Ðôi khi trong đời sống thường ngày một vài kỷ niệm nào đó từ quá khứ bất chợt quay lại trong ký ức, lòng ta không khỏi bồi hồi hay chợt mỉm cười hoặc thoáng nhớ nhung điều mà tưởng như đã lắng chìm tận cùng tiềm thức xa xưa.
Nhớ có một dịp tôi ra Pleiku bằng Hàng không quân sự, C130, để thăm nhà tôi thuyên chuyển ra ngoài ấy, đó là lần đầu tôi đi máy bay quân sự và chỉ một lần. Anh liên lạc được với ban hành chánh của Bộ chỉ huy binh chủng anh đang phục vụ ở Gò Vấp, Hóc Môn để xếp cho tôi một chỗ ngồi trên chuyến bay theo danh sách gia đình quân nhân. Lần đầu đi xa đến nơi mới lạ một mình tôi rất e ngại, đêm trước anh gọi điện về bảo tôi yên tâm anh sẽ ra phi trường quân sự Pleiku đón tôi.
Bên trong chiếc phi cơ quân sự chỉ có hai dãy băng ghế dọc theo hai bên vách thành phi cơ, còn lại giữa lòng phi cơ là khoảng rộng trống không. Cảm giác ngồ ngộ vì không giống máy bay dân sự của Hàng không Việt Nam mà tôi đã có dịp đi vài lần trước. Tôi có được một chỗ ngồi trên băng ghế sát thành phi cơ gần phòng lái. Khi đã yên ổn vào chỗ rồi, tôi nhìn xung quanh nhiều người đang tiếp tục lên phi cơ tay xách nách mang. Khi hai bên dãy ghế đã đầy thì những người lên sau ngồi xuống sàn trống ở giữa lòng phi cơ thản nhiên như họ rất quen thuộc với chuyến đi. Họ chào hỏi cười nói với nhau. Và chính tôi cũng thấy như là quen thuộc với những gương mặt nhọc nhằn, rắn rỏi, kiên cường đó; tất cả đều là quân nhân thuộc các binh chủng khác nhau và gia đình quân nhân. Nhìn qua nhìn lại, dù chẳng gặp một ai quen biết, nhưng tôi cũng chào hỏi xã giao với hai người ngồi bên cạnh.
Tôi dựa đầu ra sau nhắm mắt lại, tiếng động cơ bắt đầu nổ lớn, phi cơ chuyển động không còn nghe rõ tiếng nói của những người chung quanh, tim tôi cũng đang đập nhịp mạnh theo tiếng máy phi cơ rung lên lúc đó. Khi phi cơ bay trên không trung một lúc, tôi mở hé mắt ra chợt thấy một vài giọt nước rơi xuống từ nóc phi cơ, tôi ngạc nhiên ngước lên nhìn tự hỏi “máy bay bị dột?”. Ðối diện dãy ghế bên kia thành phi cơ có một vị sĩ quan Không quân trong bộ đồ đi bay của phi công nhìn theo hướng mắt của tôi rồi nhìn tôi, xong ông tiếp tục cúi xuống tờ báo đang cầm trên tay như chẳng có gì xảy ra. Vài người đang ngủ gà ngủ gật dựa vào túi “ba lô”, có người đọc sách báo hay làm vài việc vặt gì đó, tôi vẫn còn run chỉ mong cho mau tới nơi.
Sau khi phi cơ đáp mọi người lần lượt ra khỏi phi cơ, có người thì có xe tới đón, có người khác tất tả chận các chiếc GMC và Dodge của quân đội đang chạy ngang qua hỏi xin quá giang ra phố hay những nơi có cùng hướng đi. Thời tiết sắp vào thu mát lạnh mưa lất phất, tôi mặc vội chiếc áo khoác vào. Quang cảnh không như tôi tưởng, rừng núi chập chùng, xung quanh có điều gì là lạ của vùng đất đỏ mà tôi thường nghe trong những bài thơ nhạc nói về cao nguyên, có cái gì như thân quen khó mà diễn tả cảm giác của tôi lúc đó. Một chiếc Dodge nữa vừa trờ đến, chỉ còn lại vài người đang đứng quanh đó vội chạy đến hỏi xin đi nhờ. Nhìn quanh quất chẳng thấy chiếc Jeep nào của nhà tôi ra đón, tôi bắt đầu lo nếu nhà tôi về không kịp từ nơi hành quân thì tôi biết làm sao đây. Còn đang đứng lóng ngóng chợt có tiếng hỏi :
“Cô có đi ra phố không? Hay cô chờ người nhà ra đón?”
Tôi quay qua phía có tiếng hỏi nhận ra đó là vị sĩ quan Không quân ngồi đối diện nhìn tôi khi những giọt nước rơi xuống lúc phi cơ đang bay trên độ cao. Tôi nhìn thấy hai bên cổ áo của ông mang cấp bậc thiếu tá, liếc vào bảng tên trên túi áo “TH..”, tôi ngập ngừng trả lời:
– Dạ, đáng lẽ có người nhà ra đón mà sao chưa thấy tới.
Vị Thiếu tá nói:
– Nếu cô biết đi về đâu tôi sẽ đưa cô đến đó cho. Và nói thêm:
– Giờ này những người làm việc ở đây chuẩn bị về nhà rồi đó. Chỉ còn những người tới phiên trực thôi.
