Menu Close

Đất khô

Bãi đất khô ở Huế
Bãi đất khô ở Huế

Mùa bắp ở xứ Quảng hẳn đã bắt đầu lâu lắm rồi, nhưng mùa bắp dọc con sông Thu Bồn, đoạn Giao Thủy, nơi gặp nhau của hai dòng Thu Bồn và Vu Gia chỉ bắt đầu vào những ngày gần đây. Và những kỷ niệm ngọt ngào thuở ấu thơ có lẽ sẽ chẳng quay trở về nếu đi ngang qua đoạn Giao Thủy ấy mà quên dừng lại mua vài chục bắp mang về.

Gọi là chục nhưng nếu mua 1 chục thì được 12 trái, và người bán sẽ vui mừng ra mặt nếu người mua không trả chát và đưa trọn 20 ngàn đồng cho họ.

– Bán thế này được hơn em à, chứ nếu mình bán cho thương lái thì một chục được có 7 ngàn hoặc 8 ngàn thôi, người ta trả theo đám.

– Nấu có nhanh chín không chị, vì em không có bếp củi.

– Nhanh mà em, đây mình trồng bắp nếp, trái ngọt, vị thanh, nấu nhanh nữa, em nhớ cho vào chút muối lúc luộc nha, trái bắp sẽ thơm ngon hơn khi pha chút vị mặn.

Gạt nắng, chị bẻ thêm vài chục bắp kéo lên vệ đường để bán. Cái đôi tay thoăn thoắt bày người mua cách bẻ bắp nấu của chị làm tôi mường tượng về cái ngày xưa ấy.

o O o

Thuở nhỏ, quê tôi sống không có nhiều bãi biền như bây giờ. Người ta trồng bắp, kê, đậu xanh, đậu đỏ, sắn và khoai trên các vạt đất khô bên các triền sông. Cái tên đất khô ấy có lẽ xuất phát từ việc không có giọt nước thủy lợi nào chảy được vào đây. Người trồng phải sáng sớm, chiều chiều mang đôi triêng gióng với hai cái thùng nhôm, men bờ xuống sông để gánh nước tưới.

Chuẩn bị đất để gieo trồng bên bờ sông Hương
Chuẩn bị đất để gieo trồng bên bờ sông Hương

Vậy mà cũng chính những mảnh đất khô ấy lại cho tôi bao kỷ niệm đẹp. Còn nhớ sau một tiết sinh học hồi lớp 7, trên đường về nhà, tôi cứ vừa đi vừa nhìn vào bãi bắp để xem râu bắp, rồi bông cờ, rồi lò mò xin bà được mấy hạt bắp, cũng thử gieo để xem bắp nảy được mấy lá mầm.

Cái tuổi thơ của một cô bé nhà không có đất khô như tôi đôi khi là buổi chiều cùng chị chèo ghe qua bãi để lấy lá sắn. Cây sắn, củ sắn mà người Nam gọi là khoai mì. Lá sắn tươi người ta bỏ đi khi nhổ cây, bỏ cọng, mang về phơi khô. Gặp nắng gắt thì chỉ cần phơi một nắng, gặp nắng dịu thì đôi khi phải phơi đến mấy nắng. Xong đâu đấy, lại tranh nhau cái phần đạp cho lá vỡ vụn, giần bằng rổ xưa (một loại rổ đan bằng tre có các lỗ nhỏ xen kẽ ở giữa) để lọc những cọng lá còn sót lại và rồi cho lá vụn vào bao. Mang về làm gì ư, để dành mùa đông, khi gạo trong nhà không còn mấy hạt, con heo kêu dưới chuồng thì cho một ít bột cám trộn lá sắn khô cho nó ăn mà cầm hơi, tồn tại qua cái mùa đông.

Thuở đó, ở quê tôi người ta trồng chánh nhất  là hai loại sắn, sắn mặt trăng và sắn cao sản. Tôi còn nhớ cây sắn mặt trăng có cọng lá màu tim tím, củ sắn mặt trăng có lớp da bên trong hồng hồng, lột lớp da này ra, mang rửa sạch, làm dưa sắn nấu canh chua thì ngon hết biết. Loại sắn này thường trồng để làm lương thực cho con người.

Bẻ bắp đi bán
Bẻ bắp đi bán

Còn giống cao sản, mỗi cây có nhiều củ hơn và củ cũng to hơn sắn mặt trăng, nhưng ăn vào không bở và bùi như sắn mặt trăng, họa hoằn lắm lâu lâu mới có người trong làng nấu loại sắn này để thử vị, còn lại đa số bà con trồng để bán cho người ta làm bánh bột sắn, làm bột lọc hoặc là xắt nhỏ, phơi khô, nhà kha khá thì dùng làm thức ăn cho heo, còn nhà nghèo nghèo, lại phơi khô, để dành, mùa thiếu gạo thì trộn chung với gạo để nấu cơm.

Tôi còn nhớ, một buổi chiều nọ, trong lúc bốn chị em đang một, hai ăn quan trong trò chơi ô ăn quan thì mẹ tôi đi làm về, mang cho hai trái bắp và miếng dưa hấu cỡ bằng lòng bàn tay con nít.

Cả bốn chị em tôi bu lại, ngạc nhiên về miếng dưa hấu.

– Răng có dưa hấu hay vậy mẹ? Em gái tôi tíu tít trước.

– Dì Năm cho đó con, hôm nay bãi dưa của dì đến độ chín, người ta đến mua cả rồi.

