Menu Close

Đám cưới xưa, đám cưới nay

dam-cuoi-tai-que-nha-vi-sao-khong-21

Bẻ mấy lá dừa, tước làm đôi và đan hình con châu chấu, xin bà thêm mấy hạt đậu quyên, một đoạn chân hương hoặc một que tre nhỏ, chéo lá thành chong chóng và bắt đầu chạy…

Tuổi thơ đôi khi trôi qua trong những tiếng ầu ơ nghe mẹ ru em và những chiều lãng đãng chạy chong chóng ngoài đường, bứt mấy nhành cây để chơi trò trang điểm cô dâu và rủ nhau chạy đi xem khi có ai đó báo: “Rước dâu về rồi, cô dâu về rồi.” Tiếng đồng ca “cô dâu chú rể làm bể bình bông, đổ hô con nít, ví chạy lòng vòng…” vang lên từ đầu đường cuối xóm.

Đám cưới xưa (song hỷ)

Lũ trẻ xóm tôi vẫn thường vậy, mừng tíu mắt khi có đám cưới trong làng. Không phải vì được ăn mặc đẹp mà là vì được xem người ta mặc đẹp, được cho cục xôi nguội hay chút thịt heo luộc, thịt heo nướng hay đôi khi là ngồi xem những người già làm bánh xu xê để đi lễ cho nhà gái.

Đưa lễ
Đưa lễ

– Sao gọi là bánh xu xê hả bà? – Tôi đã từng hỏi bà mình như thế.

– Thực ra tên gọi của nó là bánh phu thê con à. Loại bánh này làm từ bột lọc, bên trong nhân gồm đậu xanh nghiền nhuyễn cho thêm đường và ít dừa tươi cạo mỏng. Lễ cưới nào cũng có bánh này, ông bà mình bảo phải có nó để chúc cho cô dâu chú rể gắn bó với nhau trọn đời, yêu thương, đùm bọc nhau để mà sống đó cháu. Người ta có thể làm bánh phu thê trần tức là không dùng lá gói nhưng bánh cưới, hỏi thì phải dùng lá dừa để gói lại con à, như thế mới có cặp có đôi.  Bà đã trả lời tôi như thế.

o O o

Kỷ niệm về đám cưới thời tuổi thơ của tôi nhiều vô số kể, về một người thợ điện trong làng đến ngày đám cưới lại không có điện, về một anh tên Tương lấy chị vợ tên Lai là hàng xóm. Về một đôi bạn bè thời cùng kéo mo cau chơi trò rước dâu con trẻ lớn lên lại thực sự về sống chung dưới một mái nhà…

Ðám cưới xưa có thứ gì đó thu hút người ta. Ðôi mắt trong veo của trẻ con thèm xem váy cô dâu và xuýt xoa khen đẹp. Nghĩ lại cũng thương mấy cô, mấy chị, bởi cô dâu nào không được cao, cô dâu nào đẹp, cô dâu nào xấu… tụi nhỏ chẳng phải hét lớn lên liền?! Rồi những tràng cười vui khi chú rể (thấp hơn cô dâu) đứng trên cái ghế rồi mượn váy cô dâu che lại để chụp hình…

Thư ký thùng thư
Thư ký thùng thư

Thời đó, ở quê tôi thường đi bộ để rước dâu, cũng có thể là vì phương tiện không nhiều như bây giờ, đường sá cũng không nhiều và cũng chẳng có internet như bây giờ nên trai làng chỉ tán tỉnh quanh co vài cây số. Ðến hồi lấy vợ về, bà con hai họ đều gần nhau, có khi là hàng xóm, có khi cùng nuôi chung một cặp heo.

o O o

Bà bảo: “Dịp dựng vợ gả chồng là dịp quan trọng, nhà giàu thì mua heo để giết mổ sau đó thết đãi bà con hai họ. Nhà nghèo thì gắng cắc ca cắc củm cũng nuôi cho được một con để có mà thết đãi họ hàng. Cậu út con tháng sau cũng cưới rồi, con gắng ngoan, học giỏi, bà bảo cậu cho xách lồng đèn. Phải ngoan, vì đó là dịp song hỷ, của nhà mình và nhà chị Hồng nữa.”

Tôi còn nhớ như y lời bà nói, sáng dậy sớm chăm chỉ học bài, trưa về sớm giúp bà hái đậu để bà thấy ngoan. Nhưng cũng chưa phải vì tôi sẽ được xách lồng đèn mà tôi phải nài bà cho bằng được việc để Nhiên, cô bạn thân ở cạnh nhà của tôi xách lồng đèn cùng với mình. Và đương nhiên, khi con trẻ có lý thì người lớn cũng phải nghe theo. Ðôi bạn cùng tuổi, cùng chiều cao, khuôn mặt hao hao nhau như tụi tui mà xách lồng đèn thì làm sao đám cưới không vui được, tôi vẫn thường khoe với bạn bè như thế. Và không quên cả việc khoe rằng vợ chồng cậu được người ta tặng tới mấy cái xoong để nấu cơm, mấy bộ ấm trà và cả mấy xấp vải mới nữa. Thời đó, cứ đám cưới  thì “song hỷ”, hai nhà cùng vui mừng vì một mối gắn kết mới để ấm áp và gần gũi nhau hơn qua tình thông gia.

