Tiếng chuông đồng hồ thong thả điểm giờ làm nó choàng tỉnh giấc! Ðã 4 giờ sáng!
Không khí thành phố trong đêm khuya vắng cũng chẳng khá hơn ban ngày là mấy. Vẫn khen khét mùi sắt cháy từ hãng cơ khí bên cạnh, vẫn tiếng còi xe inh ỏi của những chiếc xe chạy giao hàng sớm trên con đường phía trước, xen lẫn vào đó là những tiếng khóc ti tỉ của đứa bé mấy tháng tuổi ở gia đình phòng trọ hàng xóm…
Bầu không khí oi nồng, đặc quánh trong căn phòng trọ 9m2 làm nó muốn ngộp thở. Cái quạt máy đã chạy hết công suất mà vẫn chẳng làm mát được chung quanh bao nhiêu. Ðầu đau như dần, nó vói tay xuống lấy chai nước dưới chân giường uống một ngụm rồi lăn ra thở dốc. Dư vị của mấy cốc bia hồi hôm vẫn còn đăng đắng trong miệng làm nó bất giác lơ mơ nhớ lại cuộc nhậu đêm qua…
Kể từ ngày chuyển về thực tập tại bộ phận Hải quan Khu Chế xuất này, không chiều nào là nó không đi nhậu với các anh, các chú, mấy chị trong phòng. Không uống ít thì uống nhiều, không uống lâu thì cũng uống nhanh. Những buổi nhậu tự phát với đủ thứ lý do, khi thì rửa chức một anh, có lúc là sinh nhật một chị, đầy tháng đứa con của một anh khác trong phòng, hay đơn giản chỉ là gặp gỡ cuối tuần hoặc xong việc rồi! bia đi thôi!. Những cuộc nhậu bốc trời với những món mồi, loại bia mà có khi nó mới thấy lần đầu. Còn trị giá hóa đơn thì nó biết nhiều khi dư sức trang trải toàn bộ chi phí sinh hoạt của nó trong vòng một tháng.

Nó uống cũng không đến nỗi tệ. Thời sinh viên cũng từng lê la quán cóc, bờ kè để nhậu nhẹt chơi bời cùng đám bạn. Bia hơi, khô nướng… cũng đã là những món khá sang trọng lúc ấy. Nhờ vậy mà giờ này nó cũng theo kịp mấy anh, mấy chú mỗi khi vô 50%, 70% hay “lắc kêu”, “lòi đá”…
Sau mấy mùa mưa nắng lăn lóc với thành phố sầm uất nhất phương Nam này, cùng vài lần chuyển phòng trọ, dời chỗ ở… cuối cùng nó cũng hoàn thành việc học của mình. Ðến giai đoạn thực tập tốt nghiệp, trong lúc đám bạn nô nức nhờ người quen kiếm được những chỗ ưng ý thì nó vẫn còn đang loay hoay với tờ giấy giới thiệu của trường chừa trống tên doanh nghiệp.
Rồi dịp may cũng đến với nó khi một lần chú Ba đến thăm nhà. Chú là bạn chiến đấu của ba nó từ ngày còn gian khổ trong chiến trường ngày trước. Sau khi giải ngũ, trong lúc ba nó vui vẻ về vườn phụ vợ, sống đời đạm bạc, rồi qua đời cách đây mấy năm vì đau yếu thì sự nghiệp của chú Ba lại lên như diều gặp gió. Chú liên tục được luân chuyển công tác, việc sau có vị trí cao hơn việc trước và nghe đâu giờ đã là một quan chức khá cao trong ngành.
Năm thì mười họa, chú Ba cũng có ghé qua thăm ba nó, ngồi cùng ông ôn lại những kỷ niệm trên chiến trường xưa. Và đó thường là những lúc chú Ba vừa gặp thất bại trong công việc kinh doanh gì đấy, theo nội dung cuộc trò chuyện mà nó nghe lóm được giữa hai người những lúc châm nước trà cho ba hay được kêu đi mua giùm chú Ba gói thuốc.
