
Buổi sáng gần Tết, gió hiu hiu se lạnh, cái lạnh hanh khô làm bâng khuâng và nao nức lòng người.
Cửa hàng cà phê của tôi nằm đối diện nhà máy Z751, mở hàng từ sáng sớm như thường lệ và chỉ đóng cửa sau chiều 30 Tết cho đến ngày nào công nhân nhà máy đi làm lại thì mở cửa ngày ấy.
Hàng năm anh Tê là người mở hàng cho tôi. Anh đạp xe từ Xóm Mới xuống vùng Hạnh Thông Tây, khoảng hơn 7 giờ là anh đã có mặt ở hàng tôi mặc dù nhà máy của anh 8 giờ mới bắt đầu làm việc.
Sáng hôm ấy cũng thế, anh Tê ngồi vào cái bàn góc tường để có chỗ dựa lưng, và gọi:
– Đen nhỏ!
Tôi bưng ra ly cà phê đen nhỏ nóng hổi, anh bỏ vào thìa đường cát và nếm thử:
– Hôm nay cà phê được đấy, ngon hơn hôm trước.
Cà phê của tôi thường bị khách hàng chê nghe quen tai rồi. Nghe lời khen của anh tôi giật mình ngạc nhiên, cà phê hôm nay cũng như hôm qua, như những ngày trước không hề thay đổi. Chắc là hôm nay lòng anh Tê đang phơi phới yêu đời vì gió Xuân về nên anh cảm thấy ly cà phê ngon hơn, khác lạ hơn. Tôi không dám nói ra sự thật sợ làm mất đi niềm vui bé nhỏ không mất tiền mua của anh. Anh Tê gật gù:
– Cô cứ giữ loại này đi, loại trước họ pha cà phê với hột điệp rang hay bắp rang nhiều quá, uống chẳng ra mùi vị cà phê gì cả. Loại này chắc pha ít hơn.
Tôi nói lửng lơ:
– Thời buổi bao cấp này nằm mơ thì may ra mới có cà phê nguyên chất anh Tê nhỉ. Vì các hàng cà phê như tôi chỉ đi lấy mối ở những tiệm cà phê họ rang xay pha chế sẵn. Có trời mới biết họ đã pha những gì vào.
Và tôi bào chữa cho cà phê của mình:
– Hàng cà phê của tôi bán giá bình dân cho công nhân nhà máy, loại cao cấp thì ai đủ tiền mà uống. Thời buổi này gạo muối là chính, ly cà phê chỉ là hàng thứ yếu.
Anh Tê lấy gói thuốc lá Hoa Mai bẹp dúm trong túi ra châm lửa một điếu thuốc, vừa rung đùi hút thuốc lá vừa nhâm nhi ngụm cà phê, chuyện trò:
– Hôm nay nhà máy có phân phối thịt heo tiêu chuẩn Tết đấy cô Bông, 29 Tết rồi còn gì. Tôi được một ký cho “mẹ nó” kho trứng. Con đông cần nhất nồi thịt kho trứng cầm cự trong 3 ngày Tết.
Tôi đoán đã không sai, anh Tê đang hào hứng nghĩ đến cái Tết. Tôi vui vui:
– Thế thì chiều nay tôi phải đón mua lại vài ký thịt, làm món thịt đông, món thịt kho trứng để ăn Tết. Tiêu chuẩn hộ dân chỉ nửa ký mỗi hộ thấm vào đâu.
Có những công nhân nhà máy vẫn bán lại những tiêu chuẩn của mình, từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng. Họ là nhà khá giả chê thịt tiêu chuẩn không tươi ngon hoặc nghèo mạt rệp nhưng cần tiền phải nhịn ăn nhịn dùng bán đi. Tôi bán hàng ở đây nên quen biết nhiều công nhân của nhà máy và thuận tiện mua lại những mặt hàng này.
Anh Tê là thợ hàn trong lục quân công xưởng và được lưu dụng lại, sau 1975 trại quân cụ này đổi tên là nhà máy Z751. Không biết cái vóc dáng nhỏ con gầy gò của anh là do bẩm sinh hay vì nhiều năm làm nghề hàn lao lực, hít mùi khí, mùi khói, mùi lửa nên không tươi tốt con người lên được. Anh có mái tóc dày, đã thế còn để dài bờm xờm phủ cả trán và gáy nên trông càng héo hon thêm.
