
Tiếp theo và hết
Có phải là số phận?
Có hai vấn đề làm tôi thắc mắc từ trước tới giờ, đó là tại sao cà phê võng phát triển rất mạnh ở trong Nam, đặc biệt là ở miền Tây? Và tại sao có nhiều phụ nữ ở đây hay bỏ chồng? Rồi trôi dạt tới các thành phố lớn, ra ngoài Trung hay Bắc kiếm sống?
Vì phải thực lòng mà nói, tính khí của đàn ông ở đây rất hào sảng, phóng đạt, và đây cũng là xứ sở dễ làm, dễ kiếm sống. Câu chuyện mà tôi có được qua trò chuyện với hai người, một là người lái ca nô, có vợ con ổn định, một là chạy xe ôm, bị vợ bỏ theo trai, đang sống cảnh gà trống nuôi con. Dù sao thì tôi tin là sự chín chắn và thấm đòn của họ cũng ít nhiều mở ra gút được vấn đề vừa nói.

Ông chạy ca nô nói gì?
Ông chạy ca nô có cái tên khá kêu, Ca Lê Thuần, trùng với tên của một nhạc sĩ thuộc hàng cao cán trong dòng âm nhạc đỏ tại Việt Nam. Ông Thuần năm nay ngót nghét sáu mươi tuổi, con trai đầu của ông cũng sắp có cháu nội, nghĩa là ông sắp lên hàng ông cố. Thấy chúng tôi ngạc nhiên về chuyện ông sắp làm ông cố, ông cười: “Nhờ vậy mà vợ nó không bỏ đi đó cậu!”.
“Có vợ sớm là vợ khỏi bỏ đi hả chú?”
“Làm gì có chuyện đó, khối đứa có vợ sớm mà vợ bỏ đi như rươi đó thôi. Ý tôi muốn khoe với cậu là mình có bản lĩnh đó mà! Cậu có bản lĩnh, giỏi giang một chút thì mới dám đẻ con, nuôi con rồi xây nhà, sắm dụng cụ kiếm cơm. Chứ hỏi cậu nếu mà không có chút bản lĩnh thì dám đâu mà đẻ con. Ðẻ ra cho vợ nó bỏ đi thì có!”.
“Cháu vẫn không hiểu nổi vì sao đã có con với nhau, thậm chí có hai, ba đứa con trai với nhau mà người vợ vẫn bỏ đi theo trai, theo chú nghĩ là do đâu, mặc dù không phải ai cũng vậy, nhưng con số này càng ngày càng nhiều theo cháu thấy”.

“Tôi vốn ít học, từ nhỏ tới lớn cặm cụi làm ăn nên không có hiểu biết rộng mấy đâu. Nhưng mà theo tôi nghĩ là do thất học mà ra như vậy. Nói chú biết nghe, trước và sau 1975, vùng đồng bằng châu thổ này không phải ai cũng được học hành đầy đủ. Nhưng mà trước 1975 người ta hồn nhiên hơn, sau này người ta chẳng còn hồn nhiên, thật thà nữa, đụng đâu cũng toan tính mà chẳng ra làm sao cả, càng toan tính càng nát bét! Thì cậu cứ nghĩ thử coi, hồi xưa, không có học, sống đời sống gần với ruộng đồng, vườn cây, chỉ cần ra ruộng xúc ít tép là có bữa cơm, đặt trúm thì có lươn, đặt lưới thì có cá. Cũng chẳng có công trình này công trình nọ, chẳng có đất đai lên giá vùn vụt để tranh chấp hoặc để bán mà ăn chơi sa đọa, người ta sống dựa lưng với nhau. Còn bây giờ, đủ các loại công trình mọc lên, đất đai từ chỗ không có người hỏi nhảy đùng lên giá bạc tỉ, anh em xúm nhau giành giật, thậm chí sát thương, giết hại nhau, mạnh ai nấy giành. Rồi thêm phần các ông có tiền tới đây, nói lời đường mật dụ gái nhà lành ít học. Họ thấy cha mẹ nghèo khổ thì mong sao đổi đời, ban đầu chỉ nghĩ vậy, dần dần chui vào rọ nhiều người bị dẫn dụ thành gái điếm. Mà chừng ba thế hệ như vậy thì coi như trở thành truyền thống luôn”.
“Nhưng đâu có riêng miền Tây mới nghèo khổ, nhiều nơi khác cũng nghèo khổ thôi?”.
“Cậu nói sai nữa rồi, nơi nào trên đất nước này mà chẳng có xì ke, ma túy, đĩ điếm, cướp giật! Chỉ có khác nhau về thế mạnh thôi”.
“Thế mạnh là sao hè?”.

