Chợ nổi và chợ lồng là hai loại chợ chỉ có ở đồng bằng Sông Cửu Long. Bởi chợ nổi tụ họp trên các dòng sông, chợ lồng là một loại chợ nhà sàn nhô ra khỏi bờ sông và được bao bọc bằng một cái lồng hoặc bằng sắt, hoặc bằng gỗ. Các loại chợ này ra đời do vấn đề lưu thông ở đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu dựa trên đường thủy. Hiện tại, chợ lồng và chợ nổi gần như sắp mất dấu ở miền Tây. Và một khi chợ nổi, chợ lồng chết đi thì nguy cơ chết đi của đồng bằng Sông Cửu Long hiện ra trước mắt. Vì hai nguyên nhân: Quá trình mở rộng, tăng trưởng kinh tế đã đi ngược với tự nhiên và; các dòng sông Cửu Long đang chết.

Kỳ 4
Chợ nổi trên những dòng sông đang chết
Tăng trưởng kinh tế đi ngược với tự nhiên
Sở dĩ nói tăng trưởng kinh tế đi ngược với tự nhiên không phải là tôi nói càng, bởi cho dù có quy hoạch kiểu gì, năm bảy chục dự án hay năm bảy chục công trình nghiên cứu gì đó để làm cho thu nhập của một vùng dân cư tăng lên gấp năm chục, bảy chục lần mà phá nát môi trường và làm cho thiên nhiên, không gian ở khu vực đó biến đổi, xấu đi và méo mó thì đó là một quy hoạch tồi, không thể nói khác.
Ðồng bằng Sông Cửu Long chỉ có giá trị khi nó là một vùng thiên nhiên trù phú, những con sông chất nặng phù sa bồi đắp ruộng đồng mỗi năm, những miệt vườn trĩu ngọt, những cánh đồng trù mật, tôm cá len lỏi chân lúa… Và chợ nổi hay chợ lồng như một điểm hội tụ các mặt hàng nông sản theo luật chơi của miệt sông nước, sức chảy các con sông hỗ trợ cho người nông dân, nhà buôn mang hàng hóa đến chợ. Ðó là nhịp sống, hơi thở của miệt sông nước.

Nhưng thời gian ngắn, chưa đầy mười năm, một mặt, các dòng sông cạn nguồn do thủy điện từ phía thượng nguồn, cụ thể là Trung Quốc, cộng thêm đập thủy điện của Campuchia, các nhánh sông Cửu Long trở nên trơ cạn, tình trạng đồng ruộng bị nhiễm mặn và khô hạn ngày càng thêm trầm trọng.
Và có một thực tế là nếu như trước đây, đến miền Tây, người ta sẽ có dịp đến thăm các vườn cây, du ngoạn trên các dòng sông và hưởng bầu không khí thanh bình, thơ mộng, còn hiện tại, sức hút của khách du lịch đến đây không phải là những điều đó mà là một nơi có nhiều thức ăn sông nước bán với giá rẻ hơn nơi khác và cũng là nơi có dịch vụ sex tốt nhất, mới nhất. Nghĩa là các cô gái mới lớn thường chọn bán mình ngay trên đất sân nhà trước, khi họ không còn ‘thị phần” ở đất sân nhà thì dạt ra các tỉnh lân cận, thậm chí lạc ra tận Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn…

Sau chuyến đi Cà Mau, chúng tôi bắt xe đi sâu vào các tỉnh Bạc Liêu và Cần Thơ. Có thể nói rằng tỉnh Bạc Liêu có khá hơn các tỉnh khác về vấn đề bảo vệ thiên nhiên và kinh tế liên quan đến sông nước (chúng tôi sẽ đề cập ở một bài viết khác). Riêng tỉnh Cần Thơ, chỉ hai câu “Cần Thơ có bến Ninh Kiều/ Dưới chân tượng Bác đ(ĩ) nhiều hơn dân” cũng đủ nói lên nhiều điều. Hai câu ca dao thời đại này không chỉ người Cần Thơ thuộc lòng mà gần như cả nước đều biết.
Nhưng vấn đề tôi muốn nhắc đến là chợ nổi Cái Răng, một khu chợ nổi lớn nhất miền Tây có nguy cơ bị xóa sổ trong thời gian gần. Ông tên Út, một nông dân bán nông sản trên chợ nổi, nói với chúng tôi rằng “Chợ nổi bây giờ chỉ làm trò vui cho du lịch chứ chẳng ăn thua gì!”.
“Vì sao ông lại nói chợ nổi làm trò vui chứ không ăn thua gì?”.

“Vì nói về buôn bán, bây giờ người ta vận chuyển bằng đường bộ hết rồi, ít ai chở hàng bằng đường sông. Chợ Cái Răng cũng chỉ mua bán xầm xầy qua ngày thôi, chủ yếu làm kiểng cho khách du lịch ngắm rồi tranh thủ bán được mấy thứ trái cây cho khách du lịch thôi chứ đâu có như xưa”.
“So với trước đây 10 năm, bây giờ tình hình mua bán trên chợ Cái Răng ra sao vậy ông?”.
“Cần gì so cho xa vậy, trước đây ba năm, mỗi khi chất hàng lên thuyền ra chợ Cái Răng là thấy mình chuẩn bị rinh tiền về. Còn bây giờ chất là chất cho có bởi vì mình nhớ chợ, ra ngồi cho có không khí thôi chứ bán được bao nhiêu đâu, chủ yếu là bán cho thương lái ngay trong vườn, họ lại cho lên xe đi các tỉnh. Mà giá cả bây giờ rẻ bèo lắm, vì cạnh tranh không nổi với trái cây Trung Quốc, nó muốn mấy là có mấy, muốn giá nào có giá đó luôn, nông dân chết gí!”.
“Ông thấy hiện tại có phát triển so với trước đây ba năm?”.