Anh Tê là khách uống cà phê lâu năm, anh hơn tôi 5, 6 tuổi nên anh và tôi thân tình như anh em, có lần tôi hỏi thẳng:
– Anh Tê để mái tóc dài bù xù cho ra vẻ văn nghệ sĩ hả?
Anh cũng trả lời thẳng chẳng cần giấu giếm chi:
– Tiết kiệm tiền hớt tóc nên để dài thế đấy cô Bông ơi, vài tháng hớt một lần cho đáng.
Tôi được thể hỏi thêm câu nữa:
– Tại sao anh cứ mặc hoài một cái áo màu xanh? Chắc anh yêu màu xanh thơ mộng?
– Thơ mộng gì cô Bông ơi, tôi có vài ba cái áo mặc đi làm, cái áo xanh vải kaki bền nhất nên được mặc nhiều nhất.
Thế nên hình ảnh anh Tê còm ròm, mái tóc dài phủ gáy và mặc áo màu xanh đã quá quen mắt với tôi, anh có đạp xe cách xa nửa cây số tôi cũng nhận ra.
Anh Tê có biệt tài đánh cờ tướng, nổi tiếng là tay cao cờ của vùng Xóm Mới. Anh mê đánh cờ tướng như người ta mê gái đẹp, rượu ngon. Ở xóm tôi cũng có ông Vị mê cờ tướng và cao cờ như anh Tê. Hai tâm hồn đồng điệu đã nghe danh nhau, đã tìm gặp nhau. Điểm hẹn là quán cà phê của tôi. Bàn cờ đầu tiên coi như buổi ra mắt để xem tài nghệ của nhau. Sau đó họ đánh cờ ăn tiền cho hào hứng chứ thì giờ đâu mà đánh chơi. Hai người ngồi vào bàn cờ là quên hết trời đất xung quanh.
Tài anh Tê và ông Vị ngang ngửa nên kẻ được người thua cũng ngang ngửa thay phiên nhau.
Có hôm anh Tê thua trắng mấy bàn đã hết tiền túi còn phải trả thêm ông Vị cái lốp xe đạp tiêu chuẩn công nhân tiên tiến anh vừa được mua trong nhà máy với giá rẻ. Thế là mai mốt chiếc xe đạp của anh có mòn vỏ thì anh mua lốp chợ đen mà thay vào. Có hôm anh Tê thắng, tiền mặt từ trong túi ông Vị bay vào nằm căng túi, anh nhảy phóc lên xe đạp về, còn ông Vị thì lủi thủi lê bước về xóm mà trong lòng chắc còn cay cú.
Mỗi khi anh Tê và ông Vị khai trận đấu cờ, rất nhiều người dần dần bu quanh, hồi hộp theo dõi từng quân cờ dưới bàn tay hai đấu thủ, cùng căng thẳng, cùng reo vui hay thất vọng theo quyết định từ trong mỗi bộ óc của hai danh thủ.
Tôi bán thêm được nhiều ly cà phê và thuốc lá, và hãnh diện vì cửa hàng của tôi là điểm hẹn của anh Tê, ông Vị, và của nhiều người đến xem. Tôi phục vụ hai danh thủ rất tận tình.
Thời gian bắt đầu đánh cờ là lúc 4 giờ chiều, sau khi anh Tê tan sở, thay vì về nhà thì anh tấp vào hàng tôi, ông Vị có hẹn trước sẽ ra đúng giờ. Những buổi đánh cờ kết thúc sớm thì bảy, tám giờ tối, muộn thì chín, mười giờ đêm, hàng quán cũng rộn rịp theo giờ giấc của họ.
Có lần hai cao thủ đang đánh cờ thì cúp điện, tôi vội đi châm đèn dầu, nhưng anh Tê và ông Vị đã không kiên nhẫn chờ, họ bật quẹt gaz lên soi bàn cờ để đánh, cứ thế cho đến khi tôi mang chiếc đèn dầu ra.
