Sản phụ trên biển đêm – Tôi ra biển. Chiều lộng gió và sóng cuộn. Những cơn sóng lớn như dằn dỗi, tấp vào bờ những thứ rác rưởi của lòng biển. Rác và những rác. D-naturalist nói đây không phải là bãi biển du lịch; vùng biển này được bảo vệ nghiêm ngặt vì giống rùa biển Lưng Da Leatherback turtle từ đại dương vào đất liền đẻ trứng. Loài rùa khổng lồ quý hiếm này là bảo vật quốc gia của xứ sở Trinidad và Tobago.

Đoàn người đổ bộ xuống biển, và rồi hụt hẫng bởi ấn tượng bãi biển hoang ngập rác. NAG Susan lầm bầm rằng bãi biển hoang vắng này mang cảm giác côi cút đến đáng thương. Trước đó trên xe, Mark gấu đã rất háo hức tuyên bố sẽ ngụp lặn trong sóng biển Nam Mỹ. Mark mặc cái quần tắm vàng đến nhức mắt, phô diễn cái vòng bụng phè phỡn. Vừa chạm biển, Mark ta chợt khựng bước; vẻ thất vọng trước những đợt sóng hằn học.
Tôi nhìn ra biển. Không một ai trong đoàn cam đảm giỡn sóng, cả đến Mark gấu cũng give up. Tôi nhát nước, thuở nhỏ cho chuồn chuồn cắn nát rún nhưng cũng đã xém chết chìm một lần.
Dave thông báo là còn rất nhiều thời gian để ngắm biển. Tôi lê la dọc bờ cát. Sóng tấp bờ những cái xác trong veo của loài sứa biển, thức ăn yêu thích của loài rùa Lưng Da. Tôi hỏi Dave về cái tên gọi, anh nói mảng mai trên lưng rùa kết cấu tựa những mảng da đen.

ĐMH tác nghiệp, chụp trứng rùa nở
Hai giờ đồng hồ bị tung hứng trên xe, đoạn trường ổ gà hằn lên nỗi đau ê chề của vùng mông. Tôi nghe cái dạ dày sôi réo; mấy cây kẹo bơ vơ trong túi, tôi bóc nhai đỡ xót dạ. Giữa giờ tuyệt vọng bỗng có tin vui, Andy réo tôi về ăn dinner. Cơm tối trong căn chòi trên biển. D-naturalist bảo phải xong sớm để chuẩn bị cho “big night”. Tôi tận tình xực đầy đĩa món gỏi cá lạ miệng, dằn túi vài cái bánh nướng. Dave pha rum, đám nhà lá xúm xít cụng ly nhựa nghe cạch cạch. Tôi sợ xỉn nên chỉ uống lemon juice. Tác nghiệp mà xỉn là toi công. Cái đêm xỉn giữa rừng vài bữa trước, Andy cảnh cáo rằng tôi đã xém phạm tội “sát sinh” con King Toad!
Cái restroom tối om không bóng điện, tôi quờ quạng rủa thầm. Tai chợt nghe tiếng loạt xoạt trên trần; cảm giác tiếng gió rồn rập sau gáy, và âm thanh của những cái rẩy cánh. Tôi quay phắt người, sau lưng tôi, cả đàn dơi túa ra từ cái restroom. Susan cất giọng, thảng thốt: “Oh, my god! Hanna không biết là you đang share cái restroom với lũ dơi, đó sao?”. Tôi rùng mình. Và thật, chỉ duy nhất một cái restroom tồi tàn trên bãi biển này. Dẫu thế, tôi vẫn thề một đi không trở lại.
Biển hoang, đêm thiếu trăng đến cô lạnh. Đoàn người lần mò trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn pin. Dave chuyền tay mọi người cuộn plastic nhựa đỏ, và yêu cầu quấn giấy nhựa trên đèn flash. Dave bảo ánh sáng “đỏ” sẽ không kích thích nhãn quan của loài rùa biển. Anh giải thích là loài rùa Lưng Da sẽ theo những con sóng trắng để vào bờ khi đêm tối; lúc vừa nổi trên mặt nước sẽ rất nhạy với ánh sáng của flash, sẽ quay trở về biển. Một lần vào bờ, rùa Lưng Da sẽ tìm nơi thích hợp để đẻ trứng. Và có thể trở về biển và không làm tổ, trường hợp này gọi là “a false crawl” (thu thập dữ liệu giả). D-naturalist nói cơ hội để chứng kiến rùa đẻ trứng rất hiếm hoi.
Dave cho biết có 5 giống rùa được tìm thấy ở đảo Trinidad và Tobago được định loại tuyệt chủng, đứng đầu danh sách là loài rùa Leatherback (Dermochelys coriacea). Loài rùa khổng lồ này di chuyển khoảng cách tuyệt vời để làm tổ ở những vùng bãi biển duyên hải phía Bắc và phía Đông của đảo Trinidad và Tobago, ở mùa đẻ trứng từ tháng Ba đến cuối tháng Tám.
Chụp “flash đỏ” là phải thử thách với sự hạn chế của bóng tối. NAG kỳ cựu Arthur Morris chia sẻ dẫu dày dạn nhưng ông chưa từng thử qua trường hợp này. Và ông cho là, dù kinh nghiệm thế nào chăng nữa, cũng chẳng dễ đạt hiệu quả như ý muốn để có được hình ảnh rõ nét.
Chúng tôi được giới thiệu với nhà sinh vật biển địa phương. Francis, nước da hắc ín lẫn với màu khuya, chỉ có đôi ngươi trắng dã trong bóng tối. Ông nói đêm xuống; những nàng rùa Lưng Da đồng hành cùng bóng đêm, chậm rãi dùng tiềm lực của đôi chi trước để nâng khối cơ thể khổng lồ ra biển. Và hành trình di chuyển vào đất liền là cả một cực công đối với loài rùa biển Leatherback turtle. Tôi thắc mắc về trọng lượng của loài bò sát biển này.
Ông bảo phải gọi là “khổng lồ” vì nó nặng từ 800-1500 lbs. Wow, tôi thốt lên kinh ngạc.