Từ ngày ba nó mất, chú Ba ít ghé hơn. Nó biết một phần cũng do công việc của chú dạo này ngày càng cao hơn, ít có thời gian rảnh hơn. Vậy mà hôm đó bỗng dưng chú Ba ghé nhà nó, trên đường đi công tác. Chú thắp hương vái ba, ngồi hỏi chuyện mẹ nó một hồi. Biết nó còn đang loay hoay tìm chỗ thực tập tốt nghiệp, chú bèn viết mấy dòng vào tờ giấy đưa bà, dặn cứ đến cơ quan X xin gặp chú Y, chìa tờ giấy này ra xin thực tập.
Cuối tuần nó về chơi, mẹ lục túi đưa tờ giấy giới thiệu mà nó vẫn còn bán tín bán nghi. Nhưng thời hạn nộp thông tin về nơi thực tập tốt nghiệp cho nhà trường đã gần kề, nó bèn tặc lưỡi thử liều một phen.
…
Rụt rè đưa mẩu giấy cho ông bảo vệ già đánh vần từng chữ mà bụng nó đánh lô tô bên trong. Sau một hồi vặn vẹo với nội dung câu cú, ông trả lại tờ giấy rồi bảo nó vô gặp nhân viên tiếp tân của cơ quan.
Cô gái xinh xắn nhận tờ giấy chuyển vào trong một hồi thì đi ra gửi lại cho nó. Mẩu giấy lần này đã được viết thêm mấy chữ nữa. Vậy là xong, cô bảo sáng Thứ Hai cứ đến chi cục Hải quan khu chế xuất.
Cái tin nó được nhận vào thực tập ở Hải quan làm cả lớp đều ngạc nhiên. Thằng nào cũng dư biết là nếu không là con em của nhân viên trong ngành thì còn lâu mới rớ được vào đây. Song ít ai biết được tại sao một sinh viên như nó mới hôm trước đây còn méo mặt vì chưa tìm ra chỗ thực tập tốt nghiệp mà nay đã đàng hoàng ghi vào giấy giới thiệu của nhà trường: Chi cục Hải quan Khu chế xuất…
…
Ngày đầu tiên ra mắt khá vui vẻ. Biết nó là người mới, mọi người đều hồ hởi đón chào. Trước mắt, cơ quan bố trí một bàn nhỏ trong góc phòng để nó đọc tài liệu, những bản mô tả công việc của cơ quan. Là một trong những khu chế xuất hoạt động khá hiệu quả của thành phố, lại ở vị trí khá thuận lợi, số doanh nghiệp nước ngoài chọn đặt địa điểm sản xuất, kinh doanh tại đây khá đông. Do vậy, công việc phát sinh ở chi cục hải quan này gần như thường xuyên. Mọi người đều tất bật, từ tiếp nhận hồ sơ kê khai đến trình duyệt, kiểm hàng, xử lý sai phạm… Nói chung là những công việc mà nó chỉ nhìn thôi đã muốn hoa cả mắt, nói gì đến việc bắt tay vô làm thử với các anh chị. Nhờ mọi người trò chuyện vui vẻ với nhau nên mới ngày đầu nó đã thuộc tên từng nhân viên trong phòng. Ngồi ngay giữa phòng là anh Biền – Trưởng chi cục Hải quan này – người mà hôm mới đến nó đã chìa mẩu giấy giới thiệu ra cho anh và anh gật đầu nhận vào thực tập ngay. Anh gọi anh Thắng, một nhân viên trong phòng, sắp xếp chỗ ngồi cho nó và không quên dặn Thắng hướng dẫn chi tiết công việc sau này.
Anh Thắng còn trẻ, nhìn khá vui tính. Sau vài câu hỏi xã giao, nó biết anh học cùng trường với mình, tốt nghiệp trước nó ba năm. Nó tò mò hỏi anh ngày ấy sao xin vào làm ở đây được. Anh nheo mắt cười có vẻ bí hiểm rồi nói lảng sang chuyện khác.
