Tin Thất Tôn
Hôm nay là ngày vui của ba, phải nói là một ngày vui nhất từ ngày bỏ nước ra đi. Thấy con xúng xính trong chiếc áo dài đen tốt nghiệp với ba gạch cánh gà trên tay áo, thêm cái mũ lọ nồi trên đầu, lòng ba nao nao làm sao ấy.
Hình ảnh của con đã đưa ba ngược dòng thời gian hơn bốn thập niên trước đây ở quê nhà, ba cũng có một ước mơ như con là cố gắng học tập để trở thành một người hữu dụng cho đất nước sau này. Nhưng ước mơ của ba cùng hàng triệu thanh niên miền Nam đã đi vào ngõ cụt, sau ngày miền Nam đổi chủ tháng 4/1975, chính quyền cộng sản đã thực hiện chính sách trả thù vặt đưa hàng vạn nhân tài miền Nam lên rừng cải tạo, một số bị tống ra chợ trời. Con cái của những gia đình liên quan chế độ không được vào các trường đại học, trung cấp dạy nghề hay bất cứ công việc gì liên quan đến chính quyền hay các tổ chức hợp tác xã.
Ông nội con là một sĩ quan của quân đội miền Nam đã bị đi tù cải tạo sau tháng 4/1975. Với cái lý lịch nặng nề này, ba đã hoàn toàn bị gạt ra bên lề xã hội. Có lẽ không một nỗi đau nào hơn là bị kỳ thị ngay chính quê hương của mình, nó còn tồi tệ hơn nạn kỳ thị màu da mà con đã học trong lịch sử của Hoa Kỳ, đây cũng là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử 4000 năm lập quốc của dân tộc Việt Nam.

Năm 1979, chính quyền cộng sản thi hành chính sách cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản. Gia đình nội con thuộc diện tư sản, ngụy quân bị cộng sản cho là có nợ máu nhân dân; cộng thêm một số tội trạng khác, bà nội cũng bị bắt đi tù cải tạo, toàn bộ tài sản, nhà cửa, đều bị tịch thu.
Ðể sống còn, từ Nha Trang theo tuyến đường xe lửa, ba đã tha phương cầu thực, lưu lạc vào tận miền Nam Rạch Giá-Kiên Giang, không một mảnh giấy lận lưng, không hộ khẩu, sống như hồn ma vất vưởng, làm đủ mọi ngành nghề, kéo xe cây, đạp xe lôi, phụ hồ, vá xe đạp v.v… Ăn uống thì bữa đói bữa no. Một bữa cho hai ngày là chuyện thường tình. Ngủ thì vỉa hè, góc phố. Ðể tránh sự chú ý của công an khu vực và chính quyền địa phương, ba phải thay đổi chỗ ở liên tục. Hằng đêm ba phải sống trong hồi hộp, lo âu sợ hãi, không biết bị bắt khi nào và ngày mai sẽ ra sao? Có nhiều đêm ba mong ước sao, sẽ không phải thức dậy nữa, cái chết đến với ba bây giờ quả là một điều hạnh phúc. Rồi vận may đã đến, tình cờ một người khách vá xe nhận ra ông nội con trong lúc trò chuyện, vì cùng là chiến hữu trong quân đội miền Nam, hiểu được những nỗi đau cùng cực của gia đình và thân phận người thua cuộc, ông đã quyết định cho ba một cơ hội ra biển Ðông mà không lấy một đồng thù lao nào, ơn này ba xin khắc mãi trong lòng. Cuộc hải trình mười ngày, ra đi từ Rạch Giá với 52 thuyền nhân trên con thuyền gỗ mong manh bé nhỏ, ba lần hải tặc, hai lần Thái Lan và một lần Mã Lai, cướp bóc, đánh đập, hãm hiếp tơi tả. Giá trị Tự Do quả là quá đắt, máu và nước mắt đôi khi chưa đủ để đổi lấy nó. Cầu mong 52 thuyền nhân con tàu Kiên Giang 460 có được cuộc sống tốt đẹp và an lành nơi quê người sau cái biến cố bi thương này. Ðến giờ, thỉnh thoảng ba vẫn còn chiêm bao những cơn ác mộng đó.
