Menu Close

Làng gốm Thanh Hà

Một trong những người thợ thủ công của làng gốm Thanh Hà
Một trong những người thợ thủ công của làng gốm Thanh Hà

Mùa đông lún phún rêu xanh tường vôi, cỏ trổ bông, mùa hè thân cây khô khốc, héo úa… Mái ngói âm dương bên nhà ông cố chồng tôi cứ thế đón nhận những mầm xanh và rồi nhận những thớ mùn khi cây chết ngót nghét đã chục năm nay. Nhìn thăng trầm của một ngôi nhà cổ, tự dưng lại nghĩ đến cái kỳ công của người thợ khi đúc từng tấm ngói, lợp từng lớp ngói trên mái nhà.

Băng qua một khu chợ cá đen ngòm, mùi và mùi, chúng tôi đến Thanh Hà, một ngôi làng nằm gần cuối sông Thu Bồn, Quảng Nam vào khoảng 9 giờ sáng một ngày cuối tuần. Tiếng tò he từ đâu đó vọng lại, xa xa một cụ già quảy đôi triên gióng trên vai để vào làng bán rau.

***

Ngày xưa bà cũng thế, bà chăm từng luống rau, trái bí, trái bầu để mang xuống chợ bán. Quãng đường dài khoảng 7km, hôm nào có trái gì đi bán, bà dậy từ lúc 4 giờ sáng. Thuở nhỏ, lúc tôi còn sống với ông bà, những hôm bà đi chợ tôi mừng lắm, vì biết rằng sáng ra, lúc bà về thế nào cũng mua cho tôi bịch chè. Cái sự mừng của con nít đôi khi cũng cảm giác đủ với chừng đó, và hạnh phúc nhiều hơn khi có hôm bà mang về cho con tò he bằng bột lọc, lúc thì con gà trống, lúc thì con khỉ, lúc thì bông hồng… và rồi rủ đám bạn ngồi ngắm nghía, và cuối cùng là khi coi đã con mắt, sợ để thêm nữa bột sẽ hỏng thì nhờ ông nướng chín trên bếp than rồi chia một đứa một miếng.

Thành phẩm chưa nung
Thành phẩm chưa nung

H1

Tôi còn nhớ, có hôm tôi giận nhỏ Cẩm (là đứa bạn cùng lớp một và cũng là bà con của tôi, nhà nó ở ngay sau nhà ông bà) nguyên cả buổi chiều chỉ vì một mình nó ăn mất cái con gà tò he của tôi. Tôi chẳng nói chẳng rằng, cứ thế ngồi khóc, mặc cho nó xin lỗi nhiều lần và bà cũng bảo là lần sau đi chợ, bà sẽ mua cho tôi cả 2 con. Chỉ đến khi ông về thì tôi mới chịu nín, vì ông bảo sẽ làm cho tôi một con tò he phát ra tiếng kêu mà lại không bao giờ bị hỏng.

***

Người mẹ trẻ bắt từng cái tai, cái chân, cái đuôi cho những con tò he mới thành hình. Ðứa trẻ ngồi đục lỗ cho những con tò he đã được nặn từ trước đó một buổi hoặc một ngày, tùy vào thời tiết để đất ráo. Tiếng thổi tò he vang lên, cô bé tu hu con tò he vào miệng và bắt đầu thổi, nhưng chỉ là để con tò he có tiếng. Một thời gian ngắn nữa thôi, sau khi chúng được đưa vào lò và nung lên, chúng sẽ theo du khách lang thang khắp nơi khi họ vào đây thăm chơi và mua về làm kỷ niệm, đó là những con tò he may mắn không bị vỡ nát vì nhiệt. Cũng có thể là chúng ngồi ngắm khách qua lại nơi phố thị Hội An bát nháo khách Trung Quốc và lâu lâu mới có một cặp tình nhân hay đôi bạn người Việt dạo chơi và chọn cho mình một cặp tò he theo tuổi.

***

Ông không nặn tò he bột lọc cho tôi. Sáng ra, ông dẫn tôi ra bờ ruộng trước nhà và lấy một ít đất màu vàng vàng, ông bảo đó là đất sét. Sau khi nhào đất kỹ, ông bắt đầu nặn, một con tò he y như bà mua, một con trâu, một con cá lóc, một con cá chép, một cái ly đất hơi méo mó một chút và cả một mâm đủ loại trái cây. Xong rồi ông bảo mang ra phơi.

Nung gốm
Nung gốm

– Ông không khéo tay cũng không phải là thợ thủ công nên nặn không được đẹp lắm! Con gắng chơi ngoan, học giỏi, mai mốt lớn lên được đi đây đi đó nhớ ghé làng gốm Thanh Hà mà xem mấy ông mấy bà họ làm, đủ thứ đồ dùng xuất phát từ làng đó.

Lời nói thấm thoắt đã hơn 20 năm, ông tôi giờ đã đi xa, còn tôi làm dâu gần làng Thanh Hà nhưng đến nay mới có dịp ghé lại thật chậm.

***

Làng gốm Thanh Hà nay không còn như trước, mặt dù Hội An trở thành xứ du lịch và Thanh Hà cũng là một trong những nơi nhiều du khách ghé thăm.