Ngồi ở dãy ngoài, chỗ tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp là bốn chị sàn sàn tuổi nhau. Tất cả đều đã vào khoảng 35-40 tuổi. Anh Thắng nói mấy chị lớn vậy chứ chưa già đâu, cuộc vui nào cũng theo mút chỉ. Trong số bốn người, nó đặc biệt chú ý đến chị ngồi ở bàn sát vách. Chị tên Thư, nghe anh Thắng kể thì chị là người trẻ nhất trong số 4 nhân viên nữ của phòng này, đã vào tuổi “băm mấy nhát” rồi mà vẫn chưa chồng. Ngày đầu tiên gặp nó, chị đã cười rất tươi và khen nó với mấy đồng nghiệp bên cạnh: Cứ tưởng sinh viên dạo này càng ngày càng nhỏ con, không ngờ cậu này cũng lớn tướng nhỉ. Cái giọng miền Bắc của chị cứ cao chót vót, nghe khá chối tai. Nhưng bù lại với dáng người khá chuẩn, tính tình vui vẻ của chị, nó thầm đồng ý với nhận xét của anh Thắng, chị đúng là hoa khôi của phòng này.
Mấy ngày đầu nó chỉ ngồi ở phòng trong góc đọc hồ sơ, tài liệu… Ở đây quả là ồn thật, bên ngoài lúc nào cũng đầy những nhân viên của các doanh nghiệp đến làm thủ tục hồ sơ kê khai, giao hàng vào khu chế xuất, chuyển hàng ra… Một buổi nọ, nó đang hí hoáy với mớ tài liệu của mình thì nghe giọng chị Thư khá rõ: Nạp mạng đi! Có thế mà đợi nhắc hoài!
Hình như chị nói với anh nhân viên đứng bên ngoài quầy. Anh này lật đật rút bộ hồ sơ lại, mở bóp lấy 1 tờ tiền xanh xanh nhét vào giữa rồi chuyển vào cho chị Thư.
Bằng một động tác đã khá thuần thục, chị Thư lắc nhẹ cho tờ tiền rơi xuống hộc bàn bên dưới rồi mới lần giở những giấy tờ, kiểm tra, ghi chú, mang trình ký đóng dấu…
Nó ngồi yên lặng quan sát hết tất cả những hành động trên. Soạn hồ sơ xong, chị Thư quay người lại chuẩn bị mang đi ký, bất chợt phát hiện nó đang nhìn, chị nhoẻn cười rồi nheo mắt với nó một cái hết sức thân thiện. Ðiều này làm cho nó có cảm giác những việc như thế này đã hết sức bình thường ở đây.
Kể từ hôm đó, nó đâm tò mò và quan tâm đến công việc của các chị hơn. Nó nhận ra không chỉ mình chị Thư hay gọi “Nạp mạng đi! ” mà những chị kia cũng thế. Ấy là những lúc gặp nhân viên nộp hồ sơ mà theo như mấy chị bình phẩm với nhau thằng gà mờ này hình như mới được công ty đó nhận vào làm thì phải! Rồi cùng cười ré lên vui vẻ.