“Nếu nhìn bề ngoài thì kinh tế có phát triển so với trước. Nhiều nhà bê tông cốt thép hơn và người ta xài tiền bạo tay hơn. Nhưng nhìn kỹ thì con nít bây giờ hư hỏng nhiều quá, xì ke ma túy, trộm cắp, giật dọc, đĩ điếm gì là ở đây có đủ. Thậm chí nhiều đứa có chồng có con rồi vì nghèo quá chịu không nổi cũng bỏ chồng đi làm gái thì rõ ràng là người ta đang thụt lùi rồi. Sông thì cạn kiệt, hết cá để đánh bắt, miệt vườn thì kêu trời vì nước nhiễm mặn, đất cằn và nhiễm kim loại. Mà ông biết rồi đó, vùng đồng bằng châu thổ này là vùng có nền đất rất là yếu, bây giờ thi nhau làm nhà bê tông, rồi làm đường nhựa, rồi hút cát lòng sông, trên bờ thì xe chạy rung chuyển cả ngày, dưới nước thì sông bị xé đáy, mặt đất thì nhà cửa đè bẹp. Chẳng biết bao giờ mình bị nhấn chìm hết. Nói cho cùng là mình đi ngược với ông trời!”.
Các dòng sông đang chết
Bám theo ý nghĩ về những con sông chết ở đồng bằng châu thổ, chúng tôi tiếp tục đến thăm các khu vườn bằng xuồng ba lá. Chị Lượm, người chuyên chèo xuồng đưa khách đi thăm vườn với giá một buổi chèo xuồng từ 15 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Quãng đường gần, tốn chừng 30 phút, chị lấy 15 ngàn đồng/ một người. Quãng đường xa, tốn ba, bốn giờ đồng hồ, chị lấy 100 ngàn đồng. Xuồng đi qua những đoạn sông cạn, toàn bèo tây và bèo lục bình, vừa chèo vừa dùng mái chèo đẩy bèo dạt ra cho có đường lách ghe vào. Chúng tôi, người thì chèo phụ, người thì gạt bèo để đi. Chị cười: “Cô cậu giúp tôi đỡ bớt chứ không thì chèo mệt chết đi được!”.
“Thường ngày nước lên có đẩy bớt bèo đi không chị?”.
“Trước đây thì sông ít bèo lắm, do nước lên nó đẩy đi hết. Bây giờ ngay mùa nước nổi cũng chẳng thấy nước đâu, bèo tha hồ mọc ra, chỉ cần hai tháng là đầy mặt sông rồi. Mà sông bây giờ cạn lắm, toàn nước xả công nghiệp với lại nước cống trên thành phố người ta xả vào sông nên đen ngòm à!”.

“Nhà chị có làm ruộng, trồng lúa gì không?”.
“Trước đây tôi có ruộng, có vườn, giờ chỉ còn mảnh vườn nhỏ thôi, ruộng thì không còn, hồi đó bán giá rẻ, gọi là bán viết tay thôi chứ nông dân thì không có quyền bán ruộng, mình viết tay chuyển nhượng cho một ông cán bộ, sau đó ổng làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng và xây biệt thự. Hồi đó cả miếng đất gần mười công ruộng (gần 10,000m2) chỉ bán chưa đầy hai trăm triệu đồng. Giờ ổng xây biệt thự, xây thêm cái khách sạn bên cạnh”.
“Làm sao ông ta có thể xây trên đất của chị được khi chị mới viết giấy tay mà không qua thủ tục nhà nước, vì luật nhà đất Việt Nam quy định không được bán ruộng và rừng, ổng mua như vậy không hợp pháp thì sao dám xây dựng được hè?”

“Thôi đi anh ơi! Bây giờ có tiền, có quyền là có tất cả. Ðất ruộng ở đây thành tài sản riêng của các ổng hết rồi. Giờ các ổng còn mong sao cho mấy con sông này nhanh bồi, cạn hết để mấy ổng hợp thức hóa vào vườn. Giờ các ổng hay chơi trò mua hai bên bờ sông cạn. Tôi đoán là khi sông bị bồi, các ông cho vào vườn nhà luôn!”.
Tình trạng chị Lượm vừa nói có lẽ diễn ra không ít ở vùng đồng bằng châu thổ này. Và cái giá của nó là nhiều đoạn sông bị lấn chỉ còn hơn nửa dòng cũ, thêm nạn hút cát làm dòng chảy thay đổi, nhiều nơi bị lở lói do dòng nước phá bờ, nhiều nhà cửa bị nhấn chìm xuống sông. Nhìn chung, các con sông đã bị biến dạng.

HL