Nhà sinh vật biển địa phương Francis
Đoàn người tản mác từng nhóm nhỏ. D-naturalist nhắc nhở phải luôn chú ý đến “ám hiệu đỏ” vì là lúc Leatherback turtle cập bờ. Tôi ngẫm cười và nói với Andy rằng sao giống cảnh vượt biên chờ “xi-nhan” ra “cá lớn” quá. Mà giống thiệt.
Tôi nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ. Biển đêm gầm gào sóng. Trăng vẫn chưa lên. Đêm giữa biển hoang sẽ huyền hoặc hơn với trăng. Tôi thầm mong vậy.
Từ xa, chợt nhấp nháy tia chớp đỏ. Nhóm người vác đồ nghề hối hả chạy.
A false crawl! Francis cho biết là nàng rùa kia đã quay đầu trở ra biển. Mọi người thở dài, ảo não.
Thắc mắc, tôi hỏi nhà sinh vật học phương cách để theo dõi loài bò sát biển này. Ông giải thích rằng Leatherback turtle được cài gắn một máy cọc tiêu Argos trên mai, một nam châm cực mạnh trên đầu và được theo dõi qua vệ tinh trong cuộc hành trình trở về khu vực đẻ trứng. Theo các nhà khoa học, điều này đã xác định rằng rùa biển Lưng Da đã sử dụng từ trường do nhân trái đất phát ra để định vị khu vực đẻ trứng. Và điều ngạc nhiên về loài bò sát biển khổng lồ này; đây không phải là nguồn thông tin duy nhất được chúng sử dụng, vì chúng có thể tìm ra khu vực đẻ trứng dù có bị sóng biển cuốn đi. Francis chia sẻ info thú vị rằng loài rùa biển này có thể sử dụng khứu giác như một số chim biển hay bồ câu đưa thư.
Trăng lên. Ánh trăng nhàn nhạt hắt lên mặt biển đen thứ ánh sáng lạnh lẽo. Tôi buông người xuống bãi cát, ngồi nghe sóng đời cuồng nộ. Đêm giữa biển hoang, tâm say sóng, tôi chợt nghe năm tháng của cuộc đời tựa như những đợt sóng luân hồi. Sóng nghiệp tràn lan, vô độ, cuốn phận người theo cơn sóng gió. Đời người, miên trường cay đắng, và vô thường như những gì không nắm bắt được.
Tôi nghe mắt mình cay. Biển đêm và nỗi ám ảnh về cái chết của em trai tôi. Biển đã đem em tôi về đâu.
Andy vực tôi ra khỏi dòng suy tưởng. Anh trỏ tay về phía tia đèn “xi-nhan” đang nhấp nháy, đùa rằng “cá lớn” cập bờ rồi. Tôi xoải bước hối hả trên cát, nghe nặng nhịp thở.
Nhóm người sững bước. Trong màn sáng lờ mờ, ẩn hiện một hình dạng nhấp nhô trên ngọn sóng bạc. Và từ biển, dần trồi lên một khối đồ sộ, chậm chạp tiến sâu vào bờ. Giữa màu đêm bàng bạc trăng, mảng lưng vòng tựa tấm phản dềnh dàng chuyển động trên cát. Ảo giác tựa một sinh vật trong huyền thoại.