– Ủa, con nhớ dì toàn trồng bắp mà, răng chừ có dưa hấu nữa.

– Dì dượng trồng thử, không cho trái nhiều. Dì chỉ lấy 1 trái chia cho mấy đứa đó. Mấy con ăn thử đi.

Miếng dưa được bổ làm bốn để chia đều cho bốn chị em tôi, có lẽ vì nó ngọt quá, ngon quá, đỏ quá mà chúng tôi chỉ ăn xong rồi cười khen ngon mà quên mất mời mẹ. Trong lúc đó, mẹ đã xuống bếp, bắt nồi cám heo và nướng gần chín hai trái bắp mới đem về.

– My ơi, lấy cho mẹ 5 lon lá sắn. – Tiếng mẹ gọi chị hai.

– Dạ đây mẹ ơi, mà sao hôm nay mình lại nấu lá sắn hả mẹ?

– Ðầu mùa mà con, lá này mình để dành từ năm ngoái tới giờ vẫn còn, mẹ cho heo ăn để còn lấy lá mới về nữa. Khoảng 3 ngày nữa là người ta bắt đầu bẻ sắn lại rồi, mấy đứa tranh thủ ngày nghỉ học đi lấy lá với mẹ nghe.

Cây sắn ở Thanh Hóa
Cây sắn ở Thanh Hóa

Nồi cám heo sôi lên thơm phức, mẹ đun thêm rơm cho gạo nở rồi mới bắt đầu cho thêm lá sắn vào. Lạ, không hiểu vì sao chỉ chừng đó lá sắn cũng đã làm cho nồi cám nở nhiều hơn, sệt lại và có vẻ trở thành món ngon hết biết với mấy con heo trong chuồng khi chúng ăn không chừa.

Năm tháng trôi đi, bãi đất khô ngày nào vẫn còn đó, nhưng củ sắn, trái dưa, trái bắp không còn ngon và ngọt như trước nữa. Có lẽ vì người ta làm thủy điện, chặn hết nước đầu nguồn con sông Bồ quê tôi nên những con sông trở thành sông chết. Thỉnh thoảng mới có vài ba đợt nước nhưng cũng không đủ để thay xanh cho màu vàng úa. Nhiều người mang máy bơm hoặc khoan nước ngầm để tưới, nhưng có vẻ, cây thiên nhiên chỉ có mẹ thiên nhiên mới hiểu được vị ngon của nó cần đến loại nước gì.

o O o

Ðoạn Giao Thủy ở Ðại Lộc, Quảng Nam, nơi những bãi bồi sông Thu Bồn ngút ngàn bắp xanh, ớt đỏ, đậu đen. Tôi đã gặp những con người ấy. Họ chăm chỉ kéo dây tưới cây, bẻ từng trái bắp, hái từng trái bí rợ ra đường ngồi bán với hy vọng kiếm thêm được đồng tiền. Bởi lẽ nếu qua tay lái buôn, mỗi sào bắp với công chăm bón mấy tháng trời, giống má, phân tro của họ nhiều khi chỉ bán chưa được 500 ngàn đồng.

Cầm chục bắp trên tay, nghĩ tới nghĩ lui, tôi mua thêm chục nữa, bởi mới nghe cô bán bắp bày cách nấu sữa bắp thơm ngon. Tự dưng tôi nhớ đến ba quá chừng, nhớ chiều hè mấy chị em nằng nặc đòi ăn bánh sắn, đòi chè bột lọc. Ba dùng miếng tôn chế thành tấm mài và ngồi mài hai buồng sắn. Ngâm ít đậu đỏ, nấu chín, thêm đường làm nhân. Mang xác sắn mài ra gói bánh, những chiếc bánh sắn thơm ngon vào tối muộn lu hu cây đèn dầu rõ khó mà quên được mùi vị.

Rồi thêm cái cảm giác ngồi đợi bột lặn, thay nước để bột khỏi chua. Cái nước mài từ củ sắn ấy, qua một đêm, trưa mai lại đã là một lớp bột lọc trắng mịn. Ba mang nhồi, cho thêm ít hạt đậu phụng vào giữa, vo lớp bột bên ngoài, kiếm thêm ít dừa già cắt cục, lại vo thành những viên bột bọc dừa, nấu nước sôi thả vào đợi bột nổi lên, cho thêm ít đường, dập thêm củ gừng… Ðúng món chè bột lọc theo mãi tuổi thơ tôi.

Không biết rồi đây các con của tôi có được ký ức về những thức quê thơm thảo đất trời, mang mang tình người tình quê như tôi thuở nhỏ? Bởi bây giờ, thực phẩm biến đổi gene, khu vui chơi điện tử, game online… Dường như mọi thứ đang dần đẩy lùi con trâu, ruộng mạ, nương bắp, biền dâu vào dĩ vãng, họa chăng đâu đó trong sương mù lãng đãng của người lớn, hình ảnh ấy như một hồi tưởng mơ hồ. Ðôi khi, tôi thấy tội nghiệp những đứa bé, chúng hồn nhiên và vô tội. Ðôi khi, chính những người từng gắn bó với thiên nhiên nhiều nhất, lại là kẻ tàn phá thiên nhiên từ cái nhìn cho đến suy nghĩ! Tự dưng, thương người bán bắp đến lạ lùng!

Chỉ với một chục bắp là đã chuẩn bị có một nồi bắp luộc và một nồi sữa bắp
Chỉ với một chục bắp là đã chuẩn bị có một nồi bắp luộc và một nồi sữa bắp

UC