Menu Close

Vàng đen

Nhiều thế kỷ trước khi người Châu Âu đến Bắc Mỹ thì thổ dân da đỏ Seneca đã tìm thấy và sử dụng dầu mỏ. Những lớp dầu nổi lên trên mặt đất, dọc suối đồi được thổ dân lấy về làm thuốc men trị nhức đầu, đau răng, đau bụng, bôi da chống côn trùng, liền vết thương cho ngựa, sơn da mặt trong lễ hội thần linh, sơn lót thuyền độc mộc… 

vang-den2

Năm 1848 ở phía Tây Pennsylvania có rất nhiều mạch dầu nhỏ, đặc biệt là con suối Oil Creek nơi dầu nổi trên mặt nước. Vào thời ấy muối được tiêu thụ mạnh. Ðể tách nước muối ra khỏi dầu pha lẫn trong đất, Samuel Kier lấy mẩu trong khu đất của mình và ông tìm thấy những thành phần trong dầu Seneca chữa bệnh đang bán trên thị trường giống như loại ở đất nhà mình đang có. Ông  tách dầu ra đem đi bán và trở nên giàu có. Ông được xem là người đầu tiên lọc dầu ở Pittsburgh, Pennsylvania. Ðến 1850 Kier bắt đầu đào giếng sâu vào lòng đất để lấy dầu thay vì vớt trên bề mặt. Dùng kỹ thuật đào giếng thô sơ như đào mỏ muối, người ta đem dầu đi bán cho đèn thắp sáng, thay thế cho dầu cá voi đắt đỏ được dùng lúc ấy, gọi là dầu Kerosene. Thời ấy dầu Seneca còn được gọi là Petroleum từ nguồn gốc tiếng Hy Lạp (Petra là đá, Oleum là dầu). Công ty Pennsylvania Rock Oil được George Bissell và Jonathan Eveleth thành lập ở làng Titusville để sản xuất dầu Seneca.

vang-den3
Edwin L. Drake.  Photo from Drake Well Museum Collection.

Phải đến năm 1859 khi Edwin Drake, một nhân viên hỏa xa về hưu được thuê đi tìm giếng dầu và tìm cách khoan sâu vào lòng đất ở Titusville, Pennsylvania. Drake được thuê bởi vì ông ta có thể đi lại trên xe lửa miễn phí vì từng là cựu nhân viên đường sắt. Ở một con suối, Drake dùng máy hơi nước khoan được gần 3 thước mỗi ngày. Lỗ khoan bị sụt đất. Drake nghĩ ra kỹ thuật khoan trong đường ống 3 mét nối lại, đó là kỹ thuật căn bản cho khoan giếng dầu sau này. Thoạt đầu cố gắng của Drake vô hiệu, người dân hiếu kỳ vây quanh giếng khoan và gọi Drake làm trò hề. Công ty bỏ rơi Drake và ông ta gần như cạn túi. Thế nhưng Drake không bỏ cuộc. Ngày 27 tháng 8, 1859 sau khi xuyên qua lớp đá dày, ở độ sâu 21 mét, dầu phun lên. Thế là ngày hôm sau các giàn khoan dầu bằng gỗ được dựng lên khắp nơi. Chúng như những tháp chuông cao mọc lên san sát như nấm quanh vùng. Phương pháp đào giếng dầu của Drake được bắt chước và cơn sốt “vàng đen” bùng lên trong vùng. Người ta đổ xô đến Pennsylvania như ở California trong thời tìm thấy vàng 10 năm trước đó. Dân số Titusville từ 250 người tăng đến 10 ngàn trong vòng 5 năm.

Drake đã không đăng bạ cho phương pháp khoan giếng của mình và mất trong nghèo túng năm 1880.