Tôi tìm đến nhà làm gốm của ông Nguyễn Lành, năm nay 83 tuổi, ông là thợ thủ công có tuổi nghề và uy tín nghề nhất Thanh Hà hiện nay. Cơ sở này do ông và bà Nguyễn Thị Chiến, cũng là vợ ông lập nên và trông coi. Rất tiếc là hôm đó bác Chiến bị mệt nên tôi chỉ có dịp trò chuyện với bác Lành, còn bác Chiến chỉ ngồi nghe. Khi nghe tôi thắc mắc về nguồn gốc  của nghề, bác Lành cho hay:

-Ngày xưa ông bà mình ở ngoài Thanh Hóa, Nghệ An đi thuyền vào đây làm ăn. Trong một lần núp mưa, núp gió, ông bà mình mới ghé vào dinh trấn Thanh Chiêm. Sau đó một vài người đi quan sát và thấy nơi này hợp đất, hợp gió có thể sống và làm nghề được nên dừng chân. Sau dần đi vào trong này và lập nên làng Thanh Hà, vậy nên mới gọi là làng Thanh Hà nhưng là Thanh Chiêm xứ. Hồi đó đi nhiều nên nhiều người nhiều nghề, nếu như con thấy thường các nhà làm nghề thủ công người ta thờ một ông tổ thôi. Nhưng ở Thanh Hà thì đền thờ Tiền Hiền có tới 7 ông, cũng là 7 nghề khác nhau.

Tạo âm cho tò he.
Tạo âm cho tò he.

Thời xưa làng gốm phát triển lắm. Từ cái nhà to chắc chắn được xây bằng gạch Thanh Hà cho đến mái lợp ngói âm dương, cũng các thợ ở làng này làm. Rồi các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như cái chén, cái nồi đất, cái ly.. cả làng làm nườm nượp từ sáng tới tối không kịp hàng nhưng giờ thì khác rồi. Chỉ làm vài cái đồ lẻ tẻ thế này để sống thôi.

– Sao vậy bác?

– Vì giờ điện đài nhiều, người ta dùng đồ điện, trước nữa thời Mỹ qua, mọi thứ người ta dùng inox. Hơn nữa, giờ ít người theo nghề con à. Mình có muốn truyền nghề lắm nhưng cũng chẳng có ai theo. Như hai bác may có đứa con trai và đứa con dâu đang theo nghề nhưng cũng khó, chỉ đủ ăn thôi. Cả làng giờ chỉ còn 3 nhà làm nghề. Nhà bác và hai nhà nữa, cháu theo con đường bê tông, đi thẳng 100 m rồi rẽ vào con đường đất sẽ gặp.

Tạm biệt bác Lành, chúng tôi tìm đến hai cơ sở sản xuất còn lại.

– Vào đây em ơi, cho cháu nắn ly, nắn bình chơi. Ở đây có nước nữa, em uống gì để chị lấy. Một phụ nữ đon đả mời chúng tôi.

– Có cả nước nữa hả chị?

– Ở đây mình chủ yếu tiếp khách du lịch, bán thêm nước kiếm chút tiền em à.

– Ở cơ sở mình sản xuất chánh là mặt hàng nào vậy chị?

– Những đồ gia dụng đó em và chánh yếu là mặt hàng trang trí.

– Mình tiêu thụ sản phẩm thế nào ạ?

– Một số mình bỏ chợ em à, như nồi đất là loại để rang muối hoặc quạt than. Mấy con tò he đất và một số vật trang trí nhỏ thì bỏ mối cho những người bán lại ở trung tâm Hội An. Còn những vật như đèn, mặt nạ trang trí… thì phía mấy công ty, khách sạn, quán cà phê họ đặt, xong mình gửi đến em à.

– Nghề này sống nổi không chị?

– Nói không nổi cũng không đúng. Bữa nay bên văn hóa du lịch Hội An họ có bán vé khách xem để bảo tồn nghề. Chỉ cần ai có làm là được chia em ạ. Em thấy đó, một số gia đình ở đây bữa nay cũng bắt đầu mở cửa đón khách rồi, không lâu thôi làng gốm sẽ lớn mạnh lại thôi.

– Vậy họ học nghề hay sao chị, nghề này có khó học không?

– Không cần em à, khách ra vào thường xuyên ấy mà. Chỉ cần sắm cái bàn xoay, tập kỹ  thuật quay, tập nặn tò he là được rồi. Khách họ chỉ trải cảm giác thôi, cái này chỉ cần mình chú ý chút là được mà!

Cái chữ “được mà” của người phụ nữ trên làm tôi thấy bất ngờ. Bởi khi người già cảm thấy buồn bã vì sự mai một của nghề gốm thì người trẻ lại lạc quan khi khách du lịch tìm đến tận ngõ. Phải chăng ở Việt Nam, khó có thể có một nơi nào đó, một nghề thủ công nào đó, hay bất kỳ một thứ gì đó… có thể giữ nguyên bản thể sau khi được trùng tu, phục hưng theo các dự án mà nước ngoài đã đổ tiền vào để giúp đỡ, nhà nước thực hiện?

Ngày nay, phần lớn người thợ gốm ở Thanh Hà là sản xuất các vật trang trí, hàng lưu niệm để bán cho du khách.
Ngày nay, phần lớn người thợ gốm ở Thanh Hà là sản xuất các vật trang trí, hàng lưu niệm để bán cho du khách.

H4

UC