
Thằng bé dắt tôi về nhà, nói là nhà chứ đây là xóm trọ có nhiều phòng. Một dãy phòng dài chừng 30 mét và có tổng cộng 10 phòng, bề ngang của mỗi phòng dưới 3 mét. Trước sân của dãy trọ là các loại áo quần phơi khắp nơi, chỗ nào có thể vắt được móc được là có áo quần vắt, móc lên đó. Dưới mấy tán cây là những chiếc xe hủ tiếu gõ đang ngủ trưa, chúng nghỉ ngơi sau một đêm dài lang thang ngoài phố, để lại chuẩn bị một đêm dài khác.
Ngày làm việc của bé
Ba mẹ con đi làm rồi phải không?
– Dạ, ba mẹ con đang ở trên bệnh viện, thay phiên nhau chăm em và đi bán vé số. Ba ở với em thì mẹ đi bán vé số, mẹ ở với em thì ba đi bán vé số. Con thì trực chiến ngoài bến xe hoặc bến cảng để bán vé số. Ở đây có bà ngoại con cũng đi bán vé số.
– Bà của con chưa về phải không?
– Dạ, bà đi bán, chắc chút nữa là về, hai bà cháu sẽ ăn cơm, nghỉ một chút rồi đi bán tiếp.
– Con bán từ mấy giờ tới mấy giờ thì nghỉ?
– Dạ 5 giờ sáng là con ăn uống no nê, xong đi bán, bán tới 11 giờ trưa thì con về, ăn cơm với ngoại và đưa tiền cho ngoại cất, chiều hai giờ con đi, đến 4 giờ con về trả vé, lấy vé mới, ăn cơm rồi lại đi bán ở các quán nhậu cho đến 9 giờ đêm thì về tắm rửa, ngủ.
– Vậy mỗi ngày con bán được bao nhiêu vé?
– Dạ tùy à, mùa lễ Tết thì khách du lịch nhiều, con bán được 200 vé, có khi hơn một chút. Mùa khác thì ế, chỉ lạy trời mỗi ngày bán được 100 vé là ngon lắm rồi. Như mấy ngày nay thì con chỉ bán được sáu chục, bảy chục vé thôi. Nói chung, một tháng bù qua chế lại cũng được ba triệu đồng. Ðủ để giúp ba mẹ!

Câu chuyện hai cô cháu bị bỏ dở chừng khi bà ngoại của thằng bé về.
– Ủa, con đi về với cô này à? Cô này là ai? – Bà hỏi đầy nghi kỵ.
– Dạ con là khách du lịch, con gặp cháu bé ở trên bến cảng, nên nhờ cháu dắt về thăm hoàn cảnh gia đình mình.
– Cô cũng rảnh ghê à nha! Ði du lịch mà quan tâm chi đến con nít, rồi lại quan tâm đến nhà chúng tôi!
– Dạ con thưa thật là con cũng đang đi tìm hiểu, nghiên cứu về đời sống người dân lao động nghèo, nhất là một em bé như cháu đây! Mong bác đừng hiểu nhầm con, vì nếu có ý xấu thì con không dại gì nói cháu dắt về nhà.
– Cô này nói đúng đó, tôi ngồi ở phòng bên này quan sát từ hồi sớm tới giờ, cô chỉ hỏi chuyện gia đình, hỏi thăm hoàn cảnh chứ không có ý gì xấu đâu, bà đừng hiểu lầm! Người đàn ông ở phòng bên cạnh nói vói qua.
– Vậy thì cô cho tôi xin lỗi cô nha! Vì nói thiệt bây giờ người xấu nhiều quá nên tôi sợ, mấy vụ bắt cóc con nít, rồi lừa tiền, đủ thứ hết cô ơi! Mà tôi cũng tệ quá, không nhìn cô cho kỹ một chút trước khi hỏi. Cô đừng buồn nhe!
– Dạ con không buồn đâu bác ơi, vì thời bây giờ nhiều khi người ta ăn mặc lịch sự, tướng người cũng đạo mạo lắm mà đầy tội ác ra đó, nên bác đề phòng vậy là đúng rồi!
Câu chuyện tạm dừng vì hai bà cháu lục cơm nguội, lấy hai gói mì tôm ra chế nước sôi và ăn ngon lành. Nhìn họ ăn cơm trưa, tôi chỉ biết buồn và cố gắng đừng tỏ ra mình đang xúc động. Một chút tiền nhỏ của tôi cũng chẳng thấm béo gì đối với họ, nhưng họ mừng và vui lộ rõ, điều này làm tôi không thể không rơi nước mắt khi kể lại bữa ăn và cách họ ăn cho chồng con tôi nghe lúc về khách sạn.
Gian nan nghề biển