Chiều nay giờ tan sở tôi thấy những công nhân tươi vui hơn mọi khi, ai cũng xách một xâu thịt heo. Tôi cũng đợi hỏi mua thịt, nhưng hôm nay vô duyên không ai bán cho tôi. Có lẽ ai đó đã chặn mua thịt heo của công nhân từ ngay cổng nhà máy nên chẳng đến lượt tôi. Thế thì chiều nay 29 Tết hay sáng mai 30 Tết tôi phải mua thịt heo chợ đen, tha hồ bị bà hàng thịt chém giá.
Anh Tê quẹo xe đạp vào, miếng thịt heo một ký lô treo tòn ten ở tay lái xe trông thật hấp dẫn, chốc nữa vợ anh sẽ vui mừng với miếng thịt này.
– Sao chưa về còn vào đây uống thêm ly đen nhỏ hả anh Tê?
Anh dựng chiếc xe đạp vào khuất một góc sân:
– Hôm nay chúng tôi có hẹn…
– Ôi, tưởng gần Tết anh tạm nghỉ cờ về nhà với vợ con chứ…
Anh cởi miếng thịt và đưa cho tôi cùng với nụ cười:
– Nhờ cô cất miếng thịt trong thùng đá cho tươi, tôi có về trễ mẹ nó cũng không xót, tôi làm vài ván rồi về. Tết và cờ tướng không ảnh hưởng gì đến nhau.
Ông Vị ung dung ra đến. Những cặp tình nhân hẹn hò nhau cũng chưa chắc đúng giờ đúng hẹn như hai ông cờ tướng này. Bàn cờ nhanh chóng được bày ra, khách hàng cũng dần dần bu quanh. Không biết có ma lực gì mà người đánh cờ ghiền đã đành, người xem cũng ghiền luôn.
Chiều nay anh Tê thua đậm, cuộc cờ kết thúc sớm vì anh không còn tiền để chơi tiếp. Anh Tê não nề đứng dậy, khi dắt xe đạp anh nói với tôi:
– Miếng thịt heo tôi gởi cô đã… thuộc về ông Vị rồi, chốc cô đưa cho ông ấy.
Anh Tê đạp xe đi. Ông Vị đến bên tôi:
– Hôm nay tôi gỡ được mẻ thua lần trước, tôi chẳng cần miếng thịt heo này, tôi bán lại cho cô, cô cứ trả bằng giá từng mua là được, dù lúc nãy hắn tính với tôi miếng thịt đắt lắm, tôi đang thắng nên nhường hắn chẳng kỳ kèo…
Thế là tôi đã mua được một ký thịt với giá rẻ bất ngờ, tôi mừng rỡ trả tiền cho ông Vị. Nhưng niềm vui trong lòng tôi chợt tắt ngúm khi nhớ đến vẻ mặt hí hởn của anh Tê lúc sáng khoe sẽ được tiêu chuẩn ký thịt này cho vợ kho trứng ăn Tết, vẻ mặt tươi hơn hớn lúc nãy khi anh nhờ tôi cất miếng thịt vào thùng đá cho tươi để mang về nhà cho vợ. Tôi lại nhớ đến vợ anh, đã quen vợ anh như thế nào.
Tôi ở Hạnh Thông Tây thì đi chợ Hạnh Thông Tây, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn đạp xe đi chợ Xóm Mới vì không quá xa, chỉ hơn một cây số.
Sáng hôm Chủ Nhật tôi vừa đến đầu chợ Xóm Mới đã gặp cái dáng còm ròm với áo xanh quen thuộc của anh Tê bên một phụ nữ bán chuối trên chiếc xe đẩy. Tôi đã dừng xe lại hỏi thăm anh Tê, anh cho biết bao lâu nay vợ anh bán chuối kiếm thêm tiền cùng với lương công nhân của anh mới đủ nuôi con. Thời gian này vợ mang thai đứa con thứ tư. Để phụ vợ bớt nhọc nhằn, những Chủ Nhật hay ngày nghỉ nào anh cũng đi theo vợ đi bán, đẩy xe chuối cho vợ.
Hàng chuối là một chiếc xe đẩy tự chế có 3 bánh, trên mặt bày la liệt những nải chuối tiêu. Vì không có mặt bằng để bán trong chợ nên mới có loại “cửa hàng di động” như thế này. Chị bán chuối thu tiền, anh đẩy xe chuối kẻo đứng lâu một chỗ bị công an phạt.