11 giờ trưa ngày 28/12/1981, ba đã quỳ xuống hôn lấy mảnh đất tự do Pulau Bidong Malaysia, kết thúc cuộc hành trình tìm tự do đầy đau thương và nước mắt.
Kiếp lưu vong của ba bắt đầu từ đây, đã hơn ba thập niên qua, ba mẹ nhiều lần bàn tính đưa hai con về thăm Việt Nam để biết nơi mà ba mẹ được sinh ra và lớn lên, nhưng với ký ức đau buồn trong chuyến vượt biển năm nào, cộng thêm những năm tháng lưu đày, tủi nhục ở quê nhà, vết thương lòng sâu đậm này khó có thể quên được dù đã sinh sống ở quê người một thời gian dài. Như người Mỹ thường nói “Forgive but never forget”, nên về thăm Việt Nam vẫn là điều ước mơ chưa thực hiện được.
Ba còn nhớ, lên hai tuổi con đã đi nhà trẻ, vì ba mẹ phải đi làm mà nội ngoại lại ở tiểu bang xa. Vào những ngày đông giá lạnh, dù mẹ đã quấn con trong nhiều lớp chăn, nhìn mặt con tím lạnh mà lòng ba đau thắt ruột. Có những ngày ba phải ở lại làm thêm cho hết công việc và nhà trẻ lại không giữ con ngoài giờ quy định, thế là ba phải đón con về sở làm, tạm giấu con trong phòng làm việc của ba để tránh sự dòm ngó của nhân viên. Con của ba rất ngoan đã ngủ ngon lành dưới gầm bàn làm việc của ba. Rồi những ngày trái gió trở trời, con không được khỏe, ba mẹ thay phiên ôm con trên vai thâu đêm để con được yên giấc. Ngày con đi mẫu giáo, tay dắt con, lưng thì cõng em gái (kém con ba tuổi), đường thì lầy lội tuyết, di chuyển khó khăn, nhưng mẹ vẫn đưa con đến trường với một quãng đường khá xa, với mẹ, mất một ngày học của con là một điều khó chấp nhận được.
Lớn lên chút nữa, ba phải ngồi với con hằng đêm với bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia, theo thời gian tiến lên lũy thừa, căn số, rồi đạo hàm, tích phân, phương trình chuyển động con lắc vật lý ở cuối năm trung học.
Ðể chăm sóc chu đáo hai con, mẹ phải tìm việc ca đêm, ba thì đã có việc ca ngày, đây có lẽ là giai đoạn khó khăn và dài nhất mà gia đình mình đã đi qua.
Cuộc sống đầy khó khăn, bế tắc, không lối thoát ở quê nhà, thêm những năm tháng la lết từ trại tị nạn này qua trại tị nạn khác, sống nhờ lòng thương của thế giới, rồi tới xứ người với hai bàn tay trắng, tơi tả, phải làm lại tất cả, bắt đầu từ con số không to tướng, những chặng đường đầy thử thách, cam go đó đã tôi luyện, giúp ba thêm sáng suốt và nghị lực để lèo lái con tàu gia đình mình đến bến bờ hôm nay.
Ba cũng xin cám ơn các nước tự do như Canada, Hoa Kỳ, Australia và một số nước Châu Âu, với trái tim ấm áp tình người, họ đã dang tay đón nhận thuyền nhân Việt Nam không phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Nhờ đó mà con đã có cơ hội đạt những thành tựu ngày hôm nay. Khác với những người anh em cùng dòng máu bên kia bờ đại dương đã xua đuổi và kỳ thị chúng ta một cách lạnh lùng.
2009, con đã hoàn tất bậc trung học, hạng ba trên 391 học sinh mà đại đa số là học sinh Á Châu đến từ Ấn, Hàn, Việt và Trung Quốc, cuộc ganh đua thật cam go vì hầu hết học sinh Á Châu học hành rất chăm chỉ. Họ đều là những đối thủ đáng nể. Con đã được học bổng toàn phần 4 năm của đại học UGA (University of Georgia ). Ngày tựu trường đưa con vào ký túc xá của UGA, đây là lần đầu tiên con xa gia đình. Trên đường về nhà, mẹ đã hỏi ba nhiều câu hỏi ngớ ngẩn “không biết đêm nay lạ chỗ, con có ngủ được không? Những ngày tới, không biết con có thích nghi với môi trường mới hay không?” v.v…
Thì ra cho dù con có bao nhiêu tuổi đi nữa, với mẹ, con vẫn bé nhỏ, luôn cần quan tâm và che chở.
