Menu Close

Hoa Kỳ và hiệp ước Paris

Tuần qua, Tổng thống Donald Trump lại một lần nữa trở thành mục tiêu tấn công từ khắp mọi phía sau khi tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp ước Paris vào hôm Thứ Năm 1/6, và lần này không chỉ từ phía truyền thông mà luôn cả nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, đặc biệt có Pháp, Đức và Ý đã lên tiếng chỉ trích đồng thời đưa ra một thông cáo chung nói rằng cho dù có Hoa Kỳ hay không thì nước họ vẫn giữ cam kết thực hiện đúng với bản hiệp ước.

hoa-ky-va-hiep-uoc-paris3
nguồn: salon.com

Trước khi đưa ra lời tuyên bố trên, chắc ông Trump cũng đã liệu trước là sẽ gây sóng gió, và mặc dù các cố vấn quan trọng – từ Ngoại trưởng Rex Tillerson đến cố vấn Jared Kushner và thậm chí ngay cả cô con gái Ivanka Trump – đều khuyên là nên ở lại trong hiệp ước, nhưng tại sao ông Trump vẫn làm? Lý do không phải là ông không biết lắng nghe hay không hiểu vấn đề mà vì ông muốn chứng tỏ cho các cử tri đã bầu cho ông thấy rằng ông là người biết trọng lời hứa. Nếu những ai đã từng theo dõi kỹ cuộc vận động tranh cử Tổng thống vào năm ngoái đều nhớ là ứng cử viên Donald Trump từng hứa nếu trở thành Tổng thống ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Paris vì cho rằng đây là một “thoả thuận bất lợi” (bad deal) đối với nước Mỹ. Do đó, quyết định trên không hẳn là điều gây bất ngờ, nó cũng tương tự như lần trước khi ông Trump tuyên bố rút lui khỏi hiệp định TPP, và chỉ xem đây như một hành động thuần tuý chính trị có lợi cho ông. Những cuộc thăm dò chớp nhoáng sau đó cho thấy rất đông những cử tri đã từng bầu cho Trump đều đồng ý với quyết định trên. Trong khi đó, những người chống đối cho rằng “một hành động chính trị khôn ngoan không hẳn là một chính sách khôn ngoan” (Good politics is not always good policy.)

Hiệp ước Paris (tiếng Pháp: Accord de Paris, tiếng Anh: Paris Climate Accord) là một thỏa thuận chung đặt trong khuôn khổ Công ước Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) được 195 quốc gia đồng thuận ký kết và thông qua tại Paris vào ngày 12-12 năm 2015 nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính toàn cầu bắt đầu từ năm 2020. Cho đến nay có 148 quốc gia đã được quốc hội của nước họ phê chuẩn hiệp ước.

hoa-ky-va-hiep-uoc-paris
Ba quốc gia duy nhất không tham gia Hiệp ước Paris – nguồn CNN

Mục đích chính của hiệp ước là: (1) Giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C trên mức nhiệt độ của thời kỳ tiền kỹ nghệ với nỗ lực tìm cách giới hạn nhiệt độ tăng không quá 1.5°C để có thể giảm bớt nguy cơ và ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu; (2) Gia tăng khả năng thích nghi với những ảnh hưởng xấu do biến đổi khí hậu và khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với việc giảm bớt phát khí thải nhà kính nhưng không đe doạ đến công việc sản xuất thực phẩm; và (3) Tạo điều kiện đầu tư tài chánh nhắm tới công cuộc giảm thấp khí thải nhà kính và phục hồi khí hậu toàn cầu (bắt đầu từ năm 2020, các nước giàu sẽ góp mỗi năm $100 tỉ vào quỹ chung để giúp các quốc gia đang phát triển trong nỗ lực thực hiện các cam kết trong Hiệp ước).

Trong bản thoả thuận chung, mỗi quốc gia tự xác định phần đóng góp theo khả năng của mình trong nỗ lực làm giảm hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Hơn nữa, trong bản thoả thuận không có một cơ chế nào bắt buộc một quốc gia phải đưa ra mục tiêu cụ thể và thời điểm cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Nói tóm lại, tất cả chỉ là tự nguyện, và điều này đã làm nhiều người nghi ngại về thực chất của hiệp ước và nghi ngờ về sự cam kết của một số nước có thể chỉ là trên danh nghĩa. Do đó, có người đã so sánh Hiệp ước Paris cũng sẽ đi đến kết quả giống như Nghị định thư Kyoto (có hiệu lực từ năm 2005), cũng là một hiệp ước trong nỗ lực giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu nhưng đã hoàn toàn thất bại.

Trong Hiệp ước Paris, nhiều quốc gia được nằm trong quy chế là những quốc gia đang phát triển nên không bị áp lực phải đệ trình những cam kết rõ rệt mà chỉ chung chung và gần như không có chút ý nghĩa nào. Trong đó phải kể đến những quốc gia đông dân nhất trên thế giới và có nền kinh tế mạnh như Trung Quốc, chiếm tới 30 phần trăm lượng khí thải nhà kính toàn cầu, nhưng chỉ hứa là sẽ đạt mức thải cao nhất khoảng năm 2030 và sau đó giảm dần, nhưng giảm bao nhiêu thì không thấy nói đến. Ấn Ðộ cũng không đưa ra một cam kết nào mà chỉ hứa là sẽ cải thiện việc tiêu thụ năng lượng trong nước. Còn Pakistan chỉ cam kết là sẽ “giảm phát khí thải ở một thời điểm có thể chấp nhận được sau khi đạt mức cao nhất”, khi nào là mức cao nhất thì cũng không đề cập.

