Menu Close

Đảo Bình Ba bây giờ

DSC_4395

Chỉ vài năm không trở lại, đảo Bình Ba thay đổi đến không ngờ. Từ một đảo vốn đã đông đúc với hơn một ngàn gia đình, gần 5,500 người. Nay mỗi ngày cuối tuần phải nhận đến gần cả ngàn lượt khách làm cho thôn đảo này quá tải.

Nếu khoảng 10 năm trước, hai từ “du lịch” nghe rất xa vời với người dân trên đảo, thì nay cả đảo này ai ai cũng làm dịch vụ, hoặc liên quan đến việc phục vụ khách du lịch. Từ một hòn đảo hiền hòa, thân thiện và hiếu khách, Bình Ba đã bị đồng tiền làm cho nó ngày một biến dạng.

Nếu trước đây, du khách đến đảo Bình Ba vì sự hoang sơ, bình dị và xinh đẹp của nó, thì nay những thứ đó đã không còn nữa. Hàng chục khách sạn, nhà nghỉ và dịch vụ lưu trú được xây dựng lên, nhằm đáp ứng lượng du khách đổ dồn đến đây mỗi ngày một đông.

Từ sau Tết cho đến tháng 11 dương lịch là mùa du lịch ở Bình Ba, nhưng đông nhất là 3 tháng hè (từ tháng 5 đến cuối tháng 8), khi bọn trẻ ở Việt Nam được nghỉ học và cha mẹ lại nghĩ đến chuyện phải đưa con đi nghỉ ngơi.

Bình Ba là thôn đảo thuộc xã Cam Bình (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Từ đất liền đi sang đảo mất khoảng 20 phút nếu đi bằng ca-nô và hơn 1 giờ đồng hồ nếu đi bằng thuyền chuyên chở khách.
Trước đây, Bình Ba nổi tiếng là vương quốc nuôi tôm hùm, thì nay trở thành địa điểm du lịch được ưa thích.

Anh Quốc, một người trước đây hành nghề đi biển, nhưng từ khi du lịch phát triển rầm rộ đã bỏ nghề và chuyển sang làm một số nghề liên quan đến du lịch.

Ban đầu, khi thấy lượng khách qua Bình Ba rất đông, nhu cầu chuyên chở bằng xe điện đang cao nhưng lượng cung không đủ cầu, anh liền vay mượn tiền bạc để sắm 2 chiếc xe. Sau đó, người dân trên đảo mua xe điện chở khách ngày một nhiều, chính quyền thắt chặt kiểm soát, quản lý, từ đó, anh bán 2 chiếc xe và mua một số bàn ghế, dù cắm trên bãi Nồm để cho những ai đi tắm biển cần có nơi để nằm nghỉ.

Anh Quốc nói:

“Ngày nào cũng có khách, nhưng lượng khách nhiều nhất là vào cuối tuần. Nếu những ngày trong tuần kiếm chỉ được khoảng 300-400 ngàn, thì những ngày cuối tuần có thể kiếm gần được 2 triệu/ngày”.

Ðầu tư ít, nhưng thu lợi lại cao và nhất là không sợ phải cạnh tranh. Vợ chồng anh cứ nhàn hạ, trung bình mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 20 triệu đồng. Nhưng đến vào tháng hè, số tiền cao hơn gấp đôi, vì khi đó du khách đổ về rất đông.

Hàng quán mọc đầy trên bãi biển.
Hàng quán mọc đầy trên bãi biển.

Nhìn những chiếc mô-tô nước chạy trên bãi Nồm, anh Quốc cho biết:

“Thu nhập của mình làm sao so sánh được với những chiếc mô-tô nước kia. Chỉ cần bỏ ra 5 chục triệu đã có thể mua được một chiếc, nhưng vào những ngày cao điểm đã có thể bỏ túi được 10 triệu”.

Cứ 15 phút ngồi trên mô-tô nước, mỗi du khách phải bỏ ra 500 ngàn. Muốn đi lâu hơn, số tiền bỏ ra phải nhiều hơn.

Du lịch đã trở thành con gà đẻ ra trứng vàng cho người dân và chính quyền đảo Bình Ba.

Cách đây hơn 10 năm, những người trên đảo đa phần đều đi đánh bắt ở biển và nuôi tôm hùm trong lồng trên những cái bè. Thì nay, rất ít người còn đi biển. Ðến nỗi, phải nhập các loại hải sản, như: cá mú, ốc, ghẹ, mực từ các nơi khác về.

Trước sự bùng phát của du lịch, gia đình anh Tâm nuôi tôm trong lồng bè nhưng cũng đã quyết định cải hoán lồng bè để đón du khách. Cứ trung bình mỗi tháng cũng kiếm thêm được vài chục triệu. Thôn đảo Bình Ba nhiều người giàu lên nhờ lượng du khách mang tiền tới.

