Một hướng dẫn du lịch bụi ở Prague (còn gọi Praha), Cộng hoà Czech, thường giới thiệu với bạn như sau: “Nếu bạn muốn đối thoại với sự thăng trầm của một dân tộc thông minh nhưng chịu quá nhiều bất hạnh trên hành tinh, bạn hãy chọn Vườn Do Thái”.
Đây là nghĩa trang, nơi yên nghỉ của nhiều người Do Thái ở Prague từ thế kỷ thứ 15-18. Năm 1990, trong một cuộc khai quật khảo cổ trên đường Vladislavova, nghĩa trang được khám phá và bảo tồn. Không có con số chính xác, vì có nhiều lớp mộ chồng lên nhau nhưng các nhà khảo cổ khẳng định nghĩa trang có 12 tầng, ước tính có 12,000 ngôi mộ; trong đó có nhiều người nổi tiếng như Yehuda ben Bezalel (Rabbi Loew), Mordechai Maisel, David Gans hay David Oppenheim. Con số những ngôi mộ chôn ở đây, dưới nhiều tầng lớp, ước tính có thể lên tới 100,000.

Luật của người Do Thái không cho di dời hay phá hủy lăng mộ người qua đời. Có lẽ vì thế mà khi hết đất mai táng, họ đã làm những lớp mộ mới chồng lên mộ cũ. Viếng nghĩa trang vào buổi chiều tà, khách du sẽ hiểu tại sao có ý kiến cho rằng không khí kỳ bí của nghĩa trang, những ngôi mộ đá rêu phong và phong cách sinh hoạt của người Do Thái chính là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho những hoạ sĩ người Czech từ thế kỷ 18. Những tác phẩm hội hoạ nay trở thành những trang sử và thông tin dữ liệu về một nghĩa trang cổ cũng như những bước thăng trầm của cộng đồng người Do Thái tại nơi này.
Nằm ngay cạnh nghĩa trang, một căn phòng với bầu không khí lặng lẽ bao trùm, mặc dù người vào ra tấp nập. Nơi đó ghi tên hàng triệu người Do Thái bị sát hại trong các cuộc diệt chủng do Đức quốc xã tiến hành. Họ không để lại bất cứ dấu tích gì trừ những cái tên may mắn còn được ghi lại. Tên nạn nhân được viết bằng mực đen, đỏ, vàng xen kẽ, dày kín trên các mảng tường trắng quanh căn phòng như một bằng chứng hùng hồn và mạnh mẽ lên án nạn diệt chủng.
Cạnh đó là khu vực trưng bày những bức vẽ của “trẻ em Do Thái vẽ tại Terezin từ năm 1942 – 1944”. Những bức vẽ thể hiện ước mơ, khát khao tự do yêu thương của những đứa trẻ bị giam cầm cũng như nỗi sợ hãi, nỗi cô đơn khi là nạn nhân của nạn diệt chủng. 10,000 trẻ em dưới 15 tuổi bị nhốt tại Terezin, khoảng 8,000 trẻ em sau đó bị trục xuất sang phía đông và chỉ có 200 em trong số này sống sót.
Một cô hướng dẫn viên người Czech nói: Mặc dù ngày nay người Do Thái tham gia nhiều trong các hoạt động kinh tế, nhưng tại Prague họ vẫn chọn cách sống trầm lặng, không ồn ào. Họ yên lặng như cái nghĩa trang, hiện diện đó để du khách tự chiêm nghiệm và tìm hiểu, về một dân tộc với bao biến cố hãi hùng nhưng kiên cường vượt qua và tiếp tục hiện diện mạnh mẽ ngay chính nơi đây.”

(Tổng hợp từ Internet)