Menu Close

Dương Thiệu Tước (Kỳ 2)

kỳ 2

Tới đây xin đi vào sự nghiệp tình ca của Dương Thiệu Tước.

Có người nói rằng, Dương Thiệu Tước chỉ sáng tác một bản nhạc tình là Bóng Chiều Xưa, nhưng thực ra, trừ một vài bản có chủ đề đặc biệt như Tiếng Xưa, Ơn Nghĩa Sinh Thành, hầu hết các ca khúc còn lại của Dương Thiệu Tước đều là tình ca như nhà thơ Nguyễn Ðình Toàn đã nhận xét trong cuốn Bông Hồng Tạ Ơn, “Ngoại trừ bản Bóng Chiều Xưa, một tình khúc có vẻ như vì tình mà được viết ra, các ca khúc khác của Dương Thiệu Tước, tình thường là bối cảnh. Người ta không biết ông yêu người hơn hay yêu cảnh hơn? Cũng có thể vì ông yêu người, nên ông cũng yêu cảnh và ngược lại.”  Và theo suy nghĩ của chúng tôi, sở dĩ nhiều người không nhận ra cái chất tình trong các ca khúc của Dương Thiệu Tước, bởi vì tình của ông thiết tha mà nhẹ nhàng, đằm thắm mà kín đáo, chứ không say đắm lộ liễu, không chất ngất hạnh phúc, mà cũng chẳng tuyệt vọng nức nở, ai oán thảm sầu. Tình trong nhạc Dương Thiệu Tước là những lời thơ, những bức họa, mơ hồ bàng bạc trong ánh trăng, thấp thoáng đâu đó dưới sóng nước hay thẹn thùng e ấp bên luống hoa. Dường như, qua các sáng tác của mình, Dương Thiệu Tước đã thể hiện một nhân sinh quan hơi khác lạ, ông thích đứng ở vị trí một người thưởng ngoạn, hơn là hòa nhập vào cuộc đời. Dưới đây là một ví dụ:

Mời nghe: Áng Mây Chiều-Dương Thiệu Tước-ca sĩ Quỳnh Giao

minh-trang
Minh Trang

Nếu trong nhạc tình của Văn Cao có một người đẹp huyền thoại là nữ ca sĩ Hoàng Oanh, thì trong nhạc tình của Dương Thiệu Tước cũng có một người đẹp huyền thoại, đó là nữ ca sĩ Minh Trang. Ðiểm khác nhau là trước kia Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao chỉ một lần duy nhất, rồi về lên xe hoa, còn Minh Trang sau này ra Hà Nội hát lần đầu tiên, gặp gỡ Dương Thiệu Tước để rồi ở lại trao thân gửi phận một đời. Ðiểm giống nhau, là cả hai người đẹp huyền thoại này đều trở thành nguồn cảm hứng cho 2 tình khúc bất hủ trong nền tân nhạc Việt Nam. Bến Xuân của Văn Cao và Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước. Như chúng tôi đã trình bày, Dương Thiệu Tước là một con người tài hoa, nhạc của ông là nhạc quý phái. Giờ đây ông lại chọn Ngọc Lan, loài hoa quý phái nhất, để làm biểu tượng cho người tình, thì tác phẩm ấy phải là một sự kết hợp của mọi tinh hoa và sang quý. Cung điệu và nét nhạc của bản Ngọc Lan khiến người nghe liên tưởng đến một đoản khúc nào đó trong nhạc cổ điển Tây Phương, với tiếng dương cầm thánh thót dạo đầu, để giới thiệu tiếng vĩ cầm dìu dặt vươn lên. Chúng ta có thể nghe bản Ngọc Lan qua link này:

Mời nghe: Ngọc Lan-Dương Thiệu Tước-ca sĩ Thái Thanh

duong-thieu-tuoc-va-minh-trang
Dương Thiệu Tước và Minh Trang
bia-nhac-ngoc-lan
Bìa nhạc Ngọc Lan

