Menu Close

Lễ cúng cô hồn tháng Năm Âm

Miếu cô hồn ở góc đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn ở Huế
Miếu cô hồn ở góc đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn ở Huế

Lũ trẻ thay phiên chạy lên chạy về để báo cho nhau biết đám cúng sắp xong chưa rồi sẽ cùng nhau đi lượm trái thực (những vật cúng lễ được chủ lễ rải ra đất sau cúng), nhưng đó là vào rằm tháng 4! Còn tháng 5, không biết tự bao giờ và có ai bảo chúng hay không, nhưng tuyệt nhiên, không đứa trẻ nào ở Huế đi lượm trái thực vào lễ cúng cô hồn từ 23 tháng Năm âm lịch, kéo dài đến hết tháng, và có nơi sang tận rằm tháng 6 vẫn có người cúng.

Tôi đến Huế vào 12 giờ trưa hôm 24 tháng 5 âm lịch. Lúc này, nhiều gia đình đã cúng xong, đang đốt áo giấy, cũng có gia đình đang bày biện ra chuẩn bị cúng.

Hỏi thăm chị Hoa, ở đường Huỳnh Thúc Kháng, con đường nối dài từ cầu Gia Hội, dọc theo bờ sông Hương về đến Bao Vinh, chị này cho hay:

– Ðoạn này người ta cúng nhiều lắm em. Như nhà ba mẹ chị cúng hôm qua nhưng vì chị bận đi lấy hàng nên hôm nay mới cúng được. Gần đây có miếu cô hồn ở góc đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn đó, thường thì 23 hằng năm, bên phường người ta tổ chức cúng ở đó to lắm.

– Vậy lễ cúng này mình cúng ai vậy chị?

– Thì cúng những oan hồn đã khuất vì binh biến Huế thất thủ đó em.

– Vậy là năm 1885, thời Pháp vào hả chị?

– Ừ em, có lẽ vậy, chị cũng nghe nhiều người nói thế nhưng nhà chị thì bắt đầu cúng năm 1969, sau biến cố Mậu Thân năm 1968. Bởi trước đây ba chị nói là họ mất lâu rồi nên chẳng cúng miết giống như níu chân người ta. Nhưng vào năm 68, nghe ông nói nhiều người chết quá, có cả những hố chôn tập thể, người ta đạp nhau tìm đường chạy rồi giày xéo lên nhau mà chết. Hồi đó ba chị may mắn theo người bà con về quê ăn Tết, lúc trở về nhà thì hỡi ôi. Nhà chị cúng từ đó đến giờ, năm nào bận gì thì bận, không cúng được vào 23 thì đến 24, 25 cũng phải cúng.

Một mâm cúng khác với nước chai và bia lon - cho dù thức uống cũng là đồ đóng lon để vừa bốc vừa chạy
Một mâm cúng khác với nước chai và bia lon – cho dù thức uống cũng là đồ đóng lon để vừa bốc vừa chạy

– Vậy lễ cúng gồm gì hả chị?

– Chủ yếu là đồ khô đó em, mình quan niệm sống sao chết vậy, họ chết lúc đang chạy nên không có thì giờ mà hưởng hương đâu, phải cúng gì khô, ráo, như là khoai, đậu phụng, mía, thơm, trái cây các loại, hương đèn, hạt nổ, cháo thánh, bánh, xôi chè… Nói chung là có gì cúng đó, chủ yếu là lòng thành của mình. Mà cúng đồ khô là vì để họ có thể bốc rồi chạy tiếp.

Không làm phiền chị Hoa nhen lửa đốt củi để cúng, chúng tôi ghé sang bên kia đường và tìm quán nước để trú chân. Quanh đây, nhiều nhà đang tổ chức lễ cúng, có một đặc điểm chung là vào trưa hè nhưng nhà nào cũng đốt một đống củi phía trước bàn cúng. Lấy lạ vì điều này, tôi hỏi thăm thì được một ông giáo già đã về hưu hơn 20 năm nay, đang ngồi đánh cờ tướng cho hay:

– Ngày xưa người ta chạy rồi chết, chết sông có, chết chợ có, chết già có, chết trẻ có, người ta đốt lửa để sưởi ấm cho vong linh những người đã khuất.