Một buổi nọ, do trong phòng cũng rỗi việc, nó theo anh Thắng xuống kiểm hàng. Xe đã được nhân viên kê khai hồ sơ thủ tục trong phòng rồi, giờ chỉ việc mở thùng xe cho hải quan kiểm tra sơ bộ trước khi chạy vào giao hàng cho doanh nghiệp bên trong khu chế xuất. Anh nhân viên mồ hôi nhễ nhại, leo từ cabin xe xuống, cầm bộ hồ sơ trình cho Thắng. Thắng đón lấy hờ hững, đặt lên đặt xuống rồi bỗng to giọng “Có thế này thôi à!”. Anh kia gãi đầu gãi tai, dạ hôm nay công ty em giao hàng ít thôi ạ. Thắng quát lại: “Tôi không hỏi hàng ít nhiều, tôi hỏi hồ sơ thế này thôi à!”. Ðến đây thì anh nhân viên kia đã hiểu ra, anh vội vàng móc túi lấy tờ 50.000 đồng kẹp lên trên hồ sơ đưa cho Thắng. Thắng điềm nhiên rút tờ tiền đút túi, ra lệnh tài xế mở thùng xe kiểm tra qua quýt rồi đóng dấu lên hồ sơ, cho xe vào khu chế xuất. Không quên quát theo anh nhân viên một câu: “Lần sau đừng hòng dễ dàng thế nhé! ”
Nó đứng chôn chân một chỗ chứng kiến từ đầu đến cuối mà lòng lặng ngắt. Trong những buổi ngồi tán dóc bạn bè thời sinh viên, nó cũng nghe nhiều về những chuyện như thế này trong xã hội. Song nó lại không nghĩ rằng mọi chuyện lại diễn ra trần trụi trước mắt nó như thế. Những bài học về đức tính trung thực của một người Ðoàn viên, những buổi thuyết trình hùng hồn về nhiệt huyết của giới trẻ trong việc cống hiến, xây dựng đất nước bỗng như trôi vèo đi tất cả. Ðám bạn nó vẫn thường rỉ tai nhau, thằng nào sau này vào làm Nhà nước là ngon lành! Lương chỉ có lệ, bổng mới là thu nhập chính!
Và lúc này đây, đứng ở đây, nó đang chứng kiến cảnh người ta thu “bổng” một cách hết sức tự nhiên! Và nó lờ mờ hiểu ra người ta đã lấy đâu ra tiền để có thể ăn nhậu gần như là hàng ngày!
Ðồng hồ lại thong thả điểm 5 giờ sáng!
Vậy là nó đã trằn trọc gần 1 tiếng đồng hồ!
Nó duỗi dài chân ra và đụng vào cái cặp táp để ở chân giường. Chiếc cặp này là món quà của chị Thư tặng nó, chị bảo để kỷ niệm quãng thời gian ngắn thực tập ở khu chế xuất này.
Kể từ cái ngày nó phát hiện ra những hành động của chị Thư cùng với câu cửa miệng bất hủ “Nạp mạng đi! ”, nó cảm thấy hình như chị có vẻ quan tâm đến nó hơn.
Những buổi chiều, khi mấy anh trong phòng rủ nhau đi nhậu thì thể nào chị cũng nhất quyết kéo nó theo cùng, từ chối cách mấy cũng không được. Rồi lấy cớ đi nhiều xe dễ lạc nhau, chị nói nó để xe lại cơ quan, chị đưa chìa khóa xe của chị cho nó. Chở chị vòng vèo giữa mấy con đường thành phố để đến nơi ăn uống mà lúc nào nó cũng có cảm giác gai gai trong người với những đụng chạm nhẹ nhàng của chị ở phía sau không biết vô tình hay cố ý. Cảm xúc của một thằng con trai mới lớn trong lúc ấy nhiều khi làm nó run tay, toát mồ hôi trán, suýt nữa thì loạng choạng ngã cả xe. Nhiều hôm ăn uống ở quán xong, cả nhóm kéo nhau đi hát karaoke, nó lại phải trân mình chịu đựng những lúc chị chếnh choáng nhào về trước khi nó ngừng xe ở những ngã tư đèn đỏ hay khi thắng vội.
Ðầu vẫn còn tưng tưng như búa bổ, cổ họng khô ngắt, nó lại vớ lấy chai nước uống ừng ực. Nó rót nước ra một vốc tay rồi vỗ mạnh lên mặt. Nước mát làm nó như bừng tỉnh hẳn…
Ðêm qua hình như chị Thư say lắm thì phải, nó thấy chị cụng ly liên tục với các anh. Nó cũng uống khá nhiều làm chị Thư đôi lúc phải quay sang nhắc uống vừa vừa thôi ông tướng, chút còn chở chị về nữa đó, chị mệt rồi!
