Trong nhà tôi có một đống sách cũ xưa để lại. Tuy là chưa tới mức độ “phần thư khanh nho” như bạo chúa Tần Thủy Hoàng, nhưng bị nhà cầm quyền cộng sản liệt tất cả những loại sách, báo, thơ, nhạc xuất bản từ 30/4/1975 trở về trước đều là “văn hóa phẩm đồi trụy”. Dân chúng phải giấu không để cho cán bộ cộng sản nhìn thấy, ai đọc phải đọc lén đừng để người khác nhìn thấy nó đi báo cáo thì nguy to, mà bạn bè thân hữu muốn mượn đọc cũng phải lén lút giấu bằng một lý do công khai nào đó mới mượn được. Nếu “chính quyền” nhìn thấy nhẹ cũng bị ‘tịch thu”, mất cuốn sách quý, nặng hơn là kèm theo “cải tạo tại chỗ” do chính các cán bộ xã đó “giảng dạy”. Đọc sách mà như đi ăn trộm.
Thời trước, nhạc được in bán từng bài trên khổ giấy A3 xếp làm đôi, giấy trắng tốt và dày, có khi là giấy trơn, có khi là giấy có hoa văn chìm, kim nhũ lấp lánh. Mặt ngoài in hình ca sĩ, tranh vẽ minh họa, mặt trong in khuông nhạc và lời bài hát. Ai thích bài nào cứ lựa mua bài đó, trả tiền cho bài hát mình thích thôi, chớ không phải cái kiểu thích một bài thì phải mua cả cuốn sách in nhạc hàng trăm bài như thời cộng sản. Trong nhà tôi cũng có một chồng nhạc xuất bản trước năm 1975 cao cả hai gang tay. Nhà ngoại tôi có một bên mượn vách nhà hàng xóm, phía đó chỉ có cái khung vách nhà bằng cây gỗ.
Dì tôi nảy ra “sáng kiến” giấu những bài nhạc đó bằng cách đem dán nối lại thành miếng lớn rồi dán vô phía vách mượn, phần hình ảnh, tranh vẽ quay ra ngoài, phần nhạc, chữ quay vô trong, tạo thành bức vách bằng giấy từ nhà trước đến nhà sau, phía sau có chừa lại một khoảng từ cây cột này đến cây cột kia. Giữa hai bức vách có khoảng trống đủ để một người chui vào đi lọt từ nhà sau ra đến nhà trước. Lúc nào muốn hát, muốn đọc cái gì lại đi luồn từ khoảng trống phía sau đi lần từ từ ra trước mà đọc. Chỉ có miền Nam Việt Nam thời cộng sản mới có chuyện cười ra nước mắt là chui vào hai bức vách đứng hát.
Chuyện đó cũng chưa mắc cười bằng chuyện đồng phục cả làng. Thường thì người ta chỉ đồng phục để người ngoài biết là những người đó cùng một nhóm làm việc, cùng một công ty, một tập đoàn, một trường học hay một cơ quan hành chánh nào đó, nhưng Việt Nam thời bao cấp trong “thời kỳ quá khổ” thì “đồng phục” được chia ra: nam, nữ và trẻ em.
Nam một năm được Hợp tác xã bán vải may hai bộ quần áo màu xanh biển đậm (thời đó kêu là xanh công nhân), nữ hai cái quần đen, hai cái áo trắng in bông nhỏ nhỏ xa xa một cái như con bươm bướm bằng đầu ngón tay, con nít nam thì cũng hai bộ vải xanh công nhân, con nít nữ hai bộ vải trắng con bươm bướm vàng. Tất cả đều là loại vải tám (có nơi kêu là vải ú) sợi bông 100% dệt thưa rỉnh thưa rảng rồi hồ cho nhiều bột để cứng, nhưng người có kinh nghiệm nhìn là biết ngay loại này xuống nước tan hết hồ ra nó co rút lại còn ngắn ngủn. Loại vải này thấm nước rất dễ rách, có hơi ẩm cũng dễ rách, mà lại dày, mùa mưa phơi lâu khô nữa chớ.
Nói là “hai bộ” nhưng làm gì may được hai bộ đồ. Trước khi may người ta đem ngâm nước rồi nhồi xả cho vải sạch hết hồ, giũ ra cho thẳng rồi phơi nắng trên dây kẽm hay sào tre. Có khi vải nhăn quá phải đốt bàn ủi than con gà lên rồi ủi cho vải thẳng ra mới vẽ, cắt được.