– Nhưng trời tháng 5 miền Trung mà chú, hôm nào cũng nắng như đổ lửa, đốt củi lỡ thiêu nóng họ thì sao.

– Cái này thì chú nghĩ không mô con à, người ta chết nước nhiều lắm. Mà hình như hồi đó, sau binh biến, trời đổ mưa giông to lắm, bao nhiêu xác người dầm dưới nắng rồi dưới mưa, chú nghĩ chắc tại ông trời ổng thấy người dân chết oan quá.

– Dạ…

– Mà còn điều này nữa, nghe giọng con hình như cũng là người ở đây, vậy đã bao giờ nghe người lớn kể về những giấc mơ chưa?

– Dạ giấc mơ gì vậy chú?

Một bé gái đang phụ giúp dọn đồ cúng
Một bé gái đang phụ giúp dọn đồ cúng

– Thì đây, đối diện con đường này, phía bên kia sông, con nhìn kỹ nhiều nhà lập đến 3, 4 thậm chí 5 am thờ trước sân nhà. Nhiều người nói là họ nằm mơ thấy nhiều người kêu lạnh, xin bộ áo quần và ít lương khô. Ban đầu nhiều người không tin, nhưng sao đêm nào cũng mơ thấy, họ không nghĩ đó chỉ là giấc mơ nữa nên mua vàng bạc, áo giấy, thức ăn về cúng. Ðêm sau có người về cám ơn. Từ đó họ lập bàn thờ cho người đã khuất luôn. Nghĩ mà thương, cho cả người sống và cả người chết, chẳng biết ai thân thích họ hàng chi, cũng chẳng biết tên tuổi để mà cầu siêu, có lẽ giờ này họ vẫn chưa thể siêu thoát.

– Sao chú nói vậy?

-Thì con xem, dự báo thời tiết tuần này trời hanh, nắng to, nhưng hai hôm nay cứ vậy đó, qua Ngọ là trời chuyển sang im lìm. Chú nghĩ là họ vẫn ở quanh đây. Con biết không, ngoài các lễ vật này, có nhà còn cúng thêm một bộ chìa khóa bằng vàng mã và một tờ giấy có vẽ cây gậy thật dài, chú dòng chữ “hãy dùng cây gậy này khều chìa khóa”.

– Ðể làm gì vậy chú? Sao lại phải cúng chìa khóa và tờ giấy vẽ cây gậy?

– Thì kể cúng này không riêng chi trận 1885, kinh đô thất thủ đâu. Ở Huế thì có nhiều bận máu chảy thịt rơi lắm con ạ. Ðến năm 1953, ở Huế cũng có nhiều người chết. Nhưng đáng sợ hơn cả là Mậu Thân 1968. Người chết còn khủng khiếp hơn cả 1885. Thường thì lễ cúng vong hồn Mậu Thân vào dịp Tết. Nhưng người ta vẫn cúng khấn vào tháng 5. Bởi đây là tháng Thái Dương, đang chuyển dần sang thiếu âm, cõi âm đang mạnh dậy và đây cũng giống như lúc người ta mới tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, mọi buồn bã, cô đơn và uất hận hiện về. Cúng vong hồn 1885 thì cúng thức ăn có thể ăn liền, vừa ăn vừa chạy, cúng vong hồn 1968 thì cúng những thức ăn mềm, thức ăn cho người bị trói và bỏ đói lâu ngày như cháo, chè, nước tăng lực… Và chùm chìa khóa là để họ mở xích đó con.

– Mở xích gì vậy chú?

-À, mở xích ở trong hầm, của Mậu Thân 1968.

– Nghĩa là sao hả chú?