hoa-ky-va-hiep-uoc-paris2
TT Trump tuyên bố quyết định rút khỏi Hiệp ước Paris – nguồn AP

Trong khi đó, Hoa Kỳ, dưới thời TT Barack Obama, đã đệ trình một cam kết cụ thể nhắm đến năm 2025 sẽ cắt giảm khí thải nhà kính khoảng 26 đến 28% dưới mức thải của năm 2005. Ðây là một tham vọng lớn và có thể đưa đến nhiều bất lợi. Theo kinh tế gia Nicolas Loris và chuyên gia Brett Schaefer, chuyên nghiên cứu về chính sách Liên hiệp quốc, mới đây cho biết chỉ riêng chính sách kiểm soát khí thải của Hoa Kỳ hiện nay sẽ làm tăng ngân sách chi tiêu về năng lượng cho các gia đình và cơ sở kinh doanh của nước Mỹ, và đến năm 2035 sẽ mất khoảng 400,000 công ăn việc làm và hao hụt lợi tức trung bình hơn $20,000 cho một gia đình 4 người. Do đó, đã có một số người chỉ trích cho rằng Tổng thống Obama đã hứa hẹn quá nhiều mà ngay cả chính sách năng lượng của ông cũng không thể mang lại.

Theo một phúc trình của Viện đại học Kỹ thuật Massachusetts (MIT), nếu như tất cả các quốc gia đều tuân thủ những cam kết của họ thì đến năm 2100 nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ giảm được 0.2°C, và đây là con số tương đối hào phóng.

Dưới mắt của một nhà kinh doanh như Tổng thống Donald Trump thường có thói quen cân nhắc lợi hại trên các thoả thuận làm ăn, thì đây rõ ràng là một “bad deal” cho nước Mỹ và việc rút tên ra khỏi Hiệp ước Paris là điều không tránh khỏi.

Hơn nữa, đối với hiến pháp Hoa Kỳ, bất cứ một hiệp ước nào đều phải được phê chuẩn bởi thượng viện với 2/3 số phiếu tuyệt đối. Ông Obama biết chắc chắn Hiệp ước Paris không thể thông qua được ở quốc hội dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hoà nên đã điều đình để cho phép Hoa Kỳ nằm trong trường hợp ngoại lệ là không cần phải được quốc hội phê chuẩn mà chỉ cần chữ ký của Tổng thống theo sắc lệnh hành pháp. Vì vậy, khi một Tổng thống khác lên thay thế cũng có thể dễ dàng huỷ bỏ bằng một chữ ký. Một điều kỳ cục khác là trong hiệp ước không có bất kỳ một sự ràng buộc pháp lý nào đối với các quốc gia đã ký kết. Do đó, có người đã nói không sai rằng Hiệp ước Paris là một “hiệp ước không phải hiệp ước”.

hoa-ky-va-hiep-uoc-paris1
Khải hoàn môn ở Pháp trong ngày Hiệp ước Paris được ký kết – nguồn lifehacker.com.au

Quyết định rút khỏi Hiệp ước Paris của Tổng thống Trump chắc chắn là sẽ tạo thêm khó khăn cho thế giới để đạt được mục tiêu được đề ra trong hiệp ước là giữ cho nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng dưới 2°C. Hiện nay Hoa Kỳ chiếm 15% lượng thải khí nhà kính trên toàn cầu, nhưng điều quan trọng hơn, Hoa Kỳ là nguồn góp phần tài chính và kỹ thuật rất lớn, nếu không nói là lớn nhất, cho các quốc gia đang phát triển trong nỗ lực chống lại hiện tượng nhiệt độ tăng cao.

Việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước cũng sẽ tạo ra khoảng trống trong vai trò lãnh đạo thế giới về nỗ lực chống ấm nóng toàn cầu, và Trung Quốc đã nhanh chóng cố nắm lấy cơ hội để trám vào khoảng trống đó, nên đã cùng với khối Liên Âu đưa ra một thông cáo chung tái khẳng định cam kết sẽ cùng hợp tác nhiều hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải. Tuy vậy, đây cũng chỉ là những cam kết chung chung, không mang thêm được nhiều uy tín cho Trung Quốc trên trường quốc tế.

Ngay sau khi Tổng thống Trump đưa ra lời tuyên bố thì nhiều đại công ty như Walmart, Microsoft, Google, Apple, và thậm chí kể cả những công ty sản xuất năng lượng hoá thạch như Exxon Mobil, Shell cũng đã lên tiếng nói rằng họ vẫn tiếp tục hợp tác trong nỗ lực giảm thiểu khí thải. Ðiều này cũng dễ hiểu vì đây là những công ty toàn cầu và họ không muốn thấy những quốc gia khác tẩy chay họ.

Và cho dù có quyết định rút ra khỏi hiệp ước hay không thì lượng thải khí nhà kính của Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục giảm, phần lớn là vì các công ty sản xuất điện ở Mỹ hiện nay sử dụng hơi đốt nhiều hơn than đá. Kỹ thuật khoan nghiêng (fracking) đã giúp tăng lượng sản xuất và nhờ vậy làm giảm giá thành của khí đốt khá nhiều trong mấy năm qua. Các công ty điện năng cũng thích sử dụng khí đốt hơn than đá vì đây là cách để họ từ từ hội nhập với việc sử dụng nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Hiệp ước Paris thật sự vẫn còn nhiều khuyết điểm. Việc rút ra khỏi hiệp ước là một ván bài của TT Trump sau khi cân nhắc những điều lợi hại cho nước Mỹ. Quyết định này có thể không làm vừa lòng các nước đồng minh, nhưng không vì thế mà ông  không thực hiện để giữ lời hứa khi tranh cử.

VH