2013, bốn năm nhanh chóng trôi qua, con đã hoàn tất văn bằng cử nhân sinh hóa ngành phân tử di truyền học và chương trình dự bị y dược.
Sau khi bàn thảo với gia đình, con quyết định lấy kỳ thi PCAT (Pharmacy college admission test) và ghi danh theo học chương trình Tiến sĩ Dược khoa (Doctor of Pharmacy hay còn gọi là Pharm D.). Ba rất tôn trọng ý kiến sau cùng của con, cũng như con luôn luôn lắng nghe ý kiến ba mẹ trong mọi vấn đề. Ðây là nền tảng dân chủ mà ba luôn thực hiện bắt đầu từ đơn vị nhỏ là gia đình đến đơn vị lớn là xã hội, quốc gia sau này.

Ðể thực hiện cuộc sống tự lập, con vừa đi làm vừa đi học, cho dù gia đình vẫn trợ giúp con phần nào, nhiều đêm con chỉ ngủ có 3 tiếng, quả là có công mài sắt có ngày nên kim như cha ông ta đã từng nói.
Hôm nay 12/05/2017, ở lứa tuổi 25, với bước đi vững chãi tự tin, ánh mắt đầy lạc quan, con bước lên đại sảnh đường của phân khoa dược để đón nhận văn bằng tiến sĩ dược khoa từ tay vị khoa trưởng.
Con ơi! Giây phút này thì không bút mực hay câu nói nào có thể diễn tả niềm vui của ba mẹ. Những dòng nước mắt tuyệt vời, sung sướng, long lanh trên khuôn mặt mẹ đã thay cho lời nói.
Cám ơn con đã tặng cho ba mẹ một phần thưởng vô giá, đây là một vinh dự lớn lao của gia đình mình nói riêng, cũng là niềm tự hào chung cho cộng đồng người Việt Nam tị nạn hải ngoại. Rồi đây em gái cũng nối tiếp bước chân con sẽ hoàn tất chương trình Tiến sĩ Dược khoa như con vào năm 2020 này, cũng như em đã hoàn tất Cử nhân Hóa học, ngành hóa tổng quát và chương trình dự bị y dược trong năm 2016 vừa qua.
Ngày mai đây, con phải lên đường về miền Trung Tây Hoa Kỳ để vào chương trình nội trú bệnh viện 2 năm. Con đã thật sự trưởng thành về thể lực cũng như tinh thần.Với đức tính khiêm tốn, kiên trì làm việc, tinh thần trách nhiệm cao và không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Ba tin chắc con sẽ có nhiều cơ hội cống hiến năng lực, trí tuệ cho quê hương đất nước Hoa Kỳ, nơi mà con đã được sinh ra và lớn lên. Ba mẹ luôn theo dõi bước chân và hỗ trợ con trong bất cứ một trường hợp nào. Ba mẹ chúc mừng con, đất nước Hoa Kỳ cũng chúc mừng con.
Ðể kết thúc những dòng tâm tình cho con, ba xin mượn một đoạn văn trong tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” mà ba đã học được hơn 5 thập niên qua ở quê nhà, cũng như ba đã dùng nó làm kim chỉ nam cuộc đời, mong rằng trong túi hành trang vào đời của con cũng sẽ không thiếu nó.
Norman Thất Tôn, con ơi.
“Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt làm cừu địch và lấy văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát”.
Ba tin chắc con sẽ không bao giờ là một tên lính hèn nhát, một điều chắc chắn hơn nữa là con sẽ không bao giờ và không bao giờ là một tị nạn thuyền nhân phải bỏ nước ra đi như ba mẹ đã từng trải qua.
TTT
Từ miền đông nam Hoa Kỳ, mùa ra trường 2017.