Du khách đến đông thì những rắc rối cùng theo đó mà tới. Nếu trước đây không hề có chuyện trộm cắp, nhà cửa lúc nào cũng mở toang, tối ngủ cũng chẳng cần phải đóng, nhưng nay, nhà nào cũng phải đóng, buổi tối lại càng phải đóng để đề phòng trộm cắp.

Một cán bộ xã cho biết:

“Trước đây, buổi tối xe máy không cần phải dắt vào trong nhà. Vì để đó cũng chẳng ai mà lấy, mà nếu lấy cũng chẳng biết chở đi đâu. Nhưng cách đây hai tháng, hơn hai mươi chiếc xe máy bị trộm mất bộ cùm thắng đĩa. Dân sợ quá nên ai ai cũng phải tự dắt xe vô nhà cho chắc ăn”.

Song, đó không phải là vấn đề đáng lo nhất ở Bình Ba. Rác, chất thải mới chính là điều đáng nói nhất.

Rác nổi bồng bềnh trên bãi biển.
Rác nổi bồng bềnh trên bãi biển.

Là một điểm du lịch rất được ưa thích, nhưng đi đâu trên đảo Bình Ba cũng đều thấy rác. Rác hiện diện khắp mọi nơi, từ trên bãi cát nơi du khách hằng ngày xuống tắm; rác đầy ắp trên những con đường; rác đầy cả trên bãi trước. Nói tóm lại, từ nhà cho đến biển đều đầy rác.

Lượng rác không phải chỉ có từ người dân trên đảo thải ra mà nó còn đến từ lượng du khách ồ ạt. Ðến Bình Ba chơi, du khách không quên gửi lại nơi này lượng rác khổng lồ.

Ði cùng với rác là mùi hôi thối, ruồi nhặng. Mùi hôi thối từ những điểm làm sò ốc để cho tôm hùm, từ những con cá khô được phơi khắp đảo.

Cùng với lượng khách đông đảo, các cơ sở lưu trú được xây dựng lên nhiều, nhưng lượng nước ngọt lại không đủ để cung cấp. Nước giếng trên đảo ngày càng không đủ để phục vụ cho nhu cầu của người dân trên đảo. Ðể có đủ nước ngọt, rất nhiều chủ cơ sở lưu trú phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thuê những thợ khoan giếng từ trên Ðắk Lắk xuống để khoan. Một cái giếng khoan không đủ thì hai ba cái.

Cảnh quan ở Bình Ba cũng không được bảo vệ. Trước việc du khách đến đảo đông đúc, người dân trên đảo cho xây dựng các dịch vụ phục vụ du lịch một cách vô tội vạ, làm biến dạng cảnh quan môi trường. Nếu trước đây, những gành đá là nơi được du khách thích thú đến thăm, thì nay trở thành những quán cafe hay khu nghỉ dưỡng.

Trước đây, Bãi Chướng có rất nhiều sò, ốc và nổi tiếng bởi rạn san hô. Thì nay sò, ốc cũng hết và rạn san hô cũng không còn. Sự tàn phá của con người là vô biên.

Cảnh quan môi trường không được bảo vệ, Bình Ba đang bị khai thác bừa bãi
Cảnh quan môi trường không được bảo vệ, Bình Ba đang bị khai thác bừa bãi

Việt kiều không được đến đảo

Cả vùng Cam Ranh, bao gồm đảo Bình Ba và Bình Hưng đều thuộc khu quân sự quân cảng Cam Ranh. Lấy lý do đó, quân đội nghiêm cấm không cho du khách nước ngoài lai vãng đến đảo. Lệnh này chỉ có từ khoảng vài năm trở lại đây. Trước đây, Việt kiều vẫn được đến đảo như thường. Song, từ khi lượng du khách đến ồ ạt, và nhất là khi quân cảng Cam Ranh mở rộng, xây dựng nhiều đồn, bót hạng mục, mua cả 6 chiếc tàu ngầm Kilo loại hiện đại của hải quân Nga thì lệnh trên được áp dụng nghiêm ngặt hơn.

Tất cả du khách lên trên ca-nô đi qua đảo đều bị bộ đội biên phòng đến kiểm tra. Trên một chuyến ca-nô từ cảng Cam Ranh sang Bình Ba, khi thấy cả thuyền không có ai mang theo giấy “chứng minh nhân dân”, viên sĩ quan biên phòng nói:

“Ðàn ông phải trình chứng minh nhân dân, phụ nữ không cần”.

Một phụ nữ nói:

“Chúng tôi không biết nên để chứng minh nhân dân ở lại khách sạn rồi”

Anh ta vui vẻ trả lời:

“Không sao, mọi người cứ đi tiếp, việc kiểm tra chỉ nhằm coi có ai là Việt kiều không thôi.”

TT