Người cao lớn một thước tám như cha tôi may được có một bộ, may là còn sót lại một mớ quần âu vải ni-phăng và áo sơ mi vải KT, áo thun, nếu không một năm có một bộ đồ đó thì chỉ có nước ở truồng. Phụ nữ không thể không may hai cái quần đen, hai cái áo tay cụt. Bộ đồ của mẹ tôi ống quần trên mắt cá, áo ngắn cũn cỡn. Đứng lên ngồi xuống một lúc hai cái ống quần thun lên như cái lồng đèn xếp, nhưng vì nó màu đen, nên cha tôi nói ống quần giống y như hai cái phuộc xe Honda 67.
Xóm tôi có hai bà thợ may. Tháng gần Tết Nguyên đán, nếu muốn mướn hai bà may thì phải đưa vải trước nửa tháng, đằng này Hợp tác xã nó chờ cho đến ngày 27 Tết mới bán vải, thành ra hai bà thợ may chỉ may được cho con cái trong nhà là hết.
Vậy là các bà mẹ trong xóm trở thành thợ may bất đắc dĩ dù không biết nghề may. Trong nhà tôi trước đó có cái bàn máy may hiệu Sinco của Nhựt còn mới tinh, sau đó phải bán rẻ cho người ta lấy tiền mua gạo, mua thuốc Tây chợ đen cho bọn con nít trong nhà, cái tủ ly (tủ búp-phê), tủ đứng, tủ sách cũng bán hết luôn. Mẹ tôi tự cắt, tự may quần áo cho năm chị em bọn tôi bằng cái kim may tay ngắn ngủn của Hợp tác xã bán, thời đó người ta kêu là “kim cụt” do nó ngắn bằng hai phần ba cây kim đít vàng thường dùng trước năm 1975.
Ngày Tết, người lớn, con nít túa ra đường chỉ có màu xanh công nhân và màu trắng in con bướm vàng. Cho nên mới chuyện bà nọ chờ chồng đi đâu lâu quá không thấy về nhà, nổi máu ghen xăm xăm đi kiếm, nhìn xa xa thấy một “xanh công nhân” tướng tá y chang ông chồng bả đang đứng ba hoa chích chòe với mấy bà sồn sồn. Bà kia nổi tam bành lục tặc lên, xông thẳng vô nắm áo ông “xanh công nhân” la làng: “Tưởng ông đi công lên chuyện xuống gì, té ra ông đứng đây nhiều chuyện. Ông về ngay lập tức cho tui”. Ông kia quay lại: “Cái bà này bộ bà bị khùng hả? Tui chồng bà hồi nào?”. Bà kia thấy không phải chồng mình, tẽn tò cười cười nói lí nhí: “Tui lộn, nhìn xa thấy ông giống ông xã tui quá. Bỏ qua nghen”. Ông kia nói: “Bà làm ơn đừng có sớn sác nữa. Ban ngày ban mặt mà nhìn lộn. Sao bà hổng nhìn lộn ban đêm cho tui nhờ”. Đám đông cười cái rần. Bả quê quá bỏ đi một nước.
Con nít ra đường cũng “đồng phục” giống nhau. Thành ra cứ réo tên ơi ới mà thấy đứa bạn mình nó cứ làm thinh, tới hồi chạy tới gần mới biết hổng phải, thiệt quê độ hết sức luôn.
Mà đâu phải chỉ có cái xóm tôi “đồng phục” kiểu đó. Tôi lên nhà ngoại tôi, xuống nhà cô tôi thấy cũng y chang như vậy. Đó là trong phạm vi tỉnh thôi, còn có “xanh – bướm” cả nước hay không thì không biết. Cho nên thời đó mới có câu nhại Kiều: “Bắt phanh trần phải phanh trần/ Cho may ô mới đặng phần may ô” (May ô là cái áo thun lá kiểu ba lỗ đàn ông).
Hết chuyện quần áo rồi tới chuyện tóc tai. Thiếu xà bông gội đầu nên đầu ai cũng đầy những chí là chí, kinh hoàng luôn. Tóc ai mà dài dài phủ xuống gáy, xuống vai là cái ổ chí. Trời nắng ra mồ hôi thì chí cắn, gãi cấu bùm sùm lên như cái ổ rơm.