Các giàn khoan mọc lên khi các cây rừng bị đốn xuống. Mặt đất bị đào xới tan hoang và ngập mùi hôi. Bầu trời mịt mù khói bụi. Các lán trại nhà cửa kho lọc dầu xây cạnh giàn khoan. Người ta giàu lên nhanh chóng với các miếng đất sang tay trong ngày, các thùng barrel bằng gỗ được dùng chứa dầu. Giá cả của gỗ đóng thùng lên cao. Thùng dầu được thả trôi theo sông hay các chuyến phà vận chuyển, theo các chuyến đường sắt về miền Tây. Rồi các nhà kho chứa dầu cũng bằng gỗ được xây lên. Máy khoan hơi nước được sản xuất nhanh chóng…Các giếng khoan được chừng 25 thùng một ngày. Ðến năm 1872 thì toàn vùng Titusville sản xuất được 16 ngàn thùng trong một ngày. Dầu mỏ ở Pennsylvania chiếm đến 1/3 lượng sản xuất dầu trên thế giới vào lúc cao điểm. 30 triệu đô giá dầu xuất cảng sang Châu Âu vào năm 1869. Tất nhiên là cùng với dầu mỏ, khí đốt được dùng và sử dụng cho thắp sáng đường phố ở New York. Vua dầu mỏ John D. Rockefeller tham gia và dẫn đầu kỹ nghệ xuất cảng và khai thác dầu lửa bằng Công ty Standard Oil. Các bồn chứa dầu bằng sắt, các đường tàu hỏa, các đường ống dẫn dầu hình thành cùng các công trình nghiên cứu đã đem lại dầu lọc tốt hơn, đã khử mùi hôi và giá thành hạ. Dầu lửa đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp đất nước.

vang-den1
Titusville, Pennsylvania 1865

Dầu mỏ đã làm nên cơn sốt vàng đen và thay đổi diện mạo nước Mỹ. Ở Tulsa, Oklahoma dầu mỏ được tìm thấy năm 1901. Từ một thành phố cao bồi hơn 1 ngàn di dân, Tulsa trở thành một phố kỹ nghệ trong thời gian ngắn. Sau 4 năm Tulsa trở thành “thủ đô dầu của thế giới” vào thời ấy. Ðến năm 1920 đã có 100 ngàn người đến và 400 công ty dầu. Thành phố có 2 tờ báo, 4 công ty điện tín, 10 ngàn điện thoại, 7 nhà băng, 200 luật sư và 150 bác sĩ cùng hàng trăm dịch vụ ngành nghề khác liên quan.

Ở Texas, đầu năm 1901 dầu được khoan ở Spindletop gần Beaumont đã phá kỷ lục và độc quyền của Standard Oil (Pennsylvania). Ở một giếng khoan đường ống 4 inch, khí gas, bùn và dầu thô phun lên cao hơn 150 feet, 100 ngàn thùng trong một ngày đã làm thay đổi thành phố Beaumont. Từ một làng quê hoang vu trong vòng 3 tháng có gần 50 ngàn người dọn đến. Cuối năm sau thì 500 công ty hiện diện trong đó có Texaco, Exxon và Gulf Oil với 285 giếng dầu hoạt động. Giá cả đất đai tăng vọt, lợi nhuận cũng như nhiều bi kịch xảy ra. Một mảnh đất giá 10 ngàn đô đã được bán lại với giá hơn triệu đô. Hơn 235 triệu đô được đầu tư vào dầu ở Beaumont. Nhiều người trở thành triệu phú. Và cũng lắm kẻ trắng tay vì đã đầu tư nhiều vào thùng gỗ và làm kho chứa dầu bằng gỗ trở nên lỗi thời; những người mua máy khoan và mỏ dầu khi dầu đã cạn; những bến phà chở dầu vắng bóng người khi các đường hỏa xa với các bồn chứa dầu bằng sắt và các ống dẫn dầu chạy dọc ngang các tiểu bang…

Năm 1908 Henry Ford cho ra đời hàng triệu xe Ford Model T giá rẻ, những con đường nhựa và xa lộ nối khắp mọi miền, những chuyến tàu lửa, những máy móc chạy bằng xăng dầu, những tàu thủy, máy bay… tất cả những điều này đã thay đổi nước Mỹ.