Tôi quen chị Tê từ đó, rồi mỗi khi đi chợ Xóm Mới tôi đều tìm xe chuối đẩy của chị mua ủng hộ, cũng như anh Tê đã uống cà phê ủng hộ hàng tôi suốt mười mấy năm qua. Hình ảnh chị Tê đội chiếc nón lá, mặc cái áo dài tay khoác ngoài để tránh nắng và gió bụi, bụng mang thai mấy tháng đã to lề mề, đẩy xe chuối vòng vòng khắp mấy con đường quanh chợ Xóm Mới, luôn làm tôi cảm thương dù tôi cũng có nỗi chật vật của riêng mình.
Tôi bật dậy, chạy ra thùng đá lấy miếng thịt treo vào tay lái xe đạp, rồi đạp hối hả đuổi theo anh Tê sau khi đã nhờ bà hàng xóm trông hàng hộ. Tưởng anh đã đi khá xa, nhưng tôi vẫn thấy anh Tê đang còng lưng đạp xe phía trước, tôi lao nhanh đến bên anh và chặn đầu xe, cả hai cùng dừng xe lại.
– Sao anh Tê đi chậm thế? Chắc thua cờ không còn sức đạp xe về nhà hả?
– Thắng thua là thường tình, chẳng qua là xe đạp tôi nãy giờ bị tuột xích mấy lần nên ì ạch mãi…
Tôi nhìn xuống chiếc xích xe đạp của anh, nó chùng xuống lỏng le như cái võng, hèn gì tuột xích mấy lần, và hai cái vỏ xe cũng cũ mòn như con người anh.
Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, anh giải thích:
– Hôm tôi thua cờ phải bán đi cái vỏ xe, nhưng vài hôm sau tôi thắng lại. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, có bao thứ cần tiêu thế là vẫn chưa thay được cái vỏ xe mới.
Tôi lấy miếng thịt từ tay lái ra, treo vào tay lái xe anh:
– Trả lại anh miếng thịt heo này.
Anh Tê ngạc nhiên:
– Ơ hay, tôi đã bảo cô là tôi gán miếng thịt này cho ông Vị rồi mà. Miếng thịt đã thuộc về ông Vị.
– Bây giờ miếng thịt thuộc về tôi vì ông Vị đã bán cho tôi…
Không để anh hỏi han thêm tôi hạ giọng năn nỉ:
– Anh Tê, chiều nay tôi đã mua được mấy ký thịt của công nhân rồi nên không cần miếng này nữa, anh mang về cho chị làm món kho trứng ăn Tết nhé…
Anh Tê cương quyết từ chối:
– Tôi cám ơn lòng tốt của cô nhưng tôi biết cô bán từng ly cà phê đen, từng ly trà đá, từng điếu thuốc lá lẻ, sao tôi có thể nhận không ký thịt của cô được.
Tôi năn nỉ tiếp:
– Đúng thế, nhưng tôi không nghèo thêm nếu không có miếng thịt này. Bao nhiêu năm anh là khách hàng cà phê quen thuộc của tôi, coi như đây là món quà Tết tôi thưởng cho anh có được không?
– Không, cô có là giám đốc nhà máy của tôi đâu mà thưởng công cho tôi. Cô đừng… hoa mỹ thế.
Tôi cũng cương quyết:
– Vậy thì tôi biếu chị Tê và các cháu, nhờ anh mang về giùm nếu không tôi nhất quyết không để anh ra về đâu.
Nhìn vẻ mặt và giọng nói cương quyết của tôi anh Tê hơi ngần ngừ, tôi bồi thêm:
– Anh yên chí đi, miếng thịt này ông Vị bán cho tôi với giá rẻ, bây giờ tôi phải về bán hàng, chả lẽ đứng đây giằng co với anh mãi à…
Nói xong tôi quay đầu xe, đạp luôn một lèo khiến anh Tê không thể kêu ca từ chối nữa.
Năm 1991 gia đình tôi xuất cảnh sang Mỹ, từ đó biệt tăm tin tức anh Tê.
Mỗi khi đi chợ Tết, đứng bên quầy thịt ê hề, hay lúc ngồi bên mâm cỗ thịt thà đầy đủ, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến miếng thịt heo ngày Tết của anh Tê, thời bao cấp sau 1975.