Đàn ông lấy cái tông-đơ đẩy vòng vòng là xong. Đàn bà con gái chẳng lẽ cũng hớt cua, phải cố mà giữ cái ổ rơm lại. Ngày thường lấy hột mãng cầu giã nhuyễn ra nấu nước gội đầu để diệt chí, rồi lấy dầu lửa chà lên đầu ủ tóc cho chí nó chết mà nó cũng không chết, ngồi chơi thấy ngứa ngứa thò tay gãi sột sột là rớt xuống vài con chí đen thui, mập ú no máu. Đi đâu cũng bỏ túi cây lược dầy chải chí.

Nhà tôi trước đó có tiệm uốn tóc do mẹ tôi đứng làm thợ chánh, ba người dì tôi làm thợ phụ. Từ ngày “mất nước” thì nhà tôi cũng mất tiệm chụp hình và tiệm uốn tóc, vì không mua được vật tư làm hình, các loại thuốc uốn tóc nữa, đóng cửa tiệm luôn.
Vậy chớ ngày Tết mấy chị mấy bà xóm tôi cũng điệu thấy sợ, điệu chảy nước lận đó. Không có tiệm uốn tóc hả? Mấy bả lấy đôi đũa bếp nướng cho nóng lên rồi quấn tóc vô cho nó có dợn sóng, có bà nướng nóng quá lúc quấn tóc vô cháy nghét nghẹt một đám, từ tóc dài cắt thành tóc cụt luôn. Nhưng mà nhìn chung cũng có được nhiều chị, nhiều cô làm được cái đầu quăn cho giống đi uốn tóc ở tiệm. Rồi cũng kiếm cho được cây son gió Thái Lan màu xanh rêu, tô lên môi thành màu đỏ đỏ. Tô xong mặc đồ mới đi loanh quanh trong xóm. Dù sao thì xóm tôi cũng là xứ ruộng đồng, đàn bà con gái chưng diện tới đó là hết, tiền đâu mà đòi kiểu này kiểu nọ. Từ ngày mẹ tôi đóng cửa tiệm uốn tóc thì đầu tóc của mấy bà, mấy chị trong xóm cũng “đứt chến” theo luôn.

Ở đô thị lớn như Sài Gòn thì được Hợp tác xã bán món này món nọ ăn Tết, ở nông thôn có mần ruộng, có tát đìa, xuống sông quăng chài bắt cá tôm lên làm khô ăn Tết cũng ấm cái bụng. Còn loại ở ngay chỗ hóc bà tó nửa quê nửa chợ như nhà tôi thì ruộng vườn không có, mà buôn bán làm ăn gì cũng không được. Nếu người thành phố có “quyền lợi” thì “nhà cầm quần” Hà Nội xếp nơi đây là thuộc “địa bàn nông thôn”, đến lượt dân quê có “quyền lợi” thì nhà tôi được xếp vào diện thành thị. Thành ra, dân xóm này đói vêu mỏ mấy ngày Tết, có cơm ăn với ba khía là đã ngon lắm rồi, nhiều hôm chỉ có cơm ăn với “mắm đuôi”.
Cha tôi mới làm tôm giả, cá giả cho mấy đứa nhỏ ăn bằng cách nhồi bột gạo với nước xong bỏ vô nồi khuấy cho nó nửa sống nửa chín (kêu là lấy trùng), xong đem ra lăn với bột khô nắn thành hình con cá, con tôm, ướp nước màu rồi đem kho lại cho tụi tôi ăn. Vậy mà lúc đó mấy đứa em tôi nhìn thấy là mừng húm, vui cười hỉ hả, khoe với tụi bạn nhỏ hàng xóm: “Bữa nay nhà tao có cá kho, tép kho con bự lắm bây ơi”. Thiệt con nít dễ gạt hết sức. Vậy chớ khi ăn cũng thấy dai dai, mặn mặn, ngọt ngọt, bắt cơm đáo để.

Cho đến bây giờ, cái hương vị nồi cá tôm bằng bột kho, chén muối ớt, rổ rau trai luộc tôi vẫn không thể nào quên. Ở trong tù, mỗi lần bọn công an giở chiêu trò gì mới với tù nhân, tôi lại thản nhiên nói: “Nhằm mẹ gì, tao đã sống sót qua thời kỳ bao cấp thì mấy chuyện này với tao chẳng là cái đinh gì, gãi ghẻ nghe con”.