Tôi nghĩ thầm, tôi nào có biết đâu là đâu nhưng nếu không lên chuyến xe này thì chỉ còn tôi trơ trọi một mình trong phi trường bắt đầu vắng bóng người này. Tôi vội nói:
– Tôi biết tên nhưng không biết căn cứ đơn vị nhà tôi đóng ở đâu.
Khi nghe tôi nói tên căn cứ có một người đang ngồi phía sau xe lên tiếng biết và cũng đi về hướng đó. Vị Thiếu tá nói:
-Nếu cô muốn đi về căn cứ đó thì tôi đưa giùm cho.
Thấy mọi người đã lên xe hết, tôi nghĩ thà về đơn vị của nhà tôi còn hơn lóng ngóng ở đây, tôi nói với vị Thiếu tá:
– Vậy thì xin làm phiền Thiếu tá cho tôi quá giang tới căn cứ đó vậy.
Rồi tôi bước tới phía sau chiếc Dodge định leo lên ngồi chung với những người lính quân phục khác nhau thì vị Thiếu tá vội nói:
-Cô lên băng trước này còn ngồi được một chỗ.
Ông nhường tôi lên trước ngồi kế bên người tài xế. Ông đưa những người quá giang trên xe ra phố tới vài nơi thuận đường, xuống xe họ quay lại nói với tôi nửa đùa nửa thật.
“Nhờ cô hôm nay tụi tôi được đưa về tận nơi đó” rồi cười vui vẻ.
Ðường ra phố có vẻ trơn trợt, phố xá đìu hiu chẳng khác gì trong câu hát “Ði dăm phút đã về chốn cũ”, có những hàng phượng vĩ vẫn còn lấm tấm hoa như muốn hòa mình với màu đất đỏ của vùng đất cao này, làm mình tưởng như đang trở về sân trường cũ ngày nào.
Tôi là người cuối cùng còn lại trên xe, vì phải ra xa ngoài thành phố. Căn cứ nằm trên một ngọn đồi được biết lúc trước là phi trường nhỏ của quân đội Mỹ giao lại. Khi xe đến cổng trại, hỏi thăm người lính gác cổng đúng là nơi nhà tôi đang phục vụ, chú lính ấy cho biết nhà tôi mới từ hành quân về và đang ra phi trường đón tôi, đoạn mở cổng cho chiếc Dodge chạy vào. Trời bắt đầu đổ mưa. Tôi nhờ chú lính báo cho nhà tôi biết tôi đã về đến căn cứ.
Quay lại, tôi nói với vị Thiếu tá:
– Cám ơn Thiếu tá nhiều lắm, đã giúp đưa tôi về đây
Vị Thiếu tá vui vẻ nói:
– Cô đừng ngại có cần giúp gì cứ cho biết nếu tôi có thể giúp cô nhé.
Sau khi từ giã, vị Thiếu tá ra về, tôi cứ mãi thấp thỏm về chốn lạ không nhớ để hỏi thêm về ông nên chẳng có liên lạc gì sau đó.
Mỗi lần nghe lại bài hát “Còn một chút gì để nhớ” của Phạm Duy lòng tôi chạnh nhớ đến khung cảnh, thời gian, không gian tình người nơi mà ngày nào tôi đã đi đi về về hơn hai năm từ giữa năm 72 cho đến đầu năm 75.
Vào tháng 3/75 khi chúng tôi đang trên đường trở ra Pleiku vào kỳ nghỉ phép thường niên của nhà tôi bằng đường bộ, lúc anh lái xe đến Qui Nhơn thì quốc lộ bị đóng vì trận chiến đang diễn ra phía trước nên không thể tiếp tục đi được nữa. Anh phải để tôi và hai con trở về Sài Gòn bằng xe đò, còn anh đến trình diện căn cứ binh chủng của anh nơi đây rồi ở lại đó để đón tiếp các quân nhân di tản từ miền ngoài vào bằng đường bộ. Sau đó, trại tạm tiếp đón dời về Nha Trang cho đến ngày Nha Trang thất thủ. Anh cùng một số đông đồng bào nơi đây tìm cách di tản bằng tàu đánh cá của ngư dân vào Vũng Tàu cũng lắm nỗi gay go. Lúc này ba tôi vừa nghỉ hưu vài tháng, ông được cấp một căn trong cư xá sĩ quan Lục Quân Công Xưởng ở Gò Vấp, tôi về ở đây để chờ tin tức của nhà tôi. Cho đến khi đài BBC loan tin Nha Trang thất thủ thì cả nhà hoàn toàn bị sốc nghĩ rằng anh đã bị kẹt lại ngoài đó. Ðến nửa khuya đêm đó anh xuất hiện ở ngưỡng cửa, người ngợm lấm lem hốc hác như vừa trở ra từ cuộc hành quân trong rừng vậy. Không sao kể xiết nỗi vui mừng của cả nhà lúc ấy.
Sau biến cố của đất nước, bao nhiêu năm tha phương nơi xứ lạ. Những bài thơ, nhạc và hình ảnh nhắc nhớ về Pleiku bất chợt tôi nghĩ đến người sĩ quan Không quân ngày nào. Không biết anh có thoát nạn hay mang thân tù đày như những quân nhân khác còn bị kẹt lại ở Việt Nam sau ngày 30 tháng tư 75. Cám ơn anh vị sĩ quan Không quân của QLVNCH, cám ơn anh người hào hoa mà một lần tôi đã mang ơn.

L (Soạn lại 2017)