“Sản phụ” rùa đang chờ lấy máu thử nghiệm và chuẩn định kích thước, trọng lượng
Nàng rùa sau khi định vị ở một bãi cát và bắt đầu quá trình làm tổ đẻ trứng. “Sản phụ” vận dụng ‘cơ bắp’ toàn thân; hai chi trước phành phạch quạt cát, hai chi sau đào lỗ. Những vốc cát tung tóe và dần hình thành một trũng cát quanh thân rùa.
Tôi sóng soài trên cát, căng thẳng tập trung vào ống kính. Trong thứ ánh sáng đỏ tù mù, những tay photographer trong đoàn đã gắng ghi nhận những hình ảnh tư liệu hiếm quý trong điều kiện rất hạn chế ánh sáng. Nhà sinh vật biển dùng tấm chăn lớn phủ lên đầu rùa; và bắt đầu những thao tác đo kích thước ngang dọc, kiểm tra những vết trầy xước và lấy máu thử nghiệm. Ông nói phải thực hành nhanh trước khi Leather turtle bước qua giai đoạn đẻ trứng. Số đo kích thước định loại tuổi và cân nặng của rùa biển. Ông bảo nàng rùa biển này chỉ cỡ trung bình, nặng hơn 1000 lbs.
Giờ phút “lâm bồn” đến. Tất cả cái nhìn soi mói vào cái hũng sâu chừng 3 feet. Những cái trứng trắng, tròn đều tựa trái pingpong, đều đặn lọt tỏm xuống cái hố nhỏ. 20 phút/80 trứng. Francis cho biết ước lượng trung bình mỗi lần đẻ trứng từ 80-125 quả. Xong việc, “sản phụ” lấp cát ngụy trang, cẩn trọng để nhiệt không thoát ra ngoài; chuyên nghiệp đến mức không dễ dàng nhận diện được cái tổ trứng trước đó. Tôi canh timing, khởi đầu và kết thúc: 2 giờ đồng hồ. Bao lâu trứng sẽ nở, tôi hỏi. Giữa 60 đến 70 mươi ngày. Francis trả lời.

Giờ phút “lâm bồn” của “sản phụ” rùa Leatherback turtle khổng lồ
Nàng rùa biển quay về với đại dương. Huyền hoặc đến, huyền hoặc đi. 250 triệu năm qua, và mãi đến hiện tại, loài sinh vật tuyệt vời này vẫn tiềm ẩn những bí ẩn của đại dương.
Thật là kinh nghiệm tuyệt thú trong đời. Mọi người trong đoàn ôm chầm nhau, chia sẻ cảm xúc.
Ám hiệu đỏ lại nhấp nháy. Lần này, không phải là “cá lớn” mà là “cá nhỏ” – rùa biển con. Tôi cầm trên tay sinh linh bé nhỏ của biển, thương cảm. Mẹ sinh ra và bỏ rùa tự sinh và tự diệt, tôi thì thầm.
Andy hỏi nhà sinh vật biển làm sao để xác định giới tính của chúng. “Rùa biển thiếu nhiễm sắc thể giới tính nên nhiệt độ của tổ trứng có thể xác định giới tính của con giống. Và được gọi là nhiệt độ xác định quan hệ tính dục phụ thuộc. Nếu nhiệt độ ấm sẽ cho ra giống cái và ngược lại.” Francis giải thích. Tay birder Scott đứng lớ xớ, nói trổng đùa rằng muốn có được “giống cái”, honeymoon nên tìm đến những xứ nhiệt đới. Hơn nửa giờ đồng hồ, mấy con rùa tí hon trở thành ‘ma -đồ’ bất đắc dĩ .
Đoạn đường khuya vồng xốc ổ gà. Một ngày dài đẫm mồ hôi lẫn vị mặn của biển, tôi cảm giác rít rát. Chợt mường tưởng đến hình ảnh con kỳ đà ‘khổng lồ’ bám mình trên vách tường phòng tắm khuya qua. Tôi nghe nổi da gà.
“Không biết nó còn dám trộm nhìn mình tắm đêm nay nữa không ta?!”

Leatherback turtle baby trên tay của Andy Nguyễn
Website: www.hanhphoto.com
Facebook: www.facebook.com/hanhphoto