Xưa nay người ta thường xưng tụng một đôi uyên ương xứng đôi vừa lứa là trai tài gái sắc, nhưng riêng trong trường hợp Dương Thiệu Tước – Minh Trang, có lẽ chúng ta phải gọi là, trai tài hoa, gái tài sắc, bởi vì Minh Trang có khá nhiều tài. Còn nhớ khoảng giữa thập niên 1960, khi không còn ca hát nữa, Minh Trang đã phụ trách chương trình Nhạc Cổ Ðiển Tây Phương Dẫn Giải trên đài phát thanh Sài Gòn, đem lại một món ăn tinh thần hiếm quý cho thính giả. Theo chúng tôi được biết, từ ngày miền Nam giành được độc lập từ tay người Pháp, đây là lần đầu tiên đài phát thanh Sài Gòn có một chương trình như thế. Nhờ đó, những người yêu nhạc mà không có cơ hội, phương tiện tìm hiểu thưởng thức,  trong số đó có chúng tôi, đã được làm quen với thế giới tuyệt vời và vô cùng tận của nhạc cổ điển Tây Phương. Trở lại với chuyện tình Dương Thiệu Tước-Minh Trang, nếu bản Ngọc Lan là lời tỏ tình của chàng, thì Bóng Chiều Xưa chính là sự hòa điệu của uyên ương nay đã thành đôi. Bóng Chiều Xưa không chỉ là sáng tác chung của Dương Thiệu Tước-Minh Trang mà còn được chính hai người Loan Phụng Hòa Minh trên đài Pháp Á vào thuở thanh bình xa xưa cũ. Cũng cần nói thêm, ngoài tài viết nhạc và trình diễn nhạc, Dương Thiệu Tước còn có tài ca hát dưới cái tên ca sĩ Vân Hải. Về phần nhạc, Bóng Chiều Xưa được viết theo thể điệu Tango chuẩn xác của vũ trường, mà những người yêu thích nghệ thuật khiêu vũ, chỉ cần nghe mấy nốt dạo đầu, cũng đã cảm thấy háo hức và nhún nhảy đôi chân. Thế nhưng, cũng qua bản Bóng Chiều Xưa, Dương Thiệu Tước đã lại một lần nữa cho thấy, trong khi luôn luôn theo khuôn mẫu của nhạc Tây Phương, ông vẫn có những nét đáng yêu độc đáo, mà chúng tôi xin được gọi là nét nhạc Dương Thiệu Tước. Cách đây 12 năm, Dương Thiệu Tước qua đời âm thầm tại Việt Nam, nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông nói chung, tình ca nói riêng, vẫn mãi sáng chói và được đặt để một vị trí trân trọng nhất trong nền tân nhạc Việt Nam, và trong lòng người ái mộ. Mối tình huyền thoại Dương Thiệu Tước-Minh Trang sẽ được luôn ghi nhớ, bởi một chiều ái ân đã được đưa lên dòng nhạc ấy, không còn là của riêng hai người, mà là của bất cứ những ai đã từng yêu, và một đời mãi nhớ.

bia-nhac-bong-chieu-xua
Bìa nhạc Bóng Chiều Xưa

Mời nghe: Bóng chiều xưa-Dương Thiệu Tước-ca sĩ Khánh Ly

https://www.youtube.com/watch?v=he4snIxbPIo

HN

Chú thích của Thanh Thư

Kể thêm về cảm hứng của Dương Thiệu Tước, khi ông sáng tác bài Ðêm Tàn Bến Ngự.

Trong một bài báo “Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và câu chuyện Ðêm Tàn Bến Ngự” của Thanh Ngọc, Thanh Ngọc kể:

“Lạ lùng thay, cũng trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có một chuyến rời Hà Nội đến Huế rồi vào Sài Gòn; để rồi từ Huế, âm nhạc Dương Thiệu Tước được chắp cánh bởi lời ca của một người con gái Huế, ca sĩ Minh Trang. Minh Trang là cháu ngoại của Bà Chúa Nhứt là chị ruột vua Thành Thái. Minh Trang từ nhỏ đã thuộc nhiều làn điệu dân ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, Kìm Tiền, Lưu Thủy.

Những năm 40, tiếng hát của Minh Trang phát trên sóng phát thanh hay đến nỗi nhiều nhạc sĩ miền Bắc hồi đó đã gửi bài hát về nhờ ca sĩ hát, trong đó có các nhạc sĩ Vũ Thành, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Khánh, Thẩm Oánh… và cả Dương Thiệu Tước. Rồi như duyên tiền định, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bất ngờ gặp ca sĩ Minh Trang trong một lần ca sĩ ra Hà Nội hát, mở ra một kết cục có hậu sau này cho cuộc tình nghệ sĩ.

Quay trở lại thời gian dừng chân ở Huế, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sưu tầm và ký âm rất nhiều làn điệu dân ca Huế. Cũng trong thời gian này, Dương Thiệu Tước đã có những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân tộc, trong đó có cả nhạc phẩm “Tiếng Xưa”, mở đầu cho nhiều ca khúc mang âm hưởng dân tộc sau này. Sau những ngày lênh đênh trên sông, Dương Thiệu Tước quyết định rời Cố đô vào Sài Gòn sinh sống.

Trước ngày lên đường, Dương Thiệu Tước được bạn bè tổ chức nhiều cuộc rượu tiễn đưa. Ðêm cuối cùng rời Huế, chiếu rượu giang hà ngập sương trăng được một người bạn bày ra trong một con thuyền trôi trên Bến Ngự. Cho đến khi vầng trăng hạ tuần lên đầu non về sáng, Dương Thiệu Tước chợt nhiên đứng dậy, ra đầu mũi thuyền ngồi một mình, mắt suy tư nhìn ra cửa sông mơ hồ bảng lảng. Nhạc hứng bỗng từ đâu giữa trời đầy trăng sao sông nước dâng lên, Dương Thiệu Tước vội vàng lấy giấy ra ghi lại ngay bên mạn thuyền. Nhạc sĩ viết một mạch xong ca khúc, trở vào khoang thuyền đặt bài hát vừa hình thành dưới ngọn đèn dầu và cất tiếng ca tặng bạn. Những người tham dự cuộc rượu tiễn đưa lòng ai nấy đều nao nao trong ánh trăng sáng ven trời. Dương Thiệu Tước hát xong liền đặt tên cho sáng tác mới này là “Ðêm Tàn Bến Ngự”.

Có thể nghe Ðêm Tàn Bến Ngự tại:

http://baothuathienhue.vn/nhac-si-duong-thieu-tuoc-va-cau-chuyen-dem-tan-ben-ngu-a29120.html