 

“Nghi lễ thủ tục” do phía dịch vụ cung cấp
“Nghi lễ thủ tục” do phía dịch vụ cung cấp

Đám cưới nay (sướng hỉ)

Thế nhưng, khác với đám cưới xưa với những món quà mừng cô dâu chú rể giản dị nhưng đầy ắp tình người và lời cầu chúc hạnh phúc trăm năm, sinh con đầy đàn, khác với đám cưới xưa với những lần bà cay mắt vì gọt hành tây để nấu cà ri cưới, khác với đám cưới xưa với bầy con nít lẽo đẽo theo sau và xem như ngày hội, khác với đám cưới xưa mừng khi ba đi ăn cưới sẽ mang về cho cái bánh xu xê, khác với đám cưới xưa chạy theo cô dâu chú rể ra vạt đất khô để xem chụp ảnh cưới, khác với đám cưới xưa với những người ý tứ khi tránh hát ca khúc ‘đám cưới nghèo’, đám cưới nay với tiệc tùng, bia rượu, xe hoa, phong bì, đám cưới nay với dàn nhạc “khủng”, với ca khúc muôn thuở không thể thiếu: ‘Thà là thà như thế ta làm lại từ đầu.’

Nói đến đám cưới nay, có vẻ như sẽ không thể là đám cưới nếu không nhờ đến dịch vụ. Cái thời mà ai cũng cần có thời gian trang điểm, chuẩn bị, nghỉ ngơi thì ‘anh dịch vụ gọi đâu có đó, bao trọn gói’ là tiện lợi nhất.

Cũng có thể vì thế mà chỉ cần bỏ ra ít vốn, lập nên đội dịch vụ nấu cưới thuê, hoặc lo luôn trọn gói từ đồ lễ cho đến bia bọt, thức ăn, trang trí, che rạp mái tôn là chỉ cần qua khỏi 5 cái đám cưới là đã thấy chủ dịch vụ đi nghênh ngang với chiếc xe mới tậu.

Nói đến đám cưới ngày nay, lũ trẻ ít khi được cha mẹ cho đi cùng vì sợ sự ồn ào, vì sợ thức ăn nhiễm độc, vì sợ tai con trẻ không chịu nổi sự khủng bố của dàn loa.

Nói đến đám cưới nay người ta nghĩ ngay đến những dàn “siêu xe”, những dàn xe công nông, xe trâu, xe bò, xích lô… để rước dâu cho khác người, cho thấy mình chơi hàng “độc”. Hay nghĩ đến những chàng thanh niên chấp nhận vay tiền nóng để thuê thảm đỏ về rải rước cô dâu vào nhà (vì đôi khi chàng nghèo cưới được nàng con nhà giàu – cũng là một cách đầu tư).

Tiễn khách
Tiễn khách

Còn nhớ cách đây không lâu, tôi được mời đến dự đám cưới của một người bạn học, sau thời gian chào mọi người, xong thủ tục mở champagne, bắn pháo bong bóng, cô nàng rời vào trong để thay xiêm y.

– Tau mệt quá mi ơi. Cô bạn thỏ thẻ

– Sao vậy mi, hôm nay là ngày vui của mi mà. Mi mặc cái váy này trông dễ thương ghê. Tôi nói.

– Ừ, váy này tau tự chọn nên hợp. Mà mi nhìn đi, còn cả chục cái đó, nội việc bắt tau thay ra thay vào không cũng đủ chết người. Rồi thì còn tiếp khách nữa, không biết người ta thích gì mà cứ ép người khác uống. Nhạc thì mở to ầm ầm, tau đâu có thích thế đâu. Ngày xưa giờ tau và mi đều mơ ước một đám cưới giản dị, hai vợ chồng sống với nhau vui vẻ, lễ cưới xem như báo cho bà con hai họ là vui rồi. Vậy mà mi xem giờ vậy đó.

– Con nhỏ này, lo thay váy ra, trang điểm lại đi, ngày vui mà sao cứ nghĩ lung tung!

– Thì tau đang làm đây, nhưng cảm giác bị bức quá, không nói với mi, chiều mi về rồi tau nói với ai. Tau có nói với ba mẹ tau rồi nhưng hai ông bà vẫn tổ chức vậy, bảo là có vay tiền cũng phải tổ chức to lên, rình rang lên mới đẹp mặt với xóm giềng, phải để cho bà con biết là đám cưới nhà mình hoành tráng sao. Tau bó tay, hết nói được!

– Ừ, tau biết vậy nhưng giờ đã vậy rồi, ngày vui mi phải tươi tỉnh lên, nếu không chú rể buồn đó.

Ðôi câu trò chuyện của chúng tôi tiếp diễn cho đến khi cô bạn tiếp tục ra chào khách. Người ta bắt đầu khui bia, nhạc lên ầm ầm, cô dâu chú rể cứ lỉnh kỉnh váy, hoa, dù, rượu, ly bia nữa, đi theo cha mẹ hai bên mà chúc hết bàn này đến bàn khác. Phó nháy thì liên tục “nào, hai… ba… ok rồi!”.

Thỉnh thoảng, có vài vị khách nhìn cô dâu đeo đầy vòng vàng (toàn mượn đeo tạm cho có màu, bởi nhà nghèo, khác với các đám cưới lớn của con nhà quan chức vàng đeo thiếu điều trẹo cổ!) rồi khen “ui chao con này sướng hỉ. Vàng đeo đầy cổ!”.

Ô, hóa ra người ta cần hai chữ “sướng hỉ”  này mà có vay nặng lãi, có nợ đầu nợ đuôi cũng phải cố gắng làm cho thật rình rang một cái đám cưới “sướng hỉ” để rồi cô dâu chú rể xong đám cưới lại quần quật làm trả nợ, trả cho đến bao giờ cái thời “sướng hỉ” nó qua!

Ăn đám cưới
Ăn đám cưới

UC