Một phu xe xích lô đang vận chuyển củi đến cho các cửa tiệm tạp hóa bán trong dịp lễ cúng này
Một phu xe xích lô đang vận chuyển củi đến cho các cửa tiệm tạp hóa bán trong dịp lễ cúng này

– Ừ, thế hệ con chắc khó biết vụ này. Mấy mộ chôn tập thể đều bị xích chân con ạ. Chú kể hơi dài dòng chút, hồi đó chú có một căn nhà bên Vỹ Dạ, chú mua lại của người ta từ năm 1978, từ khi về ở, vợ chú bị đau ốm liên tục, chữa khắp nơi cũng không lành. Có một bữa, hôm đó là 23 tháng 5, cũng năm 1978 đó, chú ngủ trưa rồi nằm mơ thấy một hòn lửa rất là to, lăn từ ngoài cửa lăn thẳng vào bàn thờ nhà chú, sau đó cục lửa này chuyển sang màu đen và biến thành một khối đen ngòm. Chú sợ quá, giật mình tỉnh giấc, đi rửa mặt thì… mô Phật, chú nhìn thấy là có một cái bóng đen, đúng hơn là một khối đen ngồi trên bàn thờ nhà chú, sau đó đi thẳng vào phòng vợ chú mặc dù phòng vẫn đóng cửa. Sau đó vợ chú mở cửa bước ra, mắt đỏ như tóe lửa, chỉ vào mặt chú, quát “sao các người lại dám bỏ dơ lên đầu ta?”. Chú vẫn chưa hiểu gì thì nghe nói tiếp, vừa nói vừa khóc “chúng tôi đã nằm dưới này suốt mấy năm trời, lạnh thấu xương, nóng chảy mỡ, sao các người còn nỡ xả nước dơ lên đầu chúng tôi?”. Chú hỏi liều “Dạ ngài là ai? Ngài nằm ở đâu?”. “Các ngươi xem lại dưới chỗ phòng giặt đồ của các ngươi đi!”. Nói xong, bà xã chú ngã đùng về phía sau rồi phều nước bọt, chú làm hô hấp cả buổi. Sau đó mới hiểu ra là bà ấy bị người âm nhập. Chú đi coi bói, thầy bảo về đào dưới chỗ hay ngồi giặt đồ ở sau bếp lên. Chú thuê người đào, trời ạ, một hầm sáu cái xác bị xích chân, chết trong tư thế ngồi. Rồi sau này có thêm nhiều hầm như thế nữa ở khắp Vĩ Dạ…

– Rồi sau đó sao nữa chú?

– Thì mình di dời họ ra nghĩa trang, rồi cúng kiếng, lập am thờ. Và đương nhiên là cúng theo cả chìa khóa và bản hướng dẫn lấy chìa khóa mở xích chứ. Vì lúc chết họ vẫn đang bị xích nên họ phải có cái gậy để khều chìa…

Câu chuyện của ông khiến tôi thấy mọi thứ cứ hư hư thực thực, khó tả. Và nó cũng làm tôi nhớ đến câu chuyện của ông Lưu (một ông thầy phù thủy chuyên đi trừ tà ma mà tôi gặp ngẫu nhiên ở nhà người bạn) kể rằng trong chiến trận Mậu Thân, những người bị chết trong tư thế xích chân là bộ đội Cộng sản. Trận Mậu Thân 1968 người ta đưa quân từ Bắc vào, toàn quân trẻ con, trên tay có xăm dòng chữ “Sinh Bắc Tử Nam”, và trước khi đánh trận, họ đã đào hầm, chỉ huy xích chân của họ trong hầm để họ giữ nguyên vị trí chiến đấu với thể loại bắn tỉa. Và họ đã chết đúng tư thế đó khi bị pháo kích.

Câu chuyện nghe cứ thực mà hư!

Thì ra người dân cố đô đã cúng cho tất cả oan hồn chết trong Mậu Thân, dù đó là người dân Huế bị thảm sát hay người đi thảm sát.

Người ta đốt một đống củi trong khi cúng để mong có thể sưởi ấm vong linh người đã khuất
Người ta đốt một đống củi trong khi cúng để mong có thể sưởi ấm vong linh người đã khuất

UC