“Nhìn mặt cậu thộn ra vậy! Ví dụ như ở dân ngoài kia thì bọn đàn ông nó liều lĩnh, thế mạnh của nó là ‘ăn rau má phá đường tàu’, nhờ vậy mà đi đâu cũng kết bè kết đám và khi cần thì nó kéo cả bè, cả đám để cùng đi. Còn dân miền Tây ở đây thì quanh năm phù sa, trái cây ngọt lịm, gái ở đây nó tắm khoáng, tắm phù sa từ nhỏ, ăn trái cây nữa nên da trắng trẻo, mặt mày đẹp, thanh tú, tóc đen, mọi thứ đều mượt, thế mạnh của nó là thân thể và giọng nói. Vậy nên nhiều người khi cần thì lấy thế mạnh này mà làm nền tảng xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa trên một tầm mức vĩ mô chứ!”.
“Chú nói chữ nghe khét nghẹt à!”.
Ông vợ bỏ đi nói gì?
Hiếu làm nghề chạy xe ôm gần mười năm nay, theo Hiếu nói, ban đầu chạy xe ôm còn kiếm được vài đồng nuôi vợ con, nhưng càng về sau, nghề xe ôm càng ế ẩm, nó ế ẩm đến độ vợ anh sinh con, ở cữ, anh phải đi chạy từng bữa gạo và cô vợ ráng chịu đựng cảnh này cho đến khi đầy tháng, đặt tên cho con xong thì cô bỏ đi biệt tăm, sau đó gần một năm, cô có gửi thư về, nói là đang ở Bình Dương làm công nhân và gởi kèm cho anh hai triệu đồng để nuôi con. Từ đó về sau là bặt vô âm tín, anh lên Bình Dương vừa chạy xe ôm nuôi con vừa tìm cô, đến khi tìm không ra, mở lá thư ra đọc lại thì anh thấy dấu tem trên bì thư là của bưu điện Hải Phòng, như vậy lâu nay cô ấy ở Hải Phòng.
“Sau đó em gởi con cho ông bà nội để ra ngoài đó tìm nó, tìm là tìm vậy thôi để biết nó đang làm gì, sống ra sao chứ em biết chắc là thuyết phục nó không được đâu, vì nó đã quyết rồi mà, con nó mới tròn tháng mà nó còn bỏ thì nghĩa lý gì cái thằng xe ôm như mình chứ!”.
“Lúc cô ấy bỏ đi, Hiếu phải nuôi đứa nhỏ một tháng tuổi như thế nào? Chắc là đau lắm phải không?”.

Thiệt tình thì em cũng đau lắm nhưng mà hình như bọn thanh niên nghèo tụi em đã quen cảnh này, bạn bè em bị vậy cũng nhiều lắm, nhiều đứa nó đẻ con trong bệnh viện rồi bỏ trốn luôn nữa anh ơi! Chuyện này ở đây là thường xuyên, như cơm bữa, riết thành quen, hết có đau khổ gì anh à! Chỉ tội mấy đứa nhỏ, tương lai nó mù mịt, bây giờ cứ có tiền là có tất cả thôi, kể cả việc có vợ của người khác hầu hạ, còn mình không có tiền thì vợ mình nó bỏ đi theo thằng khác, đời mà! Phải chi mình có đất đai, có tiền của thì vợ mình nó đâu có thèm theo thằng khác!”.
“Em có định tìm một cô nào đó để đi tiếp một bước nữa?”.
“Ui thôi, lạy anh, bao giờ mà em giàu lên rồi anh hỏi câu đó, bây giờ em chạy xe ôm, ngày nào trúng mánh thì kiếm được hai trăm là ngất ngây thì kiếm thêm con khác làm chi để tới hồi đó nó đẻ ra một đứa nữa rồi lại bỏ đi.
Ðàn ông ở đây chỉ được cái tốt bụng, chẳng tài cán gì mấy, những thằng tài cán thì vợ đâu có bỏ đi, bởi nó làm quan, làm doanh nhân, nó biết vắt sức của người khác…”.

“Không lẽ bế tắc vậy sao Hiếu?”.
“Chứ gì nữa anh! Hỏi anh ở đây có mấy đứa đủ tiền mà ăn học hết lớp 9 chứ đừng nói tới 12. Làm ăn thì bữa được bữa mất, nghề lưới thì úp nồi, nghề khác thì cũng chẳng hơn chi, đi làm thuê thì được mấy đồng lắm! Hoàn cảnh cả mà! Số phận nó vậy!”.
Hiếu quy mọi chuyện vào hai chữ “số phận” và nghĩ nó nhẹ hều bởi đây giống như số phận chung của vùng miền. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, nếu có một chính quyền giỏi và tốt thì sa mạc cũng biến thành vườn cây trái xanh tươi trù phú được, huống chi đồng bằng sông Cửu Long đã từng trù phú, màu mỡ nhất Ðông Nam Á..
HL