– Cô ơi, hình như cô đang đi khảo sát người nghèo?– Người đàn ông hàng xóm hỏi tôi.
– Dạ đại khái là vậy đó chú. Nhưng khổ nỗi con chỉ đi khảo sát để biết là còn nhiều người nghèo quá chứ con bất lực, vì con cũng chẳng giàu có chi, mà cũng chẳng có quyền lực chi để giúp mọi người. Chỉ đi cho biết rồi buồn là chính chú à!
– Tôi hiểu rồi. Nhưng dù sao cũng cám ơn cô. Tôi cũng nghèo lắm cô à, vợ tôi đi bán vé số, tôi đi làm biển, hai vợ chồng nuôi hai đứa con, trả tiền điện, tiền nước, tiền phòng cũng muốn đứt thở rồi. Thêm phần con cái đi học, quanh quẩn mười năm ở trọ mà dư được có mấy chỉ vàng, dư chưa kịp nửa năm thì con đau, coi như trắng tay cô ạ!
– Anh đi làm biển tức là đi đánh cá, câu mực phải không anh?
– Ðúng rồi cô, đi câu mực, đánh cá đó, làm cả ngày lẫn đêm luôn chứ không phải làm ban ngày không. Khi nào biển động thì mình nghỉ.
– Người ta trả tiền công có đỡ không anh?
– Mình cứ lên tàu đi ra ngoài khơi với họ, sau một ngày đêm họ trả mình 200 ngàn đồng. Thường thì làm từ 3 giờ chiều cho đến 5 giờ sáng mai. Tiền công 300 ngàn đồng. Khi về người ta cho mình một ít khô mực và khô cá để ăn.
– Ðánh bắt như thế nào anh có thể kể em nghe với được không?
– Thì mình lên tàu, tàu nhỏ thôi, rồi ra ngoài đó, tới chỗ nước yên, nhắm bộ có nhiều cá thì cùng thả lưới, đến giờ thì kéo lưới. Làm cá sướng hơn làm mực. Bữa nào câu mực thì họ cho mình một cái bộ đàm, một chùm lưỡi câu, một cái đèn pin và cái đèn ăc-qui nhử mực. Chừng 6 giờ chiều họ chở mình đi, đến điểm câu họ cho mình xuống thúng rái, và cứ như vậy mình bật đèn nhử mực, thả thúng trôi theo dòng nước, vừa câu vừa trôi. Ðến sáng mai họ liên lạc bộ đàm đón mình.
– Có khi nào bị lạc không anh?
– Lạc hoài ấy chứ, có khi họ đánh dấu tọa độ rồi mà nước với gió nó đẩy mình đi xa quá, họ phải chạy tàu đi tìm. Nói chung là lạc chứ không mất tích, cũng đỡ!
– Làm vất vả vậy sao họ trả tiền công ít vậy anh?
– Cô biết đó, thời buổi bây giờ khó khăn lắm, xăng dầu tăng giá, người thất nghiệp quá nhiều, cá mắm thì chẳng có mấy con. Giá chừng đó đó, mình không làm thì có người khác làm ngay. Chứ vào trong bờ này đi cuốc đất thuê thì cả tháng mới được vài ngày người ta thuê cuốc cỏ, trồng tiêu, chăm tiêu, làm vườn, giá có 120 ngàn đồng một ngày, không có cơm đó nha!

– Người ta có ký hợp đồng lao động gì không? Rồi có bảo hiểm y tế gì không? Khi mình đau ốm họ có chia sẻ không?
– Làm chi có chuyện đó cô, chỉ nói với nhau bằng miệng, đi làm rồi nhận lương thôi. Có nhiều chỗ thuê giá còn thấp hơn chỗ ông chủ tôi làm nữa kia, lương chỉ có 170 đến 180 ngàn đồng thôi. Ở đây khó tìm việc làm lắm. Có được chỗ làm như vậy là tiên rồi. Một tháng mà làm liên tục cũng được năm triệu, sáu triệu đồng chứ ít gì đâu cô!
– Chị làm có đỡ không anh?
– Bà xã tôi bán vé số cũng bữa được bữa mất lắm, vì bả bị bệnh nên lao động chính chỉ có tôi thôi. May mà bả không chê mình nghèo, không bỏ theo trai là quý lắm rồi. Nghèo như tôi dễ bị vợ bỏ đi lắm cô ơi! Ở đây thành phong trào rồi, thằng nào nghèo là ôm sô luôn mấy đứa con, vợ nó bỏ đi theo thằng giàu liền à! Ðời kể ra cũng buồn, mà mình cũng may mắn!
Mấy chữ “mình cũng may mắn” của người đàn ông làm biển này sao mà nghe xót xa, cay đắng khó tả! Miệt Tây Nam Bộ trong tôi, giờ, ngoài những con sông chằng chịt và những vườn trái cây xanh um, còn có cả nỗi buồn chằng chịt và xanh um nỗi đau của phận nghèo!

(còn 1 kỳ)