ngày sau, khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô ra Thăng Long, Hoa Lư trở thành cố đô.
Đến Tràng An, xuyên qua những hồ đầm, những hang động, thấp thoáng dưới những rặng núi, bóng cây là những đền xưa tích cũ, ghi lại những dấu tích lịch sử nước nhà thời kỳ dựng nước, chúng tôi không khỏi bùi ngùi cảm kích tiền nhân đã cố công dựng nước và giữ nước cho con cháu đến ngàn sau. Bước xuống thuyền, đi lên những bậc đá, thăm những ngôi đền cũ nằm dựa lưng vào vách núi; những ngôi đền khiêm nhường, đơn sơ nhưng vô cùng kỳ vĩ trong lòng mỗi người. Không cần như những tượng đài nghìn tỷ, Phủ Khống, Đền Tứ Trụ, Đền Trình v.v… đã nói lên được lòng trung kiên, tính oai hùng của một dân tộc, dù sức yếu, thế cô nhưng không khuất phục trước quân thù. Tinh thần đó bất diệt với thời gian.

Tài liệu tham khảo:
- “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, được vua Lê Thánh Tông cho thực hiện, tác giả Ngô Sĩ Liên viết bằng chữ Nôm, 1497.
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”, được vua Tự Đức cho thực hiện 1856 bằng chữ Hán, Phan Thanh Giản lúc đó làm chủ biên, Viện Sử học Việt Nam dịch sang quốc ngữ 1960.
- “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca”, được vua Tự Đức cho thực hiện, tác giả là Lê Ngô Cát, viết nguyên thủy với 1887 câu thơ lục bát bằng chữ Hán. Bản quốc ngữ đầu tiên được xuất hiện năm 1870, do Trương Vĩnh Ký diễn âm.