vang-den
Xe Ford Model T lưu thông trên đường Coolidge – nguồn mtfca.com

Cùng thời gian đó dầu mỏ được khai thác ở khắp nơi làm thay đổi lịch sử thế giới. Ðệ Nhất Thế Chiến nổ ra xăng dầu là nguồn tài nguyên quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Những chiếc xe tải chở quân nhanh chóng đến các mặt trận, các xe tăng, máy bay, tàu chiến đã đánh bại các đội quân vận chuyển chậm chạp bằng ngựa hay bằng đường hỏa xa với máy hơi nước dùng than đốt. Sản phẩm phụ của dầu mỏ như nhớt giúp bôi trơn các máy móc và vũ khí, nhựa đường đã trải dài theo các xa lộ vận chuyển, thuốc nổ TNT dùng cho lựu đạn và thủy lôi. Thế chiến 1 kết thúc với các đồng minh chiến thắng cũng nhờ vào dầu mỏ. Và Thế chiến 2 cũng không thoát khỏi ảnh hưởng bao trùm của năng lượng “vàng đen”. Hitler xâm lược Sô Viết vào năm 1941 để chiếm các giếng dầu tại Caucasus. Chính an ninh năng lượng đã đẩy Nhật Bản đến quyết định chiếm Dutch East Indies và kiểm soát các giếng dầu. Lệnh cấm vận dầu của Mỹ là yếu tố then chốt dẫn đến vụ tấn công Trân Châu Cảng và sau đó đẩy Mỹ vào cuộc chiến. Sau Cuộc chiến tranh lạnh Cộng sản – Tư bản thì Chiến tranh ở Iran – Iraq (1980-1988) giữa hai quốc gia sản xuất dầu mỏ nhằm chiếm vị trí chiến lược ở Vùng Vịnh và nhóm các nước OPEC. Cuộc chiến tranh dầu mỏ đầu tiên của thế kỷ 21 bằng việc Mỹ tiến quân đến Iraq 2003. Nga tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2014 và việc sát nhập Quốc gia cộng hoà tự trị Crimea cho thấy thế giới lại một lần nữa rơi vào chiến tranh do sự tranh chấp về dầu mỏ và khí đốt. Các nguồn dầu từ Trung Ðông vận chuyển thông qua eo biển Hormuz hoặc Malacca đến Trung Quốc, cũng như việc tranh chấp chủ quyền đối với các đảo thuộc biển Nam Trung Hoa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Dầu mỏ vẫn giữ vai trò trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu nên chiến tranh dầu mỏ sẽ không dừng lại.

Theo báo cáo của hãng BP (British Petroleum) vào năm 2013 thì trái đất có chừng 1,688 ngàn tỉ thùng dầu thô, với đà khai thác hiện nay thì sản lượng dầu mỏ sẽ cạn trong vòng hơn 50 năm nữa. Mặt trái về hậu quả của “vàng đen” đến môi trường sống thật là nghiêm trọng, ô nhiễm bầu khí quyển, các hệ sinh thái và động vật hoang dã bị hủy diệt, mặt đất không còn sự sống. Như một quả cam mọng nước, bị các giàn khoan như các ống hút chọc sâu vào hút cạn đến khô cằn…Các thảm họa nổ giếng dầu và giàn khoan trên biển, các vụ vỡ ống dẫn dầu hay tàu chở dầu làm loang dầu trên mặt biển, thiệt hại đến con người và môi trường sống nhiều chục năm sau.

Các nghiên cứu của các khoa học gia và hứa hẹn của các chính trị gia về những nguồn năng lượng sạch khác như thủy điện, gió, mặt trời…đều không mang lại lợi nhuận hữu hiệu và trước mắt như dầu mỏ. “Vàng đen” vẫn còn ngự trị và là nguồn năng lượng chính cho trái đất xanh tươi nhỏ bé và mong manh này. Mong manh bởi chiến tranh do dầu mỏ sẽ xảy ra bất kỳ khi nào trong nay mai.

SB