Nó cười cười, chị yên tâm, em đưa chị đi đến nơi về đến chốn! Nó thấy chị thoáng một chút đỏ mặt, chắc là do hơi men!
Cả nhóm ra khỏi quán karaoke thì cũng đã hơn 11 giờ. Ðêm thành phố về khuya yên ắng và mát lạnh, xung quanh là những cặp tình nhân chở nhau đi vòng vòng dạo phố làm nó cũng bất giác thoáng chút liên tưởng khi chị Thư đã tì hẳn người vào nó. Bộ phận cơ thể mềm mại ở phía trước của người phụ nữ đặt hẳn lên lưng làm nó lặng người đi, chỉ biết yên lặng rồ ga cho xe chạy nhanh hơn.
Chị Thư ở một mình trong căn nhà nhỏ thuộc khu dân cư mới. Nó từng nghe chị kể đấy là nhà của ba mẹ chị mua cho khi hai người bán bớt một phần mảnh đất ở quê. “Chứ chị làm nhân viên nhà nước, đồng lương quèn ba cọc ba đồng làm sao đủ mua nhà hả em” – chị không quên nói thêm với nó như vậy.
Hai chị em dừng xe trước nhà thì đã gần nửa đêm. Chị loay hoay lục túi đưa chìa khóa nhà cho nó mở cửa dắt xe vào trước. Rồi chị tựa hẳn người để nó dìu vào nhà. Vừa bước qua cửa, chị Thư đã xoay người lại nhìn thẳng vào mắt nó. Trong cảm giác hơi chếnh choáng, nó vẫn còn nhận ra một ánh nhìn lóe lên trong mắt chị. Chị ôm chầm lấy nó, gục hẳn đầu trên vai nó. Bản năng vô thức của một người đàn ông khiến nó cũng vòng tay ôm lấy chị, nhẹ nhàng, rất khẽ.
Cả hai cứ đứng như thế trong bóng tối một lúc lâu. Nó lóng ngóng cũng chẳng biết phải làm gì tiếp theo. Chợt chị ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt nó, nhoẻn cười và buông một câu nhẹ như hơi thở: “Cưng à! Nạp mạng đi! ”.
Câu nói quen thuộc ấy bỗng ào đến cùng với một loạt những hình ảnh đã chứng kiến ở chi cục hải quan này diễn qua trước nó như một thước phim chiếu chậm làm nó lạnh toát cả sống lưng, cả người nổi gai ốc. Ðẩy chị Thư ngồi phịch xuống ghế salon, nó tung cửa loạng choạng bước ngay ra đường. Rồi để mặc chị ngồi đó với ánh nhìn vẫn còn đang ngơ ngác, nó vẫy vội một chiếc xe ôm về thẳng phòng trọ của mình và lăn kềnh ra giường cho đến tận lúc này.
Bây giờ thì nó đã nhớ rõ mọi chuyện. Nó nhớ cả hôm anh Biền gọi đến hỏi nó có ý định vào làm việc tại đây không thì về chuẩn bị sẵn hồ sơ. Thi tốt nghiệp xong thì vào làm luôn. Khi ấy, nó vẫn còn chìm đắm trong cảm giác xáo trộn do những gì chứng kiến được nên đã xin anh cho nó một thời gian suy nghĩ.
Nó chồm đến bàn lục tờ lịch thi tốt nghiệp để xem lại thời hạn nộp khóa luận tốt nghiệp cho nhà trường, nghĩ ngợi về quãng thời gian thực tập vừa qua.
Rồi rút thêm một tờ giấy trắng A4, nó hí hoáy ghi to, rõ:
“ÐƠN XIN VIỆC
Kính gửi Công ty Liên doanh …”
Bên ngoài trời hửng sáng.
Những ánh nắng đầu tiên của ngày mới đã chiếu vào phòng.
LH